04/05/2014
Bài tập học kỳ Tư tưởng Hồ Chí Minh - Phân tích quan điểm sáng tạo về cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh
I. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc:

Mục tiêu hàng đầu của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc chính là việc tập hợp được tất cả các lực lượng quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân và nông dân để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đi theo con đường cách mạng vô sản.

Với việc tiếp thu những tư tưởng, lý luận sắc bén của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã có những bước chuyển biến về chất trong tư tưởng của mình. Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp và từ một người con yêu nước thành một người cộng sản. 

Người đã vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của dân tộc để đưa ra những đường lối đúng đắn đối với cách mạng nước ta. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vai trò của việc đoàn kết với phong trào cách mạng quốc tế, không để chủ nghĩa tư bản có điều kiện cô lập phong trào giành độc lập và các cuộc cách mạng tư ở từng quốc gia, từng thuộc địa.


Với hàng loạt các tác phẩm như: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927), văn kiện Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình và Điều lệ vắn tắt của Đảng… đã đánh dấu sự hình thành cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam.


II. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc:

Do có không ít các quan điểm, những luồng ý kiến khác nhau về nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, em xin phép được nêu vắn tắt thành một hệ thống luận điểm sau đây:

1. Cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường cách mạng vô sản:

Từ đầu những năm 20 thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: Chủ nghĩa đế quốc là một con đỉa hai vòi, một vòi bám vào chính quốc, một vòi bám vào thuộc địa. Muốn đánh bại chủ nghĩa đế quốc, phải đồng thời cắt cả hai cái vòi của nó đi, tức là phải kết hợp cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; phải xem cách mạng ở thuộc địa như là "một trong những cái cánh của cách mạng vô sản"; mặt khác, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản.

2. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc chính là đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công – nông:

Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc là việc chung của dân chúng, vì vậy phải đoàn kết toàn dân, sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền, nhưng trong sự tập hợp đó, luôn phải nhớ: “Công nông là người chủ cách mệnh… Công nông là gốc cách mệnh”.

Như vậy, tổ chức chính trị có thể thực hiện việc quy tụ, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân là “Mặt trận dân tộc thống nhất” dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm tạo ra sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do; đấu tranh chống lại kẻ thù là bọn đế quốc và đại địa chủ phong kiến, tay sai.

3. Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc:

Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là một luận điểm mới và sáng tạo của Hồ Chí Minh. Trong phong trào cộng sản quốc tế lúc bấy giờ đã từng tồn tại quan điểm xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc trực tiếp vào thắng lợi của cách mạng vô sản chính quốc. Do nhận thức được thuộc địa là một khâu yếu trong hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, do đánh giá đúng đắn sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ngay từ năm 1924, Người đã sớm cho rằng cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước. Đây là một cống hiến rất quan trọng vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, đã được thắng lợi của cách mạng Việt Nam chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

4. Cách mạng giải phóng dân tộc được thực hiện bằng phương pháp cách mạng bạo lực, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang:

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng bạo lực là sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân để chống lại bạo lực phản cách mạng của bọn xâm lược cấu kết với những kẻ phản động. Người viết: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền. Tháng 5/1941, tại Hội nghị Trung Ương VIII, Người cũng đã đưa ra nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”.

Như vậy, qua sự tư duy của Hồ Chí Minh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối và phương pháp đấu tranh của cách mạng vô sản đã chuyển thành đường lối và phương pháp đấu tranh của cách mạng giải phóng dân tộc, phù hợp với thực tiễn đất nước ta; Người đã vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết của Lênin về cách mạng thuộc địa thành một hệ thống luận điểm mới mẻ, sáng tạo, trong đó bao gồm cả đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa.

III. Phân tích quan điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc:

1. Quan điểm trước đó của Quốc tế Cộng sản:

Từ năm 1919 đến năm 1928, Quốc tế Cộng sản vẫn luôn cho rằng: “Chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng các thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiên tiến”. Ý kiến này đã giảm tính chủ động, sáng tạo của cách mạng thuộc địa, làm cho phong trào cách mạng ở các nước rơi vào tình trạng thoái trào. 

