20/09/2014
Tóm tắt giáo trình Luật Tài chính - Chương IV - Pháp luật về thu ngân sách nhà nước
CHƯƠNG IV

PHÁP LUẬT VỀ THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC


I. THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC:

1. Khái niệm thu ngân sách Nhà nước:

Thu ngân sách nhà nước là một loại hoạt động nhà nước, hoạt động của một tổ chức có quyền lực công, luôn gắn liền với yếu tố chính trị của nhà nước. Từ đó, chúng ta có thể hiểu thu ngân sách Nhà nước là hoạt động của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm tập trung một bộ phận của cải xã hội dưới hình thức giá trị theo những hình thức và biện pháp phù hợp để hình thành nên quỹ ngân sách Nhà nước. 
Xét về bản chất, thu ngân sách Nhà nước phản ánh các quan hệ phân phối của cải xã hội giữa Nhà nước với các chủ thể khác trong xã hội. Đó là việc nhà nước dùng quyền lực chính trị của mình để tham gia vào việc phân chia của cải xã hội được các chủ thể khác nhau trong xã hội tạo ra. Đối tượng của hoạt động thu ngân sách Nhà nước là của cải xã hội biểu hiện dưới hình thức giá trị.

Nội dung vật chất của thu ngân sách nhà nước thể hiện ở việc nhà nước tập trung vào trong tay mình những nguồn vốn tiền tệ để hình thành nên quỹ ngân sách nhà nước. Đây là quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất của nhà nứơc nhằm đảm bảo chức năng và nhiệm vụ của bộ máy nhà nước là phục vụ lợi ích công cộng và duy trì sự tồn tại của nhà nước. Do đó, thu ngân sách nhà nước là hoạt động có vai trò quan trọng của nhà nước, góp phần tạo ra thu nhập tài chính  để đáp ứng nhu cầu công cộng và nhu cầu chi tiêu của bộ máy nhà nước.

Trong thực tiễn đời sống xã hội, của cải xã hội được hình thành từ các nguồn khác nhau, có các tính chất, đặc điểm và thuộc nhiều loại chủ thể khác nhau. Do đó, tùy thuộc vào nội dung, tính chất của các nguồn của cải mà Nhà nước quy định các hình thức và biện pháp phù hợp nhằm tập trung một phần của cải xã hội vào quỹ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ở nước ta cũng như phổ biến ở các nước trên thế giới, các khoản thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ yếu theo phương thức bắt buộc mang tính quyền lực Nhà nước dưới hình thức phổ biến là thuế.

Thu ngân sách nhà nước có những đặc điểm sau: 

-Thu ngân sách nhà nước gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.

-Các khoản thu ngân sách nhà nước bắt nguồn và gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và các quá trình kinh tế.
2. Phân loại các khoản thu của ngân sách Nhà nước:

Hiện nay trong quản lý ngân sách Nhà nước, nội dung kinh tế là căn cứ phổ biến để phân loại các 
khoản thu ngân sách Nhà nước.Căn cứ vào nội dung này thì các khoản thu ngân sách Nhà nước được chia thành 02 loại:

Nhóm I: Thu từ thuế, phí, lệ phí có tính chất thuế.

Nhóm II: Thu không mang tính chất thuế, bao gồm một số nhóm tiêu biểu như sau:

- Lợi tức của Nhà nước  thu được từ hoạt động góp vốn tại các tổ chức kinh tế.

- Tiền bán và cho thuê tài sản của Nhà nước; tiền thu hồi vốn của nhà nước từ các cơ sở kinh tế.

- Viện trợ không hoàn lại và vay của các tổ chức Chính phủ, phi chính phủ ở nước ngoài.

- Thu khác ( thu từ hoạt động sự nghiệp có thu, các khoản đóng góp tự nguyện  của các tổ chức cá nhân để xây dựng các công trình kết cấu cơ sở hạ tầng, các khoản di sản nhà nước được hưởng…)

Nếu chúng ta dựa vào tính pháp lý để phân loại, các khoản thu của ngân sách Nhà nước được chia thành các nhóm sau:

-Các khoản thu mang tính bắt buộc: bao gồm các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí.

-Các khoản thu mang tính chất tự nguyện: bao gồm các khoản thu tự viện trợ, vay nợ, tặng, cho…

Dựa trên nguyên tắc thăng bằng ngân sách, người ta có thể phân biệt các khoản thu ngân sách nhà nước thành 2 loại chủ yếu sau đây, tuỳ thuộc vào tác dụng của nó đối với sự thăng bằng ngân sách: 

- Các khoản thu có tính chất hoa lợi. Đó là những khoản thu làm tăng ngân quỹ khả dụng của quốc khố nhưng không làm tăng trái vụ của quốc gia; hoặc đó là những khoản thu làm giảm trái khoản của quốc gia mà không làm giảm ngân quỹ. NHững khoản thu này rất có lợi cho nhà nước. Việc áp dụng chúng có thể góp phần cải thiện tình trạng mất cân đối của ngân sách nhà nước. Thông thường, các khoản thu có tính chất h oa lợi bao gồm các khoản thu từ thuế, thu từ hoạt động kinh tế của nhà nước, thu từ các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; thu từ viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Chính phủ, thu từ tiền phạt vi phạm pháp luật…

-Các khoản thu không có tính chất hoa lợi. Đây là những khoản thu làm tăng ngân quỹ khả dụng của ngân khố nhưng đồng thời cũng làm tăng một số lượng tương ứng các trái vụ của quốc gia. Những khoản thu này thường không có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện tình trạng mất cân đối ngân sách. Bởi lẽ, đối với những khoản thu này, Chính phủ thu bao nhiêu tiền vào kho bạc nhà nước, sau đó, Chính phủ cũng phải chi ra tương ứng bấy nhiêu tiền để thực hiện các trái vụ. Thông thường, các khoản thu không mang tính chất hoa lợi bao gồm: thu từ vay nợ và viện trợ có hoàn lại, thu từ phí, lệ phí, thu từ tiền bồi thường thiệt hại cho nhà nước…


II. PHÁP LUẬT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC


1. Khái niệm:

Pháp luật về thu ngân sách Nhà nước là một hệ thống các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ thu ngân sách Nhà nước và các quan hệ xã hội phát sinh liên quan trực tiếp đến hoạt động thu ngân sách Nhà nước trong quá trình Nhà nước thực hiện các hoạt động thu ngân sách Nhà nước.

Căn cứ vào nội dung của các quy phạm pháp luật, pháp luật về thu ngân sách Nhà nước bao gồm các bộ phận sau:

- Pháp luật về thu ngân sách Nhà nước từ thuế.

- Pháp luật về thu ngân sách Nhà nước từ phí, lệ phí.

- Pháp luật về các khoản thu khác của ngân sách Nhà nước như vay nợ, tiền viện trợ,…

2. Nội dung pháp lý các khoản thu ngân sách Nhà nước:

2.1 Các khoản thu từ thuế, lệ phí, phí.

2.1.1 Các khoản thu từ thuế: 

Thuế là một khoản nộp bắt buộc mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà 
nước, phát sinh trên cơ sở các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, không mang tính chất đối giá và hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp thuế.

Thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước. Các quốc gia đều mong muốn thuế trở thành nguồn thu chính của ngân sách nhà nước vì nguồn thu từ thuế phản ánh được tình hình phát triển kinh tế của quốc gia và thu nhập của người dân. Thông thường, các quốc gia chỉ đặt chỉ tiêu thu thuế bằng tỉ lệ tương ứng với tổng sản phẩm quốc dân (GDP).

Hệ thống pháp luật thuế của Nhà nước ta hiện nay bao gồm các loại thuế chủ yếu như sau:

- Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

- Thuế giá trị gia tăng.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Thuế thu nhập cá nhân

- Thuế nhà đất.

- Thuế chuyển quyền sử dụng đất.

2.1.2 Các khoản thu từ phí, lệ phí:

2.1.2.1 Khái niệm 

- Phí là khỏan thu nhằm thu hồi chi phí đầu tư cung cấp các dịch vụ công cộng không thuần túy theo quy định của pháp luật và là khỏan tiền mà các tổ chức, cá nhân phải trả khi sử dụng các dịch vụ công cộng đó. 
Dịch vụ công cộng thuần túy là những dịch vụ mà nhà nước có thể lượng hóa được mức độ sử dụng của từng cá nhân tổ chức vì vậy mà nhà nước có thể thu lại một phần hoặc tòan bộ chi phí đã bỏ ra để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng này thông qua chế độ thu phí. 

- Lệ phí là những khỏan thu gắn liền với việc cung cấp các dịch vụ hành chính pháp lý của nhà nước cho các cá nhân và tổ chức nhằm phục vụ cho công việc quản lý hành chính nhà nước theo qui định của pháp luật. Cần lưu ý là khỏan tiền đó không phải là giá của dịch vụ mà là khỏan thu phục vụ cho yêu cầu quản lý của nhà nước. 

2.1.2.2. Phân cấp thẩm quyền quy định về phí và lệ phí

1) Đối với phí

Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã 
hội của Nhà nước. Trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quy định đối với một số khoản phí về quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên; một số khoản phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.

- Bộ Tài chính quy định đối với các khoản phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước. 

- Thẩm quyền quy định đối với phí được quy định cụ thể trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định 24/CP ngày 06 tháng 03 năm 2006 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí. Thẩm quyền quy định đối với phí bao gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng phí cụ thể.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về khoản phí chưa có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định 24/CP thì Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền phí thu được cho phù hợp với Điều 

2) Đối với lệ phí. Việc phân cấp thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với lệ phí như sau: 

- Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế; 

- Bộ Tài chính quy định đối với những lệ phí còn lại. 

2.1.2.3.Nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí

*Đối với phí

- Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn đều phải trên cơ sở bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý; phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp; thuận tiện cho cả người thu phí và người nộp phí. Ngoài ra, mức thu đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư còn phải bảo đảm thi hành các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ và phù hợp với tình hình thực tế.

 - Các khoản chi phí để thực hiện các dịch vụ thu phí, phục vụ cho việc xác định mức thu phí bao gồm:

+ Chi phí xây dựng, mua sắm, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và định kỳ máy móc, thiết bị, phương tiện làm việc,... hoặc thuê ngoài tài sản trực tiếp phục vụ công việc thu phí. Chi phí này được phân bổ theo mức độ hao mòn của những tài sản trực tiếp phục vụ công việc thu phí;
          
+ Chi phí vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong quá trình thực hiện công việc thu phí;
          
+ Chi trả các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công, theo chế độ hiện hành cho lao động trực tiếp thu phí, lệ phí;

- Mức thu đối với những loại phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định thì thực hiện theo quy định của Chính phủ đối với từng loại phí cụ thể.

- Mức thu đối với những loại phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
          
- Thời gian hợp lý để thu hồi vốn đầu tư thực hiện các dịch vụ thu phí căn cứ vào đánh giá khả năng thu phí, hiệu quả thu phí, vốn đầu tư và nhu cầu cần thu hồi vốn đầu tư để thực hiện dịch vụ thu phí, được xác định (dự kiến) trong đề án thu phí.
          
- Căn cứ vào quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân được thu phí có trách nhiệm xây dựng mức thu kèm theo đề án thu phí (gồm: phương thức đầu tư, thời gian đầu tư hoàn thành, thời gian đưa dự án đầu tư vào sử dụng, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí, dự kiến mức thu và căn cứ xây dựng mức thu, đánh giá khả năng đóng góp của đối tượng nộp phí, hiệu quả thu phí và khả năng thu hồi vốn) để trình cơ quan có thẩm quyền quy định về phí (Chính phủ, Bộ Tài chính hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) xem xét, quyết định.

Mức thu phí trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cần có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, trừ trường hợp cơ quan xây dựng mức thu là cơ quan  tài chính. Ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính phải được gửi kèm trong hồ sơ và là một căn cứ pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quy định về phí xem xét, quyết định.  Việc quy định mức thu phí phải căn cứ vào chủ trương chính sách của Nhà nước; tình hình kinh tế – chính trị – xã hội và đặc điểm của các vùng trong từng thời kỳ; tính chất, đặc điểm của từng dịch vụ thu phí, có tham khảo mức thu loại phí tương ứng ở các nước trong khu vực và thế giới (nếu có).

* Đối với lệ phí 

Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối  với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí. Riêng đối với lệ phí trước bạ, mức thu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản trước bạ theo quy định của Chính phủ. 
Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định mức thu đối với những lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân 
dân cấp tỉnh quy định, để bảo đảm việc thi hành thống nhất trong cả nước.

2.2 Các khoản thu khác ngoài thuế, phí, lệ phí.

2.2.1 Các khoản thu từ bán tài sản của nhà nước và thu từ lợi tức cổ phần của nhà nước 

Để quản lý và điều tiết các hoạt động kinh tế xã hội, Chính phủ tham gia vào các hoạt động kinh tế ở những mức độ nhất định như đầu tư, tài trợ, góp vốn…Việc nhà nước tham gia vào các hoạt động đó có thể phát sinh các khoản thu từ lợi tức cổ phần, thu hồi vốn của nhà nước đầu tư vào các cơ sở kinh tế. Khoản thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là một khoản thu vào yếu tố sản xuất, kinh doanh tính trên số vốn ngân sách Nhà nước cấp và có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước bao gồm cả vốn cố định và vốn lưu động. Ngoài ra, nhà nước có thể cho thuê hoặc bán các tài sản của nhà nước. Tiền bán hoặc cho thuê công sản là khoản thu thuộc về ngân sách nhà nước Chế độ thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:

2.2.2 Chế độ thu ngân sách Nhà nước về vay nợ :

- Vay trong nước. Các khoản vay trong nước đều được thực hiện thông qua việc Chính phủ phát hành các loại giấy tờ có giá như trái phiếu, công trái, trái phiếu kho bạc, tín phiếu kho bạc. Toàn bộ nguồn vốn thu được từ việc phát hành các loại giấy tờ có giá đều phải được tập trung vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các nhu cầu chi đầu tư phát triển kinh tế theo kế hoạch và mục tiêu đã được Chính phủ đề ra.
- Vay nước ngoài. Đó là các khoản vay do Chính phủ vay và cam kết thực hiện nghĩa vụ với nước ngoài. Đó cũng có thể là những khoản vay do Chính phủ uỷ quyền cho các doanh nghiệp vay được Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đứng ra bảo lãnh. Toàn bộ vốn vay nước ngoài của Chính phủ đều phải được cân đối vào ghi vào ngân sách.

2.2.3 Các khoản viện trợ: 

Viện trợ là nguồn vốn thuộc chương trình hợp tác của chính phủ các nước, các tổ chức nước ngoài dành cho 1 quốc gia. Viện trợ nước ngoài là nguồn quan trọng để bổ sung cho ngân sách nhà nước, góp phần hỗ trợ nhà nước thực hiện các khoản chi phát triển, cải cách kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Viện trợ có thể là song phương hoặc đa phương. Viện trợ có thể dưới hình thức có hoàn lại hoặc không hoàn lại. Thông thường, các khoản viện trợ có hoàn lại sẽ được thể hiện dưới dạng cho vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời hạn hoàn trả gốc dài và có thể được ân hạn
Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước còn có thể bao gồm các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

No comments:

Post a Comment