16/06/2014
Tư vấn thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng đại lý - Bài tập nhóm Thương mại 2
Xem thêm: Tổng hợp bài tập Luật Thương mại 2 có đáp án.

TM2.NT1- 3. Năm 2009, Công ty X  kí hợp đồng (thời hạn 5 năm) giao cho công ty Y làm đại lí bán hàng tại tỉnh H

- Với vai trò tư vấn pháp lý cho một trong hai công ty ( sinh viên tự lựa chọn), hãy tư vấn về việc thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng đại lý sao cho lợi nhất cho công ty này ?

- Sau 3 năm thực hiện hợp đồng, công ty Y nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng của công ty X. Công ty Y yêu cầu công ty X phải bồi thường cho mình 3 tỷ vì công ty X đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Hãy bình luận về vụ việc trên?

MỞ ĐẦU

Trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa, hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các thương nhân thông qua mua bán là điều kiện quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên thị trường, tùy thuộc vào đối tượng giao dịch, thời gian giao dịch, thị trường cũng như tính chất, thời cơ của từng phương vụ, thương nhân có thể lựa chọn phương thức giao dịch cho phù hợp. Trong lịch sử phát triển thương mại có rất nhiều phương thức giao dịch khác nhau. Phương thức giao dịch mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phổ biến nhất là phương thức giao dịch trực tiếp. Ngoài ra các thương nhân cũng hay lựa chọn phương thức giao dịch qua trung gian. Giao dịch qua trung gian trong hoạt động thương mại là phương thức giao dịch trong đó mọi việc thiết lập quan hệ giữa người mua và người bán hàng hóa ( người cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ ) và việc xác định các điều kiện giao dịch phải thông qua một người trung gian.


Ở Việt Nam theo quy định trong Luật Thương mại năm 2005 hoạt động trung gian thương mại được xác định là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định và bao gôm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại. Trong các  hoạt động trung gian thương mại này thì hoạt động đại lý thương mại diễn ra khá phổ biến giữa các thương nhân, đại lý thương mại giúp cho thương nhân sản xuất hàng hóa không phải mất thời gian cũng như tiền đầu tư cho việc tiếp cận thị trường mới, giúp cho thương nhân làm đại lý có sản phẩm bán tại thị trường mình thường xuyên tiếp cận để hưởng thù lao.Để hiểu thêm về vấn đề này trong phạm vi bài tập nhóm, nhóm em xin lựa chọn và giải quyết một tình huống về đại lý thương mại. Cụ thể tình huống đó như sau:

Công ty X  kí hợp đồng (thời hạn 5 năm) giao cho công ty Y làm đại lí bán hàng tại tỉnh H

- Với vai trò tư vấn pháp lý cho một trong hai công ty ( sinh viên tự lựa chọn), hãy tư vấn về việc thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng đại lý sao cho lợi nhất cho công ty này ?

- Sau 3 năm thực hiện hợp đồng, công ty Y nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng của công ty X. Công ty Y yêu cầu công ty X phải bồi thường cho mình 3 tỷ vì công ty X đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Hãy bình luận về vụ việc trên?

NỘI DUNG

I. Khái quát chung về đại lý thương mại

1. Khái niệm và đặc điểm

1.1. Khái niệm đại lý thương mại

Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao ( Điều 166 Luật thương mại 2005 )

1.2. Đặc điểm hợp đồng đại lý thương mại

Đại lý mua bán hàng hóa có những đặc điểm sau:

Thứ nhất: Quan hệ đại lý mua bán hàng hóa phát sinh giữa bên giao đại lý và bên đại lý. Bên giao đại lý là bên giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là bên ủy quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ. Bên đại lý là bên nhận hàng hóa để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận ủy quyền cung ứng dịch vụ. Theo quy định tại Điều 167 Luật thương mại, bên giao đại lý và bên nhận đại lý đều phải là thương nhân

Nội dung của hoạt động đại lý bao gồm việc giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý giữa bên giao đại lý và bên đại lý và giao kết thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ giữa bên đại lý với bên thứ ba theo yêu cầu của bên giao đại lý. Luật Thương mại năm 2005 đã mở rộng phạm vi hoạt động đại lý sang cả đại lý dịch vụ ( như đại lý bảo hiểm, đại lý hải quan… ) chứ không bó hẹp ở đại lý mua bán hàng hóa như quy định tại Luật thương mại năm 1997.

