Bài 3: K là chủ kiêm lái xe thường xuyên được Công ty X thuê chở hàng từ kho của công ty giao cho Hợp tác xã M. Trong một lần chở hàng, do đã quen nhau nên thủ kho của công ty X thỏa thuận và cho K vào kho tự bốc và xếp hàng lên xe, mỗi chuyến là 30 bao hàng ra cổng thủ kho mới kiểm tra số hàng vận chuyển và ký vào phiếu xuất hàng. Hôm đó K đã chở được 4 chuyến, mỗi chuyến đúng 30 bao hàng, đến chuyến thứ 5 K tự xếp thêm 2 bao hàng lên xe (vượt 2 bao so với thỏa thuận với thủ kho). Khi ra cổng kho K điềm nhiên như vẫn chở 30 bao hàng như các chuyến trước và đưa phiếu xuất hàng cho thủ kho ký. Tin rằng K chở đủ số bao hàng như các chuyến trước, lại đã giữa trưa nên thủ kho không đếm lại số bao hàng K vận chuyển mà ký xác nhận ngay vào phiếu xuất 30 bao hàng. Bằng thủ đoạn trên K đã chiếm đoạt được 2 bao hàng của Công ty X trị giá là 5 triệu đồng.
Về hành vi chiếm đoạt tài sản của K có các ý kiến sau về tội danh:
a. K phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
b. K phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
c. K phạm tội trộm cắp tài sản.
Hỏi:
1. Anh (chị) hãy bác bỏ các ý kiến sai; Xác định ý kiến đúng và giải thích rõ tại sao? (3 điểm)
2. Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra còn xác định được ngoài hành vi chiếm đoạt tài sản nói trên, K còn rút bớt mỗi chuyến một số hàng hóa của Hợp tác xã M tổng giá trị là 10 triệu đồng. Hãy định tội cho hành vi này. (2 điểm)
3. Toàn bộ số tài sản chiếm đoạt được K đã bán lại cho N. Theo anh (chị) N có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao? (2 điểm)
1. Anh (chị) hãy bác bỏ các ý kiến sai; Xác định ý kiến đúng và giải thích rõ tại sao?
Theo em ý kiến cho rằng hành vi chiếm đoạt tài sản của K cấu thành tội trộm cắp tài sản là chính xác.
Về hành vi chiếm đoạt tài sản của K có ý kiến về tội danh của K là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không chính xác vì những lí do sau:
Các dấu hiệu pháp lí về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Điều 140 BLHS:
- Khách thể của tội phạm: khách thể của tội này là quan hệ sở hữu tài sản bao gồm quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản của người khác, bao gồm tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm trong tình huống này là bao hàng cảu Công ty X.
- Mặt khách quan của tội phạm thể hiện bởi hai nhóm hành vi:
Thứ nhất, là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.
Thứ 2, là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Trong vụ án này, K nhận được tài sản đang nằm dưới sự quản lí của thủ kho. Tuy K được trực tiếp vào bốc hàng và tiếp cận trực tiếp với hàng hóa nhưng lúc này hàng hóa vẫn trong sự quản lý của thủ kho và thời điểm K chiếm đoạt được tài sản là lúc thủ kho kí vào phiếu xuất hàng. Ở đây, việc giao nhận tài sản không ngay thẳng vì về phía thủ kho đã không kiểm tra kĩ hàng hóa mà đã kí giấy xuất hàng, theo ý chí của mình thủ kho cho rằng trên xe đúng 30 bao hàng còn về phía K thì biết rằng khi thủ kho kí xong thì số hàng đó là 32 bao chứ không phải 30 bao như đã thảo thuận. Như vậy, số tài sản thủ kho đã giao cho K là thừa 2 bao mà không hề hay biết. Do vậy, hành vi phạm tội của K không thỏa mãn mặt khách quan của tội này, cụ thể K nhận được tài sản của thủ kho với số lượng không đúng theo phiếu xuất hàng mà thủ kho giao cho K hay việc giao nhận không ngay thẳng – thủ kho không biết rằng đã giao cho K 2 bao hàng.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích là chiếm đoạt tài sản của người khác.
- Chủ thể của tội phạm là K.
Như vậy, K không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Về hành vi chiếm đoạt tài sản của K có ý kiến về tội danh của K là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không chính xác vì những lí do sau:
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 BLHS. Các dấu hiệu pháp lí của tội phạm này:
- Khách thể của tội phạm: là quan hệ sở hữu tài sản, bao gồm quyền chiếm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản của người khác, bao gồm vật, tiền, các giấy tờ có giá và các quyền về tài sản. Cụ thể ở đây, đối tượng tác động của hành vi phạm tội của K là: bao hàng của Công ty X.
- Mặt khách quan của tội phạm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện bởi hai hành vi khác. Đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Giữa hai hành vi này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối. Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin giả. Về mặt chủ quan, người phạm tội biết đó là thông tin giả nhưng mong người khác tin đó là thật. Hành vi lừa dối như vậy có thể thực hiện qua lời nói, qua việc xuất trình giấy tờ sai sự thật hoặc qua những việc làm cụ thể ( cân, đong, đo, đếm thiếu).
Trong vụ án này, trong lần trở hàng này, do quen biết nhau nên thủ kho của công ty X thỏa thuận và cho K vào kho tự bốc hàng lên xe, mỗi chuyến là 30 bao hàng ra cổng thủ kho mới kiểm tra số hàng vận chuyển và kí vào phiếu xuất hàng nên K đã phát sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Ngày hôm đó, K đã chở 4 chuyến đầu với mỗi chuyến chở 30 bao hàng không phải là hành vi gian dối để thủ kho tin nhầm mà giao tài sản, đây chỉ là K thực hiện công việc chở hàng của mình đối với công ty X theo đúng hợp đồng. Như vậy, ở trong vụ án này không có hành vi gian dối. Như vậy, hành vi của K không thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên K không thể phạm tội này.
- Chủ thể của tội phạm: Cụ thể trong vụ án này chủ thể là K - “K là chủ kiêm lái xe thường xuyên được Công ty X thuê chở hàng từ kho của công ty giao cho Hợp tác xã M”như vậy ta có thể thấy K hoàn toàn đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo quy định của pháp luật.
- Mặt chủ quan của tội phạm: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp.
Từ những phân tích trên ta thấy, K không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về hành vi chiếm đoạt tài sản của K có ý kiến về tội danh của K là phạm tội trộm cắp sản là chính xác vì đã thỏa mãn những dấu hiệu pháp lí đối với tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS:
- Khách thể của tội phạm: là quan hệ sở hữu tài sản, bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản của người khác bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền về tài sản. Trong vụ án này, khách thể là quan hệ tài sản và đối tượng tác động là bao hàng của Công ty X.
- Mặt khách quan của tội phạm: thể hiện ở hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Người bị
bí mật chiếm đoạt là chủ sở hữu hoặc người đang trực tiếp quản lí tài sản. Người chủ sở hữu hay người đang trực tiếp quản lí tài sản không hề biết tài sản của mình đang bị chiếm đoạt. Người khác không phải chủ sở hữu hoặc quản lí tài sản có thể biết hoặc không biết kẻ phạm tội đang lén lút chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, sau khi bốc hàng lên xe K đã bốc quá thêm hai thùng hàng như vậy dù có người nhìn thấy thì mọi người cũng không nghĩ đó là hành vi trộm cắp tài sản. Sau khi bốc hàng xong K chạy xe ra cổng để thủ kho kí giấy xuất hàng. Việc không kiểm tra lại số hàng trên xe đã tạo điều kiện cho K có điều kiện chiếm đoạt được 2 bao hàng là do ý chí chủ quan của thủ kho không muốn kiểm tra do thấy những lần trước K chở hàng đúng số lượng hoặc do trời đã trưa nên thủ kho không muốn kiểm hàng. Trong trường hợp này thủ kho là người trực tiếp quản lí tài sản và không biết mình bị chiếm đoạt tài sản vì thấy những lần trước K chở đúng số lượng hàng và khi ra khỏi cổng kho K vẫn giữ vẻ mặt điềm nhiên làm cho thủ kho không có gì nghi ngờ mà kí ngay vào giấy xuất hàng. K chiếm đoạt được tài sản khi thủ kho kí xác nhận vào phiếu xuất hàng. Thủ kho biết mình đang kí xuất 30 bao hàng chứ không hề biết mình đang kí xuất 32 bao hàng vì do thủ kho quá chủ quan không kiểm hàng trước khi kí xuất hàng.
- Chủ thể của tội phạm: Cụ thể trong vụ án này chủ thể là K - “K là chủ kiêm lái xe thường xuyên được Công ty X thuê chở hàng từ kho của công ty giao cho Hợp tác xã M”như vậy ta có thể thấy K hoàn toàn đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo quy định của pháp luật.
- Mặt chủ quan của tội phạm: tội trộm cắp tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích là chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể. K thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp và với mục đích chiếm đoạt bao hàng của công ty X.
Từ những phân tích trên ta thấy như vậy, K phạm tội trộm cắp tài sản.
2. Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra còn xác định được ngoài hành vi chiếm đoạt tài sản nói trên, K còn rút bớt mỗi chuyến một số hàng hóa của Hợp tác xã M tổng giá trị là 10 triệu đồng. Hãy định tội cho hành vi này.
Đối với hành vi này K phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Vì:
Các dấu hiệu pháp lí về tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Điều 140 BLHS:
- Khách thể của tội phạm: khách thể của tội này là quan hệ sở hữu tài sản bao gồm quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản của người khác, bao gồm tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Đối tượng tác động của tội phạm trong tình huống này là bao hàng của Công ty X.
- Mặt khách quan của tội phạm thể hiện bởi hai nhóm hành vi:
Thứ nhất, là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.
Thứ 2, là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Trong vụ án này, K đã nhận được tài sản đang nằm dưới sự quản lí của thủ kho qua việc thủ kho kí xác
nhận vào phiếu xuất hàng. Như vậy, K nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng. Sau khi được thủ kho kí vào phiếu xuất hàng K chở hàng tới Hợp tác xã M và đã rút bớt một số hàng hóa khi trở tới hợp tác xã M, hành vi K rút bớt hàng hóa chở tới hợp tác xã M đã làm trái với hợp đồng - phiếu xuất 30 bao hàng chở tới hợp tác xã M. Ở đây, do có hành vi sau bị hát hiện: " Trong một lần chở hàng, do đã quen nhau nên thủ kho của công ty X thỏa thuận và cho K vào kho tự bốc và xếp hàng lên xe, mỗi chuyến là 30 bao hàng ra cổng thủ kho mới kiểm tra số hàng vận chuyển và ký vào phiếu xuất hàng. Hôm đó K đã chở được 4 chuyến, mỗi chuyến đúng 30 bao hàng, đến chuyến thứ 5 K tự xếp thêm 2 bao hàng lên xe (vượt 2 bao so với thỏa thuận với thủ kho). Khi ra cổng kho K điềm nhiên như vẫn chở 30 bao hàng như các chuyến trước và đưa phiếu xuất hàng cho thủ kho ký. Tin rằng K chở đủ số bao hàng như các chuyến trước, lại đã giữa trưa nên thủ kho không đếm lại số bao hàng K vận chuyển mà ký xác nhận ngay vào phiếu xuất 30 bao hàng. Bằng thủ đoạn trên K đã chiếm đoạt được 2 bao hàng của Công ty X trị giá là 5 triệu đồng", cơ quan điều tra đã mở rộng điều tra và phát hiện thêm hành vi rút bớt hàng hóa ở một số chuyến hàng trở tới Hợp tác xã M. Như vậy, có thể thấy sau khi rút bớt nhiều lần như vậy mà vẫn không bị phát hiện chứng tỏ sau khi nhận và rút bớt hàng hóa K đã dùng thủ đoạn gian dối để không bị công ty X và hợp tác xã M phát hiện và vẫn được làm công việc chở hàng tại công ty X tới hợp tác xã M. Với những dấu hiệu này đã thỏa mãn mặt khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích là chiếm đoạt tài sản của người khác.
- Chủ thể của tội phạm là K.
Như vậy, đối với hành vi K còn rút bớt mỗi chuyến một số hàng hóa của Hợp tác xã M tổng giá trị là 10 triệu đồng thì K phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
3. Toàn bộ số tài sản chiếm đoạt được K đã bán lại cho N. Theo anh (chị) N có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao?
Căn cứ vào dấu hiệu lỗi của người chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ta chia 2 trường hợp:
• Trường hợp 1: N biết hoặc có nghĩa vụ phải biết tài sản K mang đến là do hành vi phạm tội mà có được. Ở đây, chúng ta chia thành hai trường hợp:
Thứ nhất, nếu trước đó người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản của người phạm tội mà có có hứa hẹn hay thỏa thuận trước với người phạm tội thì người có hành vi chứ chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trở thành đồng phạm. Như vậy, trong trường hợp này N và K là đồng phạm với N có vai trò là người giúp sức. Do đó, N vẫn phải chịu TNHS về hành vi của mình.
Thứ hai, theo Điều 250 BLHS Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...”.
Trong trường hợp này N có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do K phạm tội mà có chỉ bị coi là tội phạm khi hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản được thực hiện mà không có sự thỏa thuận, hứa hẹn từ trước và N biết rõ đó là tài sản phạm tội mà có. Hoặc trong trường hợp N không lường đến trường hợp số tài sản đó là do phạm tội mà có nhưng pháp luật lại buộc K phải biết đó là tài sản do phạm tội mà có được. Mặt khác căn cứ theo khoản 10 Điều 2 Thông tư liên tịch Số: 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền:
“10. Những vấn đề cần chú ý khác:
a) Về mặt chủ quan của tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nhưng không có hứa hẹn, bàn bạc hoặc thỏa thuận trước với người có tài sản do phạm tội mà có...”
Do đó, N không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì vẫn phải chịu TNHS về hành vi của mình.
• Trường hợp 2: N không biết tài sản sản của K là do hành vi phạm tội mà có được và tài sản K mang đến không thuộc loại tài sản mà pháp luật buộc N phải biết đó là tài sản do phạm tội mà có.
Vấn đề trách nhiệm hình sự đặt ra trong trường hợp người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được “biết rõ” tài sản đó là do phạm tội mà có. Trong trường hợp nếu N không biết tài sản là do K phạm tội mà có thì N không có lỗi. Theo luật hình sự Việt Nam không chấp nhận việc “quy tôi khách quan”, nghĩa là truy cứu TNHS trên cơ sở hành vi khách quan mà không xét đến lỗi của họ. Do đó, N đã thực hiện hành vi khách quan gây thiệt hại cho xã hội nhưng N không có lỗi. Do vậy, N không có lỗi trong trường hợp này và do đó N không phải chịu TNHS về hành vi của mình.
No comments:
Post a Comment