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh:

Trong khi Quốc tế Cộng sản đánh giá thấp vị trí, vai trò của cách mạng thuộc địa trong mối quan hệ với cách mạng vô sản ở chính quốc, Nguyễn Ái Quốc lại đưa ra những quan điểm khác với quan điểm của Quốc tế Cộng sản. Người khẳng định: “…Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa… nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa…”, và nếu khinh thường cách mạng ở thuộc địa tức là “…muốn đánh chết rắn đẳng đuôi”.

Người đã chỉ rõ cái sai của Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ và tìm ra được liều thuốc vực dậy cuộc cách mạng thuộc địa; Nguyễn Ái Quốc thẳng thắn phê bình những người cộng sản ở các nước tư bản đã coi nhẹ vấn đề thuộc địa và không thực hiện đúng di huấn của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; ngay cả những người lãnh đạo Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ cũng đặt cách mạng thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc phụ thuộc vào sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, coi phong trào giải phóng dân tộc là “hậu bị quân” của cách mạng vô sản ở chính quốc.

Vận dụng công thức của C.Mác, với nhận thức cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “… Công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Theo Người, tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản, đế quốc đều lấy ở các xứ thuộc địa. Người đã lấy hình ảnh con đỉa hai vòi để minh họa cho chủ nghĩa tư bản lúc bấy giờ với hai đầu hút máu ở chính quốc và thuộc địa. Khi đánh vào đầu ở chính quốc, nó sẽ tích cực hút máu ở thuộc địa làm cho sức sống của thuộc địa cạn kiệt, sức đấu tranh không còn, con đỉa bị đánh nhanh chóng hồi phục và quay lại chống cách mạng chính quốc, điều đó không những gây tổn thất cho phong trào chống cách mạng chính quốc mà còn khiến nó quen mùi, hút mạnh hơn ở thuộc địa.

Cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa là tất yếu. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng nhân dân thuộc địa đang tiềm ẩn một sức mạnh to lớn mà cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp thiết thân của họ, họ phải đứng lên tự giải phóng mà không thể dựa vào sự cầu viện ở bất cứ ai. Nếu được thức tỉnh thì nhân dân thuộc địa sẽ là một lực lượng khổng lồ có thể làm nên sự nghiệp cách mạng. 

Người cũng chỉ ra rằng, cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa cùng với các dân tộc cần đoàn kết để tiến hành một cuộc cách mạng triệt để. Một mặt tấn công ở chính quốc, đồng thời cũng tấn công ở thuộc địa, khi bị đau ở cả hai đầu, “con đỉa” ấy sẽ có xu hướng quay về giữ sân nhà của mình, tạo đà cho cuộc cách mạng thuộc địa giành thắng lợi. Sau khi mất nguồn sinh lực của mình, sức mạng của chủ nghĩa tư bản dần dần bị suy giảm, lúc ấy cách mạng ở chính quốc sẽ đặt dấu chấm hết cho chúng. Người khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, rồi sau đó giúp đỡ cho những người anh em của mình ở chính quốc trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn.

Suy luận sáng tạo của Hồ Chí Minh đã được Đại hội VII Quốc tế Cộng sản nhận ra và lập tức chuyển hướng chiến lược, kêu gọi: “Vô sản ở tất cả các nước và các dân tộc áp bức đoàn kết lại”, chủ động thực hiện cách mạng đấu tranh giành độc lập tự do của chính mình.

3. Lý giải cho sự hình thành tư tưởng sáng tạo của Hồ Chí Minh:

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có sức bật thuận lợi vì:

• Chính sách khai thác, bóc lột thuộc địa hết sức tàn bạo và dã man của chủ nghĩa đế quốc ở nhiều nơi đã đẩy nhan dân thuộc địa vào khó khưn, túng quẫn; Điều đó đã làm cho lòng căm thù, tức giận chủ nghĩa đế quốc tư bản trong nhân dân thuộc địa vô cùng sâu sắc.

• Tinh thần yêu nước chân chính của các dân tộc là một sức mạnh to lớn, một vũ khí tiềm ẩn của cách mạng giải phóng dân tộc. Sức mạnh đó nếu được giác ngộ và soi đường sẽ tạo thành một sức mạnh to lớn thật sự, có thể đánh đổ được chủ nghĩa tư bản.

• Hồ Chí Minh nhận thấy, thuộc địa là một khâu yếu nhất trong hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, còn chủ nghĩa yêu nước ở thời hiện đại đã thực sự trở thành động lực giải phóng dân tộc.

4. Lý giải cho sự sáng tạo của Hồ Chí Minh:

Có thể thấy rằng trong công cuộc giải phóng các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa thì quan điểm : Chỉ có thể giải phóng các thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiến tiến đã trở thành một tôn chỉ duy nhât, bất di bất dịch, bởi đó là quan điểm xuất phát từ tư tưởng Mác-Lênin. Nhưng đến Hồ Chí Minh, Người lại khẳng định có thể xảy ra điều ngược lại. Điều đó trước hết bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn của mỗi người. Không thể đi so sánh giữa Hồ Chí Minh và Mác-Lênin, nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng yếu tố thời đại có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của mỗi người.

Thời C.Mác và Ph. Ăngghen, hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa tư bản đã được mở rộng, nhưng cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc chưa phát triển mạnh, bởi vậy, theo các ông, vận mệnh loài người, tương lai của cách mạng giải phóng dân tộc vẫn phần lớn phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển.

Đến thời Lênin, cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản, nên ông cho rằng cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc cần phải liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa. Bởi vậy, thay thế cho khẩu hiệu thời C.Mác “Vô sản tất cả các nước liên hợp lại”, ông đưa ra khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Nhưng ông vẫn không nhận ra được cách mạng ở các nước thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh trên góc độ của người thuộc địa, góc độ của các dân tộc bị áp bức đã phê phán một cách có căn cứ và hết sức sâu sắc chủ nghĩa đế quốc và đã chỉ ra rằng sức sống của chủ nghĩa đế quốc một phần quan trọng nằm ở thuộc địa. Mặt khác, so với những bậc tiền bối đi trước, Người có điều kiện để đi nhiều nơi, từ Châu Á sang Châu Âu, tới Châu Phi nên người có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận cuộc sống ở những mảnh đất đó chứ không phải chỉ gói gọn trong mỗi Châu Âu và một phần Châu Á (nước Nga) như Lênin, Người nói: “Hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các nước thuộc địa hơn là ở chính quốc”. Đây là điều quan trọng mà Hồ Chí Minh bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ đó, Người viết: “CNTB là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra”. Bởi vậy, vừa phải tiến hành đồng thời cach mạng ở chính quốc và ở thuộc địa. Trên góc độ phê phán ấy, người đã nhìn ra được khả năng cách mạng của các nước thuộc địa và đi đến khẳng định rằng: cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.

5. Ý nghĩa của quan điểm sáng tạo về giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh:

• Giá trị lý luận: Đây là một cống hiến vô cùng quan trọng vào kho tàng lý luận Mác – Lênin

• Giá trị thực tiễn: Đây là quan điểm có ý nghĩa thực tiễn to lớn, giúp cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không thụ động, ỷ nại chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài mà luôn phát huy tính độc lập tự chủ, tự lực, tự cường. Nhờ đó mà cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi vĩ đại. Đồng thời nó cũng góp phần định hướng cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước khác trên thế giới trong thời kì bấy giờ. Thực tiễn cách mạng ở một số nước thuộc địa và cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng đây là một tư tưởng hoàn toàn đúng đắn.

Nếu muốn download không mất phí, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment