15/06/2014
Đấu giá hàng hóa - Bài tập học kỳ Luật Thương mại 2
Xem thêm: Tổng hợp bài tập Luật Thương mại 2 có đáp án.

Bán đấu giá đã có mặt ở Việt Nam từ khá lâu nhưng bán đấu giá hàng hóa với tính chất là hành vi thương mại của thương nhân thì mới được ghi nhận trong pháp luật những năm gần đây. Từ khi bộ luật dân sự năm 2005 và luật thương mại năm 2005 có hiệu lực đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho hoạt động đấu giá hàng hóa. Đấu giá hàng hóa đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong các hoạt động thương mại và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. 

B.Giải quyết vấn đề : 

1.Khái quát về đấu giá hàng hóa. 

1.1 Khái niệm đấu giá hàng hóa 


Theo qui định tại điều 185 Bộ luật thương mại năm 2005 thì : “Đấu giá hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hoá công khai để chọn người mua trả giá cao nhất”. Có thể nói đấu giá hàng hóa là phương thức để bên bán xác định người mua hàng. Căn cứ vào chủ thể và mục đích của đấu giá mà hoạt động đấu giá có thể chia thành : Đấu giá hàng hóa trong dân sự và đấu giá hàng hóa ( là hoạt động thượng mại của thương nhân ). Đối tượng của bán đấu giá hàng hóa là hàng hóa thương mại được phép lưu thông trên thị trường. Đấu giá hàng hóa là một hình thức công khai, mà ở đó tất cả những người tham gia có quyền cạnh tranh bình đẳng để mua hàng hóa. Đấu giá hàng hóan có tính chất đặc thù thể hiện ở chỗ chỉ có một người bán hàng hóa nhưng có nhiều người tham gia mua hàng hóa. Những người tham gia mua hàng hóa đều có quyền hỏi đáp thắc mắc, có quyền xem xét hàng hóa về chất lượng mặt hàng. Khi mà tất cả mọi người tham gia mua hàng hóa, họ đều muốn mua hàng hóa đó thì không còn cách nào khác là họ phải cạnh tranh nhau về giá cả, ai là người trả giá cao nhất, người đó sẽ mua được hàng hóa. Thị trường hàng hóa đấu giá là của người bán, người mua phải cạnh tranh nhau để mua được hàng hóa. 


1.2 Đặc điểm đấu giá hàng hóa 

Trong quan hệ thương mại, đấu giá hàng hóa có những đặc điểm chung của một hoạt động thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm chung đó, đấu giá hàng hóa còn có những nét đặc thù so với các hoạt động thương mại khác được thể hiện ở các đặc điểm sau : 

Thứ nhất, đấu giá hàng hóa là một phương thức bán hàng đặc biệt. Trong quan hệ đấu giá hàng hóa, người có hàng hóa có thể tự mình tổ chức bán đấu giá hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ đấu giá tổ chức việc đấu giá hàng hóa. Bên bán là chủ sở hữu của hàng hóa hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền hoặc là người có trách nhiệm, lợi ích liên quan đến hàng hóa đấu giá. Bên mua là những tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua hàng hóa và đáp ứng các điều kiện theo qui định của pháp luật để tham gia trả giá. Người làm dịch vụ bán đấu giá là những tổ chức được người bán hàng hóa ủy quyền tiến hành việc bán đấu giá. 

Thứ hai, đối tượng của bán đấu giá có thể là những hàng hóa thương mại thông thường, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của việc bán hàng theo phương thức này mà không phải hàng hóa nào cũng được các chủ sở hữu quyết định bán bằng phương pháp đấu giá. Chính vì vậy, hầu hết chỉ những hàng hóa có đặc thù về giá trị cũng như giá trị sử dụng mới thường được cân nhắc để lựa chọn bán theo phương thức đấu giá. Những loại hàng hóa này rất khó xác định giá trị thực của nó như các loại hàng hóa khác. Do vậy người bán chỉ đưa ra một mức giá cơ sở để người mua tham khảo (giá khởi điểm) , còn giá bán thực tế do những người tham dự cuộc bán đấu giá xác định trên cơ sở có sự cạnh tranh. Giá bán thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá mà người bán đưa ra ban đầu. 

Thứ ba, hình thức pháp lí của quan hệ bán đấu giá có thể được thiết lập dưới dạng rất đặc biệt là hợp đồng ủy quyền bán đấu giá và văn bản bán đấu giá hàng hóa. Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá được xác lạp giữa người bán hàng và người làm dịch vụ bán đấu giá. Nó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ủy quyền bán đấu giá hàng hóa. Còn văn bản bán đấu giá thực chất là hợp đồng mua bán hàng hóa, được xác lập giữa các bên liên quan. Văn bản này là cơ sở pháp lý để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán hàng hóa đồng thời là căn cứ để xác lập quyền sở hữu của người mua hàng đối với hàng hóa bán đấu giá. So với các phương thức bán hàng khác, bán đấu giá hàng hóa đem lại lợi ích cho cả người bán hàng và người mua hàng. Nó tạo cơ hội bình đẳng cho những người mua hàng cùng tham gia trả giá, qua đó xác định được một mức giá cạnh tranh có lợi nhất cho người bán hàng. Nhờ việc tổ chức đấu giá mà hàng hóa đem bán sẽ đến tay những người mua có tiềm năng và hiểu đúng giá trị của chúng nhất. Bán đấu gia còn tập trung được cung và cầu về các loại hàng hóa vào một thời gian và một địa điểm nhất định, giúp cho việc xác lập quan hệ mua bán diễn ra nhanh chóng. Nếu hình thành được những thị trường bán đấu giá chuyên nghiệp thì sẽ là động lực rất tốt để thúc đẩy quan hẹ trao đổi thương mại phát triển, nhất là với các quốc gia có những mặt hàng thế mạnh của mình. 

1.3 Vai trò của bán đấu giá : 

Đấu giá hàng hóa đảm bảo tính khách quan, trung thực trong mua bán hàng hóa đặc biệt là trong vấn đề giá cả. Giá cả thể hiện chất lượng hàng hóa bán đấu giá và khả năng tài chính của của người mua được hàng hóa đấu giá Bán đấu giá hàng hóa thực hiện một cách công khai, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, ngăn ngừa được những hành vi tiêu cực gây thiệt hại cho người bán hàng, người mua hàng và các chủ thể khác có liên quan. Khi người bán hàng hóa đem hàng hóa ra bán đấu giá thì cơ hội để họ bán được hàng hóa với giá rất cao so với việc đem ra bán thông thường. Bán đấu giá hàng hóa giúp cho việc mua bán diễn ra nhanh chóng, nó tập trung được quan hệ cung cầu về một loại hàng hóa nào đó vào một thời gian và địa điểm nhất định. Do vậy cơ hội để bán được hàng hóa cho người muốn mua là rất cao, tạo được sự cạnh tranh về giá cả, nâng cao giá trị hàng hóa đó. Bán đấu giá hàng hóa thì mang tính tự nguyện cao của người mua do người mua hàng hóa là người quyết định giá cả đặt mua, giá của hàng hóa sẽ là giá của người mua cho là thích hợp. Ngoài ra bán đấu giá hàng hóa còn đảm bảo lợi ích cho các chủ thể khác có liên quan như người nhận cầm cố, nhận thế chấp, nhận bảo lãnh. 

2. Nội dung pháp lý cơ bản về đấu giá hàng hóa 

2.1 Các nguyên tắc đấu giá hàng hóa:

Giống như đấu thầu, việc tổ chức bán đấu giá hàng hóa cũng phải tuân theo những nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo sự canh tranh công bằng và tính trung thực của cuộc bán đấu giá. Điều 188 Luật thương mại năm 2005 quy định việc đấu giá hàng hóa trong thương mại phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, trung thực, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. 

2.1.1 Nguyên tắc công khai : 

Đấu giá là hình thức công khai lựa chọn người mua hàng hóa nên mọi vấn đề có liên quan đến cuộc bán đấu giá và những thông tin về hàng hóa bán đấu giá phải được công khai cho tất cả những ai muốn mua dưới các hình thức như niêm yết, thông báo, trưng bày, giới thiệu về tài sản… Những nội dung bắt buộc phải công khai như địa điểm, thời gian tiến hành, tên loại hàng hóa ,,,, Tại phiên đấu giá, người điều hành bán đấu giá phải công khai các mức giá được trả và họ tên người mua trả giá cao nhất mỗi lần trả … Pháp luật có qui định như vậy để tránh tình trạng móc ngoặc giữa khách hàng mua hàng hóa bán đấu giá và người điều hành cuộc bán đấu giá. Nguyên tắc công khai đảm bảo cho phiên đấu giá được diễn ra trôi chảy, đảm bảo tính chân thực khách quan, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. 

2.1.2. Nguyên tắc trung thực : 

Các thông tin về cuộc bán đấu giá và thông tin về hàng hóa, các giấy tờ có liên quan đến hàng hóa bán đấu giá, những đặc điểm khuyết tật không nhìn thấy của hàng hóa, các giấy tờ xác định tư cách người tham gia đấu giá phải thật rõ ràng, chính xác và đầy đủ dể không tạo ra sự nhầm lẫn hay lừa dối đối với các bên, sự nhầm lẫn hay lừa dối đó sẽ làm cho cuộc đấu giá vô hiệu. Người bán cần phải trung thực khi xác định giá khởi điểm của hàng hóa. Không nên đưa ra mức khởi điểm quá cao so với giá trị thực của hàng hóa sẽ làm cho người mua bị thiệt. Người mua có quyền trả lại hàng hóa cho tổ chức bán đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chất lượng của hàng hóa không đúng như thông báo. Tổ chức bán đấu giá không phải chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng hàng hóa bán đấu giá trừ trường hợp không thông tin đầy đủ cho người mua. Yêu cầu về tính trung thực còn thể hiện ở việc pháp luật qui định những người có thân phận pháp lý hay hoàn cảnh đặc biệt mà sự tham dự của họ có ảnh hưởng đến sự trung thực của cuộc bán đấu giá thì không được tham gia trả giá. Nguyên tắc này đòi hỏi các chủ thể tham gia quan hệ đấu giá hàng hóa phải tuân theo, và nó đảm bảo cho khách hàng có sự yên tâm về hàng hóa mà mình đã lựa chọn. 

2.1.3. Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. 

Quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia trong quan hệ đấu giá hàng hóa đều phải được coi trọng và bảo đảm đầy đủ. Người bán hàng có quyền xác định giá khởi điểm của hàng hóa, có quyền yêu cầu tổ chức bán đấu giá thanh toán đầy đủ tiền bán hàng hóa ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, được bòi thường thiệt hại nếu tổ chức bán đấu giá hoặc bên mua có hành vi xâm hại đến lợi ích của mình. Người mua hàng có quyền xem hàng hóa, yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, được tự đặt giá, được xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa sau khi hoàn thành văn bản đấu giá và họ đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán. Tổ chức bán đấu giá được thu của người bán hàng lệ phi và các khoản chi phí cần thiết khác cho việc tổ chức bán đấu giá theo qui định của pháp luật 

2.2 Các hình thức đấu giá hàng hóa : Hình thức bán đấu giá hàng hóa được hiểu là cách thức để tiến hành một cuộc bán đấu giá. Đấu giá hàng hóa là một quy trình phức tạp. Quy trình này có thể tiến hành theo nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào đối tượng hàng hóa, mục đích và điều kiện tổ chức cuộc bán đấu giá. Có thể chia các hình thức đấu giá như sau : 

- Căn cứ vào phương pháp xác định giá, có đấu giá theo phương pháp nâng giá và đấu giá theo phương pháp hạ giá. Đấu giá theo phương pháp nâng giá là hình thức mà tại cuộc bán đấu giá, nhân viên điều hành bán đấu giá nêu lên giá khởi điểm thấp nhất của lô hàng hay tài sản bán đấu giá. Sau đó những người mua sẽ trả giá nâng dần lên theo từng mức mặc cả nhất định. Người trả giá cao nhất theo kết luận của nhân viên điều hành đấu giá sẽ được quyền mua lô hàng hoặc tài sản đó. Hình thức này được áp dụng phổ biến nhất trong các cuộc bán đấu giá vì nó có lợi cho cả bên mua và bên bán. Bên mua được chủ động đề xướng giá đặt mua nên quan hệ mua bán mang tính tự nguyện rất cao. Còn bên bán thường được lợi về giá cả vì luôn có sự trả giá cao hơn giá khởi điểm mà mình đưa ra. Đấu giá theo phương pháp hạ giá là hình thức mà tại cuộc bán đấu giá nhân viên điều hành đấu giá nêu lên mức giá khởi điểm cao nhất, rồi sau đó hạ dần từng nấc một để người mua đặt giá. Nếu không có người mua nào đặt giá thì lại hạ tiếp xuống mức thấp hơn. Cứ như thế cho đến khi có người chấp nhận mua ở một mức giá nào đó thì hàng hóa được bán cho người đó. Hình thức này chỉ áp dụng chỉ áp dụng đối với một số loại hàng hóa mà nó không hấp dẫn với cả người mua lẫn người bán. Người mua do tâm lý luôn lo sợ để tuột mất cơ hội mua hàng vào tay người khác nên vội vàng chấp nhận mức giá mà chưa chắc đã hợp lý. Còn người bán thì cũng không được cảm thấy thỏa mãn về giá cả vì giá cả rất ít khi có người mua nào chấp nhận ngay mức giá khởi điểm. 

- Căn cứ vào hình thức biểu đạt trong cuộc bán đấu giá, có đấu giá dùng lời nói và đấu giá không dùng lời nói. Đấu giá dùng lời nói là hình thức trong phiên bán đấu giá, nhân viên điều hành đấu giá dùng lời nói của mình để đưa ra giá khởi điểm. Những người mua sẽ đặt giá cũng bằng lời nói hoặc bằng việc làm dấu hiệu để người điều hành đấu giá biết. Hình thức đấu giá bằng lời nói có ưu điểm là sự trả giá của mọi người mua đều công khai, người trả giá cao nhất được xác định ngay mà không phải mất nhiều thời gian để so sánh, vì thế cuộc đấu giá nhanh chóng kết thúc. Đấu giá không dùng lời nói là hình thức mà việc trả giá của người mua không được thể hiện bằng lời nói hoặc việc làm dấu hiệu mà được viết ra giấy hoặc thông qua một hình thức nào đó sẽ thông báo cho nhân viên điều hành đấu giá biết. Nhân viên điều hành sẽ thông báo mức giá cao nhất qua mỗi lần trả giá trên cơ sở so sánh các mức giá chấp nhận mà họ được thông báo. Việc đấu giá kéo dài cho tới lần trả giá mà không có ai trả cao hơn giá đã trả cao nhất của lần trả tiền trước đó. Tuy thủ tục có phức tạp và làm mất nhiều thời gian hơn nhưng hình thức này hạn chế được tình trạng chạy đua giữa những người mua nâng giá lên cao một cách quá đáng so với giá trị thực của hàng hóa, vì mỗi người mua sẽ không biết mức giá mà người mua khác trả trong mỗi lần trả giá. Luật thương mại năm 2005 thì việc đấu giá hàng hóa được thực hiện theo một trong hai phương thức là phương thức trả giá lên hoặc phương thức đặt giá xuống. 

3. Thủ tục đấu giá hàng hóa 

3.1 Lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa. 

Đấu giá hàng hóa có thể được thực hiện bởi chính chủ sở hữu hàng hóa hoặc thông qua một người bán hàng. Trong những trường hợp này, các chủ thể tự tiến hành đấu giá hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về công việc này. Tuy nhiên do tính chất khá phức tạp của việc tổ chức một cuộc bán đấu giá, hơn nữa do tính đặc thù của hàng hóa mà sự thành công hay thất bại của một cuộc bán đấu giá hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào cách thức tổ chức bán đấu giá. Chính vì vậy, hầu hết các chủ sở hữu hàng hóa, khi đã lựa chọn bán hàng bằng phương thức đấu giá thì cũng lựa chọn cho mình một người trung gian. Đối với các trường hợp bán đấu giá hàng hóa thông qua người trung gian thì việc lập hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa là thủ tục đầu tiên trong trình tự bán đấu giá hàng hóa. Người bán đấu giá chỉ được quyền tiến hành bán đấu giá sau khi có sự ủy quyền của người bán hàng hóa bằng một hợp đồng có hiệu lực pháp luật. 

3.2 Xác định giá khởi điểm : 

Việc xác định mức giá khởi điểm đã được qui định tại điều 194 Luật thương mại năm 2005 : Giá khởi điểm của hàng hóa do người bán hàng xác định với sự tham gia của đại diện tổ chức bán đấu giá. Giá khởi điểm cũng có thể do người bán đấu giá xác định nếu được người bán ủy quyền nhưng phải thông báo cho người bán hàng hóa trước khi được công bố cho người mua. Trường hợp hàng hoá đấu giá là đối tượng cầm cố, thế chấp thì người nhận cầm cố, thế chấp phải thoả thuận với người cầm cố, thế chấp xác định giá khởi điểm. Trường hợp trong hợp đồng cầm cố, thế chấp có thoả thuận về việc bán đấu giá mà người cầm cố, thế chấp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc từ chối giao kết hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá thì giá khởi điểm do người nhận cầm cố, thế chấp xác định. Pháp luật qui định xác định mức giá khởi điểm là rất quan trọng, mức giá khởi điểm phải phù hợp với giá trị thực tế của hàng hóa, không nên xác định mức giá khởi điểm quá cao hay quá thấp. 

3.3 Chuẩn bị bán đấu giá hàng hóa : 

Người bán hàng hóa hoặc người tổ chức bán đấu giá phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị cần thiết để tổ chức thành công cuộc bán đấu giá, bao gồm các công việc chính sau : 

Niêm yết, công khai việc bán đấu giá : Nội dung của niêm yết, công khai việc bán đấu giá đã được qui định cụ thể tại điều 197 Luật thương mại năm 2005 bao gồm : Thời gian, địa điểm đấu giá; tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá; tên, địa chỉ của người bán hàng; danh mục hàng hoá, số lượng, chất lượng hàng hóa; giá khởi điểm; thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá; địa điểm, thời gian trưng bày hàng hoá; địa điểm, thời gian tham khảo hồ sơ hàng hoá; địa điểm, thời gian đăng ký mua hàng hoá. Việc qui định như vậy giúp các thông tin về cuộc bán đấu giá được lan tỏa phổ biến ra bên ngoài một cách nhanh chóng và các khách hàng có nhu cầu mua sẽ biết được thông tin và giúp cuộc bán đấu giá thực hiện thành công.

Đăng ký mua hàng hóa bán đấu giá và đặt cọc : Luật thương mại năm 2005 tại điều 199 qui định : Người tổ chức đấu giá có thể yêu cầu người muốn tham gia đấu giá phải đăng ký tham gia trước khi bán đấu giá. Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi những hàng hóa là bất động sản hoặc động sản có giá trị tương đối lớn thì việc đăng ký người mua là cần thiết để tổ chức bán đấu giá nắm được số lượng cũng như tư cách của những người sẽ tham gia đấu giá để có những điều chỉnh thích hợp và kịp thời trước khi cuộc đấu giá diễn ra. Ngoài ra, tại điều 199 còn qui định : Người tổ chức đấu giá có thể yêu cầu người tham gia đấu giá nộp một khoản tiền đặt trước, nhưng không quá 2% giá khởi điểm của hàng hoá được đấu giá. Trường hợp người tham gia đấu giá mua được hàng hoá bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua, nếu không mua được thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người đã nộp khoản tiền đặt trước đó ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc. Trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá đã nộp một khoản tiền đặt trước nhưng sau đó không dự cuộc đấu giá thì người tổ chức đấu giá có quyền thu khoản tiền đặt trước đó. 

Trưng bày, xem hàng hóa bán đấu giá : Tại điều 200 Luật thương mại năm 2005 qui định : Hàng hoá, mẫu hàng hoá, tài liệu giới thiệu về hàng hoá và các thông tin cần thiết khác về hàng hoá đó phải được trưng bày tại địa điểm được thông báo từ khi niêm yết. Việc trưng bày, xem hàng hóa nhằm tạo điều kiện để người tham gia đấu giá có dịp tận mắt xem hàng hóa và hồ sơ gốc của hàng hóa bán đấu giá, giúp cho họ an tâm về chất lượng và tính hợp pháp của hàng hóa để có những quyết đinh đúng đắn khi tham gia đấu giá. 

