BÀI TẬP NHÓM SỐ 2 (TM2.NT2)
TM2.NT2 - 1.
Tháng 01/2013, giám đốc Công ty cổ phần Đại Dương ký hợp đồng mua 1000 tấn gạo (giá: 10.000 đồng/kg) với giám đốc công ty cổ phần Hồng Hà. Đến thời hạn giao hàng, công ty Hồng Hà không giao được hàng cho công ty Đại Dương. Do không có hàng hóa, công ty Đại Dương không thực hiện được hợp đồng với đối tác và bị đối tác phạt vi phạm 200 triệu đồng. Công ty Đại Dương gửi thông báo yêu cầu công ty Hồng Hà bồi thường thiệt hại 500 triệu đồng và chịu phạt 8% giá trị hợp đồng nhưng công ty Hồng Hà không chấp thuận. Công ty Đại Dương quyết định khởi kiện ra Tòa án.
1. Phân tích các điều kiện để hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực.
2. Biết: Trong hợp đồng các bên có thỏa thuận trọng tài như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này được giải quyết bởi trọng tài thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.” Hãy nhận xét về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng mua bán gạo nói trên và bình luận quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
3. Tòa án có thể thụ lý đơn khởi kiện của công ty Đại Dương không? Vì sao?
4. Phân tích các căn cứ pháp lý để xác định tính hợp pháp của yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm của công ty Đại Dương.
Nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm của công ty Đại Dương là hợp pháp, hãy xác định giá trị bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm mà công ty Hồng Hà phải chịu?
TM2.NT2 - 2.
Tháng 11 năm 2012, giám đốc Công ty cổ phần Thắng Lợi ký hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa với giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên Hồng Hà. Theo hợp đồng, công ty Thắng Lợi phải thực hiện việc bán sữa chua do công ty Hồng Hà sản xuất với giá thành sản phẩm do công ty Hồng Hà ấn định. Thời hạn đại lý là 3 năm từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
1. Xác định các điều kiện chủ thể để hợp đồng đại lý có hiệu lực. (Nêu rõ ngành nghề kinh doanh mà công ty Thắng Lợi và công ty Hồng Hà phải đăng ký).
2. Các bên có thỏa thuận trong hợp đồng là quyền sở hữu hàng hóa sẽ được chuyển giao cho công ty Thắng Lợi từ thời điểm hàng hóa được giao đến kho hàng của công ty Thắng Lợi. Thỏa thuận này của các bên có phù hợp quy định của pháp luật về hoạt động đại lý mua bán hàng hóa không? Vì sao?
3. Một khách hàng sau khi mua sữa chua tại cửa hàng của công ty Thắng Lợi bị ngộ độc. Công ty Thắng Lợi hay công ty Hồng Hà phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng?
4. Tháng 3 năm 2014, công ty Thắng Lợi nhận được đề nghị giao kết hợp đồng đại lý mua bán sữa chua của công ty Bình Minh. Công ty Thắng Lợi có thể đồng thời là đại lý của công ty Hồng Hà và công ty Bình Minh không? Vì sao?
Theo đề nghị của công ty Bình Minh, công ty Thắng Lợi quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý với công ty Hồng Hà và yêu cầu công ty Hồng Hà bồi thường 50 triệu cho khoảng thời gian công ty Thắng Lợi đã làm đại lý cho công ty Hồng Hà. Anh (chị) hãy nhận xét về hành vi nói trên của công ty Thắng Lợi.
TM2.NT2 - 3.
Hãy xây dựng một tình huống hoặc sưu tầm một vụ việc thực tiễn về tranh chấp thương mại liên quan đến hợp đồng dịch vụ logistics và bình luận về hướng giải quyết vụ việc đó trên cơ sở của pháp luật Việt Nam hiện hành.
TM2.NT2 - 4.
Nhằm phục vụ cho việc điều hành dây truyền sản xuất, Công ty cổ phần Niềm Tin hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo đã đặt mua 20 máy vi tính nhãn hiệu Lenovo H520S, giá 10.300.000 đồng/chiếc, bảo hành 12 tháng của Công ty TNHH Uy Tín - chuyên kinh doanh các mặt hàng thiết bị điện tử. Tiền hàng đã được trả ngay bằng séc chuyển khoản theo thỏa thuận.
Sau một tháng sử dụng, đã có tới 10 trong số 20 chiếc máy tính mới mua của Công ty Uy Tín gặp trục trặc trong vận hành. Qua kiểm tra, cán bộ chuyên môn xác định: tất cả các máy này đều là máy đã qua sử dụng được tân trang lại. Do đó, Công ty Niềm Tin đòi hủy hợp đồng mua bán này bằng cách trả lại hàng cho Công ty Uy Tín và lấy tiền về. Công ty Uy Tín không chấp nhận đòi hỏi này vì cho rằng bên mua là Công ty Niềm Tin có nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa ngay khi nhận hàng và phải thông báo về các khiếm khuyết của hàng hóa; họ chấp nhận đổi cho Công ty Niềm Tin 10 chiếc máy tính bị hỏng theo điều kiện bảo hành.
Câu hỏi:
a. Xác định hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm?
b. Chế tài thương mại có thể áp dụng trong trường hợp này? Bên bán có thể thực hiện nghĩa vụ bảo hành để khắc phục hậu quả trong trường hợp trên không? Vì sao?
TM2.NT2 - 5.
Công ty Mitsui (Nhật Bản) và công ty Chiến Thắng (Việt Nam) ký kết với nhau một hợp đồng, theo đó, Công ty Chiến Thắng tiến hành may một lô hàng gồm 1000 chiếc áo sơ mi nam theo thiết kế và quy cách của công ty Mitsui, Công ty Mitsui trả thù lao cho Công ty Chiến Thắng. Vải, phụ kiện để may áo sơ mi do Công ty Mitsui giao cho Công ty Chiến Thắng.
Do Công ty Chiến Thắng không có đủ số máy móc nên đã thuê thêm 10 chiếc máy may của Công ty Thành Nam thời hạn từ 30/8/2013 đến 30/10/2013.
Ngày 20/10/2013 là thời điểm Công ty Chiến Thắng giao hàng cho Công ty Mitsui, người đại diện của Công ty Mitsui kiểm tra chất lượng lô hàng và kết luận không đạt tiêu chuẩn như trong hợp đồng quy định. Công ty Chiến Thắng không đồng ý, Công ty Chiến Thắng đã thuê tổ chức giám định, chứng thư giám định kết luận lô hàng đạt tiêu chuẩn.
Ngày 28/10/2013, do ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão Sơn Tinh, nhà xưởng của Công ty Chiến Thắng bị sập, trong đó làm 6 chiếc máy may thuê của Công ty Thành Nam bị hỏng.
a. Xác định các loại hợp đồng có thể có và hình thức của hợp đồng?
b. Giá trị pháp lý của chứng thư giám định trong trường hợp này?
c. Thiệt hại tài sản do ảnh hưởng từ cơn bão do ai chịu trách nhiệm?
Một số lưu ý:
1. Đối với BT nhóm, 3 nhóm trong một lớp thảo luận không được phép chọn trùng bài tập
2. Ghi rõ nguồn trích dẫn đối với từng đoạn viết có trích dẫn
No comments:
Post a Comment