Để thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý được quyền tự do lựa chọn bên thứ ba để giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ theo những quy định cụ thể trong hợp đồng đại lý. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với bên thứ ba, bên đại lý nhân danh chính mình và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng với bên thứ ba ràng buộc bên đại lý với bên thứ ba.

Trong đại lý mua bán hàng hóa, bên giao đại lý là chủ sở hữu với hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý ( Điều 170 Luật Thương mại năm 2005 ). Khi thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý không phải là người mua hàng của bên giao đại lý mà chỉ là người nhận hàng để tiếp tục bán cho bên thứ ba. Chỉ khi hàng hóa được bán, quyền sở hữu hàng hóa mới chuyển từ bên giao đại lý cho bên thứ ba

Thứ hai: Quan hệ đại lý thương mại được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng đại lý được giao kết giữa thương nhân đại lý và thương nhân làm đại lý. Hợp đồng đại lý phải được giao kết bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương

2. Các hình thức đại lý

Theo Điều 169 luật Thương mại, đại lý bao gồm các hình thức sau: 

Đại lý bao tiêu: Là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua bán trọn vẹn một khối lượng hàng hóa hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý. Trong hình thức đại lý này, bên giao đại lý ấn định giá giao đại lý, bên đại lý quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, do đó, thù lao mà bên đại lý được hưởng là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán thực tế so với giá mua, giá bán do bên giao đại lý quy định

Đai lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một số loại dịch vụ nhất định

Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Tổng đại lý là đối tác trực tiếp của bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý

Các hình thức đại lý khác mà các bên thỏa thuận. Các bên tham gia quan hệ đại lý có thể thỏa thuận các hình thức khác như: đại lý hoa hồng, đại lý đảm bảo thanh toán

II. Giải quyết tình huống

1. Với vai trò tư vấn pháp lý cho công ty X nhóm em xin tư vấn về việc thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng đại lý sao cho lợi nhất cho công ty này như sau ( Gọi bên công ty giao đại lý ( công ty X ) là bên A; công ty  nhận đại lý ( công ty Y ) là bên B )

Để có thể tư vấn cho công ty X chúng ta phải tìm hiểu hợp đồng thương mại cũng như hợp đồng đại lý là gì ?

Trên thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thương mại khác đồ sộ nhưng lại không hề có quy định nào quy định về khái niệm hợp đồng thương mại. Trên cơ sở khái niệm hợp đồng thương mại được quy định tại Điều 388 Bộ luật Dân sự năm 2005 có thể đưa ra khái niệm như sau: Hợp đồng trong thương mại là sự thỏa thuận giữa các thương nhân và người có liên quan về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ trong hoạt động thương mại của mình

Hợp đồng đại lý là một loại hợp đồng dịch vụ theo đó đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

Để có thể thỏa thuận những điều khoản có lợi nhất cho công ty X, công ty X phải thỏa thuận những điều khoản sau:

Thứ nhất: Về điều khoản rủi ro hàng hóa

Theo Điều 170 Luật thương mại năm 2005 thì bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý. Điều khoản này xác định rõ ràng chủ sở hữu là bên giao hàng hóa. Từ đó tạo ra những thuận lợi cũng như những bất lợi cho bên giao đại lý cụ thể là công ty X, đó là bất lợi về rủi ro hàng hóa. Chính vì vậy bên giao đại lý phải có điều khoản cụ thể về cách thức bảo quản hàng hóa cũng như tiên liệu trước những rủi ro có thể xảy ra để hạn chế thiệt hại một cách thấp nhất. Ví dụ điều khoản này sẽ được thỏa thuận như sau:

Bên A nhận làm đại lý bao tiêu cho Bên B các sản phẩm [tên sản phẩm] mang nhãn hiệu: [tên nhãn hiệu] và theo đăng ký chất lượng số: [số đăng ký chất lượng] do Bên A sản xuất và kinh doanh. Bên B tự trang bị cơ sở vật chất, địa điểm kinh doanh, kho bãi và hoàn toàn chịu trách nhiệm tất cả hàng hóa đã giao trong việc tồn trữ, trưng bày, vận chuyển. Bên B bảo đảm thực hiện đúng các biện pháp tồn trữ, giữ được phẩm chất hàng hóa như Bên A đã cung cấp, đến khi giao cho người tiêu thụ. Bên A không chấp nhận hoàn trả hàng hóa do bất kỳ lý do gì (ngoại trừ trường hợp có sai sót về sản phẩm).

Thứ hai: Về phương thức giao nhận hàng

Đây là một điều khoản khá quan trọng trong hợp đồng đại lý, trên thực tế khá nhiều những tranh chấp liên quan đến điều khoản này. Nếu như thỏa thuận không rõ ràng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của cả hai bên. Nghĩa vụ giao hàng thuộc về bên phía công ty giao đại lý. Để tránh những chi phí phát sinh không cần thiết cũng như những rủi ro khi giao hàng, công ty X cũng phải có những thỏa thuận trong hợp đồng để hạn chế các chi phí phát sinh này. Cụ thể bên công ty X có thể thỏa thuận về điều khoản này như sau:

Bên A giao hàng đến cửa kho của Bên B hoặc tại địa điểm thuận tiện do Bên B chỉ định. Bên B đặt hàng với số lượng, loại sản phẩm cụ thể [số lượng, loại sản phẩm ] bằng thư, fax, điện tính.

- Chi phí xếp dỡ từ xe vào kho của Bên B do Bên B chi trả (kể cả chi phí lưu xe do xếp dỡ chậm).

- Số lượng hàng hóa thực tế Bên A cung cấp cho bên B có thể chênh lệch với đơn đặt hàng nếu Bên A xét thấy đơn đặt hàng đó không hợp lý. Khi đó hai bên phải có sự thỏa thuận về khối lượng, thời gian cung cấp.

- Thời gian giao hàng: Thời gian theo thỏa thuận của hai bên

Thứ ba: Về phương thức thanh toán

Đây là một điều khoản đặc biệt quan trọng nếu thỏa thuận không rõ ràng thì sẽ rất dễ gây tranh chấp. Thỏa thuận được điều khoản thanh toán phù hợp sẽ thuận tiện cho việc thu hồi tiền hàng cũng như có khả năng xoay vòng vốn cao. Nếu như bên đại lý chậm thanh toán, bên công ty X cũng phải dự liệu được những trường hợp này để có thể giới hạn mức nợ, áp dụng phương pháp phù hợp làm sao để thu hồi tiền hàng một cách hiệu quả nhất mà không gây áp lực cho bên đại lý. Trong điều khoản này công ty X nên ghi rõ thời điểm thanh toán, mức lãi suất nếu như thanh toán chậm, các biện pháp bảo đảm để bên đại lý là bên công ty Y có thể bảo đảm cho việc thanh toán. Bên công ty X có thể thỏa thuận những điều khoản như sau:

- Bên B thanh toán cho Bên A tương ứng với giá trị số lượng hàng giao ghi trong mỗi hóa đơn trong vòng [số ngày] ngày kể từ ngày cuối của tháng Bên B đặt hàng.

- Giới hạn mức nợ: Bên B được nợ tối đa là [Số tiền] bao gồm giá trị các đơn đặt hàng trước đang tồn đọng cộng với giá trị của đơn đặt hàng mới. Bên A chỉ giao hàng khi Bên B thanh toán cho bên A sao cho tổng số nợ tồn và giá trị đặt hàng mới nằm trong mức nợ được giới hạn.

- Thời điểm thanh toán được tính là ngày Bên A nhận được tiền, không phân biệt cách thức chi trả. Nếu trả làm nhiều lần cho một hóa đơn thì thời điểm được tính là lúc thanh toán cho lần cuối cùng.

- Số tiền chậm trả ngoài thời gian đã quy định, phải chịu lãi theo mức lãi suất cho vay của ngân hàng trong cùng thời điểm. Nếu việc chậm trả kéo dài hơn 3 tháng thì bên B phải chịu thêm lãi suất quá hạn của ngân hàng cho số tiền chậm trả và thời gian vượt quá 3 tháng.

- Trong trường hợp cần thiết, Bên A có thể yêu cầu Bên B thế chấp tài sản mà Bên B có quyền sở hữu để bảo đảm cho việc thanh toán.

Thứ tư: Về  giá cả

Điều khoản về giá cả là một trong những điều khoản quan trọng trong hợp đồng đại lý, nếu không thỏa thuận cụ thể thì bên đại lý có thể bán phá giá gây thiệt hại cho bên giao đại lý. Ngoài ra bên đại lý cũng phải tiên liệu được khả năng tồn kho của hàng hóa là rất cao mà giá cả thị trường lại liên tục leo thang vì vậy sự chênh lệc giá trị tồn kho so với giá trị của thị trường là rất lớn. Chính vì vậy phải có những thỏa thuận làm sao có lợi nhất cho mình. Công ty X có thể thỏa thuận như sau:

- Các sản phẩm cung cấp cho Bên B được tính theo giá bán sỉ, do Bên A công bố thống nhất trong khu vực.

- Giá cung cấp này có thể thay đổi theo thời gian nhưng Bên A sẽ thông báo trước cho Bên B ít nhất là [số ngày] ngày. Bên A không chịu trách nhiệm về sự chênh lệch giá trị tồn kho do chênh lệch giá nếu có xảy ra.

- Tỷ lệ hoa hồng: Do hai bên thỏa thuận ( tùy từng loại mặt hàng và số lượng bán ra của bên đại lý )

Thứ năm: Thỏa thuận về vị trí độc quyền

Khi soạn thảo điều khoản này công ty X cũng phải chú ý nghiên cứu các văn bản pháp lý của luật Cạnh tranh, thỏa thuận sao cho không vi phạm luật Cạnh tranh  mà vẫn có thể triển khai ký thêm hợp đồng đại lý với các pháp nhân khác để tăng thêm khả năng tiêu thụ của mình. Công ty X có thể thỏa thuận như sau:

- Hợp đồng này không mang tính độc quyền trên khu vực.

- Bên A có thể triển khai ký thêm hợp đồng tổng đại lý với thể nhân khác nếu xét thấy cần thiết để tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa của mình.

- Bên A cũng có thể ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm trực tiếp cho các công trình trọng điểm bất cứ nơi nào.

Thứ sáu : Về bồi thường thiệt hại

Đây là điều khoản quan trọng của bất cứ hợp đồng nào, bên giao đại lý là công ty X phải dự liệu được những trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại . Những căn cứ này càng rõ ràng càng tốt để khi phát sinh những trường hợp bồi thường thiệt hại thì bên công ty X chỉ việc căn cứ vào những điều khoản này trong hợp đồng để quy trách nhiệm bồi thường cho bên nhận đại lý. Công ty X có thể thỏa thuận như sau:

1. Bên B phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Bên A giá trị thiệt hại do mình gây ra ở các trường hợp sau:

- Bên B yêu cầu đơn đặt hàng đặc biệt, Bên A đã sản xuất nhưng sau đó Bên B hủy bỏ đơn đặt hàng đó.

-  Bên B hủy đơn đặt hàng khi Bên A trên đường giao hàng đến Bên B.

2. Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, bên nào muốn chấm dứt hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho bên kia( nếu có).

Trường hợp bên B không bán đủ số lượng tối thiểu mà bên A yêu cầu trong vòng 6 tháng liên tục thì bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại.

Thứ bảy: Trách nhiệm đối với bên thứ ba

Đây là điều khoản rất quan trọng của hợp đồng, bên giao đại lý là công ty X phải dự liệu được những trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra đối với khách hàng. Điều khoản này làm rõ trách nhiệm bồi thường thuộc về ai khi có thiệt hại xảy ra đối với bên thứ ba. Công ty X có thể thỏa thuận như sau:

1. Bên A chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra đối với khách hàng trong trường hợp thiệt hại đó do hàng hóa do bên A cung cấp không đảm bảo chất lượng và không có lỗi của bên B. 

