27/07/2014
Trục lợi bảo hiểm
Tài liệu môn học Pháp luật Kinh doanh bảo hiểm

Trục lợi bảo hiểm là hành vi luôn tồn tại song hành với sự ra đời và phát triển của ngành bảo hiểm. Trên thế giới, ở các nước ngành bảo hiểm có trình độ phát triển cao, trục lợi bảo hiểm cũng luôn là vấn đề lớn, gây thiệt hại cho xã hội và doanh nghiệp bảo hiểm. Ở Việt nam, hành vi trục lợi bảo hiểm diễn biến ngày càng phức tạp và gây những thiệt hại không nhỏ cho xã hội và cộng đồng các doanh nghiệp bảo hiểm. Vấn đề này đã được các doanh nghiệp bảo hiểm đề cập và thảo luận tại nhiều hội nghị, hội thảo. Tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều nhìn nhận tính chất nghiêm trọng của vấn đề và mong muốn toàn ngành bảo hiểm, từ góc độ cơ quan quản lý, hiệp hội bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm chung tay để từng bước hạn chế được vấn nạn này.

Trục lợi bảo hiểm và thực trạng hiện nay ở Việt Nam


Trục lợi bảo hiểm là bất kỳ hành vi lừa dối nào nhằm kiếm lợi bất hợp pháp của các chủ thể tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm rất đa dạng, dưới nhiều hình thức. Ngành bảo hiểm trên thế giới thông thường chia hành vi trục lợi làm 2 dạng : “Trục lợi cứng” (Hard Fraud) và “Trục lợi mềm”(Soft Fraud).


“Trục lợi cứng” là hành vi khi một người cố tình lập hồ sơ khiếu nại cho một vụ tổn thất không có thật; hoặc cố tình khởi tạo một vụ tổn thất, tự phá hủy tài sản để đòi bồi thường bảo hiểm (ví dụ cố ý dàn dựng đâm va ô tô, tự đốt cháy tài sản …). “Trục lợi mềm”, hay còn được gọi là “trục lợi cơ hội” (opportunistic fraud), là hành vi người được bảo hiểm khai tăng khiếu nại hợp pháp của họ. Trục lợi “mềm” cũng có thể phát sinh khi bắt đầu mua một hợp đồng bảo hiểm mới, người tham gia bảo hiểm kê khai không trung thực các tình trạng hiện tại hoặc trước đây của đối tượng bảo hiểm nhằm mục đích hưởng lợi bất hợp pháp (như được hưởng một mức phí bảo hiểm rẻ hơn).

Tổng hợp ý kiến của đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ tại Hội thảo “Đánh giá thực trạng và giải pháp phòng chống trục lợi trong bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người” (là 2 loại hình bảo hiểm được nhận định phát sinh nhiều trường hợp trục lợi bảo hiểm nhất) do Cục QLGSBH và Hiệp hội bảo hiểm Việt nam phối hợp tổ chức ngày 17/8/2012, có thể nhận thấy hành vi trục lợi, cả trục lợi “cứng’ và trục lợi “mềm”, đã xuất hiện, ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng ở Việt Nam. Đa số trục lợi bảo hiểm là trục lợi “mềm” (trục lợi cơ hội), tuy nhiên cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp trục lợi cứng như cố tình đốt cháy tài sản, xe cộ, giả mất cắp xe, ngụy tạo hồ sơ điều trị y tế khống…(*). Hiện tại chưa có một nghiên cứu đầy đủ về trục lợi bảo hiểm, tuy nhiên theo khảo sát của Bộ tài chính tại 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (PNT) lớn nhất Việt Nam năm 2010 cho thấy trục lợi bảo hiểm (bị phát hiện và từ chối bồi thường) lên tới trên 10%  số tiền bồi thường của doanh nghiệp (Thiệt hại do trục lợi không bị phát hiện và đã giải quyết bồi thường được nhận định cao hơn nhiều so với tỷ lệ này).

