27/09/2014
TÌnh huống liên quan đến loại tội phạm rất nghiêm trọng tội cướp tài sản
Bài tập học kỳ Luật Hình sự 1 có đáp án.

ĐỀ BÀI SỐ 06

C có hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản của K, tài sản chiếm đoạt có giá trị 30 triệu đồng. Hành vi phạm tội của C được quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS. C bị đưa ra xét xử và tuyên phạt 7 năm tù. Anh (chị) hãy xác định:

1. Trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội gì theo sự phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS? (1 điểm)
2. Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS) là tội có CTTP vật chất hay CTTP hình thức? Tại sao? (1 điểm)
3. Nếu C mới dùng vũ lực nhưng không chiếm đoạt được tài sản thì C có bị truy cứu TNHS về tội cướp tài sản không? Giai đoạn thực hiện tội phạm (2 điểm)
4. Nếu C mới tròn 14 tuổi thì C có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao? (1,5 điểm)
5. Nếu C mới chuẩn bị phạm tội cướp tài sản thì bị bắt giữ thì C có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao? (1,5 điểm)

TRẢ LỜI CÂU HỎI

Xét một cách khái quát tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm là: tính nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi, tính trái pháp luật hình sự và tính phải chịu hình phạt. Tuy nhiên những hành vi phạm tội cụ thể có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau. Tội cướp tài sản quy định tại điều 133 BLHS là hành vi ”dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. Hành vi này đã và đang gây nguy hiểm không nhỏ đối với các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, ở đây chính là quan hệ tài sản, ngoài ra còn các quan hệ khác như trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ...Để làm rõ hơn nữa những vấn đề cụ thể về tội cướp tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam, em xin được chọn và phân tích tình huống cụ thể ở đề bài số 06.

1, Trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng theo sự phân loại tội phạm tại khoản 3 điều 8 BLHS

Phân loại tội phạm là việc phân chia tội phạm theo căn cứ cụ thể thành những nhóm tội phạm khác nhau nhằm mục đích nhất định. Do tính đa dạng và phức tạp của tội phạm trong thực tế nên đòi hỏi sự phân loại tội phạm được cụ thể hoá hơn. Về việc phân loại tội phạm, theo khoản 3 Điều 8 BLHS quy định: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Như vây, tội phạm được chia thành 4 loại : tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Chính sự phận loại này là cơ sở cho việc phân hoá trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau cũng như trong thự tiễn áp dụng.

Trong tình huống trên C đã có hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản của K, tài sản chiếm đoạt có giá trị 30 triệu đồng. Hành vi phạm tội của C được quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS, mà khoản 1, điều 133 BLHS quy định “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Vì vậy, ta có thể căn cứ vào khoản 3, Điều 8 BLHS để phân loại tội phạm đối với trường hợp phạm tội của C đó là : Theo khoản 1 Điều 133 BLHS quy đinh thì mức phạt cao nhất của khung hình phạt của tội cướp tài sản là mười năm tù nên trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.

Như vậy, trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng theo sự phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS.

2, Tội cướp tài sản (điều 133 BLHS) là tội có CTTP hình thức

Ngoài việc xác định tội phạm thì việc xác định CTTP cũng là một việc quan trọng và tất yếu trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự. CTTP được hiểu là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. CTTP được coi là khái niệm pháp lí của loại tội phạm cụ thể, là sự mô tả khái quát tội phạm nhất định trong luật hình sự. Quan hệ giữa tội phạm với CTTP là quan hệ giữa hiện tượng và khái niệm. Tội phạm là hiện tượng xã hội cụ thể, tồn tại khách quan còn CTTP là khái niệm pháp lí của hiện tượng đó. Đặc điểm của các dấu hiệu trong CTTP : Các dấu hiệu trong CTTP đều do luật định, có tính đặc trưng và có tính bắt. CTTP là cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự, là căn cứ pháp lý duy nhất của việc định tội và đồng thời CTTP cũng là căn cứ pháp lý để định khung hình phạt. Dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan ta có thể chia CTTP thành CTTP vật chất và CTTP hình thức.

Tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS là tội có CTTP hình thức. Bởi như chúng ta đã biết CTTP hình thức là CTTP có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tội cướp tài sản luôn được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, chỉ cần dấu hiệu hành vi, không bắt buộc cần dấu hiệu hậu quả, có nghĩa là chỉ cần thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP thì tội phạm đã hoàn thành. Vì vậy theo quy định tại Điều 133 BLHS thì dấu hiệu của mặt khách quan ở đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội đó là : dùng  vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không  thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, khi có những hành vi cướp tài sản cho dù hành vi đó có để lại hậu quả thế nào, giá trị tài sản cướp được lớn hay bé cũng đã thể hiện đầy đủ tinh nguy hiểm cho xã hội. Chỉ cần thực hiện được hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc...nhằm cướp tài sản là có thể bị buộc tội rồi, không cần biết đã cướp được tài sản hay chưa.

Như vậy, tội cướp tài sản là tội phạm điển hình cho loại tội phạm có CTTP hình thức. 

3, Nếu C mới dùng vũ lực nhưng không chiếm đoạt được tài sản thì C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Giai đoạn thực hiện tội phạm ở đây là tội phạm hoàn thành.

3.1 Nếu C mới dùng vũ lực nhưng không chiếm đoạt được tài sản thì C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản

Trách nhiệm hình sự được hiểu là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình. Điều 2 BLHS quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu TNHS”. CTTP là cơ sở pháp lý của TNHS, là điều kiện cần và đủ của TNHS. Việc xác định một cách thống nhất CTTP là cơ sở của TNHS, tuyên bố một người phạm tội và buộc họ phải chịu TNHS chỉ có thể dựa trên cơ sở pháp lý là CTTP mà không thể dựa vào cơ sở nào khác. Nếu xác định hành vi của con người là không có hoặc có không đầy đủ những dấu hiệu của bất kì CTTP cụ thể nào được quy định trong BLHS thì hành vi đó không thể bị coi là tội phạm và người thực hiện hành vi này không thể bị buộc phải chịu TNHS.

Hành vi của C phạm tội cướp tài sản quy định tại điều 133 BLHS. Vì tội cướp tài sản là tội có CTTP hình thức hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nên không đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra trên thực tế, chỉ cần thực hiện 1 trong các hành vi mô tả trong cấu thành tội phạm như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, là đã cấu thành nên tội cướp tài sản và phải chịu TNHS rồi. Trong tình huống trên, nếu C mới dùng vũ lực nhưng không chiếm đoạt được tài sản thì C vẫn bị truy cứu TNHS về tội cướp tài sản. Chính hành vi dùng vũ lực của C đã cấu thành tội cướp tài sản mà không cần biết hậu quả đã xảy ra hay chưa. Như vây, chỉ cần C có hành vi đùng vũ lực đe doạ mặc dù chưa chiếm đoạt được tài sản thì đã cấu thành tội cướp tài sản, vì vậy C vẫn phải chịu TNHS theo quy định của BLHS.

Như vậy, trong trường hợp trên nếu C mới dùng vũ lực nhưng không chiếm đoạt được tài sản thì C có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS.

3.2 Giai đoạn thực hiện tội phạm ở đây là tội phạm hoàn thành.

Tội phạm hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thoả mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong CTTP. Phạm tội hoàn thành là trường hợp kẻ phạm tội đã thực hiện những hành vi thoả mãn các dấu hiệu quy định đối với tội phạm đó, nghĩa là hành vi phạm tội đã có đủ các dấu hiệu phản ánh được đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Khái niệm phạm tội hoàn thành không dùng để chỉ thời điểm kẻ phạm tội đạt được mục đích của mình. Nói phạm tội hoàn thành là hoàn thành về mặt pháp lí, tức là phạm tội đã thoả mãn hết các dấu hiệu cấu thành về tội phạm. Khi xác định thời điểm hoàn thành của từng tội phạm thì phải dựa vào các dấu hiệu của CTTP, thời điểm hoàn thành sớm hay muộn là tuỳ thuộc vào việc xây dựng các dấu hiệu của CTTP.

Trong trường hợp trên, tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 BLHS thuộc CTTP hình thức. Mà tội phạm có CTTP hình thức hoàn thành ngay khi người phạm tội đã thực hiện được hành vi phạm tội. Ở đây, hành vi của C dùng vũ lực đe doạ để cướp tài sản của K chính là dấu hiệu hành vi phạm tội thoả mãn CTTP hình thức vì vậy giai đoạn thực hiện tội phạm của C trong trường hợp trên là tội phạm hoàn thành. Còn hậu quả là dù C đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa và tài sản có giá trị có là bao nhiêu đi chăng nữa thì giai đoạn phạm tội của C vẫn là tội phạm hoàn thành.

Như vây, chỉ cần C thực hiện hành vi dùng vũ lực đe doạ cướp tài sản thì hành vi đó đã cấu thành tội cướp tài sản quy định tại điều 133 BLHS, tội cướp tài sản đó đã là giai đoạn tội phạm hoàn thành mà không cần phải có dấu hiệu của hậu quả xảy ra.

4, Nếu C mới tròn 14 tuổi thì C có phải chịu TNHS về hành vi của mình

Năng lực TNHS là điều kiện cần thiết để xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ người có năng lực TNHS mới có thể là chủ thể của tội phạm. Trong trường hợp trên đề bài không quy định về TNHS của C nên ta xem C là người đã có đầy đủ năng lực TNHS. C mới tròn 14 tuổi thì C đã đủ tuổi chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo quy định Điều 12, BLHS :” Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Trước hết hành vi của C đã cấu thành tội cướp tài sản do lỗi cố ý trực tiếp, ở đây, lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đó là C, C nhận thức rõ hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản của K là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra đó là C đã cướp được tài sản có giá trị 30 triệu đồng. Hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản của C không chỉ tác động đến khách thể ở đây là quan hệ sở hữu mà còn tác động đến quan hệ nhân thân, tức là quyền sở hữu quản lí đối với tài sản và quyền được tôn trọng và bảo về sức khoẻ của người K mà C định xâm hại bằng vũ lực.

Về lí trí, C nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó. Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi cướp tài sản và thấy trước hậu quả của hành vi đó là hai nội dung yếu tố lí trí có liên quan chặt chẽ với nhau. Thấy trước hậu quả của hành vi cướp tài sản là kết quả và là sự cụ thể hoá sự nhận thức tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Trái lại, nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là cơ sở cho việc thấy trước hậu quả của hành vi. Tội cướp tài sản là tội có CTTP hình thức, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, do vậy vấn đề có thấy trước hay không thấy trước hậu quả không được đặt ra khi xem xét lí trí của người phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.

Về ý chí, người phạm tội mong muốn hậu quả phát sinh, có nghĩa là hậu quả của hành vi phạm tội mà người phạm tội đã thấy trước hoàn toàn phù hợp với mục đích – phù hợp với mong muốn của C đó là cướp được tài sản của K. Vì tội cướp tài sản có CTTP hình thức, hậu quả nguy hiểm cho xã hội không phải là dấu hiệu bắt buộc cho nên việc xác định ý chí đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội không được đặt ra. Ở đây C phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, C nhân thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà vẫn thực hiện hành vi đó.

Mặt khác, ta có thể căn cứ vào khoản 3, Điều 8 BLHS để phân loại tội phạm đối với trường hợp phạm tội của C đó là C phạm trội cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS thì mức phạt cao nhất của khung hình phạt của tội cướp tài sản là mười năm tù nên trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.

Như vây, trong trường hợp trên, C phạm tội cướp tài sản quy đinh tại khoản 1 Điều 133 BLHS thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng với lỗi cố ý nên căn cứ theo Điều 12 BLHS thì nếu C mới tròn 14 tuổi thì C có phải chịu TNHS về hành vi của mình.

Ngoài ra, trong trường hợp C mới 14 tuổi và thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực TNHS thì vấn đề TNHS được đặt ra ở đây là khác nhau. Ta có thể căn cứ theo Điều 13 BLHS quy đinh: Tình trạng không có năng lực TNHS

1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng qui định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ở đây, có hai dấu hiệu để xác định tình trạng không có năng lực TNHS đó là: dấu hiệu y học và dấu hiệu tâm lý. Về dấu hiệu y học, người trong tình trạng không có năng lực TNHS là người mắc bệnh tâm thần hoặc bênh khác làm rối loạn haotj động tâm thần. Về dấu hiệu tâm lý, đó là người đã mất năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, là người không có năng lực đánh giá hành vi thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm. Và như vậy, họ cũng không có được năng lực kiềm chế việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội để thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Theo quy định khoản 1 Điều 13 BLHS thì nếu C mới 14 tuổi thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản trong khi đang mắc bênh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì C không phải chịu TNHS về hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản của mình. Còn trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 BLHS, C mới 14 tuổi phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng qui định tại khoản 1 (Điểu 13 BLHS) trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu TNHS.

5, Nếu C mới chuẩn bị phạm tội cướp tài sản thì bị bắt giữ thì C có phải chịu TNHS về hành vi của mình.

Đề bài không nêu vấn đề độ tuổi cũng như năng lực TNHS của C ở câu hỏi này nên ta xem C là người đã đủ tuổi chịu TNHS và đã có năng lực TNHS.

Chuẩn bị phạm tội là giai đoạn trong đó người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó. Điều 17, BLHS quy định :”Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm”. Giữa giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hiện tội phạm có quan hệ mật thiết với nhau. Sự gây thiệt hại cho khách thể có thể xảy ra hay không và xảy ra như thế nào, rõ ràng có sự phụ thuộc nhất định vào hành vi chuẩn bị. Chuẩn bị càng chu đáo, cẩn thận bao nhiêu thì thực hiện tội phạm càng dễ dàng, thuận lợi bấy nhiêu

Chuẩn bị phạm tội là trường hợp có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp nhất so với phạm tội chưa đạt và phạm tội hoàn thành. Vì chưa trực tiếp xâm hại đến khách thể của loại tội định thực hiện và riêng hành vi chuẩn bị chưa thể gây ra được những hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Do vậy, theo luật hình sự Việt Nam không phải hành vi chuẩn bị phạm tội nào cũng bị truy cứu TNHS. Người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu TNHS nếu tội định phạm là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Điều 17 BLHS quy định: “Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện”.

Trong tình huống trên nếu C mới chuẩn bị phạm tội cướp tài sản thì C vẫn phải chịu TNHS bởi khi C có những hành vi chuẩn bị phạm tội thì cũng đã cấu thành tội cướp tài sản. C phạm tội cướp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 133 BLHS :” Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Căn cứ vào khoản 3, Điều 8 BLHS ta có thể phân loại tội phạm đối với trường hợp phạm tội của C thì mức phạt cao nhất của khung hình phạt của tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS là mười năm tù nên trường hợp phạm tội của C thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.

Như vậy, nếu C mới chuẩn bị phạm tội cướp tài sản thì bị bắt giữ thì C có phải chịu TNHS vầ hành vi của mình vì hành vi phạm tội của C chỉ mới dừng ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội nhưng tội cướp tài sản mà C thực hiện thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng nên C có phải chịu TNHS về hành vi của mình.

KẾT LUẬN

Qua tình huống trên ta có thể thấy luật hình sự Việt Nam giữ vị trí quan trọng trong đấu tranh và phòng chống tội phạm nói chung và tội cướp tài sản nói riêng. Bởi chỉ có luật hình sự mới quy định hành vi bị coi là tội phạm và hình phạt có thể áp dụng đối với người đã gây ra tội phạm đó. Việc quy định tội phạm và hình phạt áp dụng đối với người phạm tội là nhân danh ý chí của nhân dân, là sự thể hiện thái độ của nhân dân (thông qua Nhà nước) đối với tội phạm. Đây chính là sự thể hiện ý chí của Nhà nước của nhân dân đối với tội phạm.

No comments:

Post a Comment