05/11/2014
Tìm hiểu về vai trò Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam trong việc đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm và đề xuất một số giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức này. - Bài tập nhóm - môn Kinh Doanh Bảo Hiểm
I.KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

II. VAI TRÒ CỦA HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA HIỆP HỘI TRONG VIỆC GIÁM SÁT THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM



Ngày 25/12/1999, Đại hội thành lập Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam được tiến hành theo quyết định phê duyệt của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ nay là Bộ Nội vụ Quyết định số 51/1999/QĐ-BTCCBCP ngày 09/7/1999. Tham dự đại hội có 10 doanh nghiệp bảo hiểm thành viên sáng lập Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Từ đó đến nay Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã từng bước trưởng thành và phát triển đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.


1. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã động viên và tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam hoạt động, phát triển theo đúng định hướng chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.

- Quy mô thị trường ngày càng mở rộng: Năm 1999 mới có thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (nhân thọ đang triển khai thí điểm) với 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (mới được cấp phép). Đến nay đã có 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (11 doanh nghiệp có vốn nước
ngoài), 11 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (10 doanh nghiệp có vốn nước ngoài). Mạng lưới hoạt động được mở rộng với gần 500 chi nhánh công ty thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, hơn 2000 phòng giao dịch phủ khắp các quận huyện vùng sâu vùng xa. Không có một cơ sở sản xuất, kinh tế xã hội nào là không được doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận tuyên truyền giới thiệu sản phẩm và động viên tham gia bảo hiểm.

- Số lượng sản phẩm ngày càng đa dạng phong phú: Năm 1999 mới có 200 sản phẩm bảo hiểm, đến nay đã có gần 700 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ (trong đó có 3 sản phẩm bảo hiểm bắt buộc), hơn 100 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Các sản phẩm bảo hiểm có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và mang tính cạnh tranh cao để khách hàng lựa chọn. Các sản phẩm bảo hiểm cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế xã hội, phù hợp với từng tầng lớp dân cư và đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật bảo hiểm cao như bảo hiểm dầu khí, hàng không, vệ tinh, đóng tàu, xây dựng cao ốc, công trình ngầm…

- Tăng trưởng doanh thu với tốc độ cao: Năm 1999, doanh thu mới đạt 1.700 tỷ đồng. Đến năm 2008, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt 10.879 tỷ đồng (tăng trưởng 30%), nhân thọ đạt 10.399 tỷ đồng (tăng trưởng 12%). Năm 2009, mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng doanh thu phi nhân thọ vẫn tặng trưởng ước 20% (13.100 tỷ đồng), nhân thọ tăng trưởng ước 12% (11.700 tỷ đồng). Đặc biệt bảo hiểm phi nhân thọ đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2003 – 2010 là 9.000 tỷ đồng ngay từ năm 2008.

- Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng mạnh: Năm 1999, toàn ngành bảo hiểm có vốn chủ sở hữu 979 tỷ đồng, dự phòng nghiệp vụ 2.019 tỷ đồng. Đến 2008, vốn chủ sở hữu lên tới 17.850 tỷ đồng, dự phòng nghiệp vụ 40.430 tỷ đồng, đầu tư vào phát triển nền kinh tế quốc dân 57.000 tỷ đồng. Năm 2009, ước tính vốn chủ sở hữu 19.000 tỷ đồng, dự phòng nghiệp vụ 50.000 tỷ đồng. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có vốn trên 1.000 tỷ đồng đến trên 2000 tỷ đồng như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Việt nhân thọ, Bảo Minh, PVI, Vinare, Prudential, Manulife. Năng lực tài chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm tăng mức giữ lại, ít phải tái bảo hiểm đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm đi sâu thêm vào các dịch vụ tài chính như thành lập công ty chứng khoán, công ty tài chính, công ty quản lý quý thậm chí thành lập ngân hàng.

- Đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước: Ngành bảo hiểm thực là tấm lá chắn kinh tế cho nền kinh tế xã hội, mỗi năm bồi thường 55% doanh thu phí bảo hiểm cho các cơ sở kinh tế

- xã hội và người dân tham gia bảo hiểm gặp rủi ro thiên tai, tai nạn, góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Ngành bảo hiểm đã góp phần đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các dự án được tài trợ của nước ngoài góp phần thu hút vốn FDI và ODA. Ngoài ra ngành bảo hiểm tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn 69.000 tỷ đồng, đầu tư phát triển đất nước, tạo ra công ăn việc làm cho 15.000 cán bộ bảo hiểm và gần 150.000 đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp.

2. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến phản biện các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo môi trường pháp lý cho kinh doanh bảo hiểm.

Hiệp hội đã tổ chức hội thảo, khảo sát thực tế, tổng hợp ý kiến phân tích kiến nghị của các doanh nghiệp bảo hiểm vào các văn bản pháp quy như Luật Kinh doanh bảo hiểm (ban hành năm 2000), các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm như Nghị định 42, Nghị định 43 (2001), Nghị định 45, Nghị định 46 (2007), Nghị định 118 (2003), các thông tư hướng dẫn: Thông tư 71, Thông tư 72 (2001), Thông tư 98, Thông tư 99 (2004), Thông tư 155, Thông tư 156 (2007). Các văn bản pháp quy khác liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm như Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông thuỷ nội địa, Luật Hàng hải, Luật Hàng không, Luật Du lịch, Bộ luật Dân sự, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định 130 về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Nghị định 103 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, Nghị định 125 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự người kinh doanh vận tải thuỷ nội địa đối với hành khách và hàng hoá dễ cháy, dễ nổ.

3. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam mang tiếng nói của các doanh nghiệp bảo hiểm phản ảnh những khó khăn vướng mắc trong cơ chế chính sách thủ tục tìm giải pháp tháo gỡ.

Hiệp hội đã kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước giải quyết một số sự việc cho thị trường bảo hiểm Việt Nam như không thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đại lý bảo hiểm (2003), không thu thuế giá trị gia tăng đối với tái bảo hiểm, bảo hiểm vận tải quốc tế, bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu, bảo hiểm vào khu chế xuất (2004), ban hành thông tư hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (2005), ban hành thông tư hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân đối với đại lý bảo hiểm (2009).

Hiệp hội đang kiến nghị với các cơ quan chức năng giải quyết một số vướng mắc trong cơ chế chính sách thủ tục: thuế nhà thầu với tái bảo hiểm ra nước ngoài, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bất cập giữa Luật Cạnh tranh và Luật Kinh doanh bảo hiểm, bất cập giữa thời gian cấp phép hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm với thời hạn của hợp đồng bảo hiểm…

4. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng doanh nghiệp bảo hiểm tư vấn, phản biện xây dựng các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc.

Hiệp hội đã tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế, hội thảo nhằm xây dựng chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự người vận tải hành khách hàng hoá dễ cháy dễ nổ thuỷ nội địa. Đóng góp ý kiến phản biện để xây dựng quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới: Quyết định 23/2003, Quyết định 23/2007, Thông tư 126/2008 của Bộ Tài chính. Quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự người kinh doanh vận tải hành khách hàng hoá dễ cháy dễ nổ (Quyết định 98/2005); Quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (Quyết định 28/2007).

5. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam làm tốt công tác tuyên truyền về bảo hiểm nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về ý nghĩa, tác dụng, vai trò của bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm và các hoạt động của ngành bảo hiểm.

Hiệp hội là nơi cung cấp số liệu thông tin về thị trường bảo hiểm Việt Nam hàng quý, hàng năm , có bài viết tổng quan phân tích đánh giá thị trường qua các số liệu trên. Hiệp hội có nhiều bài viết, phóng sự, trả lời phỏng vấn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Hiệp hội có trang web luôn cập nhật thông tin mới nhất của ngành bảo hiểm, bản tin Bảo hiểm và đời sống ra hàng tháng, Bản tin Số liệu thị trường bảo hiểm ra hàng quý với số lượng 1.000 cuốn/kỳ. Hiệp hội đã xây dựng được 2 cuốn cẩm nang bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ giành cho khách hàng. Hằng năm Hiệp hội tổ chức ngày truyền thống (ngày bảo hiểm) mít tinh và chiêu đãi các cơ quan hữu quan và khách hàng tuyên truyền về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hiệp hội đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức Hội nghị tuyên truyền về vai trò của của bảo hiểm nhân thọ với nền kinh tế xã hội, phát triển sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư…

6. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam luôn quan tâm đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành bảo hiểm.

Hiệp hội đã xây dựng giáo trình đào tạo đại lý bảo hiểm phi nhân thọ, nội dung chương trình đào tạo, ngân hàng đề thi trắc nghiệm và trực tiếp đào tạo được gần 1.000 đại lý, được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tiếp nhận chương trình đào tạo.
Hiệp hội phối hợp với Học viện Tài chính xây dựng nội dung chương trình đào tạo cán bộ quản lý cấp giám đốc chi nhánh và trưởng phòng, đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm hàng hoá, bảo hiểm xây dựng lắp đặt và đào tạo bảo hiểm cơ bản, đã đào tạo được hơn 1.000 lượt người.

Hiệp hội đã phối hợp với Học viện Tài chính đào tạo cử nhân văn bằng 2 về bảo hiểm và đang phối hợp với trường Đại học Kinh tế quốc dân mở lớp đào tạo thứ 2, Hiệp hội đã phối hợp với Học viện Bảo hiểm Malaysia đào tạo hơn 100 người các khoá bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm xây dựng lắp đặt.

Hiệp hội phối hợp với Học viện Bảo hiểm phi nhân thọ Nhật hàng năm đào tạo từ 3 – 4 người theo chương trình đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ do bạn tài trợ. Hiệp hội phối hợp với nhiều tổ chức bảo hiểm quốc tế tổ chức hội thảo về các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm, quản lý bảo hiểm, công nghệ thông tin, hạch toán, kế toán.

7. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là ngôi nhà chung của các doanh nghiệp bảo hiểm vừa hợp tác vừa cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển.

Hiệp hội đã ban hành quy tắc ứng xử giữa các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên; ban hành Bản thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hoá, tàu thuỷ, xe cơ giới, học sinh; ban hành quy chế xử lý của các doanh nghiệp bảo hiểm đối với đại lý bảo hiểm nhân thọ thuộc danh sách đen. Đặc biệt Hiệp hội đã đầu tư hệ thống phần mềm và máy chủ cập nhật danh sách đại lý bảo hiểm nhân thọ và đại lý thuộc danh sách đen để hạn chế cạnh tranh bằng cách tranh giành đại lý, sử dụng đại lý bảo hiểm bán bảo hiểm cho 2 doanh nghiệp bảo hiểm trở lên hoặc đại lý thuộc danh sách đen vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm và pháp luật khác.

Hiệp hội đã ban hành mẫu đơn bảo hiểm xây dựng lắp đặt tạo điều kiện cho các chủ dự án, chủ thầu, nhà thầu, môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Hiệp hội đã ban hành quy tắc điều khoản mẫu của bảo hiểm nhân thọ nhằm thống nhất sử dụng các điều khoản từ ngữ, thuật ngữ có cách hiểu chung thuận lợi cho khách hàng và trong việc phê duyệt sản phẩm.

Hiệp hội có các Ban nghiệp vụ bán chuyên trách như Bảo hiểm tai nạn chăm sóc y tế con người, bảo hiểm xe cơ giới, Bảo hiểm hàng hoá, Bảo hiểm tàu biển, Bảo hiểm xây dựng lắp đặt, Bảo hiểm cháy nổ, Quản lý đại lý, pháp chế… gồm trưởng các bộ phận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Sáu tháng một lần các ban trên họp đánh giá phân tích thị trường và hoạt động bảo hiểm, đưa ra những khuyến nghị và chương trình hoạt động đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm (CEO) thống nhất cách giải quyết.

8. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam được giao quản lý Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới, có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền giáo dục đảm bảo an toàn giao thông đề phòng hạn chế tổn thất.

Hiệp hội đã tổ chức nhiều nội dung và chương trình tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới như các bài viết, phóng sự, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng; in áp phích, tờ rơi tuyên truyền, khảo sát, học tập bảo hiểm xe cơ giới các nước trong khu vực, tài trờ và trao thưởng cho hội thi lái xe an toàn toàn quốc. Từ năm 2005 đến nay, Hiệp hội đã tài trợ hơn 12 tỷ đồng xây dựng các công trình khắc phục điểm đen tai nạn giao thông tại thị xã Bắc Giang; Cầu Giẽ Phú Xuyên; Tam Điệp Ninh Bình; Hà Trung Thanh Hoá; cửa ngõ thành phố Vinh; Gia Nghĩa Đắc Nông và đang tiến hành các công trình tại Kontum, Bắc Cạn, Gia Lai, Nam Định.

9. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín, vai trò trên thị trường bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm thấy được lợi ích của mình khi tham gia Hiệp hội, 100% doanh nghiệp bảo hiểm có mặt trên thị trường bảo hiểm Việt Nam đều là hội viên Hiệp hội. Đến nay đã có 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 11 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm là hội viên chính thức. Vai trò của Hiệp hội đã ảnh hưởng tích cực đến khối các tổ chức có hoạt động liên quan tới bảo hiểm và các tổ chức này gia nhập Hiệp hội với tư cách hội viên chính thức như các công ty môi giới bảo hiểm, các công ty tư vấn giám định bảo hiểm, các văn phòng đại diện bảo hiểm nước ngoài, các trường đào tạo đại học bảo hiểm (25 hội viên liên kết).

Hiệp hội là nơi cung cấp, cập nhật thông tin, đánh giá tổng hợp thị trường bảo hiểm Việt Nam, là địa chỉ đáng tin cậy của các phóng viên báo chí. Hiệp hội là nơi tham vấn ý kiến và các văn bản pháp quy, cơ chế chính sách, chế độ thủ tục hành chính liên quan đến các cơ quan soạn thảo văn bản. Hiệp hội là nơi để các tổ chức kinh tế xã hội và khách hàng bảo hiểm trình bày những vướng mắc, những khiếu nại liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm và được giải quyết kịp thời thông qua đường dây nóng, email và thư tín gửi về Hiệp hội.

Vai trò của Hiệp hội được Bộ Tài chính ghi nhận là cầu nối giữa cơ quan quản lý với các doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là cầu nối của khách hàng cũng như người có nhu cầu bảo hiểm với các doanh nghiệp bảo hiểm.

10. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò của mình trong quan hệ quốc tế.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là thành viên của Hội đồng Bảo hiểm các nước ASEAN (AIC) và kỳ họp thứ 35 tại Lào tháng 10/2009 đảm nhận chức chủ tịch AIC điều hành Hội nghị và tiếp tục điều hành hội nghị AIC 36 tại Philippines năm 2010. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có quan hệ tốt và có uy tín với các Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ các nước Đông Nam Á, Nhật bản. Hiệp hội có quan hệ rộng rãi với các tổ chức bảo hiểm quốc tế như Swissre, Munichre, AXA…

Có thể nói 10 năm qua ghi nhận sự trưởng thành, phát triển của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Hiệp hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần trợ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển hiệu quả, góp phần phất triển thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, đóng góp tích cực cho nền kinh tế xã hội.

No comments:

Post a Comment