TỘI VÔ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC DO VI PHẠM QUY TẮC NGHỀ NGHIỆP HOẶC QUY TẮC HÀNH CHÍNH ( ĐIỀU 109 )
Đây là tội phạm được tách từ khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự năm 1985, ngoài những dấu hiệu như đối với tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 108 Bộ luật hình sự, thì tội phạm này còn có thêm một trong hai dấu hiệu, đó là: người phạm tội do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc do vi phạm quy tắc hành chính.
CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM
Do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nếu người bị hại có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy căn cứ để xác định có hành vi phạm tội hay không trong trường hợp do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là tỷ lệ thương tật của người bị hại. Vì vậy, trong mọi trường hợp, các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định pháp ý đối với nạn nhân.
Việc xác định thế nào là do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc vi phạm quy tắc hành chính được áp dụng tương tự như trường hợp đối với tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính chỉ khác tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự ở một điểm, đó là hậu quả ( thiệt hại về thể chất ) tực tế đã gây ra. Nếu chết người là thuộc trường hợp quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự, nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 109 Bộ luật hình sự.
Người phạm tội phải từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, vì đây là tội phạm ít nghiêm trọng có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm tù.
Tuy nhiên, người phạm tội này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ mọt năm đến năm năm (khoản 2 Điều 109). Việc quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội này là cần thiết, có tính phòng ngừa cao.
No comments:
Post a Comment