Lưu ý: Đây chỉ là đề bài. Bài tập hiện nay chưa có đáp án.
BÀI TẬP NHÓM
Môn: Luật Dân sự - Module 1
Khóa: 38 TMQT
Học kỳ I – Năm học 2014-2015
1. Tình huống thứ nhất
Nguyên đơn: Ông Thái Văn Cần sinh năm 1947; anh Thái Văn Hùng sinh năm 1975;
Bị đơn: Ông Thái Văn Long sinh năm 1953; bà Phạm Thị Khoa sinh năm 1954.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Hồ Thị Bé; chị Trà Thị Lụa.
Tại đơn khởi kiện đề ngày 05-10-2005, ngày 25-10-2005 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Thái Văn Cần và anh Thái Văn Hùng trình bày:
Nguồn gốc đất hiện nay ba anh em của ông (ông, ông Thái Văn Long, ông Thái Văn Kỳ) đang sử dụng là của cha mẹ ông để lại.
Khi còn sống, mẹ ông đã phân chia đất cho các con; đất của ông Long phía ngoài có mặt tiền giáp với đường sỏi đỏ diện tích 1.591 m2, tiếp đến đất của ông Kỳ giáp với đất của ông Long về phía sau diện tích là 1.229 m2, phía trong cùng là đất của ông có diện tích 1.037 m2.
Trước năm 1971 có lối đi vào 3 phần đất trên về phía Bắc. Năm 1976, không sử dụng lối đi này và dùng làm rãnh thoát nước, tầm vông và cỏ dại mọc um tùm không ai đi nên ba anh em có thỏa thuận mở lối đi về phía Nam với chiều rộng lối đi là 4m. Lối đi phía Nam hình thành được hơn 30 năm và nó được thể hiện trong bản đồ địa chính của địa phương.
Ngày 28-8-2006, gia đình ông Long xây nhà ở lấn một phần lối đi chỉ để lại lối đi chỗ rộng nhất là 2,5 m chỗ hẹp nhất là 1,8 m. Do đó, gây khó khăn cho việc đi lại của gia đình ông và gia đình anh Hùng. Khi gia đình ông Long xây dựng nhà, ông đã yêu cầu chính quyền địa phương đình chỉ xây dựng, nhưng gia đình ông Long vẫn tiến hành xây dựng. Ông yêu cầu Tòa án buộc gia đình ông Long phải tháo dỡ nhà và trả lại lối đi ở phía Nam có chiều rộng là 4 m từ lộ đất đỏ vào đất nhà ông như trước đây.
Bị đơn ông Thái Văn Long và bà Phạm Thị Khoa trình bày:
Nhất trí với lời khai của nguyên đơn về quan hệ huyết thống và nguồn gốc đất. Diện tích đất (trong đó có lối đi đang tranh chấp) là phần của ông được chia và ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trước đây gia đình ông Cần và gia đình ông Kỳ đều sử dụng lối đi phía Bắc giáp với rãnh thoát nước, nhưng do lâu ngày không sử dụng nữa nên cỏ dại và tầm vông mọc lấp kín lối đi.
Năm 2001, ông Cần thông đồng với cán bộ đo đạc đo vẽ con đường tranh chấp có chiều rộng là 4 m nên không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.
Ông yêu cầu ông Cần và ông Kỳ phải dành lối đi cho gia đình ông vào phần đất ruộng phía trong (vì ông có phần đất ruộng nằm phía trong đất của ông Cần, ông Kỳ).
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Bà Hồ Thị Bé nhất trí với lời trình bày của ông Cần.
- Chị Trà Thị Lụa nhất trí với lời trình bày của anh Hùng.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2007/DS-ST ngày 07-02-2007, Tòa án sơ thẩm quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện tranh chấp lối đi giữa ông Thái Văn Cần, anh Thái Văn Hùng đối với ông Thái Văn Long, bà Phạm Thị Khoa.
Buộc ông Long, bà Khoa phải mở lối đi chung có tứ cận Đông giáp đất nhà ông Kỳ dài 2,6 m; Tây giáp đường lộ đỏ dài 2,6m; Nam giáp đất ông Ao dài 24,54m; Bắc giáp đất ông Long dài 25,55 m.
