Xã hội ngày càng phát triển và đi lên mạnh mẽ. Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới hiện nay thì vấn đề giao lưu dân sự giữa các quốc gia, các tập đoàn, công ty, các tổ chức, cá nhân công dân cũng được phát triển mạnh mẽ. Quan hệ tài sản là một trong những quan hệ quan trọng nằm trong đối tượng điều chỉnh của luật dân sự cũng cùng đó mà được phát triển và mở rộng hơn. Quan hệ này là quan hệ giữa người với người thông qua một tài sản. Vậy để quản lý tốt hơn các mặt trong quan hệ tài sản thì cần thiết phải đặt ra những quy định đúng đắn và chính xác về chế định tài sản. Tài sản luôn được đánh giá là biểu hiện cho sự phát triển văn minh của xã hội loài người, là điều hết sức quan trọng và cần thiết để duy trì một đời sống kinh tế vững mạnh và phát triển. Việc nghiên cứu mang tính lý luận về tài sản sẽ mang ý nghĩa to lớn trong công tác quản lý xã hội của nhà nước, cũng như phát hiện được những hạn chế còn tồn tại trong pháp luật hiện hành quy định về tài sản ở nước hiện nay rồi từ đó tìm hướng giải quyết. Bộ luật Dân sự 2005 (bộ luật hiện hành của nước ta) có các quy định về vấn đề tài sản. Vì muốn được tìm hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về tài sản nên em xin lựa chọn đề tài: “Một số vấn đề về tài sản theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Dân sự” cho bài tập lớn học kỳ.
Do kiến thức còn hạn chế mà bài làm của em sẽ không tránh khỏi thiếu sót, em mong nhận được sự nhận xét của thầy, cô để bài được hoàn thiện hơn.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Khái quát chung về tài sản
1. Khái niệm tài sản.
Tài sản luôn được coi là một điều kiện vật chất để duy trì các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội. Nó là vấn đề trung tâm, cốt lõi của mọi quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. Tài sản là một công cụ của đời sống xã hội nên khái niệm về tài sản không phải là một khái niệm thuần túy có tính học thuật mà là một khái niệm có tính mục đích cao. Khái niệm này phải đáp ứng được các nhu cầu cần thiết của xã hội. Tài sản không thể được xem xét tách rời các giá trị xã hội.
Có thể hiểu tài sản là của cải được con người sử dụng. Với nghĩa tài sản luôn gắn với một chủ thể xác định. Theo nghĩa này thì tài sản luôn biến đổi và phát triển cùng với sự thay đổi của thời gian, của điều kiện xã hội, của sự nhận thức con người về giá trị vật chất nên phạm vi của tài sản qua mỗi thời kì lại được nhìn nhận ở một góc độ khác nhau. Có thể nhận thấy tài sản là khách thể của quyền sở hữu, nó có thể là đối tượng của thế giới vật chất hoặc là kết quả của các hoạt động sáng tạo tinh thần.
Khái niệm tài sản lần đầu tiên được quy định tại Điều 172 BLDS năm 1995: “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Tiếp đó, Điều 163 BLDS 2005 (Bộ luật dân sự hiện hành) quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Nhận thấy, khái niệm tài sản theo BLDS 2005 đã mở rộng hơn BLDS 1995 về những đối tượng nào được coi là tài sản, theo đó, không chỉ những “vật có thực” mới được gọi là tài sản mà cả những vật được hình thành trong tương lai cũng được gọi là tài sản.
Tuy nhiên, cũng giống như BLDS 1995, BLDS 2005 cũng đưa ra khái niệm tài sản theo hình thức liệt kê, điều này đã không đáp ứng sự phát triển của thực tiễn cuộc sống và gây ra sự tranh cãi về một số đối tượng như: tài sản ảo trong game online, khoảng không, hệ thống khách hàng … có được coi là tài sản trong pháp luật dân sự hay không? Chính điều này đòi hỏi cơ quan lập pháp phải tiến hành sửa đổi quy định về khái niệm tài sản trong BLDS theo hướng khái quát hơn và đưa ra những tiêu chí để phân biệt đâu là tài sản, đâu không phải là tài sản.
Đã có nhiều quan điểm khác nhau bàn về vấn đề như thế nào được coi là tài sản, có thể đưa ra một số quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: tài sản là đối tượng của quyền sở hữu. Như vậy, theo quan điểm này muốn hiểu tài sản là gì thì trước tiên chúng ta phải hiểu quyền sở hữu là gì? Tuy nhiên, khái niệm quyền sở hữu tại Điều 164 BLDS 2005 cũng chỉ được đưa ra theo hướng liệt kê, theo đó, “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật”. Do đó, nếu áp dụng khái niệm này thì chúng ta lại bị rơi vào vòng luẩn quẩn định nghĩa tài sản thông qua một khái niệm quyền sở hữu trong khi đó bản thân khái niệm quyền sở hữu cũng chưa giải quyết được một cách triệt để, thậm chí còn là phái sinh từ khái niệm tài sản.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: tài sản là của cải vật chất tồn tại dưới dạng cụ thể, được con người sử dụng và được nhận biết bằng giác quan tiếp xúc như xe ôtô, môtô, bàn, ghế, máy tính, giường, tủ, tờ tiền… Như vậy, theo quan điểm này thì chỉ những gì thuộc về thế giới vật chất, hiện đang tồn tại và chúng ta có thể cầm, nắm… được thì mới được coi là tài sản. Do đó, quyền tài sản không được coi là tài sản.
- Quan điểm thứ ba cho rằng: tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Đây thực chất là một cách phân loại tài sản dựa trên tính chất vật lý không di dời được về mặt cơ học và nó cũng rơi vào vòng luẩn quẩn như quan điểm thứ nhất khi định nghĩa tài sản thông qua khái niệm bất động sản và động sản trong khi đó khái niệm bất động sản và động sản cũng chưa được làm sang tỏ và thậm chí muốn hiểu thế nào là bất động sản và động sản thì phải hiểu thế nào là động sản trước. Hơn nữa, nếu theo quan điểm này thì quyền tài sản không biết được xếp vào bất động sản hay động sản.