2. Bên A chịu trách nhiệm bồi thường một phần thiệt hại xảy ra cho khách hàng trong trường hợp thiệt hại xảy ra cho khách hàng không hoàn toàn do lỗi của bên B gây ra.

3. Bên B phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra cho khách hàng trong trường hợp: Khách hàng mua phải hàng hóa bị hư hỏng mà việc để hang hóa bị hỏng do lỗi của bên B gây ra hoặc do hàng hóa không phải do bên A cung cấp.

2. Sau 3 năm thực hiện hợp đồng, công ty Y nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng của công ty X. Công ty Y yêu cầu công ty X phải bồi thường cho mình 3 tỷ vì công ty X đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Hãy bình luận về vụ việc trên?

Hợp đồng đại lý thương mại chấm dứt trong các trường hợp do các bên thỏa thuận và trong những trường hợp sau: (i) hợp đồng đã được thực hiện xong, hết thời han hiệu lực; (ii) một trong các bên tham gia hợp đồng chết, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tư cách thương nhân; (iii) hợp đồng đại lý bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Hợp đồng đại lý là một loại hợp đồng dịch vụ nên theo quy định tại Điều 525 Bộ luật Dân sự, các bên tham gia hợp đồng đại lý có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý trong những trường hợp sau: (i) việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không có lợi cho bên giao đại lý thì bên giao đại lý có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng; (ii) Bên giao đại lý không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng theo thỏa thuận thì bên đại lý có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Theo Điều 177 Luật Thương mại thì các bên có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý và chỉ cần thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý quy định tại điều này chứ không phải chỉ trong các trường hợp quy định tại Điều 525 Bộ luật Dân sự.

Điều 177 Luật Thương mại năm 2005 quy định về thời hạn đại lý như sau:

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó. 

Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.

3. Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.

Dựa vào quy định của quy định trên, trong tình huống trên ta có thể chia làm hai trường hợp:

Trường hợp 1: Công ty X và công ty Y nếu không có thỏa thuận gì khác về bồi thường thiệt hại thì công ty X sẽ phải bồi thường thiệt hại cho công ty Y. Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên công ty Y làm đại lý cho bên công ty X. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý. Công ty X sẽ bồi thường hợp lý theo quy định của pháp luật, việc công ty Y yêu cầu bồi thường 3 tỷ đồng thì công ty X phải xem xét tính toán lại khoản bồi thường mà công ty Y yêu cầu.

Trường hợp 2: Nếu công ty X và công ty Y có điều khoản thỏa thuận trong những trường hợp cụ thể công ty X có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại thì công ty X không phải bồi thường thiệt hại cho công ty Y.

KẾT LUẬN

Qua việc giải quyết tình huống trên ta có thể hiểu thêm về hợp đồng đại lý. Khi giao kết hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa, các bên có thể thỏa thuận và ghi vào trong hợp đồng các điều khoản: Hàng hóa hoặc dịch vụ đại lý; hình thức đại lý; thù lao đại lý; thời hạn của hợp đồng đại lý; quyền và nghĩa vụ của các bên. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận và ghi vào văn bản hợp đồng những nội dung khác như biện pháp bảo đảm hợp đồng, chế độ bảo hành đối với hàng hóa đại lý…Các công ty muốn giao kết hợp đồng đại lý thì phải tìm hiểu về hợp đồng đại lý để có thể giao kết sao cho có lợi nhất cho mình.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Thương mại tập 2 – trường đại học Luật Hà Nội – NXB Công an nhân dân
2. Luật Thương mại năm 2005
3. Giáo trình một số hợp đồng đặc thù trong hoạt động thương mại và kỹ năng đàm phán, soạn thảo – Trường đại học Luật Hà Nội – NXB Công an nhân dân

4. Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật – Học viện tư pháp – NXB Công an nhân dân

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment