19/08/2014
Phân tích tội cưỡng đoạt tài sản (điều 136) - Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 - Tập 2
4. TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN (ĐIỀU 136)

Điều văn của điều luật không mô tả hành vi cướp giất tài sản được thực hiện như thế nào, nhưng căn cứ vào lý luận và thực tiễn xét xử thì cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc đang trong sự quản lý của người có trách nhiệm về tài sản rồi tẩu thoát mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Vì vậy, có thể định nghĩa tội cướp giật tài sản như sau: 

Cướp giật tài sản là nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác một cách công khai rồi tìm cách tẩu thoát.

Đặc điểm nổi bật của tội cướp giật tài sản là người phạm tội lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản để nhanh chóng giật lấy tài sản mà người quản lý khó có thể giữ được hoặc giằng lại được. Cũng chính vì vậy, tài sản mà người phạm tội cướp giật chỉ có thể là loại tài sản gọn nhẹ như: Đồng hồ, dây chuyền vàng, hoa tai, túi xách... Tuy nhiên cũng có một số trường hợp người phạm tội cướp giật cả những tài sản kồng kềng như xe đạp, xe máy, vì sau khi người phạm tội giật được tài sản lại dùng ngay những tài sản mà mình giật được làm phương tiện tẩu thoát. Yếu tố bất ngờ trong tội cướp giất tài sản cũng là một dấu hiệu đặc trưng của tội phạm.

Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi cướp giật tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người giật tài sản của mình.

Tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại Điều 131 và Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985. So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi bổ sung, nhất là đối với các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, quy định cụ thể hơn, dễ áp dụng hơn.

Tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự nói chung có khung hình phạt nặng hơn tội cướp giật tài sản của công dân quy định tại Điều 154 và nhẹ hơn tội cướp giật tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1985.

Về cơ cấu, tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự được cấu tạo thành 5 khoản ( Điều 131 và 154 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội này chỉ có 3 khoản ).

Nhà làm luật quy định thêm nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt  mà Điều 131 và Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định, như gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; giá trị tài sản; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... 

Hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong điều luật.


A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Đối với tội cướp giật tài sản, chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, người phạm tội từ dủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng và theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; khoản 1 Điều 136 chỉ là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù.
Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội cướp giật tài sản cần chú ý độ tuổi của người phạm tội và các tình tiết định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự thì chỉ cần xác định người phạm tội đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội cướp giật tài sản cũng tương tự như tội cướp tài sản và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là  cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể ( quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân), nhưng chủ yếu là quan hệ tài sản. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay nhiều vụ cướp giật tài sản đã gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại như các vụ cướp giật của người đang điều khiển xe đạp, xe máy làm cho những người này ngã xe gây tai nạn. Mặc dù những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ không phải là đối tượng mà người phạm tội nhằm vào, nhưng trước khi thực hiện hành vi cướp giật, người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi và hậu quả nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn thực hiện, muốn ra sao thì ra. Cũng chính vì vậy Bộ luật hình sự năm 1999 khi quy định tội cướp giật tài sản đã đưa vào trong cấu thành dấu hiệu về thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ và coi đây là những tình tiết định khung hình phạt.
Khẳng định khách thể của tội cướp giật tài sản là quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân không chỉ đúng với lý luận mà còn phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Điều luật không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản, nhưng căn cứ vào khái niệm, vào các yếu tố cấu thành tội cướp giật tài sản thì người phạm tội cướp giật tài sản có những hành vi sau:
Giật tài sản

Có thể nói, đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi giật, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng ( ngay tức khắc). Chính vì hành vi giật tài sản đã bao gồm bản chất của tội cướp giật nên nhà làm luật không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật trong cấu thành cũng là điều dễ hiểu. Cũng tương tự như vậy, nhiều tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự nhà làm luật không mô tả hành vi khách quan của cấu thành như tội giết người, tội trộm cắp tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản... nhưng chúng ta dễ nhận thấy bản chất của hành vi phạm tội.

Thông thương, hành vi giật tài sản một cách nhanh chóng đã tạo ra yếu tố bất ngờ đối với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm về tài sản ( người đang quản lý tài sản ) làm cho những người này không có khả năng giữ được tài sản đang quản lý. Ví dụ: A nhìn thấy chị B đeo chiếc đồng hồ loại đắt tiền đang điều khiển xe máy, nên A cho xe của mình vượt lên đồng thời bất ngờ giật chiếc đồng hồ của chị B rồi phóng xe bỏ chạy; chị B chỉ còn biết kêu cướp ! cướp ! Hành vi của A được thực hiện một cách nhanh chóng bất ngờ làm cho chị B không kịp trở tay.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp người phạm tội muốn tạo ra yếu tố bất ngờ đối với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng thủ đoạn phạm tội không làm cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản bị bất ngờ nên người phạm tội không thực hiện được hành vi giật tài sản. Ví dụ: B và C bàn bạc dùng xe máy để cướp giật tài sản của người đi trên đường. Khi nhìn thấy chị H đang đi xe máy phía trước, trong giỏ xe có để chiếc túi xách, B bảo C tăng tốc và áp sát xe vào xe của chị H để B ngồi sau giật túi xách; qua gương phản chiếu, chị H phát hiện được thủ đoạn của B và C nên chị đã lấy túi xách ở giỏ xe đeo vào người và tăng tốc không cho B và C đuổi kịp, nhưng B và C vẫn cố tình đuổi theo nhằm giật bằng được chiếc túi xách của chị H. Khi chúng đuổi kịp chị H, B ngồi sau xe định dùng tay giật chiếc túi xách của chị H thì bị chị H dừng xe và hô cướp ! cướp ! Thấy vậy, B và C vội phóng xe tẩu thoát nhưng bị bắt.
Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp lúc đầu người phạm tội chỉ có ý định giật tài sản nhưng trong quá trinh thực hiện hành vi giật bị chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản chống cự giữ lấy hoặc giằng lại tài sản, nên người phạm tội đã có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực để chiếm đoạt bằng được tài sản thì hành vi phạm tội của người phạm tội không còn là hành vi cướp giật tài sản nữa mà hành vi này đã là hành vi cướp tài sản. Khoa học pháp lý coi trường hợp phạm tội này là sự chuyển hoá từ tội này sang tội khác. Ví dụ: Bùi Văn T  chở Trần Quang H bẵng xe DreamII trên đường Lò Đúc - Hà Nội, H nhìn thấy chị L đi xe đạp đằng trước, trong giỏ xe có một túi xách, H bảo T áp sát xe máy vào xe đạp của chị L để H giật túi xách. Khi H thò tay giật túi xách thì bị chị L túm được tay và hô cướp ! cướp ! nên H đã đấm vào mắt chị L một quả làm chị L bị choáng phải buông tay H ra, H lấy túi xách cùng T phóng xe tẩu thoát. Chị L đã trình bào với Công an và tả đặc điểm của hai tên đã cướp túi xách của chị nên hai ngày sau Công an quận Hai Bà Trưng đã bắ được Bùi Văn T và Trần Quang H.
Hành vi giật tài sản của người phạm tội được thực hiện một cách công khai, tức là không có ý thức che giấu hành vi của mình đối với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản và những người khác. Đây cũng là một đặc trưng để phân biệt với những trường hợp phạm tội khác như hành vi trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản không có tính công khai, trắng trợn. Ví dụ: Vũ Ngọc A là tên đã có nhiều tiền án, tiền sự, chuyên trộm cắp ở nơi đông người. Tối ngày 1-5-2001, A đến trước rạp Xiếc Hà Nội, vì là ngày lễ, nên mọi người xếp hàng mua vé vào xem xiếc rất đông, chen lấn nhau trước cửa bán vé. Lợi dụng lúc mọi người chen lấn, không chú ý đến tài sản, A đã khéo léo bật khoá dây đồng hồ của anh Hoàng Quốc D đang đeo trên tay làm đồng hồ của anh D rơi xuống đất để A nhặt. Khi đồng hồ bị rơi, mặc dù đang bị chen lấn nhưng anh D vẫn phát hiện được hành vi của A nên đã túm được tay A và lấy lại được đồng hồ. Khi thảo luận về vụ án này, nhiều ý kiến cho rằng A phạm tội cướp giật tài sản vì đang có hành vi công khai trắng trợn gỡ đồng hồ trên tay anh D trong lúc anh D không để ý vì đang bị chen lấn. Tuy nhiên, ý kiến này không phản ảnh đúng ý thức chủ quan cũng như hành vi khách quan của A. Bởi lẽ,  A chỉ lợi dụng chỗ đông người đang chen lấn nhau để thực hiện hành vi phạm tội mà A cho rằng không bị phát hiện, A không có có ý định cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản biết được hành vi phạm tội của mình. Khi thực hành vi, A cũng cho rằng anh D không biết bị gỡ đồng hồ và trong hoàn cảnh này nếu anh A có phát hiện được bị rơi đồng hồ thì cũng chi nghĩ rằng do chen lấn nên đồng hồ bật ra chứ không thể cho rằng bị người khác gỡ. Đối với anh D và đối với mọi người A đều có ý thức giấu diếm hành vi của mình, nên hành vi của A chỉ là hành vi trộm cắp tài sản chức không phải là cướp giật tài sản.
Tính chất công khai của hành vi cướp giật tài sản là công khai với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản là bị giật chứ không phải công khai với chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản về thân phận của người phạm tội. Vì vậy, nếu người phạm tội thực hiện hành vi vào ban đêm hay có những thủ đoạn làm cho chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản không nhận được mặt như đeo mặt nạ, hoá trang... thì hành vi phạm tội vẫn là hành vi cướp giật.

