Bài tập học kì môn Luật Thủ tục đặc biệt Tố tụng dân sự có đáp án
Sự biệt tích quá lâu của một người có thể làm gián đoạn các quan hệ xã hội mà họ tham gia, làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan đến hộ trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại... Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của những người liên quan đến người biệt tích đó, pháp luật dân sự đã quy định các chủ thể này có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người biệt tích đó là mất tích hoặc đó chết. Yêu cầu tuyên bố một người mất tích và thủ tục giải quyết yêu cầu này cũng như thủ tục hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích là một trong những quy định mới được cụ thể hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2004, được quy định từ Điều 330 đến Điều 334, chương XXIII, BLTTDS 2004. Trong quá trình áp dụng thực tiễn, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích đã bộc lộ cả ưu lẫn nhược điểm của nó. Do vậy, để hiểu rõ hơn về thủ tục tố tụng này, bài viết dưới đây trình bày đề tài: “Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích và thực tiễn áp dụng.”
Nội dung
1. Khái quát về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích
Yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích là một loại việc dân sự, được quy định tại khoản 2 Điều 26 BLTTDS. Vì là một loại việc dân sự nên yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích cũng có những đặc điểm cơ bản của một việc dân sự, đó là: không có nguyên đơn và bị đơn mà chỉ có người yêu cầu Tòa án giải quyết; các đương sự trong việc dân sự không có tranh chấp với nhau về quyền và nghĩa vụ dân sự; từ yêu cầu của đương sự Tòa án sẽ công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự, từ yêu cầu của đương sự Tòa án công nhận quyền và nghĩa vụ dân sự cho họ.
Yêu cầu tuyên bố một người mất tích là việc người có quyền, lợi ích liên quan đề nghị Tòa án tuyên bố một người đã biệt tích một thời gian dài không có tin tức xác thực về việc người đó là còn sống hay đã chết là mất tích. Yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích là việc người bị tuyên bố mất tích hoặc người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố người mất tích khi người bị tuyên bố mất tích đó trở vể hoặc có tin tức xác thực là còn sống nhằm khôi phục lại năng lực chủ thể của người đó.
Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích là trình tự, thủ tục tố tụng do Tòa án có thẩm quyền tiến hành để xem xét chấp thuận hay không chấp thuận yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích từ giai đoạn thụ lí đơn yêu cầu đến khi quyết định tuyên bố mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích có hiệu lực pháp luật.
Về cơ bản, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích không có gì khác so với thủ tục giải quyết việc dân sự nói chung. Tuy nhiên, so với thủ tục giải quyết việc dân sự khác, trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu phải tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Đây là thủ tục bắt buộc đối với yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Bản chất của thủ tục tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích là yêu cầu Tòa án xác nhận một sự kiện pháp lý, từ sự kiện pháp lý này sẽ là cơ sở để các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan khởi kiện đề nghị Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong một vụ án; đồng thời, cũng là cơ sở để quản lý tài sản của người mất tích.
2. Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích
2.1. Thụ lý yêu cầu tuyên bố một người mất tích
Thụ lý yêu cầu tuyên bố một người mất tích là việc Tòa án tiếp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích vào sổ thụ lý vụ việc dân sự để giải quyết.
Mặc dù BLTTDS không quy định cụ thể về thủ tục thụ lý vụ yêu cầu tuyên bố một người mất tích, nhưng có thể căn cứ vào Điều 311 BLTTDS và áp dụng tương tự các điều từ Điều 167 đến Điều 174 BLTTDS với nội dung cụ thể như sau: Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu Tòa án phải xem xét một trong các quyết định sau: Thụ lý việc dân sự, nếu việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; chuyển việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người gửi đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự biết nếu việc dân sự đó thuộc thẩm quyền Tòa án khác; trả lại đơn yêu cầu nếu việc đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Để xác định ra quyết định nào trong số các quyết định trên, sau khi nhận được đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án phải xem xét và kiểm tra các điều kiện:
- Điều kiện về chủ thể có quyền yêu cầu: người có quyền, lợi ích liên quan đến người biệt tích có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích nếu người mất tích biệt tích thỏa mãn quy định tại Điều 78 Bộ luật dân sự (BLDS) 2005: “1. Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích. ...” Theo khoản 1 Điều 330 BLTTDS, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích. Tuy nhiên, BLDS cũng như BLTTDS chưa có quy định cụ thể giải thích thế nào là người có quyền, lợi ích liên quan. Bên cạnh đó, để thực hiện quyền yêu cầu này, người có quyền yêu cầu phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự.
- Điều kiện về thời hiệu yêu cầu: theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 159 BLTTDS thì trong trường hợp pháp luật không quy định khác về thời hiệu yêu cầu, thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết là 1 năm, kể từ ngày phát sinh yêu cầu.
- Điều kiện về thẩm quyền giải quyết: khi nhận được đơn yêu cầu, Tòa án phải tiến hành kiểm tra xem yêu cầu đó có thược thẩm quyền giải quyết của Tòa án mình hay không. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án được phân chia theo các cấp, theo lãnh thổ hoặc theo sự lựa chọn của người yêu cầu, được quy định cụ thể tại mục 2 chương III BLTTDS.
- Điều kiện về hình thức đơn yêu cầu: Hình thức và nội dung cơ bản của đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích phải đáp ứng quy định tại Điều 312 BLTTDS. Người gửi đơn yêu cầu phải kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
+ Nếu hình thức đơn yêu cầu không đáp ứng đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 BLTTDS thì Tòa sẽ áp dụng quy định tại Điều 311 và Điều 169 BLTTDS thông báo cho người gửi đơn yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Thời hạn sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu do Tòa án ấn định nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày người yêu cầu nhận được thông báo, trong trường hợp đặc biệt Tòa có thể ra hạn nhưng không quá 15 ngày.
+ Nếu đơn yêu cầu đáp ứng đủ các điều kiện về nội dung và hình thức, Tòa án sẽ xác định tiền tạm ứng lệ phí và thông áo cho người có đơn yêu cầu nộp tiền tại cơ quan thi hành án cùng cấp. Khi người yêu cầu xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng lệ phí, Tòa án sẽ thụ lí đơn yêu cầu. Nếu người yêu cầu được miễn nộp tiền tạm ứng lệ phí hoặc miễn nộp lệ phí thì Tòa phải thụ lý đơn yêu cầu khi nhận được đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
+ Tòa án sẽ ra quyết định trả lại đơn yêu cầu trong các trường hợp sau: người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi TTDS; thời hiệu yêu cầu đã hết; không nộp lệ phí; chưa đủ điều kiện để yêu cầu; yêu cầu giải quyết đã được giải quyết bằng một quyết định giải quyết khác đã có hiệu lực; người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu khi đã được Tòa án thông báo sửa đổi, bổ sung; hoặc yêu cầu không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Khi trả lại đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án phải có văn bản kèm theo và ghi rõ lý do trả lại đơn yêu cầu. Nếu không đồng ý với quyết định trả lại đơn yêu cầu, người yêu cầu có quyền khiếu nại trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại và các tài liệu, chứng cứ kèm theo với Chánh án tòa án đã trả lại đơn đó (căn cứ Điều 311 và Điều 170 BLTTDS).
2.2. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích
Theo quy định tại Điều 311 BLTTDS thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích là 20 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu, gồm các bước sau:
- Thông báo thụ lý: Chương XXIII BLTTDS không quy định việc Tòa án phải gửi thông báo thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, nhưng căn cứ Điều 311 và Điều 174 BLTTDS, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án phải phải thông báo bằng văn bản cho người có quyền, lợi ích liên quan đến việc giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích và cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án thụ lý yêu cầu.
- Sau khi thông báo thụ lý, Thẩm phán được phân công phụ trách giải quyết yêu cầu tiến hành nghiên cứu đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để kịp thời yêu cầu bổ sung chứng cứ nếu thiếu.
- Thông báo tìm kiếm và công bố thông báo: theo khoản 1 Điều 331 BLTTDS, thủ tục thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là bắt buộc. Thủ tục này là bắt buộc nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người bị tuyên bố mất tích, đồng thời cũng bảo vệ chính quyền lợi sau này của người yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Thông báo tìm kiếm và việc công bố thông báo phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 327 và Điều 328 BLTTDS.
- Thực hiện một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự được quy định từ Điều 85 đến Điều 94 BLTTDS. Vốn dĩ BLTTDS không có quy định về việc Tòa án thực hiện một hoặc một số biện pháp thu thập chứng cứ khi có yêu cầu của đương sự, nhưng theo nguyên tặc áp dụng pháp luật giải quyết việc dân sự tại Điều 311 BLTTDS thì ngoài các quy định tại chương XX BLTTDS, Tòa án sẽ áp dụng các quy định tại chương khác để giải quyết những việc dân sự thuộc thẩm quyền của mình.
- Ra một số quyết định khác như quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích theo khoản 3 Điều 331. BLTTDS không quy định rõ Tòa án có thể ra quyết định tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu hay quyết định áp dụng biện pháp tạm thời, tuy nhiên nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người bị tuyên bố mất tích lẫn những người liên quan, Tòa án có thể căn cứ vào Điều 311 và Điều 189 BLTTDS để có quyết định phù hợp.
2.3. Quyết định tuyên bố một người mất tích
2.3.1. Phiên họp xét đơn yêu cầu
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông báo đối với yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
* Thành phần tham gia:
- Thành phần giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích (khoản 3 Điều 26 BLTTDS) sẽ do một thẩm phán giải quyết (căn cứ khoản 2 Điều 55 BLTTDS).
