5. TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN (ĐIỀU 137)
Cũng tương tự như đối với tội cướp giật tài sản, điều văn của điều luật không mô tả hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản được thực hiện như thế nào, nhưng căn cứ vào lý luận và thực tiễn xét xử thì công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Thông thường người phạm tội lợi dụng sự vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản trước mắt họ mà không làm gì được. Ví dụ: Anh Trần Quốc T để xe máy trên bờ xuống sông tắm, nhưng quên không rút chìa khoá, Từ Văn L đi qua thấy vậy nổ máy phóng xe đi, anh Toà án ở dưới sông nhìn thấy nhưng không làm gì được. Vì vậy, có thể định nghĩa tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau:
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai.
Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai).
Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình ( biết mà không thể giữ được).
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được nhà làm luật quy định thành một tội phạm độc lập là do yêu cầu của thực tiễn xét xử đặt ra. Trước khi có Bộ luật hình sự, tội danh nay chưa được quy định là một tội phạm độc lập. Hầu hết luật hình sự các nước, kể cả các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Liên Xô cũ cũng không quy định tội danh này. Tuy nhiên, không phải vì không quy định mà hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản không bị xử lý hình sự, mà trên thực tế hành vi này được coi như là hành vi cướp giật tài sản. Ví dụ: Điều 161 Bộ luật hình sự của Liên bang Nga ( có hiệu lực từ ngày 1-3-1996) quy định: “Cướp giật là công khai chiếm đoạt tài sản của người khác.” Quy định này được hiểu là bao gồm cả hành vi giật tài sản và hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Ở nước ta, trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985, các văn bản pháp luật hình sự cũng không quy định tội công nhiên chiếm đoạt, nhưng thực tiễn xét xử có những trường hợp hành vi phạm tội không phải là cướp giật, cũng không phải là cưỡng đoạt hay cướp mà chỉ là hành vi công khai lấy tài sản nhưng không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, không giật...Ví dụ: Hợp tác xã nông nghiệp tát hồ để thu hoạch cá, khi nước trong hồ đã cạn, một số người tự ý xuống hồ bắt cá, người bảo vệ đã ngăn cản, thậm chí nổ súng chỉ thiên, nhưng vì ỷ vào số đông nên người bảo vệ không thể ngăn cản được buộc phải để mất cá.
Nếu coi hành vi của những người này là cưỡng đoạt tài sản thì không đúng với dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản vì những người bắt cá không hề có hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người bảo vệ, nếu coi hành vi này là cướp giật thì cũng không chính xác, vì những người này tự xuống hồ bắt cá một cách công khai chứ không giật cá từ tay người bảo vệ. Cũng chính từ thực tế này, nên khi xây dựng Bộ luật hình sự năm 1985 nhà làm luật đã coi hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là một hành vi cấu thành tội độc lập, nhưng cũng chỉ quy định chung trong cùng một điều luật với tội cướp giật tài sản (Điều 131 và Điều 154). Nay Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thành một tội danh độc lập trong một điều luật riêng (Điều 137, chung cho cả hai trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân)
So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi bổ sung, nhất là đối với các tình tiết là yếu tố định tội; phân biệt ranh giới giữa hành vi là tội phạm với hành vi chưa tới mức phải xử lý về hình sự; đây cũng là điểm khác biệt cơ bản so với Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này. Về hình phạt, Điều 137 quy định nặng hơn Bộ luật hình sự năm 1985 (mức cao nhất là tù chung thân, trong khi đó, Điều 131 quy định là hai mươi năm tù, còn Điều 154 là mười lăm năm tù).
Về cơ cấu, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự được cấu tạo thành 5 khoản ( Điều 131 và 154 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội này chỉ có 3 khoản ). Khoản 1 là cấu thành cơ bản có khung hình phạt có khung hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm (nhẹ hơn khoản 1 Điều 131 và nặng hơn khoản 1 Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985); khoản 2 có khung hình phạt từ tù từ hai năm đến bảy năm ( nhẹ hơn khoản 2 của cả hai Điều 131 và 154 Bộ luật hình sự năm 1985); khoản 3 có khung hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm ( nhẹ hơn khoản 3 Điều 131 và bằng khoản 3 Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985); khoản 4 có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân (là khung hình phạt mới mà Điều 131 và Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định)
Hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong điều luật.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với tội xâm phạm sở hữu khác. Tuy nhiên, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự là tội phạm ít nghiêm trọng và khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng, mà theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cần chú ý độ tuổi của người phạm tội và các tình tiết định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 137 Bộ luật hình sự thì chỉ cần xác định người phạm tội đủ 14 tuổi là đã phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
2. Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này này được thể hiện trong cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Do đặc điểm riêng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh... Mặc dù, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là tội phạm chưa dược các nhà khoa học nghiên cứu nhiều, nhưng qua thực tiễn xét xử chúng ta có thể thấy một số trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản sau:
- Người phạm tội lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ. Ví dụ: Nguyên Xuân V đi làm đồng về thấy Hoàng Đình Q đang tắm dưới chân cầu, trên bờ có một chiếc xe máy Dream II, trên giỏ xe có bộ quần áo, V cho rằng chiếc xe này là của người đang tắm dưới sông. Khi đến gần xe, V thấy chìa khoá xe vẫn cắm trong ổ khoá, nên bèn nảy ý định chiếm đoạt và nổ máy phóng đi; anh Q đang tắm dưới sống thấy V lấy xe của mình bèn hô cướp! cướp! nhưng không có cách nào ngăn cản được hành vi lấy xe của V. Trong trường hợp, Nguyễn Xuân V đã lợi dụng sơ hở của anh Q không rút chìa khoá xe, đồng thời đang vướng mắc (đang tắm dưới sông) không có điều kiện bảo vệ tài sản của mình, nên V mới chiếm đoạt được xe máy của anh Q. Thông thường các trường hợp bị mất tài sản trong trường hợp này, chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản chỉ còn cách hô cướp! cướp! và đứng nhìn người phạm tội lấy tài sản của mình, mà không có cách nào khác để lấy lại tài sản.
- Người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hoả hoạn, bị tai nạn, đang có chiến sự để chiếm đoạt tài sản. Những hoàn cảnh cụ thể này không do người có tài sản gây ra mà do hoàn cảnh khách quan làm cho họ lâm vào tình trạng không thể bảo vệ được tài sản của mình, nhìn thấy người phạm tội lấy tài sản mà không làm gì được. Ví dụ: Trên quốc lộ 5A, đoạn Km 72+900 thuộc đại phận xã Phúc Thanh A, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Hưng (cũ) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ôtô mang biển kiếm soát 15K-15-87 với xe môtô hai bánh mang biến kiểm soát 34-457HN làm anh Đỗ Đức Thịnh, người điều khiển xe môtô chết tại chỗ và anh Nguyễn Chí Kiên ngồi sau xe bị thương nặng, cả hai anh đều là cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải-Hải Phòng có nhiệm vụ đem 2 Kg vàng về Hải Dương thuê gia công đồ trang sức, nhưng vị tai nạn nên 2 Kg vàng dã bị mất. Sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan điều tra đã phát hiện Đỗ Văn Hoạ và Nho Văn Mạnh là thủ phạm chiếm đoạt số vàng trên trong hoàn cảnh mọi người đang lo cấp cứu các nạn nhân17. Trường hợp phạm tội của Hoạ và Mạnh cũng là trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng lại một trường hợp rất dễ nhầm lẫn với các tội trộm cắp tài sản hoặc chiếm giữ trái phép tài sản. Trong nhân dân, loại hành vi như của Hoạ và Mạnh được gọi là hành vi “hôi của” thường xảy ra ở nơi bị hoả hoạn, trong khi mọi người đang lo cứu chữa nhà bị cháy thì có kẻ chạy vào nhà lấy tài sản của chủ nhà bị cháy đem về nhà mình cất giấu.
- Thực tiễn xét xử cho thấy còn loại hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng lại chiếm đoạt sau khi đã thực hiện xong hành vi phạm tội khác (thông thường là hành vi phạm tội giết người; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; cưỡng dâm). Đây cũng là loại hành vi mà nhiều người lầm tưởng đó là hành vi cướp tài sản vì nó được thực hiện sau khi đã thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực (khi phân tích hành vi khách quan của tội cướp tài sản chúng tôi đã đề cập và nêu một vụ án cụ thể về hành vi chiếm đoạt chiếc xe đạp của Phạm Văn Hiếu chỉ là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản chứ không phải là cướp tài sản như Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã kết án).
Tính chất công khai trắng trợn tuy không phải là hành vi khách quan, nhưng lại là một đặc điểm cơ bản, đặc trưng đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Đây là dấu hiệu chủ yếu để phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội trộm cắp tài sản, nếu chiếm đoạt tài sản một cách lén lút mà người quản lý tài sản không biết là hành vi trộm cắp. Công nhiên chiếm đoạt tài sản trước hết là công nhiên với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, sau đó là công nhiên đối với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, đối với người xung quanh, người phạm tội có thể có những thủ đoạn gian dối, lén lút để tiếp cận tài sản, nhưng khi chiếm đoạt người phạm tội vẫn công khai, trắng trợn.
b. Hậu quả
Hậu quả của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Mặc dù, khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 500.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng không vì thế mà cho rằng, phải có thiệt hại về tài sản ( người phạm tội chiếm đoạt được tài sản ) thì mới cấu thành tội phạm. Khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500.000 đồng là để áp dụng trong những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị không lớn như xe đạp cũ, quần áo, dầy dép, con gà, con vịt, một ít cá, tôm.v.v...Đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc rất lớn như ôtô, xe máy, máy tính xách tay, đồng hồ đắt tiền hoặc tài sản khác có giá trị hàng chục triệu đồng trở lên, thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, là phạm tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Nếu người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có trị dưới 500.000 đồng, nhưng chưa chiếm đoạt được thì chưa cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản, vì dù có chiếm đoạt được cũng chưa cấu thành tội phạm huống hồ chưa chiếm đoạt được. Tuy nhiên, có vấn đề về lý luận và thực tiễn xét xử cần phải bàn là, vậy trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000 và chưa chiếm đoạt được nhưng lại thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt chưa được xoá án tích thì đã cấu thành tội phạm chưa ? Về nguyên tắc (trừ trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng vì hậu quả nghiêm trọng là hậu quả của việc mất 500.000 đồng nhưng chưa mất thì không thể nói gây hậu quả nghiêm trọng được), còn hai trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, mà chưa chiếm đoạt được tài sản thì hành vi của người phạm tội cũng dã cấu thành tội phạm công nhiên chiếm đoạt rồi, nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, nếu mới chuẩn bị phạm tội thì chưa cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, về đường lối xử lý, tuỳ từng trường hợp cụ mà quyết định việc có truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội hay không. Theo chúng tôi chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã bị xử phạt hành chính nhiều lần về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án nhiều lần về tội chiếm đoạt hoặc họ là phần tử nguy hiểm, là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.
4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Cũng như đối với tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản và tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản.
Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, khác với các tội cướp, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không thể có mục đích chiếm đoạt tài sản trong hoặc sau khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, vì hành vi chiếm đoạt tài sản đã bao hàm mục đích của người phạm tội rồi.
Vì vậy, có thể nói mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: Nguyễn H , là sinh viên năm thứ tư Trường đại học Đ muốn yêu chị Trần Thị Hoài T sinh năm thứ hai cùng trường, nhưng chị T từ chối tình yêu của H. H bàn với Trần Ngọc A bạn học cùng lớp tìm cách lấy xe đạp Mini Nhật của T, để T không có xe đi học phải nhờ H chở, vì H có xe máy, A đồng ý chờ thời cơ sẽ thực hiện. Một hôm, A đi chơi về thấy T và các bạn đang chèo thuyền trên hồ, A thấy xe đạp của T để trên bờ không khoá đã đến lấy đạp đi trước sự chứng kiến của T và các bạn nhưng vì đang ở dưới thuyền nên không làm gì được.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không có các tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội công nhiên tài sản. So với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn khoản 1 Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng nhẹ hơn khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đối với hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau ngày 4-1-2000 (ngày Chủ tịch nước công bố Bộ luật hình sự năm 1999), mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì không được áp dụng khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999; đối với hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện, xử lý thì được áp dụng Điều 137 Bộ luật hình sự 1999 để điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội.
Cấu thành cơ bản của tội công nhiên chiếm đoạt quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều tình tiết là yếu tố định tội mà nhà làm luật mới quy định, làm ranh giới phân biệt giữa hành vi phạm tội với hành vi chỉ bị xử lý hành chính, Vì vậy, khi xác định các tình tiết là yếu tố định tội này cần chú ý:
- Giá trị tài sản bị chiếm đoạt là giá thị trường tự do vào thời điểm xảy ra tội phạm, trong trường hợp không xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).
- Công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng gây hậu qủa nghiêm trọng là trường hợp do thực hiện hành vi phạm tội mà đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại hoặc cho xã hội. Cho đến nay, chưa có hướng nào về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi chiếm đoạt gây ra. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, qua thực tiễn xét xử, có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả nghiêm trọng của hành vi công nhiên chiếm đoạt:
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 40%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 21% đến 40%;
- Gây thiệt hại về tải sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Ngoài thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân trong một địa bàn nhất định...Những thiệt hại này, tuỳ từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định đã là hậu quả nghiêm trọng chưa.
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt, người phạm tội đã bị xử phạt hành chính cũng về hành vi chiếm đoạt tài sản bằng một trong các hình thức được quy định trong Pháp lệnh xử phạt hành chính do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dung mà chưa quá một năm; nếu người phạm tội bị xử phạt hành chính về hành vi khác ( không phải là tội chiếm đoạt) thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự;
- Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm là trường hợp, trước khi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt, người phạm tội đã bị Toà án kết án về một trong các tội có tính chất chiếm đoạt nhưng chưa được xoá án tích theo quy định tại Điều 77 Bộ luật hình sự; nếu người phạm tội bị kết án về tội phạm khác ( không phải là tội chiếm đoạt) thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự;
Khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm ít nghiêm trọng vì có mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù, nên đối với người phạm tội dưới 16 tuổi mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 137 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật hình sự, Toà án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu các tình tiết khác như nhau thì mức hình phạt đối với người phạm tội phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có ít hoặc không có tình tiết tăng nặng;
- Người phạm tội không có tình tiết giảm nhẹ phải bị phạt nặng hơn người phạm tội có tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ được phạt nhẹ hơn người có ít tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; tài sản bị chiếm đoạt càng nhiều, hình phạt càng nặng;
- Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới sáu tháng tù (nhưng không được dưới 3 tháng tù) hoặc được chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn; nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì được hưởng án treo.
2. Công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự
a. Hành hung để tẩu thoát
Đây là trường hợp sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt, nên đã có hành vi dùng vũ lực đối với chủ sở hữu hoặc những người khác, nhưng hành vi dùng vũ lực chưa gây ra thương tích hoặc nếu đã gây ra thương tích thì tỷ lệ thương tật chưa đến 11%, nếu tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên, thì tuỳ thuộc vào mức tỷ lệ thương tật, mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe theo khoản 1, khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Khi xác định trường hợp phạm tội này, cần phân biệt với người phạm tội hành hung không nhằm mục đích tẩu thoát mà nhằm giữ bằng được tài sản. Nếu người phạm tội sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, bị đuổi bắt hoặc đã bị bắt nhưng cố tình giữ tài sản bằng cách hành hung người khác thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Trường hợp này, khoa học luật hình sự gọi là chuyển hoá từ tội công nhiên chiếm đoạt sang tội cướp tài sản.
b. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng
Đây là trường hợp người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Việc xác định giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).
