26/08/2014
Đề bài tập nhóm số 1 Luật Thương mại 1 - Kì I năm học 2014 - 2015 - ĐH Luật Hà Nội (Tháng 8 năm 2014)
BÀI TẬP NHÓM SỐ 1 (TM1.NT1)

TM1.NT1 - 1. 

An, Bình, Cường và Dũng cùng nhau thành lập công ty cổ phần Thái Bình kinh doanh sản xuất đồ gỗ, nội thất với số vốn điều lệ là 3,5 tỷ đồng, được chia thành 350.000 cổ phần. Trong đó có 200.000 cổ phần phổ thông, 100.000 cổ phần ưu đãi biểu quyết và 50.000 cổ phần ưu đãi cổ tức. 

Hãy nhận xét về các sự kiện sau đây:

1. Các cổ đông sáng lập chỉ đăng ký mua và thanh toán đủ tiền mua 200.000 cổ phần tương đương với 2 tỷ đồng.

2. An đăng ký mua 50.000 cổ phần phổ thông, 20.000 cổ phần ưu đãi biểu quyết. Nhưng hết thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp GCNĐKDN, An mới chỉ thanh toán 30.000 cổ phần phổ thông và 20.000 cổ phần ưu đãi biểu quyết.

3. Bình sở hữu 30.000 cổ phần phổ thông, 40.000 cổ phần ưu đãi biểu quyết và 10.000 cổ phần ưu đãi cổ tức. Bình muốn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho người khác.


4. Cường sở hữu 20.000 cổ phần phổ thông. Cường đề nghị công ty chuyển đổi toàn bộ cổ phần này thành cổ phần ưu đãi biểu quyết nhưng công ty không chấp nhận, vì vậy Cường yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình.


TM1.NT1 - 2. 

Anh, chị hãy tư vấn cho các thành viên công ty hợp danh Niềm Tin về sự phù hợp của nội dung trong Điều lệ công ty họ so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Được biết Điều lệ công ty hợp danh Niềm Tin có một số nội dung sau:

1. Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

2. Thành viên công ty hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên của công ty hợp danh khác.

3. Thành viên hợp danh được chia lợi nhuận, chịu lỗ ngang nhau không phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp vào công ty.

4. Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên hợp danh. Mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết.

5. Giám đốc công ty hợp danh là người duy nhất có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành công ty. Công ty hợp danh có thể thuê Giám đốc.

TM1.NT1 - 3.   

Hiền, Nhung, Minh, Ánh là những người không thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành. Họ rủ nhau thành lập CTTNHH Sao Mai chuyên sản xuất, mua bán vật liệu xây dựng. Các sáng lập viên dự định góp vốn như sau:

- Hiền góp số tiền cho công ty thuê nhà tại phố Bạch Mai (Hà Nội) làm trụ sở giao dịch trong 10 năm

- Nhung góp một số máy móc, thiết bị dùng cho hoạt động kinh doanh của công ty

- Minh góp bằng đô la Mỹ tương đương 700 triệu VND

- Ánh góp 200 triệu đồng bằng tiền mặt.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các thành viên tiến hành góp vốn vào công ty theo quy định của pháp luật. Để định giá tài sản góp vốn của Hiền và Nhung, 4 thành viên đã lập hội đồng định giá và nhất trí:

- Định giá số tiền thuê nhà tại phố Bạch Mai (Hà Nội) của Hiền để công ty sử dụng trong vòng 10 năm là 1 tỷ đồng (giá thuê nhà là 100 triệu đồng/năm)

- Định giá tài sản góp vốn của Nhung là 400 triệu đồng, trong khi giá thị trường của những tài sản này chỉ khoảng 200 triệu đồng. Nhung đã làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sang cho công ty.

Minh cam kết góp bằng đô la Mỹ tương đương 700 triệu VND, nhưng trên thực tế mới góp được 500 triệu đồng; số vốn còn lại (tương đương 200 triệu đồng) các thành viên nhất trí để Minh góp trong vòng 1 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Yêu cầu: Căn cứ vào pháp luật hiện hành, hãy cho biết:

a. Các thành viên của công ty góp vốn bằng những loại tài sản như trên có hợp pháp không? Tại sao?

b. Trách nhiệm của các thành viên về việc định giá không chính xác giá trị tài sản góp vốn của Nhung? Phần chênh lệch giữa giá trị tài sản góp vốn của Nhung đã được định giá và giá thị trường được xử lý như thế nào?

c. Việc các thành viên công ty đồng ý cho Minh góp số vốn còn lại (200 triệu đồng) có hợp pháp không? Nếu Minh không góp đủ số vốn này theo đúng thời hạn đã cam kết thì xử lý như thế nào?

d. Xác định vốn điều lệ của CTTNHH Sao Mai và tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên.

TM1.NT1 - 4. 

Tuấn, Nam, Thắng, Đại dự định thành lập một doanh nghiệp có trụ sở tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội với các ngành nghề kinh doanh là: kinh doanh bất động sản và môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài. Nguyện vọng của họ là doanh nghiệp được thành lập phải đáp ứng những yêu cầu sau:

- Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân;

- Hạn chế người ngoài thâm nhập vào doanh nghiệp với tư cách là thành viên;

- Các thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị phá sản;

Anh, chị hãy tư vấn cho Tuấn, Nam, Thắng, Đại: 

1. Loại hình doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của họ và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

2. Giả sử sau khi doanh nghiệp đã được thành lập, Thắng dự định thu hồi toàn bộ phần vốn góp vào doanh nghiệp để đầu tư kinh doanh vào một dự án khác. Thắng có thực hiện được dự định của mình không? Vì sao?

Sau thời hạn cam kết góp vốn lần cuối, Đại vẫn chưa góp đủ vốn, các thành viên còn lại có quyền quyết định khai trừ tư cách thành viên của Đại không? Tại sao?

TM1.NT1 - 5.

An, Bình, Minh góp vốn thành lập CTTNHH Đại Dương năm 2011. An góp bằng ngôi nhà đứng tên mình, lúc đó trị giá 2 tỷ; Bình góp bằng máy móc thiết bị, trị giá 3 tỷ; Minh góp bằng tiền mặt là 4 tỷ.  CTTNHH Đại Dương làm ăn tốt, mọi hoạt động cũng như khoản nợ đều được thực hiện nghiêm chỉnh, lợi nhuận của các thành viên được chia tương ứng với tỷ lệ vốn góp (tất cả đều góp thật, không cam kết). Tuy nhiên, ngôi nhà mà An dùng làm tài sản góp vốn vẫn đứng tên An, và 3 thành viên thỏa thuận bao giờ công ty yêu cầu thì An sẽ phải chuyển quyền sở hữu cho công ty, nhưng thực tế công ty chưa yêu cầu. 

Vào 1 ngày đẹp trời năm 2013, An có ngồi với 1 luật sư và được luật sư tư vấn rằng: như vậy, lâu nay An là người bị thiệt thòi nhất, bởi vì quyền lợi của An trong công ty vẫn tương ứng với giá trị ngôi nhà là 2 tỷ, trong khi đến thời điểm hiện tại, ngôi nhà của An đã tăng giá lên đến 10 tỷ rồi. An thấy lời tư vấn này có lý nên đã đến CT yêu cầu Bình và Minh:

- Hoặc phải cho An rút ngôi nhà ra, nộp vào công ty 2 tỷ tiền mặt tương ứng với giá trị phần vốn góp lâu nay của An;

- Hoặc phải sửa phần vốn góp của An là 10 tỷ tương tương với giá trị ngôi nhà, chứ không phải 2 tỷ như lâu nay.

Bình và Minh không đồng ý yêu cầu của An, do đó An làm đơn ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty liên quan đến tài sản góp vốn.  Ở Tòa, An nói rằng đây vẫn là tài sản của mình, giấy tờ ngôi nhà vẫn đứng tên An chứ không mang tên Công ty, do đó, An có quyền yêu cầu như trên.

Yêu cầu: 

a. Khái quát thủ tục góp vốn vào công ty

b. Xác định tư cách thành viên của An

c. Nêu cách thức giải quyết vụ việc trên

Một số lưu ý:

1. Đối với BT nhóm, 3 nhóm trong một lớp thảo luận không được phép chọn trùng bài tập 

2. Ghi rõ nguồn trích dẫn đối với từng đoạn viết có trích dẫn

No comments:

Post a Comment