TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI DO VI PHẠM QUY TẮC NGHỀ NGHIỆP HOẶC QUY TẮC HÀNH CHÍNH ( ĐIỀU 99 ) - BÌNH LUẬN KHOA HỌC BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999 - ĐINH VĂN QUẾ
TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI DO VI PHẠM QUY TẮC NGHỀ NGHIỆP HOẶC QUY TẮC HÀNH CHÍNH ( ĐIỀU 99 )
Đây là trường hợp phạm tội được tách từ khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1985, do đó các dấu hiệu cơ bản của tội này cũng tương tự như tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trường hợp vô ý làm chết người quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự ngoài các dấu hiệu về tội vô ý làm chết người ra còn có thêm dấu hiệu "do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính". Điều 99 Bộ luật hình sự qu định hai trường hợp phạm tội, do dó tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà Toà án định tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp" hoặc định tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính" không được định tội " vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính", vì định tội như vậy không biết là tội gì.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp
Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp là trường hợp làm chết người do không thực hiện đúng những quy tắc về an toàn lao động mà người phạm tội phải có trách nhiệm hay có nghĩa vụ do nghề nghiệp quy định. Ví dụ: một y tá tiêm thuốc Pênixiline cho người bệnh nhưng không thử phản ứng dẫn đến bệnh nhân bị chết do phản ứng thuốc.
Những vi phạm quy tắc nghề nghiệp của người phạm tội là những vi phạm thuộc phạm vi một ngành, một nghề do Nhà nước quy định có tính chất nghiệp vụ để bảo đảm an toàn cho mọi người. Do làm một nghề mà nghề đó trực tiếp liên quan đến tính mạng của con người, nên phải tuân thủ những quy tắc an toàn, nếu vi phạm dễ dẫn đến chết người. Cũng là vô ý làm chết người, nhưng người vi phạm quy tắc nghề nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn.
2. Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính.
Là trường hợp làm chết người do không thực hiện đúng những quy tắc xã hội do Luật hành chính quy định.
Những quy tắc này có thể do các cơ quan hành chính Trung ương quy định như: Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, các ngành, nhưng cũng có thể do các cơ quan hành chính ở địa phương hoặc một đơn vị sản xuất quy định. Các quy phạm hành chính tương đối rộng, vì các quan hệ xã hội nếu không do các ngành luật khác điều chỉnh thì hầu hết do luật hành chính điều chỉnh. Ví dụ: một người chặt cây ở ven đường trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền, làm đứt dây dẫn điện để người qua đường bị điện giật chết.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính làm chết một người ( khoản 1 Điều 99)
Nếu vô ý làm chết một người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 99 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ một năm đến sáu năm, là tội nghiêm trọng. So với đoạn một khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 1 Điều 99 nặng hơn, do đó các hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới điều tra, truy tố xét xử thì Toà án không được áp dụng khoản 2 Điều 99 Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử đối với người phạm tội mà phải áp dụng đoạn một khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.
Nếu làm chết một người và còn làm bị thương một hoặc nhiều người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà thương tích của mỗi người có tỷ lệ từ 31% trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 99 Bộ luật hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính và tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 1 Điều 109 Bộ luật hình sự.
2. Do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính làm chết nhiều người ( khoản 2 Điều 99)
Làm chết nhiều người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là làm chét từ hai người trở lên và tất cả những người bị chết đều là hậu quả của hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 99 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ năm năm đến mười hai năm tù. So với đoạn hai khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 99 nhẹ hơn, do đó các hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới điều tra, truy tố xét xử thì Toà án được áp dụng khoản 2 Điều 99 Bộ luật hình sự năm 1999 để xét xử đối với người phạm tội
Nếu chỉ có một người bị chết do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, còn những người khác chết không phải do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 99 và tùy trường hợp mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 98 Bộ luật hình sự.
Nếu có hai người chết, trong đó có một người chết do vị phạm quy tắc nghề nghiệp và một người chết do vi phạm quy tắc hành chính, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 99 Bộ luật hình sự nhưng tội danh của người phạm tội phải được xác định là phạm tội "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp và quy tắc hành chính" ( thay liên từ "hoặc" bằng liên từ "và" ).
Theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính còn có thể bị Toà án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc từ một năm đến năm năm. Việc cấm người phạm tội đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định cần phải căn cứ vào hành vi phạm tội của họ. nếu họ vi phạm quy tắc nghề nghiệp làm chết người thì cấm họ hành nghề có liên quan đến cái chết của nạn nhân. Khi cấm cũng cần phải xem xét đến khả năng thực tế nếu để họ tiếp tục hành nghề đó nữa thì có thể lại tiếp tục gây ra hậu quả nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người khác, không nên cấm một cách chung chung mà phải cấm cụ thể nghề gì. Ví dụ: Cấm vận hành máy nổ trong thời hạn 3 năm, cấm phẫu thuật trong thời hạn 2 năm...
No comments:
Post a Comment