Để thực hiện hành vi giật tài sản, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như: lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản không chú ý bất ngờ giật lấy tài sản, lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản đang bị vướng mắc hoặc đang điều khiển phương tiện giao thông để giật tài sản... Trong các thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng, có những thủ đoạn nếu không xem xét một cách toàn diện sẽ dễ bị nhầm lẫn với các tội phạm khác gần kề như tội cướp tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc với cả tội trộm cắp tài sản. Thủ đoạn phạm tội cướp giật tài sản cũng chính là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt tội cướp giật tài sản với các tội phạm khác gần kề. Các thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng dễ nhầm với hành vi phạm tội khác thường là:

- Dùng thủ đoạn chen lấn, xô đẩy người giữ tài sản để người này không chú ý đến tài sản nên A mới giật được tài sản rồi tẩu thoát, nếu chỉ căn cứ vào một vài hành vi tác động đến thân thể sở hữu chủ thì có thể nhầm với hành vi phạm tội cướp tài sản, thực chất trờng hợp này A chỉ dùng thủ đoạn để cướp giật mà không có ý định đương đầu với sở hữu chủ;  

- Lợi dụng chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản vướng mắc, không có khả năng đuổi bắt hoặc giằng giật lại tài sản để chiếm đoạt tài sản như: Lợi dụng người bán hàng xén đang bán hàng cho khách, người phạm tội đã lấy một thứ hàng trong rạp hàng rồi bỏ chạy, trường hợp phạm tội này dễ nhầm với hành vi cong nhiên chiếm đoạt tài sản;

- Người phạm tội có thể dùng thủ đoạn có vẻ như đe doạ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như: Giả làm cán bộ quản lý thị trường đến kiểm tra hàng rồi bất thần giật tài sản hoặc tạo điều kiện cho đồng phạm khác giật tài sản rồi tẩu thoát, trường hợp phạm tội này dễ nhầm với hành vi cưỡng đoạt tài sản;

- Người phạm tội cũng có thể dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận gần chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi giật tài sản của họ như: Giả vờ đổi mật gấu lấy nhẫn, khi người có nhẫn tháo nhẫn để trong lòng bàn tay cho người phạm tội xem, lợi dụng người có nhẫn không để ý, người phạm tội đã lấy nhẫn rồi bỏ chạy, trường hợp phạm tội này dễ nhầm với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

- Người phạm tội cũng có thể dùng thủ đoạn lén lút để tiếp cập chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản rồi bất ngờ giật tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như: Bí mật đột nhập từ phía sau chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đang ngồi nghỉ trên một chiếc ghế trong Công viên, rồi bất thần giật chiếc hoa tai của người này rồi bỏ chạy, trường hợp này dễ nhầm với hành vi trộm cắp tài sản.

Vấn đề đặt ra là, chạy trốn có phải là dấu hiệu bắt buộc của tội cướp giật tài sản không ? Đây là vấn đề về lý luận cũng nhưng thực tiễn còn có những quan điểm khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng, đặc điểm của tội cướp giật tài sản là người phạm tội hành động trong thế yếu, nếu không bỏ chạy thì sẽ bị bắt ngay, nên dấu hiệu chạy trốn phải là dấu hiệu bắt buộc, nếu người phạm tội không tẩu thoát thì không cấu thành tội cướp giật.

- Quan điểm thứ hai lại cho rằng, chạy trốn là một đặc trưng của hành vi phạm tội cướp tài sản nhưng nó không phải là dấu hiệu bắt buộc, vì thực tiễn xét xử cho thấy nhiều trường hợp người phạm tội sau khi giật được tài sản đã không chạy trốn mà có thể đứng tại chỗ hoặc bỏ đi một cách bình thường nhưng người bị hại không thể đuổi bắt hoặc giằng lại tài sản. Ví dụ: Trong đám đông, A đã giật chiếc đồng hồ của B, sau khi giật được đồng, A liền đưa cho đồng bọn của mình là C giấu vào túi quần, B nhìn thấy A giật đồng hồ của mình, nhưng A lại chối ngay rằng B vu oan cho mình vì B không thấy A còn giữ đồng hồ.

Như vậy, chạy trốn chỉ là một đặc trưng của tội cướp giật tài sản chứ không phải là dấu hiệu bắt buộc, người phạm tội có chạy trốn hay không cồng phải tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nếu như trong hoàn cảnh nhất định người phạm tội thấy không cần phải chạy trốn mà vẫn không bị bắt thì họ không cần phải chạy trốn vẫn không bị lộ tung tích của mình.

b. Hậu quả

Hậu quả của tội cướp giật tài sản trước hết là những thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc những thiệt hại khác. mặc dù điều văn của điều luật không quy định, nhưng về lý luận tội cướp giật tài sản  là tội phạm có cấu thành vật chất, do đó, chỉ khi nào người phạm tội giật được tài sản thì tội phạm mới hoàn thành, nếu có hành giật nhưng chưa giật được tài sản thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tội cướp giật tài sản là tội phạm nghiêm trọng nên nhà làm luật không quy định mức tài sản bị chiếm đoạt là dấu hiệu cấu thành tội phạm như đối với các tội khác như tội trộm cắp, tội công nhiên chiếm đoạt, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Do đó người phạm tội cướp giật tài sản có giá trị lớn hay chỉ có giá trị rất nhỏ ( hoa tai giả, dây chuyền giả) vần là phạm tội cướp giật tài sản. Tuy nhiên, nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn thì thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của Điều 136 tuỳ theo giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc các thiệt hại khác là những dấu hiệu định khung tăng nặng của tội cướp giật tài sản. Ví dụ: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, từ 31% đến 60%  thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, từ 61% trở lên thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của Điều 136 Bộ luật hình sự.  

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sảnvà tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.
Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi giật tài sản, khác với các tội cướp, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội cướp giật tài sản không thể có mục đích chiếm đoạt tài sản trong hoặc sau khi thực hiện hành vi giật tài sản, vì hành vi giật tài sản đã bao hàm mục đích chiếm đoạt.
Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản. Ví dụ: Nguyễn Hùng C, là học sinh lớp 12 có thù với anh Vũ Thị H vì C cho rằng H nói xấu C, nên C đã bàn với Đào Văn T giật dây chuyền “bạch kim” của H. C đã chỉ mặt H và cho T biết quy luật đi về của H để  T thực hiện hành vi giật dây chuyền của H. Sau khi giật được dây chuyền của H, C và T bán lấy tiền chia nhau.

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội cướp giật tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội cướp giật tài sản. So với tội cướp giật tài sản của công dân quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn khoản 1 Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội cướp giật tài sản xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đối với hành vi phạm tội cướp giật tài sản của công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau ngày 4-1-2000 ( ngày Chủ tịch nước công bố Bộ luật hình sự năm 1999), mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì không được áp dụng khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999; đối với hành vi cướp giật tài sản xã hội chủ nghĩa xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện, xử lý thì cũng không được áp dụng Điều 136 Bộ luật hình sự 1999 để điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội mà phải áp dụng Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1985, vì theo khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 thì điều luật được áp dụng đối với hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 7. Tuy nhiên, tại mục 4 Thông tư liên tịch số 02/2000 TTLT của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an đã hướng dẫn: “Đối với những Tội phạm đã được quy định trong một điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nay theo cách so sánh tại các điểm từ điểm b1 đến điẻm b6 Mục 2 và tại các điểm từ điểm d1 đến điểm d6 Mục 3 Thông tư này mà vẫn giữ nguyên trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự 1999, thì áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự”. Hướng dẫn này không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999, đề nghị các cơ quan ban hành Thông tư này cần sửa đổi để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999.

Khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù.  Theo quy định tại điểm d Mục 3 Nghị quyết 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội, thì không xử lý về hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đến bảy năm tù; nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt và tại điểm b Mục 3 Nghị quyết 229/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 28-1-2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  quy định: “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu Bộ luật hình sự năm 1999 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù đối với tội phạm mà người đó thực hiện” thì  thuộc trường hợp được áp dụng điểm d Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội. Theo các Nghị quyết trên, thì người phạm tội cướp giật tài sản của công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 được áp dụng điểm d Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;  

- Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; tài sản bị chiếm đoạt càng nhiều, hình phạt càng nặng;

- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức một năm tù hoặc được chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì cũng có thể được hưởng án treo;

- Nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi giật tài sản nhưng vì những lý do khác nhau nên chưa chiếm đoạt được tài sản thì coi là trường hợp phạm tội chưa đạt và người phạm tội sẽ được áp dụng các quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt ( hình phạt cao nhất đối với người phạm tội cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 136 là không quá 3/4 của năm năm);

- Nếu mới chuẩn bị phạm tội đã bị bắt và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản, vì theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự thì người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự ( khoản 1 Điều 136 chỉ là tội phạm nghiêm trọng ).  

2. Cướp giật tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự

a. Cướp giật tài sản có tổ chức

Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, cướp giật tài sản có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ cướp giật tài sản có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên mà tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi dục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm  tội có tổ chức. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên phạm tội cướp giật tài sản có tổ chức cũng có những đắc điểm riêng như:
Người thực hành trong vụ cướp giật tài sản là người trực tiếp thực hiện hành vi giật tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Thực tiễn xét xử có những trường hợp dễ nhầm lẫn giữa người giúp sức với người thực hành. Ví dụ: A dùng xe máy chở B để B giật tài sản của người bị hại, trong trường hợp này A không phải là người thực hành mà chỉ là người giúp sức.

b. Cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định trong Bộ luật hình sự, tức là người phạm tội lấy việc cướp giật tài sản là phương tiện sinh sống chính của mình. Nói chung, cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp thường được thực hiện có tổ chức. Tuy nhiên cũng có trường hợp chỉ một hoặc hai người chuyên cướp giật tài sản nhưng chỉ là trường hợp đồng phạm thông thường.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp nói chung, phạm tội cướp giật tài sản nói riêng, nhất thiết người thực hành phải thực hiện hành vi giật tài sản nhiều lần, nhưng không phải cứ thực hiện hành vi giật tài sản nhiều lần đều là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, mà phải xem xét việc thực hiện tội phạm của họ có thật sự là phương tiện sống hay không. Nếu phạm tội nhiều lần nhưng họ không lấy việc phạm tội là lẽ sống thì không coi là có tính chất chuyên nghiệp mà chỉ là trường hợp phạm tội nhiều lần ( tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự). Nếu người phạm tội tuy có lấy việc phạm tội là phương tiện sống, nhưng chỉ cướp giật tài sản một lần còn những lần phạm tội khác không phải là cướp giật tài sản thì cũng không phải là cướp giật tài sản có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết định khung hình phạt mà chỉ là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự

c. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm

Trường hợp phạm tội này lại hoàn toàn giống với tất cả những trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, chỉ cần xác định người phạm tội có đủ các dấu hiệu quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự. Đây là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội, không phụ thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể của tội phạm này hay tội phạm khác.

d. Dùng thủ đoạn nguy hiểm

Dùng thủ đoạn nguy hiểm để thực hiện hành vi cướp giật tài sản là trường hợp người phạm tội đã có những thủ đoạn gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân như: Dùng xe máy giật đồng hồ của người đang điều khiển xe máy hoặc xe đạp, hoặc người ngồi sau xe máy hoặc xe đạp làm cho nạn nhân bị ngã; giật tài sản của người đang đứng ở mạn thuyền, đang đi trên cầu Khỉ ( một loại  cầu ở Nam Bộ) làm cho nạn nhân ngã xuống sông...

đ. Hành hung để tẩu thoát

Đây là trường hợp sau khi đã giật được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt đã có hành vi dùng vũ lực đối với chủ sở hữu hoặc những người khác, nhưng hành vi dùng vũ lực chưa gây ra thương tích hoặc nếu đã gây ra thương tích thì tỷ lệ thương tật chưa đến 11%, nếu tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên, thì tuỳ thuộc vào mức tỷ lệ thương tật, mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự.

Khi xác định trường hợp phạm tội này, cần phân biệt với người phạm tội hành hung không nhằm mục đích tẩu thoát mà nhằm giữ bằng được tài sản. Nếu người phạm tội sau khi đã giật được tài sản, bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt nhưng cố tình giữ tài sản bằng cách hành hung người khác thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Trường hợp này, khoa học luật hình sự gọi là chuyển hoá từ tội cướp giật sang tội cướp tài sản (đầu giật đuôi cướp). Ví dụ: sau khi giật được chiếc đồng hồ của anh Trần Quốc T, Nguyễn Văn H bỏ chạy bị anh T và mọi người đuổi kịp bắt được H; anh T thấy H đang cầm chiếc đồng hồ vừa giật được trong tay, anh T nói: “mày có đưa chiếc đồng hồ cho tao thì bảo” H thấy vậy liền rút dao trong người ra doạ: “đứa nào vào đây tao đâm chết”. Thấy H có dao, nên mọi người sợ phải để hắn tẩu thoát. Một tháng sau H bị bắt khi đang thực hiện hành vi giất tài sản của người khác. Thực tiễn xét xử cho thấy việc phân biệt giữa cướp giật có tình tiết hành hung để tẩu thoát với trường hợp chuy
ển hoá từ cướp giật sang tội cướp tài sản trong một số trường hợp không dễ, vì mục đích của người phạm tội không phải bao giờ cũng được thể hiện ra bằng hành vi, nhiều trường hợp người phạm tội che giấu mục đích của mình để được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên chỉ thừa nhận hành hung để tẩu thoát để tẩu thoát chứ không nhận hành hung để chiếm đoạt bằng được tài sản. Vì vậy, khi xác định người phạm tội hành hung để tẩu toát hay để chiếm đoạt bằng được tài sản phải căn cứ vào tất cả các tình tiết của vụ án, thời gian, không gian xảy ra sự việc, đặc điểm của tài sản bị chiếm đoạt. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, nếu còn băn khoăn không xác định rõ người phạm tội hành hung để giữ bằng được tài sản thì cũng không nên xác định hành vi của họ đã chuyển hoá từ tội cướp giật sang tội cướp tài sản.

e. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%


Đây là trường hợp không chỉ do thực hiện hành vi giật tài sản mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của chủ sở hứu hoặc người quản lý tài sản, mà bao gồm cả trường hợp sau khi giật được tài sản, người phạm tội có hành vi hành hung để tẩu thoát nên đã gây ra thương tích hoặc tổn hại đến sức khoẻ của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản hoặc của người khác ( người đuổi bắt).
Thương tích hoặc tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân phải có tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11% thì không thuộc trường hợp phạm tội quy định tại điểm e khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự, mà tuỳ trường hợp, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự ( nếu dùng thủ đoạn nguy hiểm) hoặc theo điểm đ khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự (nếu hành hung để tẩu thoát)


Việc xác định tỷ lệ thương tật là thuộc trách nhiệm của Hội đồng giám định pháp y hoặc của Hội đồng giám định y khoa hoặc của giám định viên, nếu nơi nào không có tổ chức giám định pháp y hoặc y khoa hay không có giám định viên, thì căn cứ vào bảng tiêu chẩn thương tật được ban hành kèm theo Thông tư liên Bộ số 12/TTLB ngày 26-7-1995 của Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để  xác định tỷ lệ thương tật của nạn nhân.

g. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng

Đây là trường hợp người phạm tội cướp giật tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).
Mặc dù điều luật chỉ quy định chiếm đoạt tài sản nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định cướp giật tài sản có giá trị như trên là dã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc.

h. Cướp giật tài sản gây hậu quả nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm g khoản 2 Điều 133; điểm i khoản 2 Điều 134; điểm đ khoản 2 Điều 135 chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này hậu quả nghiêm trọng là do hành vi phạm tội cướp giật tài sản gây ra. Cũng như các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản, phi vật chất do hành vi cướp giật gây ra. Nói chung, hậu quả nghiêm trọng do hành vi  cướp giật tài sản gây ra phải tương đương với các tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự, vì nó được quy định trong cùng một khung hình phạt với các tình tiết này.
Cướp giật tài sản gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp do hành vi phạm tội cướp giật tài sản nên đã gây ra những thiệt hại khác ngoài những thiệt hại đã được quy định là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt. Những thiệt hại này gọi chung là “hậu quả nghiêm trọng”. Căn cứ vào các quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự, qua thực tiến xét xử, có thể coi những thiệt hại sau là hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội cướp giật tài sản gây ra:

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 11% đến 30%;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nhưng không phải là giá trị tài sản người phạm tội cướp giật;

- Ngoài những thiệt hại về sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cưỡng đoạt tài sản gây ra, như: ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho nhiều người trên một địa bàn nhất định, làm cho nhiều người vì quá sợ hãi nên phải bỏ học, bỏ việc làm, không dám lao động sản xuất, không dám buôn bán.v.v... Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý một số điểm sau:
 Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù) nhưng không được dưới một năm tù. Việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng và phải đảm bảo đúng các quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:

- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 136 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;

- Thiệt hại về tài sản, tinh thần càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;

- Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chỉ bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể.

3. Cướp giật tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 136 Bộ luật hình sự

a. Gây thương tich hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 136, chỉ khác ở chỗ, người bị hại trường hợp này có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%. Cũng như các trường hợp khác, việc xác định tỷ lệ thương tật là do Hội đồng gám định y khoa, nếu có sự nghi ngờ về kết quả giám định thì theo yêu cầu của các đương sự hoặc của cơ quan tiến hành tố tụng thì có thể giám định lại với Hội đồng khác. Tuy nhiên, kết luận của Hội đồng giám định lại không phải là quyết định cao hơn kết quả giám định của Hội đồng giám định trước đó.

b. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy đinh tại điểm g khoản 2 Điều 136, chỉ khác ở chỗ, tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp này có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Cũng như các trường hợp khác, việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

c. Gây hậu quả rất nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 136, chỉ khác ở chỗ hậu quả gây ra trường hợp này là hậu quả rất nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản; thiệt hại phi vật chất do hành vi cướp giật gây ra. Nói chung, hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi  cướp giật tài sản gây ra phải tương đương với các tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 136 Bộ luật hình sự, vì nó được quy định trong cùng một khung hình phạt với các tình tiết này. Căn cứ vào các quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự, qua thực tiến xét xử, có thể coi những thiệt hại sau là hậu rất quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội cướp giật tài sản gây ra:

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 31% đến 60% (bao gồm cả tỷ lệ thương tật do hành vi cướp giật trực tiếp gây ra và tỷ lệ thương tật do hành vi cướp giật gián tiếp gây ra);  

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, nhưng không phải là giá trị tài sản người phạm tội cướp giật;

- Ngoài những thiệt hại về sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cưỡng đoạt tài sản gây ra, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho rất nhiều người trên một địa bàn nhất định, làm cho nhiều người vì quá sợ hãi nên phải bỏ học, bỏ việc làm, không dám lao động sản xuất, không dám buôn bán.v.v... Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 136 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, nhưng mức độ nghiêm trọng cao hơn trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 136. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý một số điểm sau:
Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới ba năm tù. Nói chung không nên cho người phạm tội được hưởng án treo, trừ trường hợp đặc biệt, người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, có nhân thân tốt, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đáng được khoan hồng và phải đảm bảo đúng các quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:

- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 136 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 136 Bộ luật hình sự;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;

- Thiệt hại về tài sản, tinh thần càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;

- Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chưa bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể.

4. Cướp giật tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự

a. Gây thương tich hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 136, chỉ khác ở chỗ, người bị hại trường hợp này có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên. Cũng như các trường hợp khác, việc xác định tỷ lệ thương tật là do Hội đồng gám định y khoa, nếu có sự nghi ngờ về kết quả giám định thì theo yêu cầu của các đương sự hoặc của cơ quan tiến hành tố tụng thì có thể giám định lại với Hội đồng khác. Tuy nhiên, kết luận của Hội đồng giám định lại không phải là quyết định cao hơn kết quả giám định của Hội đồng giám định trước đó.

b. Cướp giật tài sản làm chết người

Cướp giật tài sản làm chết người là trường hợp do giật tài sản mà làm cho người bị hại bị chết, giữa hành vi giạt tài sản với cái chết của nạn nhân có mối quan hệ nhân quả. Ví dụ: Chị Trần Thị Ngọc D đang điều khiển xe máy thì bị Phạm Văn T và Nguyễn Văn K giật chiếc dây chuyền làm chị D bị ngã xe đập đầu xuống đường chết. Nếu người phạm tội có hành vi chống trả để tẩu thoát mà gây chết người thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội giết người.

c.  Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên


Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 136 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ tài sản mà người phạm tội có ý định chiếm đoạt có gía trị từ 500.000.000 đồng trở lên. Trong trường hợp tài sản khó xác định giá trị thì cần phải trưng cầu định giá tài sản, việc định giá tài sản được coi như là một tài liệu giám định.

d. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm h khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 136 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ hậu quả gây ra trong trường hợp phạm tội này là đặc biệt nghiêm trọng. Cũng như các trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, khi xác định cần căn cứ vào các thiệt hại về thể chất, về tài sản; thiệt hại phi vật chất do hành vi cướp giật tài sản gây ra. Nói chung, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi  cướp giật tài sản gây ra phải tương đương với các tình tiết quy định tại khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự, vì nó được quy định trong cùng một khung hình phạt với các tình tiết này. Căn cứ vào các quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự, qua thực tiến xét xử có thể coi những thiệt hại sau là hậu rất quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội cướp giật tài sản gây ra:

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 61%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% trở lên (bao gồm cả tỷ lệ thương tật do hành vi cướp giật trực tiếp gây ra và tỷ lệ thương tật do hành vi cướp giật gián tiếp gây ra );

- Gây chết người ( ngoài người bị chết do thực hiện hành vi giật tài sản gây ra); Ví dụ: A cướp giật tài sản của B, do bị giật tài sản nên B điều khiển xe máy không đúng phần đường, dã gây tai nạn làm một người chết.

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên, nhưng không phải là giá trị tài sản người phạm tội cướp giật;

- Ngoài những thiệt hại về về tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi cướp giật tài sản gây ra, như ảnh hưởng đặc biệt xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho rất nhiều người trên một số địa bàn nhất định, làm cho rất nhiều người vì quá sợ hãi  phải bỏ học, bỏ việc làm, không dám lao động sản xuất, không dám buôn bán.v.v... Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý một số điểm sau:
Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười hai năm tù) nhưng không được dưới bảy năm tù.
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:

- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 136 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 136 Bộ luật hình sự;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;

- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;

- Thiệt hại về tài sản, tinh thần càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;

- Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chỉ bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể.

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cướp giật tài sản

Theo quy định tại khoản 5 Điều 136 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
So với tội cướp giật tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 131 và tội cướp giật tài sản của công dân quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt bổ sung đối với tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều điểm được sửa đổi bổ sung.

Bỏ hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản;

Hình phạt tiền là loại hình phạt mới được quy định đối với người phạm tội cướp giật tài sản, mức phạt tiền là từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Có thể coi đây là khung hình phạt tiền đối với người phạm tội cướp giật tài sản. Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cướp giật tài sản thì không được phạt trên một trăm triệu đồng, nhưng nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể phạt dưới mười triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Bộ luật hình sự mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng.






nguồn :

BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ
PHẦN CÁC TỘI PHẠM, ĐINH VĂN QUẾ
THẠC SĨ LUẬT HỌC – TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO


No comments:

Post a Comment