- Quan điểm thứ tư cho rằng: tài sản là những gì định giá được. Nhận xét, quan điểm trên vẫn còn những điểm chưa hợp lý vì: Thứ nhất, tài sản là những gì định giá được có thể hiểu là tài sản là những gì trị giá được bằng tiền và tiền ở đây chỉ được hiểu là nội tệ vì ngoại tệ không được coi là tiền, bởi lẽ ngoại tệ không bao giờ được coi là công cụ thanh toán đa năng – một tính năng quan trọng nhất của tiền. Như vậy, tiền sẽ được định giá bằng gì? Và nó có được coi là tài sản không? Thứ hai, nếu cứ những gì định giá được thì được gọi là tài sản, vậy tài sản nợ - nghĩa vụ trả nợ cũng sẽ được xem là tài sản vì nó cũng có thể định giá được (cứ xem giá của nó là 0 đồng thì giá 0 đồng hoàn toàn khác với không định giá được), trong khi đó, tài sản thì có thể để lại thừa kế được còn nghĩa vụ trả nợ thì không để lại thừa kế được, trừ nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Trên đây là bốn trong số rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm tài sản dưới góc độ pháp lý. Tuy nhiên, đánh giá được rằng các quan điểm nêu trên (như đã phân tích) đều bộc lộ những bất cập và chưa đưa ra được tiêu chí để xác định những gì được gọi là tài sản.
Quay lại với khái niệm tài sản được quy định tại Điều 163 BLDS 2005: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
Trong đó, vật được hiểu là bộ phận của thế giới khách quan mà con người có thể cảm nhận được bằng các giác quan của mình. Tuy nhiên chỉ những vật nằm trong sự chiếm hữu của con người và trở thành đối tượng của giao lưu dân sự thì được coi là tài sản. Tiền theo kinh tế - chính trị học là vật ngang giá chung được sử dụng làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác. Một tài sản được coi là tiền hiện nay khi nó có giá trị lưu hành trên thị trường. Giấy tờ có giá là loại tài sản rất phổ biến trong giao lưu dân sự hiện nay, đặc biệt là giao dịch trong các hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng. Nó được hiểu là giấy tờ có trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự.
Ngoài vật, tiền, giấy tờ có giá thì tài sản còn được xác định là quyền tài sản được quy định tại điều 181 của Bộ luật dân sự 2005: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Quyền tài sản được hiểu theo nghĩa rộng là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép thực hiện hành vi xử sự đối với tài sản của mình và yêu cầu người khác phải thực hiện một nghĩa vụ đem lại vật chất cho mình. Xét theo ý nghĩa này thì quyền sở hữu cũng là quyền tài sản (vật quyền). Quyền yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ tài sản (trái quyền) cũng là quyền tài sản.
Có thể thấy rằng những loại tài sản được pháp luật thừa nhận tại Điều 163 BLDS 2005 là kết quả của quá trình phát triển lưu thông dân sự được nhà nước thừa nhận. Tuy nhiên, pháp luật thường chậm hơn thực tiễn nên việc liệt kê sẽ rất có thể là không đầy đủ hoặc không theo kịp sự phát triển của khoa học và đời sống. Bởi vậy để đi tìm một khái niệm chung nhất cho tài sản là rất khó. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội đặc biệt là với nền kinh tế thị trường thì phạm vi tài sản là không hạn chế, chúng bao gồm toàn bộ tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Hiện nay, tài sản vô hình đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khoa học kĩ thuật, sản xuất hàng hóa. Do vậy pháp luật ngày càng chú trọng đến việc bảo vệ quyền sở hữu của các chủ thể đối với sản phẩm trí tuệ do con người tạo ra như với việc ban hành Luật sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, cũng cần phân biệt khái niệm tài sản với khái niệm hàng hóa trong khoa học chính trị - kinh tế học (là sản phẩm do con người tạo ra có giá trị và giá trị sử dụng). Giá trị của hàng hóa được được xác định bằng lao động xã hội đã bỏ ra để sản xuất hàng hóa đó. Vì vậy thấy rằng đất đai, tài nguyên thiên nhiên là vật (tài sản) chứ không phải hàng hóa. Như vậy, tài sản cần được tiếp cận ở phạm vi rộng hơn so với khái niệm hàng hóa.
Ngày nay, tài sản có thể được hiểu là bất cứ thứ gì có giá trị nằm trong sự chiếm hữu của một chủ thể, đó là một khái niệm rộng và không giới hạn, luôn được bồi đắp thêm bởi những giá trị mới mà con người nhận thức ra.
2. Đặc điểm của tài sản.
Xem xét trong nhiều quan niệm về tài sản, cũng như từ khái niệm tài sản được quy định tại Điều 163 BLDS 2005 có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản của tài sản như sau:
Một là, tài sản có giá trị thể hiện ở việc chúng đều trị giá được bằng tiền. Tiền là thước đo giá trị của các loại tài sản khác. Theo Điều 163 thì những tài sản còn lại như vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản đều có thể quy đổi ra tiền.
Hai là, tài sản luôn phải đáp ứng một lợi ích nào đó cho chủ thể có quyền (cả về vật chất lẫn tinh thần).
Ba là, tài sản là đối tượng trong lưu thông dân sự, chính bởi như thế khái niệm về tài sản được mở rộng hay thu hẹp theo từng thời kì để phù hợp với điều kiện giao lưu dân sự trong xã hội thời đó.
Bốn là, khái niệm tài sản trong cuộc sống khác với khái niệm tài sản trong pháp lí. Pháp luật là công cụ thực hiện quyền lực, ý chí của một nhà nước với các quan hệ xã hội. Bởi vậy nếu như nhà nước không công nhận một loại tài sản thì nó sẽ không được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Sự quy định đâu là tài sản dựa vào ý chí của nhà nước đưa vào bộ luật dân sự.
3. Phân loại tài sản
Tài sản là một chế định quan trọng của luật dân sự mà trong đó việc phân loại tài sản có một ý nghĩa rất lớn, bởi tài sản là một công cụ của đời sống xã hội. Nó liên quan tới hàng loạt các vấn đề pháp lý như: thuế, bảo đảm nghĩa vụ dân sự, thừa kế, hiệu lực của hợp đồng, bán tài sản, công khai, các quyền tài sản, thương mại, tư pháp quốc tế…
Thứ nhất, dựa vào đặc tính vật lí của tài sản theo Điều 174 BLDS 2005 quy định: “1. Bất động sản là các tài sản bao gồm:
a) Đất đai;
b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai;
d) Các tài sản khác do pháp luật quy định.
2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.”
Cách phân loại này chủ yếu dựa vào đặc tính vật lí của tài sản là có thể di dời được hay không thể di dời được. Đây là cách phân loại truyền thống mà khá nhiều nước trên thế giới lựa chọn vì các quy phạm điều chỉnh hai loại tài sản này là hai hệ thống riêng rẽ độc lập với nhau khi áp dụng cho việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan.
Nhà làm luật cũng định nghĩa bất động sản theo phương pháp liệt kê. Theo đó thì hiện nay đất đai và những tài sản gắn liền với đất đai như nhà, công trình xây dựng, cây cối, tài nguyên… sẽ được coi là bất động sản. Tuy nhiên điều luật đã quy định về bất động sản một cách mở chứ không liệt kê khép kín như khái niệm tài sản ở Điều 163 vì vậy những tài sản khác mà pháp luật quy định vẫn được coi là bất động sản (như quyền sử dụng đất).
