17/03/2015
Trong mọi trường hợp, Thẩm phán không được ra lệnh bắt bị cáo để tạm giam
Trong mọi trường hợp, Thẩm phán không được ra lệnh bắt bị cáo để tạm giam - Câu hỏi bán trắc nghiệm Luật Tố tụng Hình sự có đáp án.

Đây là khẳng định sai, vì: thẩm quyền ra lệnh bắt bị cáo để tạm giam đã được quy định tại khoản 1 Điều 80 BLTTHS: 

“Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam: 
... 
b) Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp; 

c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử; ...” 

Theo quy định này thì thẩm phán cũng có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Tuy nhiên, không phải mọi thẩm phán mà chỉ những thẩm phán theo quy định cụ thể trên mới có thẩm quyền này. Mà cụ thể: Điểm b khoản 1 Điều 80 BLTTHS qui định “Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp” có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam. 

Vậy yêu cầu đặt ra là gì? 

Luật tổ chức Toà án nhân dân không quy định Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp phải là thẩm phán, nhưng lại quy định Chánh án, Phó Chánh án TAND tối cao là thành viên hội đồng thẩm phán (Điều 21); Chánh án, Phó Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là thành viên uỷ ban thẩm phán (Điều 29); Chánh án Toà án quân sự trung ương là Phó Chánh án TAND tối cao (Điều 35). Như vậy, trên thực tế, họ đều phải là thẩm phán và theo quy định tại Điều 80 BLTTHS thì họ có quyền bắt bị cáo để tạm giam. 

Về điểm c khoản 1 Điều 80: Đây là quy định mới so với BLTTHS trước đây. Hiện nay, chỉ có 3 Toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM. Trước đây, điểm c khoản 1 Điều 62 BLTTHS năm 1988 quy định “Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Toà án quân sự cấp quân khu trở lên chủ toạ phiên toà” có quyền ra lệnh bắt bị cáo để tạm giam. 

Như vậy, có thể thấy BLTTHS 2003 đã quy định theo hướng thu hẹp những người có quyền bắt bị cáo để tạm giam. Việc quy định như vậy là nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của bị cáo, đồng thời đề cao quyền và trách nhiệm của người có quyền bắt bị cáo để tạm giam. Đối với 2 trường hợp được quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 80 nêu trên về thẩm quyền quyết định bắt bị cáo để tạm giam thì hình thức văn bản sẽ là “Lệnh bắt và tạm giam” (điểm b Điều 9 Nghị quyết 03/2004/HĐTP).

No comments:

Post a Comment