3.4 Tiến hành bán đấu giá : 

Cuộc bán đấu giá hàng hóa có thể được tổ chức công khai tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá hoặc tại nơi có tài sản bán đấu giá để những người muốn mua đến tham dự và trả giá. Theo điều 201 Luật thương mại năm 2005 người điều hành bán đấu giá tiến hành theo trình tự sau : 

+ Điểm danh người đã đăng ký tham gia đấu giá hàng hoá; 
+ Giới thiệu từng hàng hoá bán đấu giá, nhắc lại giá khởi điểm, trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá và yêu cầu người tham gia đấu giá trả giá 
+ Xác định người trả giá hợp lệ để trở thành người mua hàng hóa 
+ Trường hợp có nhiều người đồng thời trả mức giá cuối cùng đối với phương thức trả giá lên hoặc mức giá đầu tiên đối với phương thức đặt giá xuống, người điều hành đấu giá phải tổ chức rút thăm giữa những người đó và công bố người rút trúng thăm được mua là người mua hàng hoá bán đấu giá; 
+ Lập văn bản bán đấu giá hàng hóa ngay tại cuộc đấu giá kể cả trong trường hợp đấu giá không thành. Tổ chức bán đấu giá và người bán hàng hóa có thể thỏa thuận tổ chức bán đấu giá lần thứ hai hoặc các lần tiếp theo. Các lần bán đấu giá sau cũng được tiến hành theo thủ tục như đối với lần bán đầu tiên. 

3.5 Hoàn thành văn bản đấu giá hàng hóa : 

Văn bản đấu giá hàng hóa được lập ngay tại cuộc bán đấu giá kể cả trường hợp đấu giá không thành. Văn bản này ghi rõ kết quả phiên đấu giá, có chữ ký của người điều hành bán đấu giá, người mua hàng hóa và hai người chứng kiến được mời trong số những người tham gia đấu giá. Theo qui định tại điều 203 Luật thương mại năm 2005 thì văn bản đấu giá bao gồm các nội dung sau : 

- Tên, địa chỉ của người tổ chức đấu giá; 
- Tên, địa chỉ của người điều hành đấu giá; 
- Tên, địa chỉ của người bán hàng; 
- Tên, địa chỉ của người mua hàng; 
- Thời gian, địa điểm đấu giá; 
- Hàng hoá bán đấu giá; 
- Giá đã bán; 
- Tên, địa chỉ của hai người chứng kiến. 

Về thời hạn, địa điểm, phương thức thanh toán tiền mua hàng hóa, về nguyên tắc là do tổ chức bán đấu giá và người mua hàng hóa thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì người mua phải thanh toán đủ một lần toàn bộ số tiền mua hàng hóa tại trụ sở kinh doanh của tổ chức bán đấu giá ngay sau khi nhận hàng hóa, hàng hóa được giao ngay sau khi lập văn bản đấu giá hoặc sau khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua, địa điểm giao hàng hóa bán đấu giá là nơi có hàng hóa hoặc nơi bán đấu giá hàng hóa nếu hàng hóa là động sản trong trường hợp không có thỏa thuận khác giữa tổ chức bán đấu giá và người mua hàng hóa. 

4. Thực trạng và hoàn thiện pháp luật về bán đấu giá hàng hóa 

4.1 Thực trạng :

Áp dụng pháp luật về bán đấu giá hàng hóa vào nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề phát sinh trong quá trinh thực hiện chưa được giải quyết làm cho hiệu quả của hoạt động bán đấu giá hàng hóa chưa cao. Một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa còn chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với hàng hóa đã bán đấu giá mà pháp luật qui định phải đăng ký. 

Các tranh chấp, khiếu nại quyền lợi của các bên tham gia đấu giá hàng hóa trong nhiều trường hợp chưa được quan tâm giải quyết nhanh chóng và thích đáng làm cho các chủ thể tham gia mất lòng tin, và không thu hút được nhiều người. Một số qui định trong pháp luật về đấu giá tài sản còn chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc áp dụng đã làm giảm hiệu quả của đấu giá hàng hóa. Ngoài ra còn một số qui định còn nhiều lỗ hổng tạo cơ hội cho sự móc ngoặc giữa người bán hàng, người tổ chức bán hàng đấu giá. Mặc dù tài sản tổ chức bán đấu giá thành công nhưng thời gian hoàn tất thủ giấy tờ liên quan đến chuyển dịch tài sản, nhất là giấy tờ sở hữu nhà ở, đất đai lại còn lâu. Do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như xây dựng, tài nguyên môi trường cũng như các cơ quan có liên quan khác như thi hành án, thuế…

4.2 Hoàn thiện :

Pháp luật về bán đấu giá hàng hóa còn những điểm hạn chế nhất định, để hoạt động bán đấu giá hàng hóa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước ta và nâng cao hiệu quả hoạt động thì cần hoàn thiện các vấn đề sau : 

- Pháp luật về bán đấu giá hàng hóa cần được hoàn thiện, sửa đổi để bán đấu giá hàng hóa thực hiện một cách hiệu quả và tập trung vào các nội dung như : Cần quy định thêm nguyên tắc trực tiếp nhằm đảm bảo cho cuộc bán đấu giá được diễn ra nhanh chóng, khách quan. Làm cho cuộc bán đấu giá có sự cạnh tranh trực tiếp trong việc trả giá mua bán hàng hóa trước sự chứng của người bán hàng hóa và tất cả những người muốn mua hàng hóa. 

- Cần quy định cách tính loại thời hạn trong đấu giá hàng hóa để khắc phục các vướng mắc có liên quan trong thực tế. 

- Quản lý nhà nước về bán đấu giá hàng hóa cần được phân cấp quản lý rõ ràng cụ thể hơn để chức năng, nhiệm vụ giưa cơ quan nhà nước không có sự chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau. 

- Thủ tục bán đấu giá hàng hóa cần có những sửa đổi bổ sung về thủ tục ký kết hợp đồng ủy quyền bán đấu giá hàng hóa để việc ký kết thuận lợi đảm bảo lợi ích của người có quyền. 

- Về qui định mức tiền đặt trước theo Luật thương mại là khá thấp cần nâng mức tiền đặt trước này lên để chống lại tình trạng những người tham gia bán đấu giá liên kết với nhau để dìm giá hoặc sẵn sàng chịu mất số tiền đặt trước khi từ chối mua với mục đích gây khó khăn cho người có quyền và lợi ích liên quan. 

- Việc chưa quy định thu lệ phí hồ sơ đấu giá dẫn đến nhiều trường hợp thông đồng dìm giá trong công tác đấu giá tài sản. Theo quy định hiện hành, việc thụ lý hồ sơ đăng ký đấu giá tài sản là không hạn chế và việc nộp hồ sơ đăng ký đấu giá không phải nộp tiền lệ phí mà người muốn mua tài sản chỉ phải đóng một khoản tiền đặt cọc nếu không mua được tài sản đấu giá thì khoản tiền đặt cọc này được trả lại cho người đã nộp (trừ trường hợp đấu giá trúng mà bỏ không mua tài sản thì mới không hoàn trả). Do không được thu lệ phí hồ sơ đấu giá tài sản nên đã tạo điều kiện cho các đối tượng "cò" đấu giá đăng ký số lượng người tham gia đấu giá "ảo" rất nhiều nhưng người thực sự muốn mua tài sản chỉ một vài người, còn lại là "cò" dìm giá để chia phần. Vì vậy cần quy định thêm thu lệ phí hồ sơ đấu giá. 

- Cần quy định thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đơn giản và nhanh chóng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển quyền đồng thời nâng cao hiệu lực của văn bản đấu giá hàng hóa. 

C. Kết luận: 

Hoạt động đấu giá hàng hóa trong thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế đất nước ta. Pháp luật về đấu giá hàng hóa đã được hoàn thiện và qui định khá rõ ràng để tạo điều kiện cho hoạt động đấu giá hàng hóa phát triển. Tuy nhiên vẫn có những bất cập và hạn chế trong quá trình hoạt động của đấu giá hàng hóa, do đó luôn phải hoàn thiện hơn nữa các qui định pháp luật để thích hợp với tình hình kinh tế hiện nay, và tạo điều kiện thuận lợi cho đấu giá hàng hóa phát triển.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment