18/10/2014
Thẩm quyền, hình thức, nội dung của văn bản pháp luật - Bài tập nhóm môn Xây dựng văn bản pháp luật
I. Lý giải về thẩm quyền, hình thức, nội dung của văn bản.
1. Lý giải về thẩm quyền.

Trước hết, ta khẳng định chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật là HĐND thành phố Hà nội.
Với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, quyền làm chủ, nguyện vọng của nhân dân, HĐND quyết định những chủ trương, vấn đề quan trọng ở địa phương. Thẩm quyền của HĐND được ghi nhận tại Hiến pháp, được cụ thể hóa trong Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Luật ban hành văn bản quy phạm của HHĐND và UBND 2004. Cụ thể:

- Xét về thẩm quyền nội dung:

+ Điều 1 Luật tổ chức HĐND – UBND 2003: “HĐND quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiền năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.”

+ Khoản 3 Điều 18 Luật tổ chức HĐND – UBND 2003: “HĐND thành phố trực thuộc trung ương thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điều 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 của Luật này và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị[...].”

- Xét về thẩm quyền hình thức:

+ Điều 1 Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND – UBND 2004: “Văn bản qui phạm pháp luật của HĐND được ban hành dưới hình thức Nghị quyết.”

+ Điều 2 Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND – UBND 2004 ghi nhận vai trò, nội dung của Nghị quyết của HĐND: “[...] Quyết định biện pháp nhằm ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho; quyết định trong phạm vi thẩm quyền được giao những chủ trương, biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương [...]”

Do đó, việc “quyết định các biện pháp về phòng chống ô nhiễm môi trường, làm cơ sở để UBND triển khai có hiệu quả” là thuộc lĩnh vực “bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị”. Như vậy, HĐND hoàn toàn có quyền trong việc ban hành Nghị quyết để giải quyết vấn đề môi trường như đã nêu ở đề bài.

2. Lý giải về hình thức.
Tên gọi văn bản do pháp luật qui định, phản ánh những giới hạn về quyền lực của cơ quan ban hành văn bản. Trong trường hợp này, tên gọi văn bản là Nghị quyết, bởi lẽ: chủ thể ban hành văn bản là HĐND, đang giải quyết công việc thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Cụ thể:

2.1. Quốc hiệu
Phần quốc hiệu được hợp thành bởi tên nước, chế độ chính trị và mục tiêu chính trị của nước ta. Phần này chiếm khoảng 1/2 trang giấy theo chiều ngang, bên phải, phía trên cùng của văn bản, gồm hai dòng: “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” và “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Trong đó, dòng trên viết chữ in hoa; dòng dưới viết chữ thường, có gạch nối giữa các từ. Phía dưới có đường gạch ngang, nét liền kéo dài đến hết dòng chữ.

2.2. Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản
Căn cứ vào vị trí của HĐND thành phố Hà Nội trong hệ thống cơ quan nhà nước, ta thấy đây là cơ quan có vị trí tương đối độc lập với cơ quan cấp trên trực tiếp, nên ta chỉ ghi tên cơ quan ban hành văn bản. Phần này trình bày ngang hàng với quốc hiệu, viết bằng chữ in hoa, chiếm khoảng 1/2 trang giấy theo chiều ngang, ở phía trên, bên trái.

2.3.  Số, kí hiệu của văn bản
Số, ký hiệu của văn bản được đặt canh giữa dưới tên HĐND, là cơ quan ban hành nghị quyết này. Sau từ “Số” có dấu hai chấm; với những số nhỏ hơn 10 phải ghi thêm số 0 phía trước; giữa số và ký hiệu văn bản có dấu gạch chéo (/), giữa các nhóm chữ viết tắt ký hiệu văn bản có dấu gạch nối (-) không cách chữ. Ngoài ra, đây là văn bản qui phạm pháp luật, nên sau phần số của văn bản là năm ban hành. 

2.4. Địa danh, thời gian ban hành văn bản
Về địa danh, cơ quan ban hành văn bản là HĐND thành phố Hà Nội, nên địa danh ghi trên văn bản sẽ là Hà Nội. Về thời gian, đây là ngày, tháng, năm văn bản được ban hành.

2.5 Tên gọi và trích yếu nội dung của văn bản pháp luật
Ở đây, tên gọi của văn bản là Nghị quyết – cách này thể hiện sự ngắn gọn và không trùng lặp thông tin. Phần này được đặt cạnh giữa phía dưới quốc hiệu và tên cơ quan ban hành là HĐND, được viết bằng chữ in hoa, kiểu chữ đứng, đậm. 

Trích yếu nội dung là phần ghi tóm tắt một cách chính xác nội dung của văn bản, ngay trong đề bài cũng đã nêu lên nội dung chính của Nghị quyết này. Ở đây là “ Về việc quyết định các biện pháp về phòng chống ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội” được đặt canh giữa, ngay dưới tên loại văn bản, bằng chữ in thường, kiểu chữ đứng, đậm; bên dưới trích yếu có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng từ 1/3 đến 1/2 độ dài của dòng chữ và đặt cân đối so với dòng chữ.

2.6  Nội dung văn bản
Đây là thành phần chủ yếu của văn bản.  Phần này được trình bày ngắn gọn, súc tích, sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu. Vì đây là nghị quyết nên nó có bố cục gồm các điều và khoản.

2.7 Quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền
Do HĐND là cơ quan hoạt động theo nguyên tắc biểu quyết tập thể và quyết định theo đa số, nên thể thức kí là TM (thay mặt). Khi đó người kí chỉ xác nhận việc văn bản pháp luật đã được thông qua theo đúng thủ tục do pháp luật qui định. Quyền hạn, chức vụ được trình bày chữ in hoa, kiểu chữ đứng, đậm. Họ tên của người ký bằng chữ in thường, kiểu chữ đứng, đậm, được đặt canh giữa so với quyền hạn, chức vụ của người ký.

2.8 Dấu trong văn bản
Việc đóng dấu trên văn bản được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về công tác văn thư và quy định của pháp luật có liên quan.

Sau khi văn bản pháp luật đã được người có thẩm quyền kí đúng thể thức, văn bản phải được đóng dấu. Chữ kí và dấu có vai trò đảm bảo tính hợp pháp của văn bản pháp luật.

2.9.  Nơi nhận
Căn cứ vào nội dung công việc là “phòng chống ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội” và theo đúng những qui định về nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, cho nên Nghị quyết này được gửi tới các đối tượng sau:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ là các cơ quan, tổ chức có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội
- Thường trực HĐND thành phố, các ban của HĐND thành phố, các đại biểu của HĐND thành phố là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới việc thực hiện văn bản như: phối hợp, tăng cường kiểm tra giám sát, tạo điều kiện thực hiện văn bản
-   UBND thành phố là cơ quan có trách nhiệm thi hành văn bản
-   Bộ phận có trách nhiệm lưu văn bản: Lưu VP

3. Lý giải về nội dung.
Nghị quyết này mang tính qui phạm. Đây là văn bản của HĐND thành phố Hà Nội soạn thảo với những nội dung liên quan đến lĩnh vực phòng chống ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội đang trở nên ngày càng trầm trọng theo tình hình sau khi đã được khảo sát đánh giá thực tế. Mà theo đó UBND triển khai thực hiện có hiệu quả nhất. Cụ thể:

3.1  Phần mở đầu – Cơ sở ban hành Nghị quyết
Vị trí của phần cơ sở ban hành được đặt giữa chủ ngữ là “Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa...kì họp thứ...” và động từ là “Quyết nghị:”. Nói cách khác, phần cơ sở ban hành là trạng ngữ trong câu. Gồm có:

3.1.1.  Cơ sở pháp lý
Trong số các văn bản qui phạm pháp luật đáp ứng đủ các điều kiện để đóng vai trò là cơ sở pháp lý của Nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội, ta có:
-  Nhóm văn bản qui phạm pháp luật qui định thẩm quyền chủ thể ban hành: Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004.
- Nhóm văn bản qui phạm pháp luật có nội dung liên quan tới công việc cần giải quyết: Luật bảo vệ môi trường năm 2005, Nghị quyết số 34/2005/QĐ-TT ngày 22/2/2005 của Thủ tướng về thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW về “ Bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ”.

3.1.2.  Cơ sở thực tiễn
Theo tình huống đề bài nêu ra, cơ sở thực tiễn là “báo cáo khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tháng …/2010”. Vì đây là văn bản của cấp dưới trình, nên văn bản sẽ có động từ “Xét” ở đầu câu, và kết thúc bằng dấu “,” thể hiện sự tách biệt.

3.2. Phần nội dung – Các điều khoản
Điều 1: Đề cập đến nội dung công việc cần giải quyết (thể hiện quan điểm với báo cáo cấp dưới, xem xét tính cấp thiết của vấn đề...)
Điều 2: Quyết định các nhiệm vụ và giải pháp chung, làm cơ sở để Ủy ban nhân dân thành phố triển khai có hiệu quả
Điều 3: Tổ chức thực hiện công việc

3.3  Phần kết thúc – Hiệu lực về mặt thời gian
Qui định văn bản qui phạm pháp luật có hiệu lực sau khi ban hành một khoảng thời gian nhât định. Bởi lẽ, dựa vào tính chất công việc và phạm vi những vấn đề văn bản đề cập mà dự liệu 1 khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thi hành văn bản. Cụ thể, trong trường hợp này: “Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký”. Thiết nghĩ, đây là 1 khoảng thời gian vừa đủ để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho các cơ quan, ban ngành có liên quan triển khai thực thi nghị quyết liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

II. XÂY DỰNG VĂN BẢN CỤ THỂ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN                                                                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THÀNH PHỐ HÀ NỘI                                                                           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
                                                                                                                Hà Nội, ngày... tháng... năm
                      

                                                                      NGHỊ QUYẾT 

Về việc quyết định các biện pháp về phòng chống ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội

                                            HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
                                                          KHÓA…KÌ HỌP THỨ…

 Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
 Căn cứ Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004;
 Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005;
 Căn cứ Nghị quyết số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/2/2005 của Thủ tướng về thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW về “ Bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ”;
 Xét  báo cáo khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tháng …/2010,
  
                                                                      QUYẾT NGHỊ: 

Điều 1. Nhất trí với báo cáo khảo sát của Ủy ban nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố và nhận thấy cần có các biện pháp nghiêm khắc để xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng môi trường đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Thủ đô 

Điều 2. Quyết định các nhiệm vụ và giải pháp chung, làm cơ sở để Ủy ban nhân dân thành phố triển khai có hiệu quả:
1. Hoàn thiện về hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý môi trường từ thành phố đến cơ sở, kể cả tổ chức cảnh sát môi trường. Tăng cường năng lực điều hành và quản lý, nắm vững nghiệp vụ chuyên môn của bộ máy và cán bộ thực hiện.
2. Xây dựng và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố:
3. Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
4. Áp dụng các biện pháp kinh tế và các biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường
5. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật Bảo vệ môi trường. Xây dựng Kế hoạch tổng thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường chất thải rắn, nước thải và không khí (bụi và khí thải giao thông) trên địa bàn thành phố. Rà soát và lập phương án xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh, buộc áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm hoặc di chuyển theo quy hoạch.
6. Huy động nguồn lực đầu tư cho Bảo vệ môi trường

 Điều 3. Hội đồng nhân dân thành phố giao cho Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này 
Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các ban của Hội đồng nhân dân thành phố, các đại biểu của Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp tăng cường giám sát kiểm tra, đề xuất chấn chỉnh kịp thời những sai lệch, trì trệ trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố
Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị các tổ chức thành viên, các đoàn thể hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố nhằm xây dựng môi trường thành phố ngày càng tốt đẹp.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua tại khóa...kì họp thứ...

Nơi nhận: 
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ;
- Như Điều 3;
-Lưu VP.
                                                                                                                     M. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
                                                                                                                                   CHỦ TỊCH

No comments:

Post a Comment