- Đại điện Viện kiểm sát cùng cấp bắt buộc phải có mặt tại phiên họp theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS.
- Việc mở phiên họp để giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích là công khai, do đó, Tòa án phải triệu tập người có đơn yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ; người có liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ; người làm chứng, giám định... nếu Tòa thấy cần thiết.
Nếu những người này vắng mặt thì tùy từng trường hợp, Tòa án có thể hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành.
* Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp:
Vì bản chất yêu cầu tuyên bố một người mất tích là việc dân sự, cho nên trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích cũng giống như trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự nói chung quy định tại Điều 314 BLTTDs, đồng thời kết hợp với Điều 311 sẽ tiến hành theo trình tự sau: chuẩn bị khai mạc phiên họp; khai mạc phiên họp; thủ tục hỏi tại phiên họp; quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu, nếu chấp nhận yêu cầu thì Tòa án phải ra quyết định tuyên bố một người mất tích.
2.3.2. Quyết định giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích
Quyết định giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích là văn bản pháp lý kết thúc quá trình chuẩn bị, xem xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Trong đó, Tòa án xác định rõ có hay không chấp nhận yêu cầu. Trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tà sản của người đó theo quy định của BLDS (căn cứ khoản 2, 3 Điều 332 BLTTDS).
2.4. Thủ tục xét đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích
Khi nhận đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án cũng tiến hành các thủ tục thụ lý đơn yêu cầu, chuẩn bị xét đơn yêu cầu giống như khi tiếp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
Điều kiện để yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích:
- Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì người đó hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích (khoản 1 Điều 80 BLDS);
- Có đơn yêu cầu Toàn án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích do người bị coi là mất tích hoặc người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu’
- Đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích phải đáp ứng các quy định tại khoản 2 và 3 Điều 333 BLTTDS.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án phải mở phiên hợp xét đơn yêu cầu (khoản 1 Điều 334 BLTTDS). Phiên họp xét đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích cũng được tiến hành giống như phiên họp xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu. Nếu chấp nhận, Tòa án phải ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích, trong đó, Tòa án phải quyết định về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bô một người mất tích theo quy định của BLDS về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.
3. Thực tiễn áp dụng thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích
Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích được quy định cụ thể tại BLTTDS đã tạo nên một khung pháp lý cơ bản riêng biệt đối với các loại việc dân sự nói chung. Từ đó, thúc đẩy sự cụ thể hóa luật một cách rõ ràng và dễ áp dụng vào thực tiễn hơn. Trước khi được quy định thành những quy định cụ thể tại BLTTDS, thường thấy thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích được đan xen lẫn với thủ tục giải quyết vụ án dân sự có gắn các yếu tố dân sự – kinh tế – lao động, đặc biệt gắn tới việc phân chia, quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích, tạo nên sự khó khăn trong việc giải quyết vụ án, vừa rườm rà, kéo dài thời gian giải quyết, tốn kém cho cả nhà nước lẫn người dân. Việc quy định riêng, cụ thể thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích đã khắc phục tương đối bất cập ấy.
Tuy vậy, khi áp dụng thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Như đã nói ở trên, BLDS lẫn BLTTDS vẫn chưa xác định rõ người có quyeenfm lợi ích liên quan có quyền yêu cầu là những chủ thể nào, dẫn đến sự khó khăn, thiếu tính đồng bộ trong việc xác định đương sự khi yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích. Ngoài ra, khó khăn trong việc tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu cũng cần lưu ý. Khoản 1 Điều 331 BLTTDS chỉ quy định chung rằng Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, dẫn đến việc khó xác định được có hay không phải mở phiên họp để ra quyết định thông báo tìm kiếm. Một điểm mập mờ nữa có thể nhận thấy trong luật đó là tại chương XXIII BLTTDS, cũng không có quy định rằng quyết định tuyên bố một người mất tích, quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm hay không.
Để phát huy những ưu điểm cũng như khắc phục những hạn chế trong thực tiễn áp dụng thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích cần bổ sung những quy định cụ thể hơn về khái niệm thế nào là đương sự trong việc dân sự, thủ tục thông báo tìm kiếm người bị tuyên bố mất tích cũng như các quy định về tái thẩm, giám đốc thẩm đối với những quyết định tuyên bố một người mất tích, quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích đã có hiệu lực.
Kết luận
Chương XXIII BLTTDS đã có những quy định tương đối đầy đủ về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích. Song, trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, bên cạnh những lợi ích vẫn còn tồn tại những hạn chế. Việc tìm hiểu thủ tục giải quyết loại việc dân sự này là khá cần thiết, góp phần tạo nên cái nhìn tống quan đối với pháp luật dân sự, từ đó giúp tìm được những biện pháp hoàn thiện hữu hiện giúp nền luật quốc gia phát triển ổn định.
No comments:
Post a Comment