Việc phân loại động sản và bất động sản có nhiều ý nghĩa như: Xác lập thủ tục đăng kí đới với tài sản (quyền sở hữu với bất động sản được đăng kí theo quy định của BLDS và pháp luật về đăng kí bất động sản, quyền sở hữu với động sản thì không đăng kí trừ trường hợp pháp luật quy định khác); Xác định thời điểm chuyển giao quyền sử hữu đối với tài sản (khoản 1, Điều 168 BLDS 2005); Xác định được các quyền năng của chủ thể quyền đối với từng loại tài sản nhất định; Xác định địa điểm thực hiện nghĩa vụ đối với các giao dịch có đối tượng là bất động sản trong trường hợp các bên không có thỏa thuận; Xác định căn cứ xác lập quyền sở hữu (như tại Điều 239 BLDS 2005 quy định nếu vật vô chủ, vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản sẽ thuộc sở hữu của người phát hiện còn nếu vật là bất động sản thì sẽ thuộc sở hữu nhà nước…); Xác định hình thức của hợp đồng; Là căn cứ để xác định thời hạn thời hiệu và các thủ tục khác (thời hạn chuộc lại với đối với tài sản đã bán trong hợp đồng mua bán có chuộc lại đối với động sản là một năm và đối với bất động sản là năm năm theo điều 462 BLDS); Xác định phương thức kiện dân sự: Theo Điều 257; Điều 258 BLDS 2005 thì điều kiện để chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu kiện đòi lại tài sản đối với động sản và bất động sản là khác nhau.); Xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự…
Thứ hai, dựa vào nguồn gốc và cách thức hình thành tài sản thì có thể phân tài sản thành tài sản gốc và hoa lợi, lợi tức.
Tài sản gốc được hiểu là tài sản khi sử dụng khai thác công dụng thì sinh ra lợi ích vật chất nhất định. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại (hoa quả thu hoạch từ cây cối, con nghé do con trâu đẻ ra). Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản mà không phải do tài sản tự sinh ra (tiền cho thuê nhà, tiền lãi…).
Như vậy cả hoa lợi và lợi tức đều là những tài sản sinh ra từ việc khai thác và sử dụng tài sản gốc.
Việc phân loại tài sản theo hướng này có những ý nghĩa nhất định: Xác định chủ sở hữu của tài sản (hoa lợi sẽ thuộc chủ sở hữu của tài sản, lợi tức sẽ thuộc về người có quyền sử dụng hợp pháp tài sản đó); Xác định trong một số trường hợp người chiếm hữu tài sản gốc chỉ được hưởng hoa lợi sinh ra từ tài sản gốc mà không được khai thác công dụng của tài sản để thu lợi tức (trường hợp cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ thì bên cầm giữ tài sản có quyền thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ và được dùng để bù trừ nghĩa vụ theo Điều 416 BLDS 2005).
Thứ ba, căn cứ vào giá trị của tài sản, vai trò, ý nghĩa của tài sản đối với chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, quản lí nhà nước thì ta phân ra tài sản có đăng kí quyền sở hữu, tài sản không đăng kí quyền sở hữu.
Tài sản có đăng kí quyền sở hữu là tài sản mà pháp luật quy định bắt buộc phải đăng kí, nếu không đăng kí sẽ không được công nhận quyền sở hữu đối với tài sản đó (nhà, máy bay, súng săn…).
Tài sản không đăng kí quyền sở hữu là tài sản mà theo quy định của pháp luật không buộc phải đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (quần áo, giầy dép, đồ chơi…).
Với cách phân loại tài sản này cũng có ý nghĩa pháp lí trong một số trường hợp nhất định: Xác định thời điểm phát sinh, chuyển giao quyền sở hữu; Xác định phương thức kiện dân sự (kiện vật quyền hay kiện trái quyền được quy định từ Điều 257 đến Điều 260 BLDS 2005.); Xác định hình thức của hợp đồng…
Thứ tư, căn cứ vào chế độ pháp lí đối với tài sản, người ta phân chia tài sản thành ba loại: tài sản cấm lưu thông, tài sản hạn chế lưu thông và tài sản tự do lưu thông.
Tài sản cấm lưu thông là tài sản mà ví lợi ích của nó đối với nền kinh tế quốc dân, ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia mà Nhà nước cấm giao dịch (vũ khí quân dụng, ma túy, chất phóng xạ, động vật quý hiếm…).
Tài sản hạn chế lưu thông là tài sản khi dịch chuyển trong giao dịch dân sự nhất thiết phải tuân theo những quy định riêng pháp luật. Trong một số trường hợp phải được sự đồng ý, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (vũ khí thể thao, thanh toán bằng ngoại tệ với số lượng lớn…).
Tài sản lưu thông tự do là những tài sản mà không có quy định nào của pháp luật hạn chế việc dịch chuyển đối với tài sản đó, nếu có sự dịch chuyển thì các chủ thể không cần phải xin phép.
Việc xác định đúng loại tài sản có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định hiệu lực pháp lí của giao dịch dân sự. Cụ thể: tài sản cấm lưu thông không thể trở thành đối tượng trong giao dịch dân sự. Chính vì vậy nếu các bên vẫn xác lập giao dịch này thì giao dịch đó sẽ là giao dịch vô hiệu tuyệt đối do có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật; và khi đó tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Thứ năm, căn cứ vào thời điểm hình thành tài sản và thời điểm xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu, tài sản được phân thành loại tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Tài sản hiện có là tài sản đã có và tồn tại vào thời điểm hiện tại và đã được xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu của tài sản đó.
Tài sản hình thành trong tương lai được hiểu là tài sản chưa tồn tại hoặc chưa hình thành đồng bộ vào thời điểm xem xét (thường là thời điểm xác lập nghĩa vụ hoặc giao dịch dân được giao kết) nhưng chắc chắn sẽ được hình thành trong tương lai (tiền lương sẽ được hưởng, xe máy đang được lắp ráp…). Ngoài ra tài sản hình thành trong tương lai còn gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch nhưng sau thời điểm đó thì tài sản mới thuộc sở hữu của các bên (tài sản có được do mua bán, trao đổi..).
Với việc phân loại tài sản này ta có thể thấy ý nghĩa của nó: Xác định đối tượng được phép giao dịch; Xác định hình thức thủ tục xác lập (Việc xác lập giao dịch có đối tượng là tài sản sẽ có trong tương lai buộc các bên phải bàn giao những giấy tờ chứng minh mình là người có quyền sở hữu đối với tài sản sẽ hình thành trong tương lai đó.)
Thứ sáu, căn cứ vào Điều 163 BLDS 2005 ta cũng có một cách phân loại tài sản. Cách phân loại này mang tính chất liệt kê, theo đó thì tài sản được phân thành: vật, tiền, giấy tờ có giá, các quyền tài sản. Đây là cách phân loại tài sản hiện hành của pháp luật Việt Nam, bên cạnh một số hạn chế thì nó mang nhiều ý nghĩa pháp lí. Khi đối tượng của giao dịch là các loại tài sản khác nhau thì phương thức thực hiện cũng sẽ được áp dụng khác nhau.
Như vậy việc phân thành các loại tài sản như trên sẽ có ý nghĩa trong việc hình thành nên các quy phạm điều chỉnh của pháp luật sao cho phù hợp với chúng để tránh gây ra tranh chấp trong quá trình giao thông dân sự. Bên cạnh đó cách phân loại này còn có ý nghĩa trong Luật hình sự khi xác định được đúng các loại tài sản, sẽ giúp xác định đúng tội danh như: tội vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ (Điều 154 BLHS),…
Ngoài ra, tài sản còn được phân thành nhiều loại như tài sản chung, tài sản riêng; tài sản là tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng; tài sản có thật, tài sản ảo; tài sản cố định, tài sản lưu động; tài sản công, tài sản tư…
II. Tài sản theo quy định tại BLDS 2005.
1. Vật
1.1 Định nghĩa
Vật là một bộ phận của thế giới vật chất và con người có thể chiếm hữu, sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của mình cả về vật chất lẫn tinh thần.
BLDS năm 2005 đã có sự mở rộng phạm vi về vật từ “vật có thực” (BLDS 1995) sang “vật” (BLDS 2005) là tài sản. Như vậy, khái niệm vật không chỉ dừng lại ở khái niệm vật hiện hữu mà vật hình thành trong tương lai cũng có thể được coi là tài sản. Tại Điều 175 BLDS 2005 đã xác định loại tài sản này là hoa lợi, lợi tức đây chính là sự gia tăng của tài sản trong điều kiện nhất định.
Định nghĩa về vật được xét theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau như: vật lý, lí học, pháp luật dân sự, chế độ pháp lí, quan niệm xã hội, tâm lý, thẩm mỹ, văn hóa sử dụng… Vậy vật khi nào là tài sản? Để giải quyết vấn đề này cần thiết phải căn cứ vào những tiêu chí cụ thể của quan hệ pháp luật dân sự cụ thể để xác định. Tại Điều 163 BLDS 2005 thì có phải mọi vật của thế giới vật chất đều được hiểu là tài sản không? Và tất nhiên không phải như vậy, không phải bất kỳ vật nào thuộc thế giới vật chất cũng đều được coi là tài sản. Xét theo quan hệ này thì một vật nhất định được coi là tài sản nhưng nếu xét theo quan hệ cụ thể khác thì vật đó không thể được coi là tài sản. Để xác định được rõ một vật có được coi là tài sản hay không cần phải đặt vật đó trong từng quan hệ cụ thế và không thể lập luận theo một chiều, có vật là có tài sản.
Trong quan niệm của Luật dân sự thì vật phải thỏa mãn những điều kiện nhất định sau:
- Vật đó phải tồn tại khách quan hoặc vật đó chắc chắn được hình thành trong tương lai xác định được;
- Vật đó con người phải chi phối được, phải kiểm soát được, phải chiếm hữu được;
- Vật đó phải xác định được giá trị thanh toán hay giá trị trao đổi, vật đó phải khai thác được về tài sản (thương mại, dấn sự, tiêu dùng,..), đáp ứng được nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người.
- Vật đó là vật được phép lưu thông dân sự và mang giá trị tài sản, có thể trao đổi được cho nhau dưới dạng vật chất hay quy đổi được bằng tiền.
Như vậy, có thể đưa ra một định nghĩa khái quát chung về vật trong quan hệ pháp luật dân sự như sau: Vật là một bộ phận của thế giới vật chất và con người có thể chiếm hữu được, sử dụng nhằm mục đích đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình.
1.2 Đặc điểm pháp lý của vật
Vật có một số đặc điểm sau:
- Vật thuộc thế giới vật chất và phải do con người chiếm hữu được;
- Đối với vật chúng ta có thể khai thác công dụng hữu ích từ chính vật đó;
- Vật có thể do nhiều chủ thể sáng tạo ra (vật có thể được cấu tạo đơn giản hoặc phức tạp, do vậy đối với những vật có kết cấu cầu kì thì không phải một chủ thể có thể tạo ra nó được cần phải có sự hợp tác của nhiều chủ thể như xe máy, ôtô…);
- Chủ sở hữu của vật sẽ có quyền định đoạt đối với vật (hủy bỏ, đập bỏ…), thay đổi hình dáng vật thuộc sở hữu.
1.3 Phân loại vật
BLDS 2005 có nhiều cách phân loại vật khác nhau, ở mỗi tiêu chí phân loại lại có ý nghĩa khác nhau cho nền khoa học pháp lý.
1.3.1 Vật chính và vật phụ.
Dựa vào mối liên hệ, phụ thuộc về công dụng của vật đối với nhau mà theo Điều 176 BLDS 2005 thì vật được chia thành vật chính và vật phụ. Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng; vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính. Việc phân loại này mang lại ý nghĩa cơ bản cho việc thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật trong trường hợp chuyển giao vật chính thì phải chuyển cả vật phụ.
1.3.2 Vật chia được và vật không chia được.
Căn cứ theo hình dáng, tính năng của vật mà chia vật thành vật chia được và vật không chia được. Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu, ví dụ: gạo, xăng…. Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Ví dụ: xe máy, tủ, ghế, bàn… Cách phân loại này có ý nghĩa trong trường hợp khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia.
1.3.3 Vật tiêu hao và vật không tiêu hao
Căn cứ vào tính chất vật lý có thể phân loại vật thành vật tiêu hao và vật không tiêu hao. Theo quy định tại Điều 178 BLDS 2005 thì vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dạng và tính năng sử dụng ban đầu. Ví dụ: xà bông, xi măng, cát…Do đó, vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn. Vật không tiêu hao là vật qua sử dụng một lần vẫn giữ được tính chất, hình dạng và tính năng sử dụng ban đầu, ví dụ: quần áo, nhà ở, các loại phương tiện giao thông, các loại máy móc,...
1.3.4 Vật cùng loại và vật đặc định
Dựa vào dấu hiệu phân biệt của vật mà có thể chia thành vật cùng loại và vật đặc định. Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường như kg, lít (xăng dầu, gạo…). Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế được cho nhau.
Nếu vật cùng loại bị tiêu hủy thì có thể thay thế nó bằng vật cùng loại khác. Vật đặc định là những vật có thể phân biệt với các vật khác bằng các dấu hiệu đặc trưng riêng biệt của vật đó về kí hiệu, hình dáng, mà sắc chất liệu, đặc tính, vị trí. Trong khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật, đối với vật đặc định thì nó là vật duy nhất nên nếu trong quá trình chuyển giao vật phải dùng chính vật đó mà không thể dùng vật khác để thay thế.
1.3.5 Vật đồng bộ
Vật đồng bộ là tập hợp các vật, mà chỉ có đầy đủ nó mới có giá trị sử dụng đầy đủ. Tập hợp các vật phải liên hệ với nhau thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc có bộ phận không đúng quy cách, chủng loại, thông số, kĩ thuật thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút (đôi dép, đôi găng tay…). Vật đồng bộ là đối tượng thống nhất trong giao dịch dân sự vì vật khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành vật đồng bộ.
2. Tiền
2.1 Định nghĩa
Theo Mác “Tiền tệ là một thứ hàng hóa đặc biệt được tách ra khỏi thế giới hàng hóa dùng để đo lường và biểu hiện giá trị của tất cả các loại hàng hóa khác.” Theo các nhà kinh tế hiện đại thì tiền được định nghĩa là bất cứ cái gì được chấp nhận chung trong việc thanh toán để nhận hàng hóa, dịch vụ hoặc trong việc trả nợ.
Trong BLDS 2005 không có những quy định để làm rõ bản chất của tiền, tuy nhiên, thong qua các quan niệm thì có thể đưa ra một định nghĩa chung nhất về tiền: “Tiền được sử dụng làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác và nó phải có giá trị lưu hành trên thị trường”. Như vậy, chỉ có loại tiền đang được lưu hành tức là được pháp luật thừa nhận tại thời điểm đó mới được coi là một loại tài sản. Với việc BLDS 2005 đã bỏ quy định tiền thanh toán phải là tiền Việt Nam như quy định tại BLDS 1995 thì về mặt pháp lý tiền có thể được hiểu là nội tệ hoặc ngoại tệ. Tuy nhiên, ngoại tệ là loại tài sản hạn chế lưu thong chứ không được lưu hành rộng rãi như tiền Việt Nam.
Có thể thấy một số đặc điểm của tiền như: tính được chấp nhận một cách rộng rãi; dễ nhận biết; có nhiều mệnh giá khác nhau; tính lâu bền; tính khan hiếm.
2.2 Bản chất pháp lý
Tiền là một loại tài sản đặc biệt được quy định tại Điều 163 BLDS: dùng tiền để xác định giá trị của các loại tài sản thông qua đó có thể biết được tài sản nào có giá trị hơn. Như vậy, việc tất cả các tài sản đều có thể quy đổi ra tiền đã tạo nên tính đặc biệt của loại tài sản này.
Chức năng của tiền: công cụ thanh toán đa năng, công cụ tích lũy tài sản, thước đo giá trị.
2.3 Phân biệt tiền và vật
Theo quy định của Điều 163 BLDS 2005 thì tiền và vật cùng là tài sản, nhưng giữa chúng lại có một số điểm khác biệt về đặc điểm pháp lý như sau:
Thứ nhất, đối với vật thì chúng ta có thể khai thác công dụng hữu ích từ chính vật đó (dùng nhà để ở, dùng xe để đi…). Còn đối với tiền thì không thể khai thác công dụng hữu ích trực tiếp từ chính tờ tiền hay đồng tiền xu đó. Tiền thực hiện ba chức năng chính là: công cụ thanh toán đa năng, công cụ tích lũy tài sản và công cụ định giá các loại tài sản khác. Khái niệm “quyền sử dụng” chỉ áp dụng được một cách trọn vẹn cho vật chứ không áp dụng được cho tiền.
Thứ hai, các vật thông thường có thể do rất nhiều chủ thể khác nhau tạo ra, còn tiền thì chỉ do nhà nước độc quyền phát hành.
Thứ ba, vật được xác định số lượng bằng những đơn vị đo lường thông dụng như kilogram, mét, lít,…, còn tiền lại được xác định số lượng thông qua mệnh giá.
Thứ tư, chủ sở hữu vật được toàn quyền tiêu hủy vật thuộc sở hữu của mình, còn chủ sở hữu tiền lại không được tiêu hủy tiền (không được xé, đốt, sửa chữa, thay đổi hình dạng, kích thước, làm giả…).
3. Giấy tờ có giá
3.1 Vài nét về giấy tờ có giá
Theo định rộng, giấy tờ có giá nói chung được hiểu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong đó xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định xét trong mối quan hệ pháp lí với các chủ thể khác.
Với chức năng là một công cụ tín dụng thì giấy tờ có giá gồm: hối phiếu nhận nợ, hối phiếu đòi nợ, séc…
Với chức năng là phương tiện tín dụng là các loại hàng hóa được ghi giá trên thị trường tài chính, bao gồm các phương tiện ngắn hạn như các chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, kì phiếu và các phương tiện tín dụng dài hạn.
Với chức năng là công cụ tài chính, giấy tờ có giá gồm: cổ phiếu và trái phiếu.
Theo nghĩa hẹp, tại khoản 1 Điều 4 Quyết định số 02/2005/ QĐ – NHNN: “Giấy tờ có giá là chứng nhận của tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn trong đó xác nhận nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều khoản cam kết khác giữa tổ chức tín dụng và người mua”.
Tuy nhiên trong pháp luật dân sự không phải loại giấy tờ có giá nào cũng được coi là một loại tài sản trong giao lưu dân sự. Cần lưu ý với các loại giấy tờ xác nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy đăng ký ô tô, sổ tiết kiệm… không được coi là giấy tờ có giá. Nếu cần phải xem xét thì đó chỉ đơn thuần được coi là một vật và thuộc sở hữu của người đứng tên trên giấy tờ đó.
3.2 Đặc điểm của giấy tờ có giá
Giấy tờ có giá có một số đặc điểm sau:
- Giấy tờ có giá là một chứng chỉ được lập theo hình thức, trình tự luật định;
- Nội dung thể hiện trên giấy tờ có giá là thể hiện quyền tài sản, giá của giấy tờ có giá là giá trị quyền tài sản và quyền này được pháp luật bảo vệ;
- Giấy tờ có giá có tính thanh khoản và công cụ có thể chuyển nhượng toàn bộ một lần, việc chuyển nhượng một phần giấy tờ có giá là vô hiệu.
3.3 Phận biệt giấy tờ có giá và một số loại tài sản khác
3.3.1 Phân biệt giấy tờ có giá và tiền
Khác với tiền chỉ do cơ quan duy nhất là Ngân hàng Nhà nước ban hành thì giấy tờ có giá có thể do rất nhiều cơ quan ban hành như Chính phủ, ngân hàng, kho bạc, các công ty cổ phần,…; nếu tiền luôn có mệnh giá nhất định thể hiện thước đo giá trị của những loại tài sản khác, luôn lưu hành không có thời hạn, không ghi danh thì giấy tờ có giá có thể có mệnh giá hoặc không có mệnh giá, có thế có thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng, có thể ghi danh hoặc không ghi danh và việc thực hiện quyền định đoạt về số phận thực tế đối với giấy tờ có giá cũng không bị hạn chế như việc định đoạt tiền.
3.3.2 Phân biệt giấy tờ có giá và vật
Giấy tờ có giá và vật cùng là tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự nên chúng có điểm giống nhau đó là: đều là động sản trong cách phân loại thành bất động sản và động sản (Điều 174 BLDS 2005); đều là loại tài sản hữu hình.
Tuy nhiên, đối với vật có thể xác định số lượng, giá tri thông qua những đơn vị đo lường thông dụng (kg, tạ, tấn, mét, ml…). Trong khi đó các loại giấy tờ có giá được xác định giá trị thông qua giá trị ghi trên loại giấy tờ có giá đó (séc…), nhưng có loại giá trị của nó có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị bề ngoài của nó (cổ phiếu…). Bên cạnh đó, chúng ta có thể khai thác công dụng hữu ích trực tiếp từ chính vật đó, còn đối với giấy tờ có giá thì không thể có điều này… Ngoài ra, chủ sở hữu vật được toàn quyền đối với vật thuộc sở hữu của mình, còn chủ sở hữu giấy tờ có giá thì bị hạn chế quyền này, không được quyền sửa chữa, tẩy xóa, xé rách, thay đổi hình dạng, kích thước,… Đối với vật thì có thế do rất nhiều chủ thể khác nhau tạo ra, nhưng giấy tờ có giá chỉ có thể do một số chủ thể có quyền nhất định phát hành theo pháp luật.
4. Quyền tài sản
4.1 Định nghĩa
Khái niệm quyền tài sản đã được đưa vào BLDS năm 1995, và đến BLDS 2005 thì quy định trong Điều 181: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”.
Thông qua khái niệm về quyền tài sản trong BLDS 2005 thấy rằng quyền tài sản trước tiên phải được hiểu là xử sự được phép của chủ thế mang quyền. Quyền ở đây chính là một quyền năng dân sựu chủ quan của chủ thể được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền này phải trị giá được thành tiền hay nói cách khác là phải tương đương với một đại lượng vật chất nhất định. Quyền tài sản có rất nhiều nhưng chỉ những quyền tài sản nào có thế trở thành đối tượng trong các giao dịch dân sự thì mới được coi là tài sản tại Điều 163 BLDS 2005. Hiện nay, pháp luật dân sự Việt Nam công nhận một số quyền tài sản là tài sản như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hạn đối với tài sản bị xâm phạm, quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần góp vốn trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng (Điều 332 BLDS 2005).
4.2 Đặc điểm pháp lý của quyền tài sản:
- Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền (quyền sở hữu trí tuệ, sử đất…); có thể dùng là đối tượng trong giao lưu dân sự hoặc là quyền của chủ thể trong một số quan hệ dân sự tuyệt đối.
- Khác với các loại tài sản khác, quyền tài sản là tài sản vô hình. Quyền tài sản trong luật thực định Việt Nam được xây dựng như một khối đối lập với vật trong hệ thống phân loại cơ bản (vật hữu hình). Nói khác đi, quyền tài sản trong luật thực định Việt Nam được hiểu là quan hệ pháp luật khác với quan hệ sở hữu mà trên cơ sở quan hệ khác đó, một lợi ích định giá được bằng tiền hình thành và thuộc về một chủ thể của quan hệ đó.
4.3 Phân biệt quyền tài sản và giấy tờ có giá.
Nếu như giấy tờ có giá là một vật (tức là một tờ giấy được xác định giá trị) thì quyền tài sản hoàn toàn là một vật vô hình.
Đối với giấy tờ có giá có thể thực hiện quyền chiếm hữu và quyền định đoạt thì đối với quyền tài sản chúng ta không thực hiện được chức năng này. Quyền tài sản chỉ mang lại lợi ích cho chủ thể khi chúng được chuyển giao cho một chủ thể khác qua việc mua bán quyền tài sản (Điều 449 BLDS 2005).
Giấy tờ có giá với tư cách là một loại tài sản trong giao lưu dân sự chính là giấy tờ chính minh cho quyền tài sản vô danh, giá trị của tờ giấy có giá trị bằng với giá trị của quyền tài sản đó.
III. Những bất cập, hạn chế trong quy định về tài sản và phương hướng hoàn thiện.
1. Những bất cập, hạn chế trong quy định về tài sản của BLDS 2005.
1.1 Về cách quy định tại Điều 163 BLDS 2005 là chưa thật sự đầy đủ.
Theo quy định của điều luật này thì tài sản được định nghĩa theo kiểu liệt kê về các loại tài sản mà chưa đưa ra được phạm vi của nó cũng như không có một khái niệm chung về tài sản. Điều này sẽ gây bất cập khi phát sinh tài sản mới trong khi đời sống kinh tế xã hội đang phát triển từng ngày, từng giờ.
Bản thân tài sản là một khái niệm động, ngày càng có nhiều yếu tố đang được xem như là tài sản như: hồ sơ khách hàng, giọng hát ca sĩ, bào thai người, các sản phẩm của trí tuệ…Vì vậy nếu quy định theo cách liệt kê thì sẽ tạo sự hạn chế trong giao lưu dân sự khi phát sinh một tài sản mới trong xã hội (khi đó chưa có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh giao dịch dân sự với tài sản đó sẽ dẫn đến nhiều tranh chấp khó giải quyết.) Bên cạnh đó, quy định tại Điều 163 BLDS 2005 như đã tách biệt quyền sở hữu ra khỏi khái niệm tài sản và chỉ coi vật chất liệu là tài sản.
1.2 Không có những quy định cụ thể về tiền.
Tiền được quy định là một loại tài sản, thậm chí nó là tài sản có đặc điểm pháp lí khá đặc trưng nhưng thực tế cho thấy rằng trong BLDS lại không có quy định nào giải thích cụ thể về tiền dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất về bản chất pháp lí của tiền.
Hiện nay có nhiều tranh cãi xung quanh việc ngoại tệ có phải là tiền theo Điều 163 BLDS 2005 hay không? Về bản chất ngoại tệ và nội tệ đều là tiền nhưng trong pháp luật dân sự thì ngoại tệ chỉ được lưu thông hạn chế, không đáp ứng được chức năng là công cụ thanh toán đa năng, chỉ có những chủ thể nhất định mới được phếp giao dịch đối với nó. Như vậy, nêu để ngoại tệ vào loại tài sản nào trong các loại tài sản của Điều 163? Đây chính là sự khó khăn trong việc quy định khái niệm tài sản một cách khép kín của điều luật. Nhưng từ đó cũng có thể rút ra một hướng hoàn thiện cho các nhà làm luật cần quy định tiền trong BLDS – tiền nội tệ.
1.3 Sự hạn chế trong những quy định về giấy tờ có giá.
Điều khoản quy định về giấy tờ có giá trong BLDS 2005 quá đơn giản, không có sự giải thích cụ thể nào về giấy tờ có giá cả. Có nhiều loại giấy tờ có giá nhưng không phải loại nào cũng được coi là tài sản. BLDS 2005 chỉ quy định nó là một loại tài sản nhưng không đưa ra một giải thích nào dẫn đến sự mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khi giải thích khái niệm này.
Như trong Quyết định số 02/2005/QĐ–NHNN ngày 04/01/2005 Về việc ban hành Quy chế phát hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng để huy động vốn trong nước tại Điều 4: “Giấy tờ có giá là chứng nhận của tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn trong đó xác nhận nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều khoản cam kết khác giữa tổ chức tín dụng và người mua”. Tuy nhiên tại khoản 3 Điều 9 Nghị định của Chính phủ số 163/06/NĐ-CP thì giấy tờ có giá được hiểu là giấy tờ trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự.
1.4 Sự chưa phù hợp trong quy định về quyền tài sản.
Điều 181 BLDS 2005 về quyền tài sản đã bộc lộ thiếu sót lớn khi nhà làm luật không quy định về các quyền tài sản không chuyển giao được trong giao lưu dân sự, đó là những quyền trị giá được bằng tiền nhưng do gắn với nhân thân nên không thể chuyển giao được, ví dụ: quyền yêu cầu cấp dưỡng,…
Bên cạnh đó, khái niệm quyền tài sản của Việt Nam được xấy dựng là một loại tài sản đối lập với vật, tức là một loại tài sản vô hình. Như vật, khi ta kết hợp cách phân loại giữa vật và quyền với cách phân loại giữa bất động sản sẽ không tạo ra khái niệm quyền tài sản mang tính chất bất động sản. Do vậy, trong trường hợp này thì quyền tài sản sẽ là động sản. Điều này sẽ trở nên không phù hợp với quyền sử dụng đất (một loại quyền tài sản). Ngoài ra, trong quan niệm về quyền tài sản của BLDS Việt Nam 2005 đã không có khái niệm về quyền thực hiện trực tiếp trên vật (quyền đối vật).
1.5 Cách hiểu không đúng về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi coi nó là một loại tài sản.
Pháp luật Việt Nam không thừa nhận chế độ sở hữu đối với đất đai của công dân. Những người có quyền sử dụng đất sẽ được cơ quan nhà nước làm thủ tục và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi vay tiền ở các ngân hàng, người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến làm thủ tục thế chấp vay tiền. Từ đó đã dẫn đến cách hiểu không đúng của một số bộ phận người coi giấy này là tài sản, vì việc thế chấp nó đã được nhận lại một loại tài sản khác ở ngân hàng là tiền Việt Nam đồng.
Thực tế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một chứng chỉ ghi nhận quyền tài sản. Đây chính là tờ giấy mà trên bề mặt của nó có các ký tự, thong tin về lô đất.
Có thể nhận thấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một văn bản chứng quyền, cho nên không thể coi nó là tài sản và cũng không nên xem nó là loại giấy tờ có giá trong thanh toán, trao đổi.
2. Những phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về tài sản.
2.1 Bổ sung hoàn thiện quy định của pháp luật về tài sản trong BLDS.
Cần quy định theo lối mở rộng hơn đối với Điều 163 BLDS 2005 để phù hợp hơn với xu thế của đời sống xã hội. Bởi lý do phạm vi tài sản ngày càng được mở rộng hơn, số lượng những yếu tố được coi là tài sản mới ngày càng nhiều.
Đồng thời cần có sự giải thích cụ thể hơn về các loại tài sản (tiền, vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản) được nêu trong Điều 163 BLDS 2005 hiện hành để tạo tính thống nhất giữa BLDS với các văn bản luật chuyên ngành.
Các nhà làm luật nên bổ sung thêm các quy định về khái niệm vật cũng như đưa ra các giải thích cụ thể để làm rõ hơn bản chất pháp lý của nó.
Bên cạnh đó, cần xây dựng khái niệm về giấy tờ có giá theo hướng: trong quan hệ pháp luật dân sự thì giấy tờ có giá với tư cách là một loại tài sản được hiểu là chứng chỉ xác nhận quyền tài sản của một chủ thể xét trong mối quan hệ pháp lý với các chủ thể khác, trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự.
Ngoài ra, đối với quyền tài sản thì cần xây dựng nó như một đối trọng của quyền nhân thân. Quyền có thể chuyển giao được cho người khác thì không phải là quyền nhân thân.
2.2 Vấn đề công nhận “tài sản ảo” là một loại tài sản.
Tài sản với tư cách là đối tượng của sở hữu được đề cập lần đầu tiên trong các quy định về tài sản và quyền sở hữu của BLDS Việt Nam. BLDS năm 1995 trước đây cũng như BLDS năm 2005 hiện hành dựa vào tiêu chí tài sản là đối tượng của quyền sở hữu phải trị giá được bằng tiền và có thể đưa vào giao lưu dân sự. Theo Điều 172 BLDS 1995: “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Đến BLDS năm 2005 khái niệm tài sản đã được hoàn thiện thêm một bước góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật. Theo Điều 163 BLDS 2005: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Mặc dù, BLDS 2005 đã quy định cụ thể khái niệm tài sản tuy nhiên trên thực tế xoay quanh vấn đề tài sản vẫn còn nhiều vướng mắc. Một trong những vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian gần đây là : có nên thừa nhận tài sản ảo là một loại tài sản hay không và cơ chế pháp lý điều chỉnh những giao dịch phát sinh từ đối tượng này như thế nào. Tài sản ảo được nói đến ở đây là trong trò chơi trực tuyến (online games).
Tài sản ảo là một thuật ngữ xuất hiện cùng với sự phát triển của trò chơi trực tuyến. Đối chiếu với pháp luật hiện hành của nước ta hiện nay, tài sản ảo không phải là thuật ngữ pháp lý mà nó chỉ là cách gọi thông dụng của những người tham gia online games và các nhà nghiên cứu.
Để xác định tài sản ảo là một loại tài sản cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể:
- Về tính pháp lý: Tài sản ảo là một khái niệm rất rộng như tên miền internet, địa chỉ hộp thư điện tử, các loại tài khoản Game Online,… phổ biến nhất là tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến, tên miền. Tiếp cận theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng ảo trong thế giới ảo, còn theo nghĩa rộng thì tài sản ảo được hiểu là những tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự. Khái niệm này được tiếp cận thông qua tư duy lý luận về quyền tài sản.
Con người không thể thông qua các giác quan của mình để tiếp cận được với quyền tài sản nên quyền tài sản không tạo cho mọi người khả năng tiếp cận mang tính vật thể mà cần phải xác định loại tài sản này thông qua giá trị thể hiện bằng tiền. Nhờ thông qua giá trị bằng tiền của quyền tài sản mà chúng ta có thể tiếp cận và tạo nên khả năng cảm nhận đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản ảo, đó là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Điều đó cho thấy, tài sản ảo có bản chất “rất gần” với quyền tài sản và do đó việc thừa nhận nó như một loại tài sản cũng là hợp lý.
- Về bản chất: Tài sản ảo (cung, kiếm, áo giáp ảo, tiền ảo …) chỉ là hình ảnh thể hiện ra bên ngoài, mà bên trong chính là thông tin tồn tại dưới dạng các đoạn mã máy tính. Các đoạn mã khác nhau tạo nên những loại tài sản ảo khác nhau. Chính vì vậy, tài sản ảo cũng có sự thống nhất của tính chất nội tại và hình ảnh bên ngoài như bất kỳ tài sản thông thường nào khác. Tuy nhiên, do các đoạn mã máy tính không tồn tại độc lập hoàn toàn nên không thể thực hiện quyền chiếm hữu như tài sản thông thường mà chỉ có thể thực hiện được quyền này thông qua giá trị bằng tiền của tài sản ảo đó. Điều này về bản chất không khác với quyền sở hữu trí tuệ (có tính vô hình) đã được thừa nhận là một loại quyền tài sản. Tương tự như vậy, việc thừa nhận tài sản ảo là các đoạn mã ghi nhận quyền của người chơi sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo hộ và khai thác các lợi ích của tài sản ảo, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề về tài nguyên mạng đã gây tranh chấp hiện nay.
- Về giá trị: Tài sản ảo có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng vì nó đáp ứng những nhu cầu của con người. Game online đáp ứng nhu cầu về giải trí; tên miền cung cấp một hình thức đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, thương hiệu,…
Trong thực tế, các giao dịch liên quan đến “tài sản ảo” được thực hiện khá phổ biến, mặc dù pháp luật không chính thức thừa nhận và bảo hộ loại tài sản này là đối tượng của giao dịch dân sự nhưng giá trị của các loại tài sản ảo này là rất lớn có thể trị giá hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Ví dụ như trò chơi Game online với tên gọi “Dự án Entropia” được tạo ra ở Thụy Điển với nội dung xây dựng thế giới mới tại hành tinh Calipso và những người chơi đóng vai trò là những cư dân. Cuộc sống mới trên hành tinh này mô phỏng cuộc sống thật trên trái đất và mọi giao dịch thực hiện bằng đô la ảo với giá trị 10 đô la ảo = 1 đô la thật. Mối liên hệ giữa cuộc sống ảo và thực thông qua mối quan hệ tiền tệ dần xóa bỏ tính “ảo” của tài sản trong trò chơi khiến nó thực như bất cứ tài sản nào khác trên trái đất.
Việc thừa nhận tài sản ảo là tài sản trong BLDS sẽ giải quyết được các vấn đề còn vướng mắc trên thực tế như sau:
+ Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các giao dịch liên quan đến tài sản ảo với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu.
+ Tạo cơ sở để giải quyết các hành vi phạm tội đối với tài sản ảo khi các vụ án hình sự đối với hành vi trộm cắp, lừa đảo tài sản ảo ngày càng gia tăng.
Công nhận tài sản ảo là một xu hướng mới, do đó, vấn đề này cũng còn gặp phải rất nhiều tranh cãi trên thực tế. Tuy nhiên, đây là một đòi hỏi của thực tế cuộc sống, dù muốn hay không thì các giao dịch về tài sản ảo vẫn diễn ra. Trên thế giới, các nước cũng chưa chính thức thừa nhận tài sản ảo trên các văn bản pháp luật, nhưng đã có những hành vi thực tế để dần “luật hóa” tài sản ảo, đó là: Thụy Điển chính thức tuyên bố khẳng định sự hiện diện ngoại giao của mình trong thế giới ảo (trò chơi Second Life), Công ty truyền thông Linchtenstein Creative Media ở Cambridge (Mỹ) thực hiện chương trình truyền thông định kỳ phát sóng trực tuyến cho cộng đồng ảo mỗi tuần 1 giờ từ tháng 8/2006 với trên 250 lần phát sóng,…
Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay, việc thừa nhận tài sản ảo là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Xét từ tình hình thực tiễn và dựa vào những vấn đề lý luận của tài sản có thể giải quyết “tài sản ảo” hướng áp dụng vào Điều 163 và Điều 181 BLDS 2005, như sau:
- Xác lập “tài sản ảo” là một quyền tài sản và giải thích theo Điều 181 BLDS 2005. Tài sản ảo có thể trị giá được bằng tiền theo quy luật cung cầu.
- Để tiếp cận tài sản ảo theo hướng quyền tài sản thì cần quy định khung pháp lý chặt chẽ về vấn đề này. Vì hiện nay, người chơi không có quyền sở hữu hoàn chỉnh, quyền chiếm hữu không thuộc về người chơi vì nó nằm trong hệ thống máy chủ của nhà cung cấp trò chơi, quyền định đoạt cũng không có vì quyết định thời hạn cung cấp phần mềm trò chơi thuộc nhà sản xuất cũng như nhà cung cấp, người chơi chỉ có quyền sử dụng đối với trò chơi. Do vậy, cần thiết nên quy định những ràng buộc nhất định giữa người chơi với nhà cung cấp và nhà sản xuất. Bên cạnh đó, quyền định đoạt đối với tài sản ảo cũng là một vấn đề cần quan tâm để bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu loại tài sản này.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Chế định tài sản là một vấn đề cốt lõi trong pháp luật dân sự, các nhà làm luật, các nhà nghiên cứu cũng như các tổ chức, pháp nhân, cá nhân công dân cần có những nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về vấn đề này. Có sự kiểm tra, nhìn nhận ra những khuyết điểm, hạn chế và mở rộng, bổ sung hợp lý, đúng đắn, chính xác về chế định tài sản trong pháp luật Việt Nam, nói chung và BLDS nói riêng thì mới mong có sự phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay và góp phần to lớn trong sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội, đảm bảo sự thúc đẩy lưu thông dân sự và đi lên của cuộc sống, xã hội con người.
No comments:
Post a Comment