Tại sao trục lợi bảo hiểm ngày càng trở nên khó kiểm soát ở Việt Nam?

Chúng ta thừa nhận trục lợi bảo hiểm là một vấn đề tồn tại song hành cùng ngành bảo hiểm ở mọi nước, không riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo chúng tôi có một số yếu tố nổi bật dưới đây khiến trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam ngày càng trở nên khó hạn chế và kiểm soát so với các thị trường bảo hiểm phát triển (tất nhiên những yếu tố này cũng tồn tại ở các thị trường bảo hiểm phát triển khác, nhưng ở Việt Nam chúng biểu hiện rõ rệt và có tính đặc trưng cao hơn).  Đó là:

Thái độ từ phía xã hội, người dân nói chung đối với trục lợi bảo hiểm

Theo tôi, có 2 yếu tố : thứ nhất là thái độ thờ ơ nói chung của xã hội đối với vấn đề trục lợi bảo hiểm. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề có thể tìm thấy trong vấn đề xã hội, trên hết là việc thay đổi (hoặc biến dạng) một số hệ thống các giá trị và tiêu chuẩn. Ông Konrad Lorenz – Nhà hành vi học người Áo (được giải Nô Ben năm 1973) trong cuốn sách “ Sự giảm dần của tính người” (Der Abbau des Menshlichen, 1983)  có nhận định rằng cảm giác về trách nhiệm đạo đức của con người được định hình bởi các tiêu chí giá trị. Khi các tiêu chí giá trị thay đổi, cảm giác đạo đức của bộ phận lớn nhân dân cũng thay đổi. Ở xã hội ta hiện nay, sự vô cảm, thờ ơ với các hiện tượng tiêu cực ngày càng trở nên phổ biến (điều này được nhiều nhà nghiên cứu xã hội, có cả nhà chính trị phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng- không phải là nhận định chủ quan của chúng tôi). Hành vi trục lợi bảo hiểm, nếu so với các hành vi tiêu cực khác, sẽ được coi là “bé như con kiến”, không có ảnh hưởng gì đến đại đa số nhân dân, đương nhiên xã hội càng bàng quan và thờ ơ. Thứ hai là phản xạ cảm giác (hay nhận thức) đạo đức về hành vi trục lợi bảo hiểm.  Về bản chất, hành vi trục lợi bảo hiểm cũng giống như một hành vi ăn cắp, tuy nhiên ít người nhìn nhận hành vi này là phi đạo đức (chúng tôi có nhận xét này vì nếu mọi người coi đó là phi đạo đức thì không có hiện tượng   nhiều người trục lợi bảo hiểm (trục lợi cơ hội) có thể hồn nhiên công khai kể cho nhau về hành vi này của mình, trong khi chính họ là những người có thể rất phẫn nộ với hành vi móc túi của bọn trộm cắp). Điều này là khác biệt so với các thị trường phát triển, khi đa số người dân cho trục lợi bảo hiểm là hành vi phi đạo đức cần lên án (*).

Từ góc độ hệ thống pháp luật hiện hành

Hệ thống pháp luật hiện tại cũng như thực tế áp dụng chưa đủ sức nặng răn đe đối với hành vi trục lợi bảo hiểm. Các quy định về pháp luật hình sự ở Việt Nam hiện tại chưa có quy định cụ thể cho hành vi trục lợi bảo hiểm. Khi yêu cầu cơ quan điều tra can thiệp, doanh nghiệp bảo hiểm có thể viện dẫn điều 139 : Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Bộ luật hình sự, với những quy định tương đối nghiêm khắc đối với hành vi “thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác”. Tuy nhiên thực tế áp dụng có những khó khăn và bất cập. Đối với trục lợi cơ hội, rất khó chứng minh hành vi lừa đảo của khách hàng, vì vậy không thể truy tố họ. Đối với trục lợi “cứng”, khi công ty bảo hiểm phát hiện ra hành vi trục lợi bảo hiểm, nếu có báo cáo cơ quan điều tra, cũng không xử lý được kẻ trục lợi vì việc trục lợi chưa hoàn tất, chưa dẫn đến hậu quả. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phát hiện được vụ trục lợi hoàn tất, đã gây hậu quả (kẻ trục lợi đã lấy được tiền bảo hiểm), lãnh đạo hoặc cán bộ có liên quan của doanh nghiệp bảo hiểm  chưa chắc đã thông báo cho cơ quan chức năng, vì đôi khi họ lại sợ có thể bị quy kết vào tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (do ranh giới xác định giữa việc cán bộ bảo hiểm đã làm hết khả năng và việc họ “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thường không rõ ràng hoặc nhiều khi phụ thuộc vào nhận định chủ quan của điều tra viên), khiến cũng giảm thiểu động lực phát hiện và báo cáo hành vi trục lợi cho cơ quan chức năng từ phía bên bị hại là doanh nghiệp bảo hiểm.

Từ phía doanh nghiệp bảo hiểm

Các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), “nạn nhân” của trục lợi bảo hiểm, cũng đóng vai trò lớn  trong việc  trục lợi bảo hiểm ngày càng khó kiểm soát ở Việt Nam. Chúng tôi thấy một số nguyên nhân chính sau:

– Thứ nhất là, không có sự chia sẻ thông tin phòng chống trục lợi bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm. Điều này dẫn đến việc người trục lợi ở doanh nghiệp này bị phát hiện có thể tham gia bảo hiểm ở doanh nghiệp khác một cách dễ dàng. Các kịch bản trục lợi cũng rất hiếm khi  được chia sẻ giữa các công ty để cùng xây dựng các biện pháp phòng chống trục lợi.

– Thứ hai là, chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình khai thác, giám định bồi thường. Việc này có nhiều nguyên nhân: có thể do trình độ, ý thức của cán bộ, có thể do năng lực của bản thân công ty chưa đáp ứng được việc tuân thủ quy trình nghiệp vụ đề ra (ví dụ công ty chỉ có một vài văn phòng chi nhánh thì không thể đủ khả năng giám định kịp thời những tai nạn ở khu vực xa xôi), có thể do cả nguyên nhân cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp và sức ép kế hoạch doanh thu của cán bộ (dẫn đến bỏ qua một số thủ tục trong quy trình khai thác, như đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn bảo hiểm)…

– Thứ ba là, dịch vụ phục vụ khách hàng kém của các công ty bảo hiểm. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh trục lợi bảo hiểm. Có nhiều ví dụ về dịch vụ phục vụ kém của doanh nghiệp bảo hiểm (thời gian giải quyết bồi thường, thái độ phục vụ của cán bộ, viện dẫn lý do từ chối bồi thường không hợp lý, “mặc cả cò cưa”… dẫn tới ức chế cho khách hàng và khơi gợi ở họ phản ứng trục lợi lần sau “cho bõ tức”). Tôi chỉ xin nêu một trường hợp “vừa vô lý vừa kém” liên quan đến giải quyết bồi thường. Tôi từng biết có lãnh đạo công ty thành viên của một doanh nghiệp bảo hiểm, khi duyệt bồi thường tất cả hồ sơ ô tô, kể cả không có lý do gì xác đáng cũng luôn tự động cắt giảm 10% số tiền duyệt bồi thường mà không đưa ra  bất kỳ lý do hay giải thích nào. Việc này thứ nhất là xúc phạm danh dự nghề nghiệp cán bộ dưới quyền trung thực, thứ hai là gây  bức xúc cho khách hàng. Sau này chính những cán bộ giải quyết bồi thường lại tư vấn cho khách hàng lập hồ sơ tăng số tiền bồi thường, lúc đầu chỉ tăng 10% “để sếp duyệt cắt xuống là vừa”, dần dần thấy sếp không phát hiện được thì tăng lên 30- 40% để “khách hàng thì vui, và mình cũng “có  tý” . Trong trường hợp này sếp vui (vì nếu cấp trên kiểm tra thấy hồ sơ nào mình duyệt cũng có ý thức cắt giảm bồi thường, “phòng chống trục lợi bảo hiểm”), nhân viên vui (vẫn “có  tý”), khách hàng vui (miễn nhanh là được, không phải ức chế hay cãi nhau), và cách giải quyết vấn đề kiểu này của lãnh đạo làm chính cán bộ và khách hàng của mình nhiễm thói quen trục lợi bảo hiểm.

– Thứ tư là, chủ động tham gia hành vi trục lợi bảo hiểm của cán bộ nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm: Hành vi này hoặc có thể chỉ là thuần túy “chiều” khách hàng để giữ khách (ví dụ giải quyết bồi thường sai cho một khách hàng lớn để giữ khách với suy nghĩ “thả con săn sắt bắt con cá rô”), hoặc chủ động tư vấn, tham gia cùng khách hàng trục lợi để hưởng lợi cá nhân.

– Thứ năm là, điều khoản, phạm vi bảo hiểm: Chúng tôi đã xem các mẫu đơn, điều khoản bảo hiểm của một số công ty bảo hiểm đối với các nghiệp vụ hay bị trục lợi hiện nay như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người và nhận thấy các điều khoản điều kiện bảo hiểm các công ty BH đang áp dụng hiện nay cũng tương đối chặt chẽ. Vấn đề ở chỗ, nhiều công ty không áp dụng mức miễn thường có khấu trừ đối với bảo hiểm vật chất xe ô tô – nếu áp dụng, theo chúng tôi đây cũng là biện pháp tốt để hạn chế hành vi trục lợi bảo hiểm cơ hội.

Từ góc độ các cơ quan hữu quan liên quan

Thái độ thờ ơ nói chung (như đã phân tích ở phần thái độ xã hội), thái độ thiếu trách nhiệm về mặt nghề nghiệp, thậm chí đây đó còn có trường hợp tiếp tay cho hành động trục lợi bảo hiểm của các cán bộ làm trong các ngành hữu quan (như chính quyền cấp cơ sở, công an, cảnh sát giao thông, nhân viên y tế ở các trung tâm khám chữa bệnh…) cũng là yếu tố quan trọng giúp trục lợi bảo hiểm có đất phát triển. Cơ quan tài phán là tòa án nhân dân các cấp có xu hướng bênh vực cho quyền lợi của khách hàng bảo hiểm, với những nhận định nhiều khi chưa khách quan, đa số các trường hợp nghiêng về phía khách hàng bảo hiểm và gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm (đôi khi với suy nghĩ cảm tính “DNBH giàu rồi, có thiệt tí cũng không sao”) khiến nhiều vụ kiện có chứng cứ về hành vi trục lợi bảo hiểm khá rõ ràng nhưng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn bị thua kiện.

Từ góc độ người tham gia bảo hiểm

Cũng như tư hữu, tham lam là một trong những thuộc tính của con người. Ở những xã hội phát triển, tổ chức và quản lý xã hội chặt chẽ và nghiêm túc, ý thức công dân, ý thức cộng đồng và tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân tốt hơn, dẫn đến lòng tham của con người bị điều chỉnh bởi ý thức về danh dự, trách nhiệm cộng đồng và sự sợ hãi bị trừng phạt. Hệ quả nói riêng trong bảo hiểm là sự hạn chế ý thức trục lợi ở diện rộng (số người sẵn sàng trục lợi chỉ là thiểu số, thông thường là những người trục lợi chuyên nghiệp hoặc tội phạm trục lợi bảo hiểm có tổ chức). Ở Việt Nam, có thể thấy bảo hiểm  là mảnh đất tốt dung dưỡng lòng tham của con người vì trục lợi bảo hiểm (hầu như) chỉ dẫn đến 2 kết cục: hoặc là “được” hoặc là “không được” và không bao giờ bị mất. Có 3 yếu tố giải thích cho luận điểm này: thứ nhất, rủi ro bị phát hiện trục lợi là rất thấp (vì năng lực của DNBH, vì sự thiếu hợp tác của các bên liên quan, vì sự trợ giúp của nhân viên, đại lý bảo hiểm … như đã phân tích ở luận điểm về các bên liên quan và DNBH); khi bị phát hiện, người trục lợi hầu như không bị trừng phạt (như đã phân tích ở luận điểm góc độ pháp lý); địa vị xã hội của người trục lợi hầu như  không bị ảnh hưởng (như đã phân tích ở luận điểm thái độ xã hội đối với hành vi trục lợi bảo hiểm). Một lý do nữa càng khuyến khích trục lợi bảo hiểm là  sự đối xử bình đẳng trên thực tế của DNBH đối với người tham gia bảo hiểm trung thực và không trung thực. Vì chưa có hệ thống chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, việc người trục lợi bảo hiểm dễ dàng tham gia bảo hiểm tại các công ty BH khác khi bị phát hiện, không bị bất cứ trừng phạt nào (như bị từ chối bảo hiểm, tăng phí bảo hiểm, hạn chế phạm vi bảo hiểm…), điều này tạo ra sự bất công và dần dần sẽ khiến hình thành ý muốn trở nên không trung thực của người tham gia bảo hiểm trung thực.

Ngoài những nguyên nhân đã phân tích ở trên, những suy nghĩ chủ quan điển hình khác của người tham gia bảo hiểm ở Việt Nam như coi trục lợi bảo hiểm là phương tiện để thu hồi lại phí bảo hiểm đã đóng (đóng phí mấy năm chả nhẽ không được gì ?!), do không hiểu kỹ phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm nên cảm giác bị công ty BH “lừa” khi bị từ chối hoặc chế tài bồi thường dẫn đến cố tình trục lợi lần sau … cũng làm gia tăng ý muốn trục lợi bảo hiểm. 

Đề xuất biện pháp phòng chống trục lợi bảo hiểm

Trục lợi bảo hiểm ngày càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát. Toàn ngành bảo hiểm (cơ quan quản lý, hiệp hội bảo hiểm, các doanh nghiệp…) đều nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề. Nhiều biện pháp phòng chống trục lợi đã được đề cập trong các cuộc họp, hội thảo, trong đó tập trung vào các biện pháp chính như  đề nghị sửa đổi bổ sung luật (bộ luật hình sự, Luật kinh doanh bảo hiểm…)  để có chế tài có tính răn đe đủ mạnh đối với hành vi trục lợi, tăng cường đào tạo nghiệp vụ, giáo dục ý thức cho cán bộ, thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin…Tất cả các biện pháp đã thảo luận  đều rất cần thiết và đúng đắn, vấn đề ở chỗ chúng ta sẽ tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả nhất. Có những biện pháp không phụ thuộc vào ý chí chủ quan ngành bảo hiểm (như vấn đề sửa đổi bổ sung luật hiện hành, vấn đề phối hợp của các ban ngành hữu quan), chúng ta chỉ có thể kiến nghị và chờ đợi, và cũng không thể chắc chắn luật sẽ được Quốc hội đồng ý sửa đổi. (Cũng phải nói thêm rằng, luật của một số nước có thị trường bảo hiểm phát triển, ví dụ như Nhật Bản cũng không có điều khoản cụ thể về tội danh trục lợi bảo hiểm trong Luật hình sự mà chỉ có điều khoản quy định hình phạt đối với tội lừa đảo gian lận nói chung – vấn đề ở chỗ ngành bảo hiểm và hệ thống tòa án ở Nhật đã vận dụng các điều khoản liên quan một cách hợp lý và vẫn tạo được tính răn đe hành vi trục lợi bảo hiểm). Tuyên truyền giáo dục nhận thức cho  người dân nhằm thay đổi thái độ đối với trục lợi bảo hiểm là việc làm cần thiết nhưng lâu dài và khó khăn. Vậy, trước mắt chúng ta nên tập trung vào các biện pháp nhằm giải quyết các tồn tại của chính các doanh nghiệp như đã trình bày ở trên. Đó là vấn đề chia sẻ, cập nhật, sử dụng thông tin phòng chống trục lợi hiệu quả giữa các doanh nghiệp, vấn đề xây dựng quy tắc, điều khoản bảo hiểm, quy trình nghiệp vụ chặt chẽ để giảm thiểu nguy cơ bị trục lợi, là việc giáo dục ý thức của cán bộ, nhân viên, đại lý bảo hiểm và kiên quyết kỷ luật người sai phạm…Mục tiêu là ngăn ngừa khả năng trục lợi “cứng” và từng bước hạn chế trục lợi “mềm”.

Hiệp hội bảo hiểm – với tư cách là tổ chức đại diện quyền lợi của các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên, tổ chức trung gian giữa các doanh nghiệp bảo hiểm -  nên và cần thiết đóng vai trò tích cực trong việc triển khai các biện pháp này. Vấn đề ở chỗ bộ máy hiện tại của Hiệp hội bảo hiểm chưa đủ năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm do chưa có bộ phận chuyên trách cũng như chưa có nhân sự phù hợp để triển khai. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, thiết nghĩ nên thành lập một Ban chuyên trách phòng chống trục lợi bảo hiểm của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (đây không phải là ý tưởng gì mới, nhiều hiệp hội bảo hiểm nước ngoài cũng có những bộ phận/tổ chức chuyên trách này trong cơ cấu tổ chức, ví dụ như Ban chống trục lợi bảo hiểm của Hiệp hội bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản…). Với ưu tiên tập trung giải quyết vấn đề trục lợi trong bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người, nhân sự (nhân viên chính thức cũng như cộng tác viên) của Ban phòng chống trục lợi sẽ tuyển dụng cán bộ và cộng tác viên đã có nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ công việc trong lĩnh vực liên quan (những người đang công tác hoặc đã nghỉ hưu  trong các ngành tư pháp, cảnh sát giao thông, viện khoa học hình sự, các phòng ban tổ chức liên quan trong ngành y tế, bảo hiểm y tế, trung tâm y tế…). Ban phòng chống trục lợi bảo hiểm Hiệp hội sẽ thực hiện các chức năng và nhiệm vụ chính như sau:

– Xây dựng quy định về chia sẻ, sử dụng thông tin phòng chống trục lợi bảo hiểm, các biện pháp xử lý thống nhất  đối với trục lợi bảo hiểm của các Doanh nghiệp Hội viên  để các doanh nghiệp hội viên cam kết thực hiện; Theo dõi việc thực hiện của các DNBH; Tham mưu Ủy ban kỷ luật của Hiệp hội  ra các quyết định kỷ luật trong trường hợp hội viên vi phạm cam kết.

– Đầu mối tiếp nhận, xử lý các thông tin về trục lợi bảo hiểm từ các doanh nghiệp hội viên và các cơ quan chức năng liên quan; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin cho tất cả các DN hội viên (như dữ liệu cập nhật các khách hàng đã trục lợi bảo hiểm bị phát hiện; cập nhật khách hàng bị DN từ chối bảo hiểm do DN phát hiện được hành vi định trục lợi của khách hàng khi tham gia bảo hiểm; cập nhật các án lệ, phán quyết, các hình thức xử lý của Tòa án, các cơ quan chức năng về các vụ trục lợi bảo hiểm; cập nhật các hình thức, biểu hiện mới của hành vi trục lợi bảo hiểm (cả ở Việt nam và trên thế giới) để các doanh nghiệp có biện pháp phòng ngừa; chia sẻ các kinh nghiệm xử lý trục lợi bảo hiểm giữa các doanh nghiệp; cập nhật các cán bộ, đại lý của DNBH tham gia hành vi trục lợi và bị phát hiện, xử lý; cập nhật các văn bản liên quan về phòng, chống trục lợi bảo hiểm…)

– Xây dựng hệ thống khái niệm định nghĩa hành vi trục lợi và các hình thức biểu hiện,  mức độ trục lợi một cách thống nhất và trình cơ quan quản lý bảo hiểm chính thức hóa cách hiểu các khái niệm, quy định… để Tòa án và cơ quan chức năng có căn cứ (hoặc một nguồn tham khảo chuyên môn chính thức) áp dụng khi xử lý các vụ trục lợi bảo hiểm.

– Hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc điều tra các vụ việc nghi trục lợi bảo hiểm thông qua sử dụng hệ thống cộng tác viên, tham mưu cho các DNBH trong những phiên Tòa xử về trục lợi bảo hiểm.

– Tổ chức các hội thảo về vấn đề trục lợi bảo hiểm mời các cơ quan quản lý, cơ quan tư pháp… và doanh nghiệp bảo hiểm dự để chia sẻ thông tin và kiến thức về trục lợi bảo hiểm.

– Tham mưu cho doanh nghiệp bảo hiểm trong việc xây dựng, chuẩn hóa điều kiện điều khoản bảo hiểm, quy trình khai thác, giám định, bồi thường để phòng tránh, hạn chế nguy cơ bị lợi dụng trục lợi bảo hiểm.

– Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tội trục lợi bảo hiểm.

Để Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thực hiện công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm hiệu quả, yếu tố tiên quyết của thành công là sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các doanh nghiệp hội viên với Hiệp hội, sự tuân thủ nghiêm túc các quy định về vấn đề xử lý các đối tượng liên quan trục lợi bảo hiểm (khách hàng, đại lý, cán bộ….), chấp hành nghiêm túc các hình thức kỷ luật do Ủy ban kỷ luật của Hiệp hội đưa ra (Cho đến nay, hình thức xử lý các hội viên vi phạm các quy định của Hiệp hội mới dừng ở mức độ nhắc nhở, phê bình và hình thức này tỏ ra không có nhiều hiệu quả). Thiết nghĩ việc xây dựng các quy chế chặt chẽ, với những hình thức kỷ luật cao hơn, bao gồm cả chế tài phạt tiền các hội viên vi phạm để đảm bảo duy trì được tính tuân thủ các cam kết chung của tất cả các hội viên là điều vô cùng cần thiết, và không trái luật (vì đây là thỏa thuận tự nguyện, đồng thuận trong một hội nghề nghiệp về việc xử phạt hội viên vi phạm, Nhà nước không cấm. Ví dụ Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng là một tổ chức nghề nghiệp, họ vẫn thực hiện các biện pháp xử phạt về tài chính đối với các hội viên không tuân thủ quy định).

Với đặc thù của một thị trường còn non trẻ, thị trường bảo hiểm của chúng ta chỉ thực sự phát triển lành mạnh khi hội tủ đủ một số yếu tố, trong đó một trong những yếu tố quan trọng nhất là có một hiệp hội nghề nghiệp mạnh. Hiệp hội bảo hiểm chỉ thực sự mạnh khi thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của mình và duy trì được tính tuân thủ kỷ luật của tất cả hội viên. Theo tinh thần này, mong rằng các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ luôn hợp tác chặt chẽ cùng Hiệp hội bảo hiểm trong công cuộc phòng chống trục lợi bảo hiểm, vì một thị trường phát triển lành mạnh, vì quyền lợi chung của ngành cũng như của từng doanh nghiệp bảo hiểm.


Nguồn: Trang thông tin điện tử của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

No comments:

Post a Comment