Phá sản là một hiện tượng kinh tế khách quan trong nền kinh tế thị trường mà hậu quả của nó là sự xung đột lợi ích của các bên tham gia quan hệ kinh doanh. Thủ tục phá sản (TTPS) là một thủ tục tư pháp đặc biệt, một cách thức chủ nợ thực hiện quyền đòi nợ khi một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.Cả Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 (LPSDN) và Luật Phá sản năm 2004 (LPS) đều đã có những quy định cụ thể về thủ tục này. Tuy nhiên, LPS 2004 có những điểm mới so với LPSDN 1993 về TTPS. Cụ thể:
Thứ nhất, Luật phá sản đã dành riêng một điều luật (Điều 5) để quy định về TTPS. Theo Điều 5 LPS, thủ tục phá sản là một thủ tục lớn bao gồm nhiều thủ tục cấu thành (Nộp đơn yêu cầu và mở TTPS; Phục hồi hoạt động kinh doanh; Thanh lý tài sản, các khoản nợ; Tuyên bố doanh nghiệp, HTX bị phá sản) và giữa những thủ tục cấu thành đó có mối liên hệ với nhau theo những nguyên tắc khác nhau, có sự nối tiếp và giữa chúng cũng có sự độc lập tương đối. Chính quy định về mối quan hệ đặc thù giữa các thủ tục cấu thành trong TTPS đó cho phép Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản một cách uyển chuyển tùy thuộc vào nhưng tình huống cụ thể. Điểm mới nổi bật của TTPS trong LPS so với LPSDN mà chúng ta có thể thấy đó là những quy định về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh và thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ. Nếu LPSDN chưa thừa nhận những nội dung đó là những thủ tục cấu thành độc lập, thì LPS đã quy định phục hồi hoạt động kinh doanh là một thủ tục độc lập (tách bạch với hoạt động thanh lý tài sản, các khoản nợ. Ngoài ra, về quan hệ giữa thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản: LPSDN coi tiến hành tuyên bố phá sản là tiền đề pháp lý cho việc thanh lý tài sản. Còn LPS lại thừa nhận thủ tục thanh lý tài sản là thủ tục độc lập với thủ tục tuyên bố phá sản và đảo lộn thứ tự của chúng. Thủ tục phục hồi không còn là một thủ tục bắt buộc trước thủ tục thanh lý tài sản trong tiến trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Không những thế, khi mà nhiệm vụ của thủ tục này không thể thực hiện được hoặc thực hiện không thành công thì có thể chuyển đổi sang thủ tục thanh lý tài sản ngay (Điều 79, 80). Đây là bước phát triển về lý luận của pháp luật phá sản nước ta, theo đó TTPS rút gọn, tiết kiệm thời gian và chi phí giải quyết phá sản.
Thứ hai, LPS 2004 quy định rõ, đầy đủ và hợp lí hơn về các chủ thể có quyền nộp đơn cũng như thủ tục nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
LPS Đơn giản hoá các điều kiện mà chủ nợ phải đáp ứng khi nộp đơn yêu cầu TTPS: Các quy định trong LPSDN năm 1993 có phần hạn chế khả năng thu hồi vốn của các chủ nợ, xuất phát từ chính quy định thời hạn hai năm thua lỗ, khó khăn trong kinh doanh như là yếu tố bắt buộc của việc lâm vào tình trạng khủng hoảng, cũng như quy định về nghĩa vụ của chủ nợ phải chứng minh con nợ mất khả năng thanh toán vì thua lỗ trong kinh doanh. LPS năm 2004 khắc phục hạn chế đó bằng việc không bắt chủ nợ phải cung cấp cho Tòa án các giấy tờ, tài liệu chứng minh DN, HTX mắc nợ mất khả năng thanh toán mà chỉ cần thực hiện nghĩa vụ chứng minh chủ nợ đã đòi nợ nhưng không được DN,HTX mắc nợ thanh toán đúng hạn.
LPS Xóa bỏ thời hạn nợ lương của DN, HTX đối với người lao động như một điều kiện để nộp đơn yêu cầu mở TTPS. Để quyền lợi người lao động được đảm bảo, LPS năm 2004 quy định người lao động có quyền nộp đơn yêu cầu mở TTPS đối với DN, HTX khi họ không được trả lương cũng như các khoản nợ khác và có thể cho rằng DN, HTX thực sự lâm vào tình trạng phá sản. Ngoài ra, LPS còn bổ sung quy định về thời hạn chủ DN, HTX hoặc đại diện hợp pháp của DN, HTX có nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết phá sản, thay vì bỏ ngỏ quy định này, tạo sơ hở cho chủ DN, HTX trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ của mình và mở rộng quyền nộp đơn yêu cầu mở TTPS cho một số đối tượng khác, bao gồm:chủ sở hữu DN nhà nước, cổ đông công ti cổ phần và thành viên hợp danh trong công ti hợp danh nhằm tạo thêm các kênh mới thúc đẩy việc làm đơn yêu cầu giải quyết phá sản ,chấm dứt tình trạng DN, HTX thực chất không thể hoạt động nhưng tồn tại về mặt pháp lí.
Thứ ba, LPS 2004 mở rộng thẩm quyền, nghĩa vụ pháp lí của các cơ quan có thẩm quyền. Luật quy định nghĩa vụ thông báo việc DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản ngoài thuộc về cơ quan Tòa án như LPSDN 1993 còn có các cơ quan có thẩm quyền khác bao gồm: Viện kiểm sát, Thanh tra nhà nước, Cơ quan quản lí vốn, Tổ chức kiểm toán hoặc cơ quan quyết định thành lập DN. Theo đó, nếu phát hiện DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản thì cơ quan ,tổ chức này có trách nhiệm về việc tạo điều kiện cho các chủ nợ biết để họ xem xét việc nộp đơn yêu cầu mở TTPS. LPS mở rộng thẩm quyền tiến hành TTPS của Tòa án. LPSDN quy định chỉ có Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mới có quyền tiến hành TTPS. Quy định này không phù hợp với thực tiễn khi mà nền kinh tế ngày càng phát triển, số lượng doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản rất nhiều, nếu chỉ có Tòa án cấp tỉnh giải quyết TTPS thì Tòa án cấp tỉnh không thể giải quyết hết các yêu cầu tuyên bố phá sản. Do đó, LPS đã quy định thêm thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã trực thuộc tỉnh. Ngoài ra, LPS thành lập một tổ chức duy nhất gọi là tổ quản lý, thanh lý tài sản thay vì tổ quản lý tài sản như LPSDN. Đồng thời LPS cũng giảm bớt thành phần tham gia của tổ quản lý, thanh lý tài sản, bổ sung trách nhiệm của tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản.
Thứ tư, LPS bổ sung nhiều biện pháp bảo đảm tài sản của con nợ. LPS 2004 quy định các biện pháp ngăn chặn DN mắc nợ làm thất thoát tài sản sau khi có quyết định mở TTPS của Tòa án như nghiêm cấm DN,HTX lâm vào tình trạng phá sản thực hiện một số hoạt động kể từ ngày nhận được quyết định mở TTPS. LPS tuyên bố vô hiệu đối với một số giao dịch mà DN, HHTX thực hiện trong thời gian ba tháng trước ngày Tòa án thụ lí đơn yêu cầu mở TTPS với mục đích cất giấu, tẩu tán, gây thiệt hại cho các chủ nợ so với thời hạn này là 6 tháng trong LPSDN. Bên cạnh đó, LPS 2004 đã bổ sung quy định xử lí các hợp đồng đang có hiệu lực của DN, HTX(các Điều 45,46,47); bổ sung quy định bù trừ nghĩa vụ giữa các chủ nợ với DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản( Điều 48). LPS 2004 quy định trách nhiệm Tổ trưởng Tổ quản lí, thanh lí tài sản trong việc thực hiện đăng kí giao dịch bảo đảm đối với các giao dịch của DN, HTX (Điều 54); quy định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn tài sản của DN,HTX (Điều 55) và bổ sung trách nhiệm của ngân hàng ,nhân viên và người lao động trong DN,HTX bị mở TTPS.
Thứ năm, LPS xử lí mối quan hệ giữa thủ tục phá sản và các thủ tục khác có liên quan.
LPS năm 2004 đã cụ thể hóa các quan hệ so với LPSDN năm 1993,nó góp phần tăng tính minh bạch của PLPS mà còn tăng sự dễ dàng ,thuận lợi trong quá trình áp dụng. Cụ thể, về quan hệ giữa TTPS và thủ tục tố tụng hình sự, theo quy định Điều 8 LPS 2004, trong quá trình tiến hành TTPS, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì thẩm phán cung cấp tài liệu(bản sao) cho Viện kiểm sát hân dân để xem xét việc khởi tố về hình sự và vẫn tiến hành TTPS theo quy định. Về quan hệ giữa TTPS và thủ tục giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế: theo quy định Điều 57 LPS 2004, kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở TTPS, việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mâà DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản là 1 bên đương sự trong vụ án đó sẽ bị đình chỉ và giao cho Tòa án đang tiến hành TTPS giải quyết. Còn về quan hệ giữa TTPS và thủ tục thi hành án đân sự, theo quy định LPS, người được thi hành án có quyền nộp đơn cho Tòa án yêu cầu thanh toán trong khối tài sản của DN, HTX như một chủ nợ có đảm bảo, nếu có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật kê biên tài sản của DN, HTX để bảo đảm thi hành.
Thứ sáu, Hội nghị chủ nợ theo quy định của LPS không còn là thủ tục bắt buộc trong tiến trình giải quyết đơn yêu cầu mở TTPS như LPSDN. Khi tiến hành TTPS thẩm phán có thể không cần triệu tập hội nghị chủ nợ nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 78 LPS. Quy định khắt khe hơn, cao hơn về điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ (Điều 65). Bổ sung căn cứ để Tòa án ra quyết định đình chỉ tiến hành TTPS khi người nộp đơn yêu cầu mở TTPS rút đơn yêu cầu (Điều 67).
Thứ bảy, LPSDN chỉ quy định một cách chung chung về tài sản của doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản tại Điều 19 còn LPS đã có quy định chi tiết, cụ thể về việc xác định tài sản, nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản tại chương III và tăng cường các biện pháp bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản. Quy định áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời nhằm bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, HTX. Bổ sung trách nhiệm của ngân hàng, nhân viên và người lao động trong doanh nghiệp, HTX bị mở TTPS. Đồng thời bổ sung quy định về tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản thực hiện nghĩa vụ tài sản (Điều 27) và đình chỉ thi hành án dân sự hoặc giải quyết vụ án (Điều 57). Đây là những quy định mới so với LPSDN, nó tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản phục hồi hoạt động kinh doanh và thể hiện sự bình đẳng giữa các chủ nợ trong vụ việc phá sản với người được thi hành án dân sự khi người phải thi hành án dân sự đó là doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản.
LPS năm 2004 đã khắc phục được đáng kể những thiếu sót còn tồn tại rút ra được trong quá trình thực thi LPSDN năm 1993. Những tiến bộ này không chỉ khẳng định những bước tiến của pháp LPS nước ta mà còn góp phần đưa pháp LPS vào cuộc sống. Tuy nhiên, LPS vẫn còn một số hạn chế nhất định, TTPS đúng luật vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn.
No comments:
Post a Comment