Buộc ông Cần, bà Bé, anh Hùng, chị Lụa phải mở lối đi chung có tứ cận Đông giáp đất lúa ông Long dài 2,6 m; Tây giáp đất ông Long dài 2,6 m; Nam giáp đất ông Ao dài 57,6 m; Bắc giáp đất ông Cần, anh Hùng dài 57,6m.
Bác yêu cầu của ông Cần, anh Hùng, bà Bé, chị Lụa đòi ông Long, bà Khoa phải mở thêm lối đi có diện tích (1,4 m x 22,55m).
Ông Cần, anh Hùng, ông Long, bà Khoa, bà Bé, chị Lụa không đền bù giá trị quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 9-2-2007, ông Cần, anh Hùng có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Ngày 13-2-2007, ông Long, bà Khoa có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 146/2007/DSPT ngày 18-5-2007, Tòa án phúc thẩm quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Thái Văn Cần, anh Thái Văn Hùng. Không chấp nhận kháng cáo của ông Thái Văn Long, bà Phạm Thị Khoa. Sửa bản án sơ thẩm.
Buộc ông Thái Văn Long và bà Phạm Thị Khoa phải mở lối đi chung; có tứ cận phía Đông giáp đất ông Kỳ dài 2,6 m; phía Tây giáp đường lộ đỏ dài 2,6 m; phía Nam giáp đất ông Ao dài 24,54 m; phía Bắc giáp nhà ông Long dài 25,55 m.
Buộc ông Thái Văn Cần, bà Hồ Thị Bé, anh Thái Văn Hùng, chị Trà Thị Lụa phải mở lối đi chung có tứ cận phía Đông giáp đất (lúa) ông Long dài 2,6 m; phía Tây giáp nhà ông Long dài 2,6 m; phía Nam giáp đất ông Ao dài 87,6m; phía Bắc giáp nhà ông Cần, anh Hùng dài 87,6 m.
Không chấp nhận yêu cầu của ông Cần, anh Hùng, bà Bé, chị Lụa yêu cầu ông Long, bà Khoa phải mở rộng thêm lối đi có diện tích (1,44 m x 25,55 m).
Buộc ông Long, bà Khoa phải có nghĩa vụ đền bù giá trị quyền sử dụng đất đã lấn chiếm 98 m2 là 58.800.000 đồng cho ông Cần và anh Hùng để sử dụng vào việc đồng nguyên đơn nhượng lại phần đất khác tương ứng của Ao giáp ranh lối đi tranh chấp nhằm phục vụ cho việc đi lại chung như trước đây.
Buộc ông Long, bà Khoa phải có nghĩa vụ thanh toán giá trị quyền sử dụng 149,76 m2 đất là 29.952.000 đồng (Đoạn ngang phần đất của ông Cầu 2,6 m x 57,6 m) cho ông Cần.
Buộc các đồng nguyên đơn, đồng bị đơn, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này phải có nghĩa vụ phá bỏ các cây trồng (đào cả gốc) trên diện tích lối đi chung có tổng chiều dài là 112,6 m x 2,6 m tại vị trí nêu ở điểm 2 (kể cả di dời chướng ngại vật khác trên lối đi chung này).
Buộc đồng nguyên đơn phải di dời cây trụ điện kể cả dây dẫn điện đang nằm trong phần đất tranh chấp sang vị trí cặp lộ đỏ, giáp ranh với đất ông Ao.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí, chi phí thẩm định, định giá.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Cần và anh Hùng có đơn khiếu nại cho rằng không đồng ý mở lối đi cho gia đình ông Long. Tòa án cấp phúc thẩm hướng dẫn mở lối đi về phía đất của gia đình ông Ao, nhưng nếu ông Ao không đồng ý thì họ không có lối đi.
YÊU CẦU ĐỐI VỚI NHÓM
1. Nhận xét về quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với từng nhận xét.
2. Nêu cách giải quyết của nhóm đối với tình huống nêu trên. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với cách giải quyết của nhóm.
3. Đưa ra nhận xét, đánh giá về quy định của pháp luật hiện hành được áp dụng đối với tình huống nêu trên.
2. Tình huống thứ hai
Nguyên đơn: Bà Phùng Thị Diều sinh năm 1944; bà Phùng Thị Nhan sinh năm 1950; anh Phùng Văn Hànsinh năm 1966; bà Phùng Thị Đề sinh năm 1947.
Bị đơn: Bà Phùng Thị Lại sinh năm 1952.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Chị Phùng Thị Hồng; anh Phùng Văn Sơn; anh Phùng Văn Nam; anh Phùng Văn Tịch; ông Phùng Văn Tín.
Tại đơn khởi kiện đề ngày 07-10-2005 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là các bà Phùng Thị Diều, Phùng Thị Đề, Phùng Thị Nhan và anh Phùng Văn Hàn trình bày:
Vợ chồng cụ Phùng Văn Bánh và cụ Phan Thị Bá khi còn sống tạo lập được 5 gian nHàn cấp 4 trên diện tích 364m2 đất và, 4.408m2 đất nông nghiệp (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Phùng Thị Bá). Hai cụ sinh được 5 người con là: Phùng Thị Diều, Phùng Thị Đề, Phùng Thị Nhan, Phùng Thị Lại, Phùng Thị Phẩm (bà Phẩm là mẹ đẻ của anh Phùng Văn Hàn, bà Phẩm chết năm 1979). Ngày 8-4-1952, cụ Bánh chết không để lại di chúc. Ngày 7-6-2005 cụ Phan Thị Bá chết. Khối tài sản nêu trên hiện do bà Lại quản lý, sử dụng nên yêu cầu được chia khối tài sản trên theo quy định của pháp luật.
Riêng bà Phùng Thị Đề không yêu cầu được hưởng thừa kế vì năm 1970 cụ Bá đã cho bà 1 sào 12 thước đất.
Bị đơn là bà Phùng Thị Lại trình bày: Nhất trí với lời trình bày của nguyên đơn về quan hệ gia đình và khối tài sản của hai cụ. Năm 1952 cụ Bánh (bố của bà) chết không rõ có để lại di chúc không, toàn bộ tài sản trên cụ Bá vẫn quản lý và sử dụng, không có ai tranh chấp. Năm 1974, bà Đề ly hôn về ở trên lô đất 1 sào 10 thước của cụ Bá đến năm 1999 thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, diện tích là 1 sào 9 thước nhưng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là 364m2. Khối tài sản còn lại kể cả đất ruộng còn lại bà và cụ Bá vẫn quản lý sử dụng cho đến năm 2005 cụ Bá chết, trước khi chết cụ Bá để lại di chúc cho bà toàn quyền quản lý sử dụng 02 thửa đất ở (trong đó 1 lô đất bà đang quản lý và 1 lô đất bà Đề đang quản lý) và 13 sào đất ruộng. Nay các chị của bà khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, bà không đồng ý. Bà xin hưởng thừa kế theo di chúc. Nếu họ vẫn yêu cầu chia thừa kế thì bà yêu cầu chia lô đất bà Đề đang quản lý.
Tại bản án sơ thẩm số 06/2006/DSST ngày 17-07-2006, Tòa án sơ thẩm quyết định:
Bác di chúc của cụ Phan Thị Bá lập ngày 26-5-2005.
Giao cho bà Phùng Thị Lại được quản lý và sử dụng 364m2 đất ở Làng Núi và có nghĩa vụ thanh toán cho bà Phùng Thị Diều 18.200.000 đồng, bà Phùng Thị Nhan 18.200.000 đồng, các con của bà Phẩm là chị Phùng Thị Hồng 3.640.000 đồng, anh Phùng Văn Hàn là 3.640.000 đồng, anh Phùng Văn Sơn 3.640.000 đồng, anh Phùng Văn Tịch 3.640.000 đồng, anh Phùng Văn Nam 3.640.000 đồng. Tổng số bằng 18.200.000 (tạm giao cho anh Hàn quản lý số tiền trên).
Về đất nông nghiệp: Giao cho bà Phùng Thị Lại 1.844m2.
Bà Phùng Thị Lại có nghĩa vụ bàn giao cho bà Phùng Thị Diều 729m2 (gồm hai thửa số 23 và số 17 tờ bản đồ số 45).
Giao cho bà Phùng Thị Nhan 695m2 (gồm hai thửa số 16 và số 25, tờ bản đồ số 45).
Giao cho bà Phùng Thị Đề 613m2 (gồm hai thửa số 16 và số 25, tờ bản đồ số 45).
Giao cho các con bà Phẩm là chị Phùng Thị Hồng 140,2m2. Anh Phùng Văn Hàn 140,2m2, anh Phùng Văn Nam 140,2m2, anh Phùng Văn Sơn 140,2m2, anh Phùng Văn Tịch 140,2m2. Tổng số = 701m2, tạm giao diện tích đất nông nghiệp nói trên cho anh Hàn quản lý.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 24-7-2006, bà Lại có đơn kháng cáo không nhất trí chia thừa kế.
Ngày 31-7-2006 bà Diều và bà Nhan kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại bản án phúc thẩm số 74/2006/DS-PT ngày 28-9-2006, Tòa án phúc thẩm quyết định:Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 06/2006/DSST ngày 17-7-2006 về việc chia di sản thừa kế của Tòa án sơ thẩm giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ giai đoạn đầu với lý do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng; Bản di chúc được những người làm chứng khẳng định là do chính cụ Bá đến nhờ họ làm chứng trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn minh mẫn, không bị ép buộc gì cả. án sơ thẩm bác toàn bộ di chúc là không đúng.
Tại Bản án sơ thẩm số 13/2006/DSST ngày 28-12-2006, Tòa án sơ thẩm quyết định:
Bác yêu cầu chia thừa kế của bà Phùng Thị Diều, bà Phùng Thị Đề, bà Phùng Thị Nhan và anh Phùng Văn Hàn về việc chia di sản của cụ Phan Thị Bá để lại.
Chấp nhận một phần di chúc của cụ Phan Thị Bá lập ngày 25-6-2005.
Giao cho Bà Phùng Thị Lại được quản lý và sử dụng 364m2 đất (tờ bản đồ số 42 số thửa 203) ở Làng Núi và được tiếp tục sử dụng 13 sào đất nông nghiệp (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 001256 ngày 11-8-1999 mang tên Phan Thị Bá theo di chúc cụ Bá để lại).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 05-01-2007 bà Diều , bà Nhan, bà Đề, anh Hàn kháng cáo không nhất trí với bản án sơ thẩm và cho rằng bản di chúc của cụ Bá là giả mạo vì thời điểm lập di chúc cụ Bá sức khỏe rất yếu không thể đi lại được nên không thể đi lấy chữ ký của nhân chứng. Mặt khác cụ Bá không biết chữ phải nhờ người khác viết hộ di chúc nhưng bản di chúc lại không có công chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại bản án dân sự phúc thẩm số 10/2007/DSPT ngày 13-02-2007, Toà án phúc thẩm quyết định: Giữ nguyên bản án sơ thẩm và tuyên giống phần quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 13/2006/DSST ngày 28-12-2006.
Ngoài ra Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, các nguyên đơn có đơn khiếu nại cho rằng di chúc là giả mạo, không chấp nhận bản di chúc nêu trên.
YÊU CẦU ĐỐI VỚI NHÓM
1. Nhận xét về quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với từng nhận xét.
2. Nêu cách giải quyết của nhóm đối với tình huống nêu trên. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với cách giải quyết của nhóm.
3. Đưa ra nhận xét, đánh giá về quy định của pháp luật hiện hành được áp dụng đối với tình huống nêu trên.
3. Tình huống thứ ba
Nguyên đơn: Ông Trần Minh Ngạn sinh năm 1968; bà Trần Thị Minh Lộc sinh năm 1964.
Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Hiến sinh năm 1957.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị Thủy
Tại đơn khởi kiện đề ngày 02-7-2006 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Trần Minh Ngạn trình bày:
Cụ Nguyễn Thị Chắc và cụ Trần Ngữ (là cha, mẹ của ông, bà Lộc, ông Đức, nhưng ông Đức chết năm 1987 không có vợ con).
Năm 1970, cụ Ngữ bỏ đi khỏi địa phương.Năm 1981, Hợp tác xã Thủy Tân cấp cho cụ Chắc 2.000 m2 đất tại thôn Phú Cường, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc.
Năm 1989, cụ Chắc chết. Năm 1992, ông bị thi hành án phạt tù, còn bà Lộc thì ở nơi khác, diện tích đất không có ai quản lý, trông nom nên ông Nguyễn Văn Hiến lấn chiếm 800m2; ông Nguyễn Văn Ấn lấn 500 m2, ông Nguyễn Văn Thìn lấn 200m2. Nay yêu cầu ông Hiến, ông Ấn, ông Thìn trả đất cho ông và bà Lộc.
Quá trình giải quyết vụ án, ông có đơn xin rút yêu cầu đòi ông Ấn, ông Thìn trả đất. Ông yêu cầu ông Hiến phải trả cho ông 471,5 m2 đất. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông không lấy đất, mà chỉ yêu cầu ông Hiến thanh toán giá trị 202,5 m2 đất theo giá thị trường.
Nguyên đơn là bà Trần Thị Minh Lộc trình bày: Bà nhất trí lời trình bày của ông Ngạn về quan hệ huyết thống và nguồn gốc đất.
Tuy nhiên, khi mẹ bà đau yếu anh Hiến (là con cậu ruột của bà) chăm sóc, phụng dưỡng cho đến khi mẹ bà chết nên bà đồng ý tặng cho cho anh Hiếnquyền sử dụng 202,5 m2 đất (phần của bà).
Bị đơn là ông Nguyễn Văn Hiến trình bày:Năm 1986, cụ Chắc ốm đau, ông Ngạn đi đào vàng, bà Lộc lấy chồng ở nơi khác nên không ai chăm sóc cụ Chắc nên cụ Chắc cho ông làm nhà trên một phần đất cụ đang sử dụng để tiện việc chăm sóc cụ, năm 1989 cụ Chắc chết. Năm 2002, trước khi xây dựng lại nhà kiên cố, ông có đến trại giam (vì ông Ngạn đang chấp hành hình phạt tù) hỏi ý kiến ông Ngạn, ông Ngạn cũng đồng ý cho ông xây dựng nhà kiên cố. Nay ông Ngạn yêu cầu trả 202,5m2 đất, ông không đồng ý mà chỉ chấp nhận tháo dỡ phần mái hiên diện tích 66,5 m2 và thanh toán giá trị quyền sử dụng đất (phần đất ông Ngạn yêu cầu) với số tiền 5.000.000 đồng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Thủy nhất trí với trình bày của ông Hiến.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số06/2007/DSST ngày 6-4-2007, Tòa án sơ thẩm quyết định:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Minh Ngạn.
Buộc ông Hiến, bà Thủy phải trả cho ông Ngạn giá trị quyền sử dụng 202,5 m2 đất tương ứng với số tiền là 19.237.500 đồng.
Công nhận sự thỏa thuận của ông Ngạn với ông Hiến về việc ông Hiến tháo dỡ phần mái hiên liền kề bên trái nhà chính (hướng từ đường quốc lộ vào) để trả trả cho gia đình ông Ngạn 66,5 m2 đất. Ông Ngạn không phải trả giá trị hiên nhà do ông Hiến tháo dỡ.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định án phí, chi phí định giá và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 19-4-2007, ông Nguyễn Văn Hiến có đơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 18/2007/DS-PT ngày 8-6-2007, Tòa án phúc thẩm quyết định:
- Công nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị Minh Lộc về việc tặng cho quyền sử dụng 202,5 m2 đất cho ông Nguyễn Văn Hiến và bà Nguyễn Thị Thủy được toàn quyền sử dụng ổn định lâu dài.
- Buộc ông Hiến, bà Thủy phải thanh toán cho ông Ngạn giá trị quyền sử dụng 202,5 m2 đất là 19.237.500 đồng.
- Tạm giao cho ông Hiến sử dụng 405 m2 đất (bao gồm diện tích bà Lộc tặng cho và diện tích ông Hiến đã thanh toán giá trị cho ông Ngạn).
- Buộc ông Hiến phải tháo dỡ mái hiên liền kề bên trái nhà chính (hướng từ đường quốc lộ vào) để trả lại cho ông Ngạn 66,5 m2 (có sơ đồ kèm theo) ông Ngạn không phải thanh toán tiền trị giá mái hiên nhà cho ông Hiến.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Trần Thị Minh Hiến có đơn và xuất trình bản khai sinh (sao) là con của cụ Trần Ngữ và cụ Nguyễn Thị Chắc và cho rằng khi giải quyết vụ án, Tòa án các cấp không đưa bà vào tham gia tố tụng là không đúng.
YÊU CẦU ĐỐI VỚI NHÓM
1. Nhận xét về quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với từng nhận xét.
2. Nêu cách giải quyết của nhóm đối với tình huống nêu trên. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với cách giải quyết của nhóm.
3. Đưa ra nhận xét, đánh giá về quy định của pháp luật hiện hành được áp dụng đối với tình huống nêu trên.
4. Tình huống thứ tư
Nguyên đơn:Bà Nguyễn Thị Ban sinh năm 1928, ủy quyền cho chị Nguyễn Thị Tý sinh năm 1958 (văn bản ủy quyền ngày 09-6-2005).
Bị đơn:Ông Lê Ngô Sơn sinh năm 1952; bà Trần Thị Nho sinh năm 1956; ủy quyền cho ông Sơn đại diện (văn bản ủy quyền ngày ngày 24-7-2006 và ngày 13-12-2006).
Tại đơn khởi kiện đề ngày 08-6-2005 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là bà NguyễnThị Ban và chị Nguyễn Thị Tý (đại diện theo ủy quyền) trình bày:
Diện tích đất đang tranh chấp, nguồn gốc là năm 1947 bà Bảy khai hoang và cất nhà lá để ở. Năm 1965 làm lại nhà mới xây tường, mái tole. Ngày 03-3-2004, bà Bảy được Ủy ban nhân dân quận 7 cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở với diện tích 79,3m2 đất và 72,7m2 đất xây dựng.
Năm 1992, vợ chồng ông Lê Ngô Sơn, bà Trần Thị Nho nhà liền kề xây dựng nhà lầu, làm cửa sổ sang phía nhà bà và đổ ban công phía sau lấn sang mái tole nhà bà, khi ông Sơn làm thì bà không biết ông lấn vì nhà lợp tole kín không nhìn thấy, đến mùa mưa năm đó nhà bà bị dột, khi chống dột bà mới phát hiện ra ông Sơn đã đổ ban công lầu một và che mái bên trên lấn sang nóc nhà bà chiều dài khoảng 1m, chiều ngang khoảng 0,7m, bà không đồng ý việc lấn này thì ông Sơn năn nỉ nói lỡ rồi và có hứa miệng khi nào nhà bà xây cất thì ông sẽ đập bỏ, tình nghĩa lối xóm nên bà bỏ qua.
Ngày 16-5-2005, ông Sơn làm lại nhà, gia đình bà có yêu cầu ông Sơn tháo dỡ phần ban công lấn sang nhà bà, nhưng ông Sơn không thực hiện nên bà khiếu nại đề nghị chính quyền địa phương giải quyết. Tại Ủy ban nhân dân phường Tân Hưng ngày 02-7-2005, ông Sơn có làm tờ cam kết hứa tháo dỡ, nhưng sau đó ông Sơn không thực hiện. Nay yêu cầu ông Sơn, bà Nho phải tháo toàn bộ phần ban công và phần mái phía trên ban công đã lấn sang đất nhà bà theo bản vẽ xác định ranh ngày 05-5-2006 của Trung tâm đo đạc bản đồ Sở Tài nguyên và Môi trường, trả lại phần không gian lấn chiếm có diện tích chiều ngang phía trước là 0,6m; chiều ngang phía sau là 0,76m; chiều dài là 1,2m. Đối với các cửa sổ ông Sơn làm bà không yêu cầu bít nhưng ông Sơn không được xả rác lên mái tole nhà bà.
Bị đơn ông Lê Ngô Sơn, đồng thời ông Sơn còn đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị Nho trình bày:
Năm 1990, vợ chồng ông mua đất của bà Đào Thị Kết, trên có căn nhà lá chiều ngang 4,5m dài 10m ở chính giữa lô đất. Năm 1992, vợ chồng ông xin phép xây dựng thì chỗ có nhà còn đủ diện tích chiều ngang 4,5m; còn chỗ không có nhà chỉ còn 3,6m do bị bà Ban lấn chiếm cả phía trước lẫn phía sau, nhưng ông thấy không quan trọng nên bỏ qua, chấp nhận cất nhà bê tông cốt thép theo phần diện tích đất còn lại, khi đổ ban công phía sau thì hiện trạng lúc đó chỉ là khoảng hẻm trống có đường mương nước, không ai quan tâm và không ai tranh chấp gì, lúc đó nóc nhà của bà Ban chưa cặp sát góc nhà của gia đình ông như hiện nay.
Năm 2000, ông bà xây tiếp phần nhà phía sau, bà Ban dựa theo bức tường trước làm ranh nói vợ chồng ông lấn chiếm. Ông không hứa tháo phần ban công như chị Tý trình bày, tờ cam kết ngày 02-7-2005, ông chỉ cam kết không lấn tiếp phần phía sau chứ không cam kết tháo dỡ phần ban công cũ nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2006/DS-ST ngày 14-8-2006, Tòa án nhân dân quận 7, thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Buộc ông Lê Ngô Sơn, bà Trần Thị Nho phải tháo toàn bộ phần ban công tầng 1, mái che bằng bê tông phía trên và vách tường dọc theo ban công, tại phía bên cạnh nhà 937 Trần Xuân Soạn, khu phố 3, phường Tân Hưng, có diện tích chiều dài 1,2m ngang cạnh tiếp giáp với tường là 0,6m, cạnh cuối ban công là 0,76m, tổng cộng 0,8m2, tại vị trí số 12 theo bản vẽ ngày 05-5-2006 của Trung tâm đo đạc bản đồ Sở Tài nguyên và Môi trường, để trả lại toàn bộ phần không gian đã lấn chiếm cho nguyên đơn.Thời gian tháo dỡ trong vòng 07 ngày kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.Ghi nhận sự thỏa thuận của nguyên đơn không yêu cầu ông Sơn bít lại các cửa sổ, ông Sơn cam kết không xả rác sang nhà bà Ban.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 25-8-2006, ông Sơn kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 1312/2006/DS-PT ngày 14-12-2006, Tòa án phúc thẩm quyết định: Sửa một phần bản án sơ thẩm.
Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.
1. Xác định ông Lê Ngô Sơn và bà Trần Thị Nho đã xây dựng phần ban công tầng 1, mái che bằng bê tông phía trên có phần không gian đã lấn chiếm sang phần không gian (vuông góc với mặt đất) trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp nguyên đơn.
Chấp nhận sự tự nguyện của ông Lê Ngô Sơn, ông Lê Ngô Sơn và bà Trần Thị Nho có trách nhiệm thanh toán trả cho bà NguyễnThị Ban và gia đình bà Ban số tiền trị giá quyền sử dụng đất là 17.000.000đồng.
2. Giao cho ông Lê Ngô Sơn và bà Trần Thị Nho sử dụng phần đất đã lấn chiếm có diện tích 1,2m x (0,6m + 0,76m)/2 = 0,815m2.
3. Các ông bà Lê Ngô Sơn, bà Trần Thị Nho và bà Nguyễn Thị Ban có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh lại phần diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà theo quy định.
4. Ghi nhận sự thỏa thuận của nguyên đơn không yêu cầu ông Sơn bít lại các cửa sổ, ông Sơn cam kết không xả rác sang nhà bà Ban.
Ngoài ra Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí và nghĩa vụ phải chịu do chậm thi hành án.
Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Ban có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm không đồng ý nhận tiền mà buộc ông Sơn phải tháo dỡ phần ban công đã lấn chiếm.
YÊU CẦU ĐỐI VỚI NHÓM
1. Nhận xét về quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với từng nhận xét.
2. Nêu cách giải quyết của nhóm đối với tình huống nêu trên. Nêu rõ các căn cứ pháp lý đối với cách giải quyết của nhóm.
3. Đưa ra nhận xét, đánh giá về quy định của pháp luật hiện hành được áp dụng đối với tình huống nêu trên.
Lưu ý
- Đề bài tập nhóm của Khóa 38 TMQT, Module 1 gồm có 04 tình huống (như trên);
- Mỗi nhóm lựa chọn 01 (một) tình huống để thực hiện;
- Các nhóm trong cùng ca thảo luận KHÔNG ĐƯỢC lựa chọn tình huống giống nhau để thực hiện.
No comments:
Post a Comment