Mặc dù điều luật chỉ quy định chiếm đoạt tài sản nhưng không vì thế mà cho rằng, người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng mới thuộc trường hợp phạm tội này, mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị như trên là dã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc.
c. Tái phạm nguy hiểm
Trường hợp phạm tội này lại hoàn toàn giống với tất cả những trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, chỉ cần xác định người phạm tội có đủ các dấu hiệu quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự. Đây là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội, không phụ thuộc vào hành vi phạm tội cụ thể của tội phạm này hay tội phạm khác.
d. Gây hậu quả nghiêm trọng
Gây hậu qủa nghiêm trọng là trường hợp do thực hiện hành vi phạm tội mà đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại hoặc cho xã hội. Cho đến nay, chưa có hướng nào về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi công nhiên chiếm đoạt gây ra. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, qua thực tiễn xét xử, có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả nghiêm trọng của hành vi công nhiên chiếm đoạt:
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 40%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 21% đến 40%;
- Gây thiệt hại về tải sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Ngoài thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân trong một địa bàn nhất định...Những thiệt hại này, tuỳ từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định đã là hậu quả nghiêm trọng chưa.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý một số điểm sau:
Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai năm tù) nhưng không được dưới sáu tháng tù.
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:
- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật hình sự;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;
- Thiệt hại về tài sản, tinh thần càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chỉ bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể.
3. Công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật hình sự
a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 137, chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 137, chỉ khác ở chỗ hậu quả do hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản gây là rất nghiêm trọng. Các thiệt hại sau đây được coi là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản gây ra:
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 41% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 41%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 41% đến 60%;
- Gây thiệt hại về tải sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Ngoài thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân trong một địa bàn nhất định...Những thiệt hại này, tuỳ từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định đã là hậu quả nghiêm trọng chưa.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý một số điểm sau:
Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới hai năm tù.
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:
- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 137 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật hình sự;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;
- Thiệt hại về tài sản, tinh thần càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chỉ bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể.
4. Công nhiên chiếm đoạt tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật hình sự
a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm b khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 137, chỉ khác ở chỗ giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ năm trăm triệu đồng trở lên
b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 137, chỉ khác ở chỗ hậu quả do hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản gây là đặc biệt nghiêm trọng. Các thiệt hại sau đây được coi là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản gây ra:
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 61%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả mọi người từ 61%;
- Gây thiệt hại về tải sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
- Ngoài thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, còn những thiệt hại khác như gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, gây hoang mang cho nhân dân trong một địa bàn nhất định...Những thiệt hại này, tuỳ từng vụ án cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào tình hình cụ thể để xác định đã là hậu quả nghiêm trọng chưa.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt, cần chú ý một số điểm sau:
Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới mười hai năm tù) nhưng không được dưới bảy năm tù.
Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau, thì:
- Người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 137 sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật hình sự;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ;
- Người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặng;
- Thiệt hại về tài sản, tinh thần càng lớn, hình phạt càng nặng và ngược lại;
- Người phạm tội bồi thường được càng nhiều tài sản bị chiếm đoạt thì mức hình phạt càng được giảm so với người phạm tội chỉ bồi thường hoặc chỉ bồi thường không đáng kể.
5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Theo quy định tại khoản 5 Điều 137 Bộ luật hình sự thì ngoài hình phạt chính, người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng. So với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 131 và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985 thì hình phạt bổ sung đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều điểm được sửa đổi bổ sung. Bỏ hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản;
Hình phạt tiền là loại hình phạt mới được quy định đối với người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, mức phạt tiền là từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Có thể coi đây là khung hình phạt tiền đối với người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, nếu Toà án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì không được phạt trên một trăm triệu đồng, nhưng nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì có thể phạt dưới năm triệu đồng nhưng không được dưới một triệu đồng vì theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Bộ luật hình sự mức phạt tiền không được dưới một triệu đồng.
---
Chú giải
17 Xem Đinh Văn Quế “ Trộm cắp, chiếm giữ trái phép hay công nhiên chiếm đoạt ?” trong cuốn: “Bình luận án”. NXB Tp. Hồ Chí Minh. năm 1998. tr 244-249.
Nguồn
BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ
PHẦN CÁC TỘI PHẠM,ĐINH VĂN QUẾ
THẠC SĨ LUẬT HỌC – TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
No comments:
Post a Comment