Thủ tục bắt buộc chữa bệnh trong tố tụng hình sự
Tình huống:
Ngày 27/4/2012, anh Bùi Văn Bạn, sinh năm 1952, ở phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh, Thành Phố Hải Phòng) có tiền sử bị bệnh tâm thần, do mâu thuẫn đã dùng gậy đuổi đánh chị Đỗ Thị Hường, sinh năm 1962, khiến chị bị ngã và gãy xương cánh tay, thương tích được xác định đối với chị Đỗ Thị Hường là làm giảm 13% sức lao động.
Đến giai đoạn đưa vụ án ra xét xử, gia đình đề nghị đến TAND quận về việc Bạn bị bệnh tâm thần phải điều trị thường xuyên. TAND quận trưng cầu giám định đối với Bạn.
Bình luận cách giải quyết theo quy định của pháp luật
Căn cứ pháp lý: quy định tại Chương XXXIII. Thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Bộ luật Tố tụng hình sự (cụ thể từ Điều 311 đến Điều 314).
“Điều 311. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật hình sự thì tùy theo giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y.”
Khi gia đình anh Bạn đưa ra những căn cứ, giấy tờ cho biết anh Bạn bị bệnh tâm thần, đã có những giấy tờ chứng minh đang khám và chữa bệnh theo định kỳ tại khoa Thần kinh, bệnh viện Việt Đức, TAND quận đã có quyết định trưng cầu giám định pháp y đối với anh Bạn, để xác minh rõ năng lực trách nhiệm hình sự của Bạn.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã làm sáng tỏ:
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra là hành vi cố ý gây thương tích cho người khác, cụ thể là nạn nhân bị thương tích 13%.
- Khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, Bạn không có đầy đủ năng lực hành vi và khả năng nhận thức.
- Sau khi bị tạm giam, Bạn bị tái phát chứng bệnh tâm thần phân liệt.
Sau khi đã căn cứ vào kết quả của Hội đồng giám định pháp y cho rằng anh Bạn bị tâm thần trong thời gian bị tạm giam.Vậy nên căn cứ theo Khoản 1 Điều 314 Bộ luật tố tụng hình sự:
“1. Tòa án có thể ra một trong những quyết định sau đây:
A) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
B) Đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
C) Tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
D) Trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung.”
TAND quận Dương Kinh đã ra quyết định: Đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với anh Bùi Văn Bạn căn cứ theo Điểm b khoản 1, Điều 314 BLTTHS năm 2004.
Bình luận cách giải quyết của TAND:
Nhóm chúng em cho rằng cách giải quyết trên của Tòa án là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Theo Khoản 2 Điều 311 BLTTHS: “2. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.”. Như vậy, vụ án đã chuyển sang giai đoạn xét xử thì mới phát hiện có căn cứ cho rằng anh Bạn mắc bệnh tâm thần, cho nên trường hợp quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với anh Bạn là quyết định của Tòa Án là hoàn hợp lí.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân quận kinh dương áp dụng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 314 là hoàn toàn hợp lí vì:
Theo Khoản 2 Điều 13 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì trường hợp người phạm tội trong khi có năng lựa trách nhiệm hình sự, nhưng lâm vào tình trạng mất bệnh tâm thần trước khi bị kết án. Thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời theo Điều 160,180 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, thì trong trường hợp này Bạn mắc bệnh tâm thần và có chứng nhận của hội đồng pháp y thì Thẩm phán phân công thụ lý vụ án có thể ra quyết định Đinh chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Vậy nên Tòa án nhân dân quận Kinh Dương giải quyết như trên là hoàn toàn hợp lý.
Quan điểm của nhóm về cách giải quyết tình huống hay hoàn thiện pháp luật :
Cách giải quyết vụ việc như trên của TAND quận Dương Kinh là phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên, theo tìm hiểu trên thực tế áp dụng pháp luật còn rất nhiều vướng mắc trong giám định mà giải quyết vướng mắc án liên quan đến người mắc bệnh tâm thần. Nhóm chúng em xin chỉ đưa ra một số ít tình trạng về vấn đề giải quyết vụ án liên quan đến người mắc bệnh tâm thần trên thực tế như sau.
Cơ quan giám định yêu cầu phải có người trông coi, quản lý bị cáo và chi phí giám định khá lớn là khó khăn cho cơ quan Tòa án. Trong khi đó, pháp luật không quy định rõ trong cơ quan tư pháp nào có trách nhiệm đưa đối tượng này đi giám định hoặc bắt buộc chữa bệnh. Thực tế hiện nay, cơ quan tiến hành tố tụng nào trưng cầu giám định tâm thần thì cơ quan đó phải thanh toán tiền giám định. Khoản tiền giám định tâm thần khá lớn nên có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trưng cầu giám định giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án.
Thực tiễn tố tụng vụ án, bị can, bị cáo phải trưng cầu giám định tâm thần nhiều lần và cho kết quả khác nhau. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng không quy định việc giám định lại được thực hiện bao nhiêu lần và kết quả của lần giám định nào là kết quả chính thức được sử dụng trong giải quyết vụ án. Việc giám định lại hay không tùy thuộc vào cơ quan tố tụng, do đó sẽ rất khó kiểm soát, bảo đảm tính khách quan. Trong khi đó, những người tiến hành tố tụng gồm điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là những người có quyền đánh giá các kết luận giám định để làm căn cứ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, lại không có chuyên môn về lĩnh vực chuyên ngành giám định nên khó tránh được sai lầm chủ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Bắt buộc chữa bệnh là một biện pháp có tính chất cưỡng chế của Nhà nước được áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người bị kết án trong những trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. Đây chỉ là một biện pháp tư pháp buộc người bệnh phải được điều trị tại cơ sở chuyên khoa y tế do nhà nước quy định, không phụ thuộc vào ý chí của người bệnh hay người đại diện hợp pháp, người thân của người bị áp dụng biện pháp này. Do vậy, biện pháp này không có mục đích trừng phạt, cải tạo, giáo dục như hình phạt. Pháp luật cũng không quy định thời hạn cụ thể đối với người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và tùy từng trường hợp, người bệnh còn có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Do chưa có những hướng dẫn, quy định cụ thể, việc áp dụng trên thực tế nảy sinh những bất cập, dễ tạo kẽ hở cho các tiêu cực phát sinh.
Hơn nữa, sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, việc quản lý người bệnh do cơ sở y tế đảm nhiệm. Tuy nhiên, việc quản lý người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ sở y tế còn lỏng lẻo. Có trường hợp người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn và tiếp tục phạm tội, thậm chí phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người… Một số vụ việc người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn về địa phương, tiếp tục phạm tội và đe dọa người bị hại, dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp, các cơ quan tố tụng phải xác minh, giải quyết kéo dài.
Những vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án mà đối tượng mắc bệnh tâm thần không chỉ khó khăn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn gây nhiều thắc mắc, bức xúc trong dư luận. Bởi lẻ, kẻ tâm thầm lại cầm đầu, chỉ huy được ổ nhóm tội phạm nguy hiểm, mà không bị xử lý về hình sự.
No comments:
Post a Comment