TỘI MUA BÁN PHỤ NỮ ( ĐIỀU 119)
Mua bán phụ nữ là hành vi coi người phụ nữ như một món hàng để trao đổi lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác
So với tội mua bán phụ nữ quy định tại Điều 115 Bộ luật hình sự năm 1985 về cơ bản không có gì mới, chỉ bổ sung thêm một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt và quy định hình phạt bổ sung ngay trong cùng một điều luật.
A. CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM
1. Đối với người phạm tội
Người phạm tội có thể là người mua, có thể là người bán hoặc có thể họ vừa là người mua, vừa là người bán phụ nữ. Thực tiễn xét xử trong những năm vừa qua, chúng tội thường gặp người phạm tội là người dùng mọi thủ đoạn lừa phỉnh phụ nữ để đem ra nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) bán cho người nước ngoài làm vợ. Việc mua bán phụ nữ xảy ra ở trong nước, nếu có cũng chủ yếu là sự móc nối của những người trong các khâu của quá trình mua bán phụ nữ và cuối cùng là đưa ra nước ngoài.
Quan niệm mua và bán phụ nữ cũng không hoàn toàn giống như mua và bán những hàng hoá khác hoặc mua bán nô lệ như một số nước ở thời kỳ trung cổ, do đó trong một số trường hợp nhìn hình thức bên ngoài chúng ta không thấy được đó là hành vi mua bán phụ nữ, thậm chí người phụ nữ bị đem bán còn cảm ơn người đã mua bán mình. Ví dụ: Chị Phạm Thị H đã 30 tuổi nhưng chưa có chồng, Nguyễn Thị M là người thường đi lên Lạng Sơn buôn bán nên biết được ở Lạng Sơn có người tìm phụ nữ có hoàn cảnh éo le để đưa sang Trung Quốc bán. M đã về gặp chị H và kể cho chị H nghe là sang Trung Quốc lấy chống có cuộc sống sung sướng, nếu chị H đồng ý thì M sẽ giúp đỡ. Vì hoàn cảnh như vậy nên chị H đã đồng ý và theo M lên Lạng Sơn để sangTrung Quốc, bằng việc làm này thị M đã được đồng bọn chia cho 1.000.000 đồng. Sau một năm, chị H viết thư về gia đình báo tin là đã có chồng và không quên gởi lời cám ơn M đã giúp chị.
Trong điều kiện nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân của người Việt Nam cũng như của người nước ngoài tại Việt nam có sử dụng các cán bộ khoa học hoặc công nhân có tay nghề cao là phụ nữ. Những người này được trả lương cao thậm chí rất cao và không ít trường hợp những "ông chủ" muốn lôi kéo họ về làm việc cho mình nên đã "mua hoặc bán" như kiểu chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng này không phải là hành vi phạm tội mua bán phụ nữ.
Người phạm tội phải nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán phụ nữ thì mới là hành vi phạm tội, nếu họ không nhận thức được hành vi của mình là hành vi mua bán phụ nữ thì không phải là tội phạm. Ví dụ: Chị K đã ly hôn với chồng muốn sang Trung Quốc để lấy chồng vì chị nghe nói phụ nữ Việt Nam sang bên đó lấy chồng dễ, lại có cuộc sống sung sướng. Chị K nhờ chị L là người thường xuyên đi buôn bán ở Quảng Ninh xem có cách nào giúp chị, chị L đồng ý và dẫn chị K ra Quảng Ninh. Tại đây, chị L giới thiệu với Trần Văn Q về hoàn cảnh của chị K, Trần Văn Q đã đưa chị K đến nhà Hoàng Công T (T là đối tượng thường xuyên đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán), T đã trả cho Q 500.000 đồng, Q đêm về cho chị L 100.000 đồng và dặn lần sau có ai muốn sang Trung Quốc lấy chồng thì cứ đưa ra đây. Mặc dù chị L có được Q cho tiền nhưng chị L không biét việc làm của mình là hành vi giúp sức cho kẻ khác mua bán phụ nữ, nên hành vi của chị L không phải là hành vi phạm tội.
Vì là buôn bán nên dấu hiệu thu lợi cũng là một dấu hiệu quan trọng, nhưng nó không phải là dấu hiệu bắt buộc, việc người phạm tội có thu lợi hay không, điều đó không có ý nghĩa về mặt định tội, nếu có thì cũng chỉ có ý nghĩa về việc áp dụng hình phạt (lượng hình).
Hậu quả của hành vi mua bán phụ nữ là người phụ nữ đó đã bị mua, bị bán. Nhưng nếu người phạm tội đã thực hiện các hành vi nhằm mua, nhằm bán, nhưng việc mua bán chưa xảy ra thì cũng không vì thế mà cho rằng chưa phạm tội mua bán phụ nữ mà trường hợp phạm tội này là phạm tội chưa đạt.
2. Đối với người bị hại
Người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ là người phụ nữ từ 16 tuổi trở lên bị mua, bị bán. Nếu người người bị hại là phụ nữ dưới 16 tuổi thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mau bán phụ nữ mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo Điều 120 Bộ luật hình sự.
Hiện nay có một tình trạng khá phổ biến là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng thường xác định người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ lại là thân nhân của họ như: bố, mẹ, anh, em của người phụ nữ bị mua, bị bán, nhất là đối với các trường hợp người bị hại bị đưa ra nước ngoài. Việc xác định thân nhân của người bị hại là bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ rõ ràng là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, nếu không xác định thân nhân của người bị hại tham gia tố tụng với tư cách như người bị hại thì có không ít những trường hợp không bảo đảm quyền lợi của các đương sự nhất là đối với trường hợp người bị hại bị đưa ra nước ngoài.
Việc xác định thân nhân của người phụ nữ bị mua, bị bán tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại rõ ràng là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử một số nơi đã cho họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện của người bị hại, nhưng ngay cả trong trường hợp này cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể, bởi lẽ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ mới tham gia tố tụng thay cho họ còn những phụ nữ bị bán ra nước ngoài chưa hẳn họ đã bị chết.
Trong khi chưa có hướng dẫn hoặc sửa đổi bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, theo chúng tôi nếu người bị hại trong vụ án mua bán phụ nữ không xác định được địa chỉ hoặc tuy xác định được địa chỉ nhưng không thể triêu tập họ được thì chỉ cho thân nhân của họ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chỉ giải quyết những vấn đề có liên quan đến thân nhân của người bị hại. Ví dụ: Những khoản thiệt hại vật chất do phải đi tìm người bị hại hoặc do người bị hại bị bán ra nước ngoài không nhận được tin tức mà thân nhân của người bị hại tổn thất về tinh thần.
Người bị hại có thể biết mình bị mua, bị bán nhưng cũng có thể không biết mình bị mua, bị bán. Thậm chí có người còn tự nguyện để người khác mua bán, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán phụ nữ.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Mua bán một phụ nữ và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự ( khoản 1 Điều 119)
Là trường hợp một người hoặc nhiều người mua bán một phụ nữ mà không thuộc trường hợp phạm tội: Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm; phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; để đưa ra nước ngoài; mua bán nhiều người; mua bán nhiều lần, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản1 Điều 119 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù.
2. Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm ( điểm a khoản 2 Điều 119)
Mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm là trường hợp sử dụng người phụ nữ bị mua, bị bán vào việc hoạt động mại dâm. Thông thường, người phạm tội trong trường hợp này còn bị truy cứu thêm tội môi giới mại dâm hoặc tội chứa mại dâm, nhưng cũng có thể chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm nếu người phạm tội chỉ biết người phụ nữ mà mình mua, mình bán sẽ được sử dụng vào mục đích mại dâm.
Đây là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội, do đó các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có căn cứ xác định người phạm tội biết người phụ nữ mà họ mua bán là để sử dụng vào mục đích mại dâm, nếu không có căn cứ xác định người phạm tội biết mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm thì không thuộc trường hợp phạm tội này.
Tình tiết mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999, do đó những hành vi phạm tội mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật hình sự.
3. Mua bán phụ nữ có tổ chức ( điểm b khoản 2 Điều 119)
Cũng giống như trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội mua bán phụ nữ có tổ chức là trường hợp nhiều người tham gia, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để mua được, để bán được phụ nữ. Mua bán phụ nữ có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội không có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức do có sự phận công, cấu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm nên chúng dễ dàng thực hiện việc mua bán phụ nữ và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình.
4. Mua bán phụ nữ có tính chất chuyên nghiệp ( điểm c khoản 2 Điều 119)
Phạm tội mua bán phụ nữ có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc mua bán phụ nữ là nguồn sống chính cho mình.
Bộ luật hình sự năm 1985 chưa coi trường hợp phạm tội này là tình tiết tăng nặng hoặc là tình tiết định khung hình phạt. Nhưng qua thực tiễn xét xử, có một số tội phạm, trong đó có tội mua bán phụ nữ, người phạm tội đã lấy việc phạm tội là nguồn thu nhập chính của bản thân, nên Quốc hội đã bổ sung tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội phạm, trong đó có tội mua bán phụ nữ. Việc nhà làm luật coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng là yếu tố định khung hình phạt là một yêu cầu cần thiết do thực tiễn xét xử đặt ra.
Khi áp dụng tình tiết này, cần lưu ý rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống. Ví dụ: Hoàng Văn N là một kẻ sống lang thang không nghề nghiệp, thường tụ tập một số người cùng cảnh ngộ như mình chuyên tìm phụ nữ để đưa ra nước ngoài bán để lấy tiền. Tuy nhiên, không phải hành vi phạm tội nào cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần đều coi là có tính chất chuyên nghiệp, mà chỉ những hành vi mà người phạm tội coi đó là phương tiện kiếm sống thì mới là có tính chất chuyên nghiệp.
Tình tiết mua bán phụ nữ có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết mới được quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999, do đó những hành vi phạm tội mua bán phụ nữ có tính chất chuyên nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật hình sự.
5. Mua bán phụ nữ để đưa ra nước ngoài ( điểm d khoản 2 Điều 119)
Hành vi mua bán phụ nữ để đưa ra nước ngoài được coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Thực tiễn trong những năm vừa qua hầu hết các vụ mua bán phụ nữ là để đưa ra nước ngoài và cũng chủ yếu là đưa sang Trung Quốc.
Chỉ cần chứng mình người phạm tội có ý định đưa người phụ nữ bị mua bán ra nước ngoài là thuộc trường hợp phạm tội này rồi, chứ không cần phải đưa người phụ nữ bị mua bán ra được nước ngoài trót lọt mới thuộc trường hợp phạm tội này.
Cần phân biệt trường hợp phạm tội này với trường hợp tổ chức, cưỡng ép phụ nữ trón đi nước ngoài có thu tiền, vàng. Nếu tiền, vàng mà người phạm tội thu được là của người phụ nữ trốn đi nước ngoài thì không phải là mua bán phụ nữ để đưa ra nước ngoài, vì tiền hoặc vàng mà người phạm tội có không phải của người khác mà của chính người phụ nữ bị đưa ra nước ngoài.
6. Mua bán nhiều phụ nữ ( điểm đ khoản 2 Điều 119)
Đây là trường hợp có từ hai người phụ nữ trở lên bị người phạm tội mua bán, trong đó có thể có người bị đưa ra nước ngoài, có người không bị đưa ra nước ngoài hoặc tất cả bị đưa ra nước ngoài. Nếu có người bị đưa ra nước ngoài thì người phạm tội vừa mua bán nhiều người vừa để đưa ra nước ngoài (hai tình tiết định khung).
Mua bán nhiều phụ nữ là trường hợp một lần người phạm tội mua bán nhiều phụ nữ, nếu người phạm tội mua bán nhiều phụ nữ nhưng mỗi lần chỉ mua bán một phụ nữ thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà thuộc trường hợp "mua bán nhiều lần" quy định tại điểm e khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự)
7. Mua bán nhiều lần (điểm e khoản 2 Điều 119)
Mua bán nhiều lần là trường hợp người phạm nhiều lần thực hiện hành vi mua bán phụ nữ và mỗi lần hành vi mua bán đã cấu thành tội mua bán phụ nữ.
Mua bán nhiều lần, có thể mỗi lần mua bán một người phụ nữ, nhưng cũng có thể trong các lần mua bán đó có lần mua bán nhiều người, nếu có lần mua bán nhiều người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ và điểm e khản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự với hai tình tiết định khung là " mua bán nhiều người và mua bán nhiều lần".
Trường hợp, chỉ có một phụ nữ bị bán hoặc bị mua nhưng người phạm tội đã mua bán nhiều lần đối với cùng một phụ nữ thì cũng bị coi là mua bán nhiều lần.
Người phạm tội mua bán phụ nữ trong các trường hợp: Mua bán phụ nữ vì mục đích thương mại; phạm tội có tổ chức; để đưa ra nước ngoài; mua bán nhiều người hoặc mua bán nhiều lần thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ năm năm đến hai mươi năm tù.
Bộ luật hình sự năm 1999 không quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt đối với tội mua bán phụ nữ nữa, nên hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999 thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật hình sự.
Khi quyết định hình phạt cụ thể, toà án cần xem xét một cách toàn diện, nếu phạm tội có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị mức hình phạm cao hơn người phạm tội có một tình tiết, nếu các tình tiết của vụ án tương tự như nhau.
Hiện nay, tình trạng mua bán phụ nữ xảy ra khá nghiêm trọng, nhất là tình trạng đưa nhiều phụ nữ ra nước ngoài để bán, có trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như sau khi bị bán, có chị em viết thư về gia đình kể lại cuộc sống cơ cực ở xứ người, bị mua đi bán lại qua nhiều lần, có chị không chịu nổi phải tự sát; bọn mua bán phụ nữ tổ chức thành đường dây móc nối với người nước ngoài và đưa rất nhiều phụ nữ ra nước ngoài bán thu lợi bất chính, dư luận xã hội đòi hỏi phải nghiêm trị những tên cầm đầu, chỉ huy đồng bọn. Nhưng mức hình phạt tối đa của tội phạm này cao nhất cũng chỉ có hai mươi năm tù. Mặt khác, việc bỏ tình tiết tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt trong tội mua bán phụ nữ là không thoả đáng, vì tội mua bán phụ nữ là một tội nguy hiểm và dư luận đang quan tâm, người phạm tội mà thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm phải bị phạt nặng hơn trường hợp không thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm mới thoả đáng. Ngoài ra, qua thực tiễn xét xử chúng tôi còn thấy trường hợp ua bán phụ nữ chưa thành niên cũng là trường hợp lẽ ra phải áp dụng khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự đối với người phạm tội nhưng Bộ luật hình sự năm 1999 cũng không quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt. Hy vọng rằng, khi có điều kiện hình phạt tối đa của tội phạm này sẽ được sửa đổi bổ sung theo hương nghiêm khắc hơn.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đén năm năm theo quy định tại khoản 3 Điều 119 Bộ luật hình sự.
No comments:
Post a Comment