11/11/2014
Thừa kế thế vị theo qui định tại BLDS năm 2005 - Bài tập học kỳ Luật Dân sự 1
Trong bất kỳ chế định của xã hội có giai cấp nào, thừa kế luôn là một vấn đề có vị trí quan trọng; xuất hiện ngay trong thời kỳ sơ khai của con người. Ngày nay, pháp luật về thừa kế ngày càng được xây dựng hoàn thiện, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và chế độ chính trị - xã hội của từng đất nước. Chính vì lẽ đó mà em lựa chọn một đề tài về thừa kế làm đề tài cho bài tập này đó là  “Thừa kế thế vị theo qui định tại BLDS năm 2005” làm bài tập học kì của mình.

NỘI DUNG

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ THỪA KẾ VÀ THỪA KẾ THẾ VỊ

1. Thừa kế và quyền thừa kế

1.1 Thừa kế:

Thừa kế với tư cách là một quan hệ của pháp luật dân sự, là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người trước khi  chết có quyền để lại tài sản của mình cho người khác, còn những người có quyền nhận di sản có thể nhận hoặc không nhận (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

1.2 Quyền thừa kế

Theo nghĩa rộng, quyền thừa kế là pháp luật về thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trình tự dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống.

Theo nghĩa hẹp, quyền thừa kế là quyền của người để lại di sản và quyền của người nhận di sản. Tuy nhiên các quyền này phải phù hợp với quy định cảu pháp luật nói chung và pháp luật về thừa kế nó riêng.

Điều 58 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để giành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác;...”. Do đó, các hình thức dịch chuyển di sản của người chết cho những người còn sống theo di chúc hoặc theo pháp luật là cơ sở để xác lập quyền sở hữu đối với di sản của người được nhận di sản.

Tóm lại, có thể hiểu quyền thừa kế là một trong những quyền của công dân được pháp luật của các quốc gia ghi nhận và có mối quan hệ chặt chẽ với quyền sở hữu. Đó là sự kế quyền tổng hợp của người còn sống đối với quyền và nghĩa vụ của người đã khuất.

2. Khái niệm thừa kế theo pháp luật và thừa kế thế vị

2.1 Thừa kế theo pháp luật

Điều 674 BLDS quy định: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế theo pháp luật”.

Thừa kế theo pháp luật là việc chuyển dịch tài sản của người chết để lại cho người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng.

Phạm vi những người thừa kế rất rộng nên trước khi phân chia tài sản thừa kế theo pháp luật cần xác định được diện và hàng thừa kế.

a. Diện thừa kế: Diện những người thừa kế là phạm vi những người có quyền hưởng di sản thừa kế của người đã chết theo quy định của pháp luật. Diện thừa kế được xác định trên ba mối quan hệ với người để lại di sản: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng.

Quan hệ hôn nhân xuất phát từ việc kết hôn (giữa vợ và chồng). Theo quy định của LUật HN&GĐ chỉ khi quan hệ vợ chồng được xác lập theo quy định của pháp luật mới được coi là hôn nhân hợp pháp. Tuy nhiên, do các diều kiện khách quan pháp luật nước ta còn thừa nhận trường hợp hôn nhân thực tế.

Quan hệ huyết thống là quan hệ sinh ra từ một gốc “ông tổ”.

Quan hệ nuôi dưỡng là quan hệ dựa trên cơ sở nuôi con nuôi được pháp luật thừa nhận giữa cha mẹ nuôi và con nuôi.

b. Hàng thừa kế: Việc xác định hàng thừa kế là xác định thứ tự được ưu tiên nhận thừa kế theo quy định của pháp luật. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền, bị truất hoặc hoặc từ chối nhận di sản.

Khoản 1 Điều 676 BLDS quy định hàng thừa kế theo thứ tự sau:

Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Hàng thừa kế thứ ba bao gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

c, Điều kiện hưởng di sản thừa kế của thừa kế theo pháp luật

Người thừa kế là người được hưởng di sản do người chết để lại theo chỉ định trong di chúc hoặc theo quy đinh của pháp luật. Người thừa kế theo pháp luật phải là cá nhân, những người này phải thuộc diện thừa kế và ở trong hàng thừa kế, được hưởng di sản thừa kế theo trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Tuy nhiên không phải mọi cá nhân đều thuộc diện và trong hàng thừa kế đều có quyền hưởng di sản mà những cá nhân đó phải thỏa mãn được các điều kiện sau:

Thứ nhất, Điều 635 BLDS quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống vào thời điểm mở thừa kế nhưng đã hành thai trước khi người để lại di sản chết....”. Như vậy, Quy định này xuất phát từ quan điểm người chết không thể có năng lực chủ thể để tham gia vào bất kỳ một quan hệ pháp luật nào nữa, Do đó, người thừa kế phải là người còn sống vòa thời điểm mở thưa kế hoặc sinh ra và còn sống nhưng đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế.

Mặt khác, Điều 643 BLDS quy định người không được quyền hưởng di sản bao gồm: “Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc hành vi ngược đãi nghiêm trọng. hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhâm phẩm của người đó; Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; Người có hành vi lừa dối, cưởng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, sử chữa di chúc,hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái ý trí của người để lại di sản”.

Do đó, những cá nhân được hưởng thừa kế theo pháp luật phải không thuộc vào một trong các trường hợp người không được quyền hưởng di sản tại Điều 643 BLDS và phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 635 BLDS.

2.2 thừa kế thế vị

Điều 677 BLDS quy định về thừa kế thế vị như sau: “Trong trường hợp con của nười để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Theo nguyên tắc chung, người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống nhưng đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp người có quyền hưởng thừa kế nhưng lại chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Vấn đề đặt ra ở đây là phần tài sản mà người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản đáng lẽ được hưởng nếu họ còn sống sẽ được giải quyết như thế nào? Từ đó, pháp luật nước ta không chỉ quy định người thừa kế là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế mà còn quy định việc thừa kế thế vị của các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị của cha hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng phần di sản của ông, bà hoặc cụ trong trường hợp cha hoặc mẹ (ông, bà) chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố mẹ mình (hoặc ông. bà) đáng lẽ được hưởng nếu họ còn sống, được chia đều di sản với những người khác. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh dựa trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ căn cứ di chúc.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỪA KẾ THẾ VỊ THEO QUY ĐỊNH CỦA BLDS 2005

1. Điều kiện hưởng thừa kế thế vị:

Thừa kế thế vị chỉ phát sinh dựa trên cơ sở thừa kế theo pháp luật, không phát sinh từ căn cứ di chúc. Thừa kế thế vị không phải là thừa theo pháp luật mà được hiểu là trình tự hưởng di sản do pháp luật quy định. Đối với trường hợp này, cháu, chắt phải được hiểu là người thừa kế thế vị chứ không phải là thừa kế theo trình tự hưởng thừa kế. Do đó, để hưởng thừa kế thế vị cần phải có những điều kiện sau:

Trước hết, người được hưởng thừa kế thế vị phải hỏa mãn điều kiện được quy định tại Điều 635 BLDS. Cháu (chắt) phải còn sống hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm ông, bà (cụ) chết nhưng đã thành thai trước đó, thì mới là người thừa kế thế vị.

Thứ hai, thừa kế thế vị cần phải có những điều kiện theo quy định của Điều 677 BLDS đó là: Cha, mẹ của cháu hoặc chắt chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc cụ; Cháu hoặc chắt chỉ được hưởng thừa kế thế vị di sản của ông, bà hoặc cụ phần di sản mà cha, mẹ của cháu hoặc chắt đáng lẽ được hưởng nếu còn sống.

Thứ ba, người thừa kế thế vị không thuộc vào các trường hợp quy định tại Điều 643 BLDS.

2. Quyền và nghĩa vụ của cháu chắt hưởng thừa kế thế vị

2.1 Quyền của cháu chắt hưởng thừa kế thế vị

Cháu, chắt được hưởng thừa kế thế vị được hưởng phần tài sản mà bố mẹ được hưởng theo pháp luật nếu còn sống. Việc cháu chắt được hưởng thừa kế thế vị là phương thức dịch chuyển tài sản trong trường hợp con, cháu thay thế vị trí của cha, mẹ hay ông, bà mình nhận thừa kế di sản từ ông, bà hoặc cụ phần di sản mà bố, mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

2.2 Nghĩa vụ của cháu chắt hưởng di sản thừa kế thế vị

Cháu, chắt khi hưởng di sản thừa kế thế vị cũng phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại cũng giống như việc cháu chắt phải thực hiện nghĩa vụ của tài sản của người chết để lại theo hàng. Nhưng trong thừa kế thế vị thì cháu, chắt là người được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu, chắt được hưởng nếu còn sống, nên khi cháu, chắt được hưởng thừa kế thế vị thì cháu, chắt chỉ phải thực hiện nghĩa vụ đối với phần tài sản mà cha, mẹ họ được hưởng nếu còn sống và nếu có nhiều cháu, chắt thì mỗi cháu, chắt chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng với phần tài sản mà mình đã nhận.

3. Các trường hợp hưởng thừa kế thế vị

3.1 Thừa kế thế vị trong trường hợp thông thường

Điều 677 BLDS quy định: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Theo quy định của Điều này thì thừa kế thế vị là việc con, cháu thay thế vị trí của cha hoặc mẹ hưởng thừa kế di sản từ ông, bà hoặc cụ của mình phần di sản mà đáng lẽ bố mẹ cháu được hưởng nếu còn sống. Trường hợp này ta chỉ xét đến thừa kế thế vị có quan hệ huyết thống. Theo quy định này, ta hiểu hai trường hợp thừa kế thế vị thông thường như sau:

* Trường hợp cháu thế vị cha hoặc mẹ của cháu hưởng di sản của ông, bà

Theo quy định tai Điều 677, trường hợp bố chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông nội, bà nội, thì cháu thay thế vị trí của bố hưởng phần di sản mà bố của cháu được hưởng nếu còn sống; trường hợp mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông ngoại, bà ngoại, thì cháu thay thế vị trí của mẹ hưởng phần di sản mà mẹ cháu được hưởng nếu còn sống. Xét mối quan hệ này giữa ông, bà, cha, mẹ và cháu trong trường hợp này đều dựa trên quan hệ huyết thống.

Ví dụ: A và B là vợ chồng, có con là C và D; C có vợ là E có con là G. A và C chết cùng thời điểm nên G được thế vị C hưởng phần di sản của A cho C nếu C còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Khoản 1 Điều 63 Luật hôn nhân gia đình quy định về con chung của vợ chồng như sau: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng; Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng”. Theo quy định này, không chỉ con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ sinh ra mới được coi là con chung của vợ chồng mà con sinh ra trước thời kỳ kết hôn mà được cha mẹ thừa nhận thì vấn là con chung của vợ chồng. Như vậy, con sinh ra trong các trường hợp này đều được pháp luật công nhận là con chung của vợ chồng. Quan hệ này dựa trên sự kiện thụ thai và sinh đẻ, con được sinh ra trong thời kỳ này mặc nhiên thừa nhận là con chung của vợ chồng. Từ đó, pháp luật cũng mặc nhiên công nhận quyền thừa kế di sản của nhau đối với trường hợp này. Trường hợp người vợ, chồng không công nhận quan hệ huyết thống đối với người con được sinh ra trong thời kỳ này có quyền chứng minh và Tòa án sẽ xác nhận khi có đủ căn cứ để chứng minh (khoản 2 Điều 63, Điều 64 Luật hôn nhân gia đình năm 2000).

Đối với trường hợp con ngoài giá thú, việc xác định quan hệ cha con, mẹ con trong trường hợp này tương đối khó khăn và phức tạp. Việc xác định mẹ cho con ngoài giá thú, người mẹ phải phải có nghĩa vụ chứng minh trước cơ quan pháp luật về việc mình đã sinh ra đứa trẻ đó như bằng giấy chứng sinh hoặc các loại giấy tờ tương tự khác. Đối với trường hợp xác định quan hệ cha con có nhiều khó khăn hơn so với việc xác định quan hệ mẹ con đối với con ngoài giá thú. Tuy nhiên, điểm b mục 5 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao ban hành hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 và Điều 64, khi có người yêu cầu Toà án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gen. Người có yêu cầu giám định gen phải nộp lệ phí giám định gen”. Như vậy, nếu không tự mình tìm được chứng cứ chứng minh quan hệ cha con này thì người có yêu cầu xác định quan hệ cha con có quyền yêu cầu giám định ADN. Trường hợp nếu cha hoặc mẹ lẩn tránh việc nuôi con ngoài giá thú của mình, thì theo yêu cầu của người con đã thành niên, Tòa án sẽ xác định cha, mẹ cho con theo trình tự luật định.

BLDS năm 2005 chưa có điều luật cụ thể nào quy định về thừa kế đối với con ngoài giá thú. Tuy nhiên, nếu có căn cứ chính xác xác nhận quan hệ cha-con, mẹ-con đối với con ngoài giá thú thì vấn đề thừa kế theo pháp luật vẫn phải được đặt ra đối với trường hợp này giống như trường hợp con trong giá thú bởi lẽ nó đều xảy ra trên cơ sở quan hệ huyết thống. Do đó, con ngoài giá thú có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ đẻ của mình theo quy định tại Điều 676 và 677 BLDS.

* Trường hợp chắt thế vị cha hoặc mẹ của chắt để hưởng di sản của cụ

Chắt được thừa kế thế vị hưởng di sản của cụ trong các trường hợp sau:

+ Ông nội, bà nội chết trước người để lại di sản là cụ nội và cha cũng chết trước người để lại di sản là cụ nội nhưng cha có thể chết trước hoặc chết sau ông nội, bà nội.

+ Ông ngoại, bà ngoại chết trước người để lại di sản là cụ ngoại và mẹ cũng chết trước người để lại di sản là cụ ngoại nhưng mẹ có thể chết trước hoặc chết sau cụ ngoại.

+ ông nội, bà nội với cha hoặc ông ngoại, bà ngoại với mẹ chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

+ Cụ không còn người thừa kế thế vị ở hàng thứ nhất và cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản là cụ.

3.2 Thừa kế thế vị trong trường hợp có nhân tố con nuôi

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Trong mối quan hệ này, Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký; con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký (Điều 3 Luật nuôi con nuôi). Quan hệ giữa người nhận nuôi con và con nuôi là quan hệ đặc biệt, vì quan hệ này không phát sinh dựa trên mối quan hệ sinh đẻ tự nhiên và huyết thống giữa hai bên mà phát sinh dựa trên ý chí, tình cảm, không liên quan đến sự sinh đẻ và huyết thống. Do mối quan hệ này được hoàn thành từ ý chí chủ quan của con người nên sự điều chỉnh bằng pháp luật đối với quan hệ này là cần thiết nên việc xác nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo thủ tục luật định và sẽ làm phát sinh quan hệ pháp luật cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi.

Điều 2 Luật nuôi con nuôi quy định: “Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình”. Do đó, giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi phát sinh đầy đủ quyền và nghĩa vụ với nhau như con đẻ từ thời điểm có sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, giữa người được nhận làm con nuôi với các thành viên khác trong gia đình của người nhận nuôi không mặc nhiên phát sinh quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như con đẻ. Giữa con nuôi với các thành viên trong gia đình của cha nuôi, mẹ nuôi chỉ phát sinh các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 49 Luật hôn nhân gia đình: “Các thành viên cùng sống chung trong gia đình đều có nghĩa vụ quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng nhau chăm lo đời sống chung của gia đình, đóng góp công sức, tiền và tài sản khác để duy trì đời sống chung phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mình; các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ” khi sống chung.

Như vậy, về quan hệ thừa kế, con nuôi chỉ có quan hệ thừa kế với cha nuôi, mẹ nuôi mà không có quan hệ thừa kế với các thành viên khác trong gia đình của cha nuôi, mẹ nuôi (cha mẹ và con đẻ của người nhận nuôi). Nên trong trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi chết trước hoặc chết cùng thời điểm với cha, mẹ của cha nuôi, mẹ nuôi, thì người con nuôi không có quyền hưởng thừa kế thế vị để thay cha nuôi, mẹ nuôi của mình hưởng phần di sản mà lẽ ra họ được hưởng nếu còn sống. Tuy nhiên, đối với trường hợp, khi con nuôi chết trước hoặc chết cùng thời điểm với cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì con đẻ của con nuôi có quyền thừa kế thế vị để thay cha hoặc mẹ của mình hưởng phần di sản mà cha mẹ của chúng được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Ví dụ: M và N là vợ chồng, cha của M là Q; M và N nhận L làm con nuôi; L có vợ là H và có con là O. Nếu M chết trước hoặc chết cùng thời điểm với Q thì L không có quyền thế vị M nhận di sản của Q. Nếu L chết trước hoặc chết cùng thời điểm với M thì O được thế vị L nhận di sản của M phần di sản mà L được hưởng nếu còn sống 

3.3 Thừa kế thế vị của con riêng với cha dượng, mẹ kế

Theo quy định của BLDS, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, trình tự và điều kiện thừa kế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, BLDS lại có quy định riêng đối với trường hợp thừa kế giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế (Điều 679 BLDS) nên có thể thấy đây là trường hợp được các nhà làm luật cho là trường hợp đặc biệt. Thừa kế theo pháp luật không liệt kê trường hợp giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế vào các hàng thừa kế và trong quan hệ này họ không mặc nhiên trở thành người thừa kế di sản của nhau mà cần có điều kiện để mối quan hệ về thừa kế có hiệu lực. Điều 679 BLDS quy định: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này”. Như vậy, giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế chỉ phát sinh quan hệ thừa kế khi giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như đối với con đẻ. Đây là trường hợp phát sinh quan hệ không dựa trên cơ sở sinh đẻ và huyết thống mà nó dựa trên mối quan hệ nuôi dưỡng và phụ thuộc vào ý chí của con người tưng tự như mối quan hệ giữa con nuôi với cha nuôi, mẹ nuôi vì thế họ sẽ là hàng thừa kế thứ nhất của nhau.

Như vậy, khi có căn cứ xác định giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì con của người con riêng đó hoàn toàn có quyền được thế vị cha, mẹ họ để nhận di sản của ông, bà (cha dượng, mẹ kế của cha, mẹ mình) để lại khi cha, mẹ họ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà.

3.4 Thừa kế thế vị trong trường hợp con sinh ra theo phương pháp khoa học

Điều 635 BLDS quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm nở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng phải thành thai trước khi người để lại di sản chết...”. Như vậy điều kiện dể một cá nhân có quyền hưởng di sản thừa kế là người đó phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng phải thành thai trước thời điểm mỏe thừa kế. Hiện nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện tượng con sinh ra theo phương pháp khoa học ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi có thừa kế phát sinh các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn nhiều lúng túng và bất cập trong việc phân chia di sản thừa kế có nhân tố con sinh ra theo phương pháp khoa học. Chính vì vậy, ngày 12/02/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/2003/NĐ-CP quy định con sinh ra theo pheo phương pháp khoa học để điều chỉnh những vấn đế vướng mắc và khó khăn đó.

Điều 20 nghị định của Chính phủ số 12/2003/NĐ-CP 2003 ngày 12 tháng 02 năm 2003 về sinh con theo phương pháp khoa học quy định: “Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân”. Theo quy định nay, cặp vợ chồng vô sinh và người phụ nữ sống độc thân khi sinh ra đứa trẻ do áp dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản mới được xác định là cha mẹ của đứa trẻ đó. Khi đó, người con được sinh ra theo phương pháp khoa học có địa vị pháp lý tương tự như người con được sinh ra bình thường.

Như vậy, nếu người được sinh ra theo phương pháp khoa học được thụ thai sau khi người để lại di sản chết nhưng họ thuộc trường hợp được hưởng di sản theo quy định của pháp luật thì đương nhiên họ trở thành người thừa kế mới và được hưởng di sản theo quy định của 687 BLDS: Ttrong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia bằng hiện vật, nhưng những người đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế với tỉ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác...”. Theo đó, con được sinh ra theo phương pháp khoa học được thế vị cha, mẹ của mình thừa kế thế vị di sản của ông, bà nếu cha hoặc mẹ của họ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà là hoàn toàn có cơ sở.

Cùng với ví dụ của trường hợp cháu thế vị cha mẹ hưởng di sản của ông bà, nếu D có vợ là S; D chết trước A nhưng sau  khi D A chết S mới áp dụng sinh con theo phương pháp khoa học và sinh ra T và S có đủ chứng cứ chứng minh T là con của D, khi đó T được thế vị D hưởng di sản của A.

3.5 Thừa kế thế vị của các trường hợp thuộc khoản 1 Điều 143 BLDS

Khoản 1 Điều 643 BLDS quy định những người không được hưởng di sản bao gồm: “Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhâm phẩm của người đó; Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái ý trí của người để lại di sản.”

Pháp luật đã quy định cá nhân thuộc các trường hợp trên không có quyền hưởng di sản do người chết để lại nên vấn đề thừa kế thế vị cũng không được áp dụng đối với các trường hợp trên. Cụ thể:

Nếu cha hoặc mẹ của những người thuộc các trường hợp trên chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì họ không có quyền thế vị cha hoặc mẹ hưởng phần di sản mà đáng lẽ cha hoặc mẹ của họ được hưởng nếu còn sống;

Nếu những người thuộc các trường hợp nêu trên chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì con của họ cũng không được thừa kế thế vị vì bản thân những người này không có quyền hưởng di sản ngay cả khi họ còn sống.

4. Mối quan hệ giữa thừa kế theo hàng và thừa kế thế vị

Thừa kế theo hàng và thừa kế thế vị có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thừa kế thế vị không phải là thừa kế theo hàng, nhưng hàng thừa kế lại là căn cứ để xác định quan hệ thừa kế thế vị trong trường hợp con của người để lại di sản là người được thừa kế theo hàng nhưng đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Bên cạnh đó. hàng thừa kế là căn cứ để xác định phần di sản mà người thừa kế thế vị được hưởng. Đó là trường hợp con hoặc cháu của người để lại di sản là người thừa kế theo hàng nhưng đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản nên con hoặc cháu của người chết trước hoặc chết cùng thời diểm với người để lại di sản được thừa kế thế vị cha, mẹ hoặc ông, bà của mình hưởng phần di sản mà đáng lẽ họ đưởng hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Căn cứ vào quy định về thứ tự hàng thừa kế tại khoản 1 và điều kiện hưởng di sản thừa kế theo hàng tại khoản 3 Điều 676 năm 2005, Cháu hoặc chắt hưởng thừa kế theo hàng hoặc thừa kế thế vị trong từng trường hợp sau:

Trường hợp những người được chỉ định là người thừa kế theo hàng thứ nhất đều đã chết mà trong số những người đã chết đó có cha hoặc mẹ của của cháu thì cháu được hưởng thừa kế thế vị;

Trường hợp không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do không có quyền hưởng di sản, bị truất hoặc từ chối hưởng di sản thì cháu được hưởng thừa kế theo hàng thứ hai. Di sản được chia đều cho những người thừa kế ở hàng thứ hai;

Trường hợp người thừa kế ở hàng thứ nhất chỉ còn những người không có quyền hưởng di sản, bị truất hoặc từ chối nhận di sản thì di sản được chia theo hàng thứ hai, nhưng nếu cha hoặc mẹ của chắt chết trước hoặc chết cùng thời điểm với với cụ thì chắt được thừa kế thế vị hưởng phần di sản mà cha, mẹ họ được hưởng nếu còn sống;

Tường hợp con và cháu của người để lại di sản đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng thừa kế thế vị.

Chắt được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứa ba trong trường hợp những người thừa kế theo pháp luật của hàng thứ nhất và hàng thứ hai không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối hợp pháp nhận di sản.

III. HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ THẾ VỊ

Pháp luật về thừa kế thế vị của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề còn hết sức chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên trong quá trình áp dụng pháp luật còn gặp nhiều vướng mắc. Sau đay em xin đưa ra một vài quan điểm của các nhân về hướng hoàn thiện các quy định của BLDS về thừa kế thế vị như sau:

1. Thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi

Như đã nói ở trên, theo quy định của các văn bản pháp luật hiện nay (Luật dân sự, Luật hôn nhân gia đinh, Luật nuôi con nuôi) nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi nên con nuôi không mặc nhiên trở thành một thành viên trong gia đình của cha nuôi, mẹ nuôi. Kéo theo đó, chỉ có trường hợp con đẻ của người con nuôi mới có quyền thế vị cha mẹ của mình hưởng di sản do cha nuôi, mẹ nuôi của cha, mẹ mình để lại; con nuôi không có quyền thế vị cha nuôi, mẹ nuôi của mình thừa kế di sản do cha mẹ của cha nuôi, mẹ nuôi để lại.

Thực tế có nhiều người có quan điểm trái ngược với quy định trên, bởi vì họ cho rằng trong thực tế trước đây cũng như bây giờ có nhiều trường hợp các cặp vợ chồng vô sinh, họ không có khả năng sinh con trong khi đó bản thân, cha mẹ và người thân trong gia đình luôn mong muốn có con, có cháu trong nhà để thỏa mãn nhu cầu làm ông, bà, cha, mẹ nhưng họ không muốn hoặc không có điều kiện để áp dụng việc sinh con theo phương pháp khoa học nên đã lựa chọn hình thức nhận nuôi con nuôi. Trong những trường hợp như vậy không chỉ những người nhận nuôi con nuôi mà ngay cả những người thân trong gia đình cụ thể là cha mẹ của người nhận nuôi con nuôi cũng mong muốn rằng những người được nhận làm con nuôi sẽ trở thành cháu của mình và cũng mong muốn người được nhận nuôi đó sẽ được thừa kế di sản của mình khi họ hoặc các con của mình chết. Tuy nhiên, pháp luật quy định con nuôi không đương nhiên trở thành thành viên trong gia đình của cha nuôi, mẹ nuôi, do đó con nuôi cũng không mặc nhiên trở thành cháu của cha mẹ người nhận nuôi con nuôi nên trường hợp này người được nhận nuôi sẽ không được thế vị cha mẹ nuôi của mình thừa kế di sản nếu cha nuôi, mẹ nuôi chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Nhưng trong trường hợp cha mẹ của người nhận nuôi con nuôi đã yêu thương chăm sóc và đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với cọn nuôi của con mình như cháu ruột nhưng trong trường hợp cha mẹ của người nhận nuôi con nuôi không thể hoặc không có điều kiện lập di chúc nhưng lại mong muốn để lại tài sản của mình cho người được nhận nuôi đó thì việc áp dụng các quy định của pháp luật về thừa kế như hiện nay là chưa phù hợp. Bởi vậy, Điều 678 BLDS cần được sửa đổi và hoàn thiện theo hướng:

“1. con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định của Diều 676, 677 của Bộ luật này;

2. Trường hợp các thành viên trong gia đình của cha nuôi, mẹ nuôi đồng ý để con nuôi trở thành viên trong gia đình theo quyết định của cơ quan có thẩm quyềni, thì con nuôi được thừa kế di sản của những người đó và thừa kế thế vị theo quy định của Bộ luật này”.

2. Thừa kế thế vị đối với trường hợp con riêng với cha dượng, mẹ kế

BLDS có quy định riêng đối với trường hợp thừa kế giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế (Điều 679 BLDS) nên có thể thấy đây là trường hợp được các nhà làm luật cho là đặc biệt. Theo quy định của Điều 679 BLDS giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế chỉ phát sinh quan hệ thừa kế khi giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như đối với con đẻ.

Để đưa ra hướng hoàn thiện về thừa kế thế vị giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế em xin đưa ra một trường hợp như sau: Nếu trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng, giữa con riêng với cha dượng mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Nhưng sau khi quan hệ vợ chồng chấm dứt mà con riêng vẫn còn sống cùng cha dượng, mẹ kế và giữa họ vẫn có mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con nên vấn đề được đặt ra đó là nếu một người chết thì người còn lại có quyền hưởng thừa kế di sản của nhau hay không? 

Theo quy định của Điều 8 Luậtt HN&GĐ: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Khi đó nếu vợ hoặc chồng có con riêng thì từ thời điểm quan hệ hôn nhân của vợ chồng được xác lập thì đồng thời quan hệ giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế đồng thời cũng được phát sinh. Luật HN&GĐ không chỉ quy định các vấn đề liên quan đến kết hôn mà pháp luật nước ta còn cho phép vợ chồng có quyền ly hôn “Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Toà án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng”.Nếu hiểu và áp dụng theo những quy định pháp luật của nước ta như hiện nay thì sau khi quan hệ hôn nhân của vợ chồng chấm dứt, thì quan hệ giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế cũng theo đó mà chấm dứt, khi đó giữa họ không cồn tồn tại quan hệ con riêng với cha dượng, mẹ kế nên họ không được thừa kế di sản của nhau, theo đó thừa kế thế vị cũng không xảy ra nếu con riêng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với cha dượng, mẹ kế.

Tuy nhiên, cá nhân em có quan điểm như sau: Nếu giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc nhau như cha con, mẹ con có nghĩa họ mong muốn người còn lại sẽ được thừa kế di sản của mình nếu mình chết. Mặt khác, nếu sau khi ly hôn con riêng vẫn sống chung và vẫn có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng với cha dượng, mẹ kế như trong thời kỳ hôn nhân của cha, mẹ mình với cha dượng, mẹ kế  thì ly hôn chỉ là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng chứ không làm thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế nên họ vẫn có quyền thừa kế di sản của nhau theo quy định của Điều 679 BLDS. Do đó, Điều 679 BLDS cần được hoàn thiện theo hướng sau:

“1. Con riêng và cha dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Ðiều 676 và Ðiều 677 của Bộ luật này;

2. Nếu sau khi cha đẻ và mẹ kế hoặc mẹ đẻ với cha dượng ly hôn mà con riêng còn sống chung với cha dượng, mẹ kế và có mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau thì vẫn được thừa kế theo quy định của khoản 1 Điều này.”

3. Thừa kế thế vị trong trường hợp con sinh ra theo phương pháp khoa học

Như đã phân tích ở trên, theo quy định của ghị định của Chính phủ số 12/2003/NĐ-CP 2003 ngày 12 tháng 02 năm 2003 về sinh con theo phương pháp khoa học pháp luật mặc nhiên quy định người con được sinh ra do thụ tinh nhân tạo là con của cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữa độc thân sinh ra đứa trẻ này. Tuy nhiên, BLDS chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh về vấn đề thừa kế đối với trường hợp này mà vẫn quy định một người được hưởng thừa kế phải là người còn sống hoặc sinh ra và còn sống nhưng đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế (Điều 635 BLDS). Khi giải quyết các vấn đề phát sinh về thừa kế có yếu tố con sinh ra theo phương pháp khoa học nhưng thành thai sau thời điểm nở thừa kế Tòa án thường xác định đó là trường hợp có người thừa kế mới. Do đó, cần điều chỉnh quy định về người thừa kế (Điều 635) của BLDS theo hướng sau: “Người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống vào thời điểm mở thừa kế nhưng đã hành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời diểm mở thừa kế.

Điều kiện thành thai trước khi người để lại di sản chết không bắt buộc đối với các nhân sinh ra và còn sống theo phương pháp khoa học”. Khi đó, con được sinh ra theo phương pháp khoa học có đầy đủ cơ sở trở thành người thừa kế thế vị để thế vị cha, mẹ hoặc ông, bà của mình hưởng di sản của ông bà hoặc cụ nếu cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc cụ.

KẾT LUẬN

Thừa kế với ý nghĩa là một quan hệ pháp luật dân sự, trong đó các chủ thể của quan hệ thừa kế tham gia vào việc nhận di sản thừa kế và quyền thừa kế trong điều kiện của nước ta hiện nay được thể hiện như một phương tiện để củng cố quyền sở hữu của công dân. Không những thế pháp luật nước ta còn quy định các trường hợp con, cháu có quyền thế vị cha, mẹ hoặc ông bà hưởng phần di sản mà lẽ ra những người đó được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật về thừa kế thế vị của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề còn hết sức chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên trong quá trình áp dụng pháp luật còn gặp nhiều vướng mắc nên các nhà làm luật cần đưa ra nhiều biện pháp và hoàn thiện các quy định về thừa kế nói chung và thừa kế thế vị nói riêng để giải quyết các vấn đề còn khó khăn và vướng mắc như hiện nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, tập 1, NXB Công an nhân dân – Đại học Luật Hà Nội;
2. Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 2005;
3. Luật HN&GĐ năm 2000;
4. Pháp lệnh thừa kế năm 1990;
5. Nghị định số 70/2001/NĐ – CP ngày 03 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HN&GĐ;
6. Nghị định số 12/2003/NĐ – CP ngày 12 tháng 02 năm 2003 quy dịnh về con sinh ra theo phương pháp khoa học
7. Lê Thị Hải Yến “một số vấn đề về thừa kế thế vị yheo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005, lý luận và thực tiễn”. Khóa luận tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội. Người hướng dẫn: Ts. Vương Thanh Thúy, Hà Nội năm 2012.

No comments:

Post a Comment