06/05/2014
Bài tập học kỳ Tư pháp quốc tế - Nguyên tắc không phân biệt đối xử
Nguyên tắc cơ bản của một ngành luật có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ đạo, định hướng và áp dụng vào toàn bộ các quá trình của cơ chế điều chỉnh pháp luật: xác lập và phát huy hiệu lực của các văn bản QPPL, xuất hiện các quyền và nghĩa vụ trong khuôn khổ mà các QPPL đã dự liệu và định rõ; thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ thể pháp luật cũng như trong quá trình áp dụng pháp luật… Đồng thời, nguyên tắc của một ngành luật còn có ý nghĩa như là tiêu chuẩn quan trọng nhất để xác định tính hợp pháp và hợp lí trong xử sự của các chủ thể, tác động mạnh mẽ tới ý thức pháp luật, văn hóa pháp lí và trật tự pháp luật.

Tương tự như trên, các nguyên tắc cơ bản của TPQT có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ đạo, định hướng và áp dụng vào toàn bộ các quá trình của cơ chế điều chỉnh của TPQT. Trong TPQT nói chung, TPQT Việt Nam nói riêng có rất nhiều nguyên tắc như: nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lí giữa các chế độ sở hữu khác nhau, nguyên tắc công nhận quyền miễn trừ của quốc gia… nhưng có một nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc không phân biệt đối xử. Nguyên tắc này có vai trò rất quan trọng trong TPQT, góp phần xóa bỏ các rào cản, loại bỏ sự phân biệt giữa các loại chủ thể khác nhau trong TPQT, thúc đẩy và mở rộng hợp tác giao lưu dân sự, từ đó đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các nước. Do đó, nguyên tắc không phân biệt đối xử được coi là nguyên tắc cơ bản và phổ biến trong TPQT Việt Nam.


1. Nguyên tắc không phân biệt đối xử (NT, MFN) là nguyên tắc cơ bản trong TPQT Việt Nam.

Nguyên tắc cơ bản của một ngành luật là những nguyên lí, những tư tưởng chỉ đạo cơ bản có tính chất xuất phát điểm, thể hiện tính toàn diện, linh hoạt và có tính bao quát, quyết định nội dung và hiệu lực của pháp luật. Nguyên tắc không phân biệt đối xử được thể hiện thông qua 2 nguyên tắc là nguyên tắc Đãi ngộ quốc gia (National treatment -NT) và nguyên tắc Tối huệ quốc (The most favoured nation treatment- MFN).

Hai thuật ngữ National treatment và The most favoured nation treatment xuất hiện khá sớm trong lịch sử NT ( thế kỉ XI); MFN (thế kỉ XVII) và hiện nay được áp dụng phổ biến trong TPQT của nhiều nước. 

Cơ sở pháp lí của 2 nguyên tắc này được quy định trong các ĐƯQT mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia ( Ví dụ như trong Hiệp định GATT 1994, trong các Hiệp định tương trợ tư pháp…) hoặc trong pháp luật quốc gia (như trong Hiến pháp1992, Bộ luật Dân sự 2005, Luật Hôn nhân gia đình 2000…). 

Nội dung cơ bản của nguyên tắc NT là việc một nước (nước sở tại) dành cho thể nhân, pháp nhân nước ngoài được hưởng các quyền dân sự và lao động cũng như thực hiện các nghĩa vụ ngang hoặc tương đương với những quyền và nghĩa vụ mà công dân nước sở tại đang và sẽ được hưởng trong tương lai. Không hoàn toàn giống với nguyên tắc NT, nội dung cơ bản của nguyên tắc MFN là thể nhân, pháp nhân nước ngoài được hưởng một chế độ mà nước sở tại dành cho thể nhân và pháp nhân nước ngoài của bất kì nước thứ 3 nào đang và sẽ được hưởng trong tương lai.

Việc áp dụng 2 nguyên tắc này có vai trò to lớn trong TPQT, tránh sự phân biệt đối xử, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các thể nhân và pháp nhân nước ngoài với nhau tại nước sở tại (MFN) hay giữa thể nhân, pháp nhân nước ngoài với thể nhân và pháp nhân của nước sở tại (NT). Đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nguyên tắc NT, MFN còn làm cho điều kiện cạnh tranh giữa các bạn hàng ngang bằng nhau, không có bất kì sự kì thị, phân biệt đối xử nào làm thúc đẩy quan hệ buôn bán giữa các nước.

Phạm vi áp dụng 2 nguyên tắc này thường không đồng nhất. Thông thường MFN chỉ áp dụng trong lĩnh vực quan hệ kinh tế, thương mại và hàng hải trong khi đó nguyên tắc NT được áp dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực thuộc đối tượng điều chỉnh của TPQT (các quan hệ dân sự, lao động, hôn nhân gia đình… có yếu tố nước ngoài). Tuy nhiên, việc áp dụng 2 nguyên tắc này cũng có các trường hợp ngoại lệ. Ví dụ như nguyên tắc NT, người nước ngoài tại Việt Nam có các quyền tương tư như công dân Việt Nam nhưng trong một số lĩnh vực thì người nước ngoài bị hạn chế một số quyền như: quyền tham gia bầu cử, quyền ứng cử, làm việc, học tập trong một số ngành nghề liên quan đến bí mật, an ninh quốc gia…Trong nguyên tắc MFN cũng có một số ngoại lệ (thường trong lĩnh vực thương mại quốc tế).

Trong quá trình giao lưu dân sự - kinh tế - thương mại quốc tế, có rất nhiều chủ thể tham gia. Các chủ thể này thường thực hiện hành vi của mình ở nước ngoài (giao kết hợp đồng, lao động, đăng kí kết hôn…). Khi họ đến nước sở tại, tại đây họ được đối xử bình đẳng như công dân, pháp nhân của nước sở tại cũng như công dân, pháp nhân của nước thứ 3 bất kì nào thì sẽ tạo điều kiện cho họ dễ dàng thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí của mình. Như vậy, bên cạnh việc chúng ta quy định cho họ các quyền mà họ được hưởng, chúng ta lại đối xử với họ bình đẳng như công dân, pháp nhân của nước ta cũng như công dân, pháp nhân của nước khác ở Việt Nam sẽ làm tiền đề, làm cơ sở để quy định cho họ các quyền và nghĩa vụ khác trên cơ sở quy định cá nguyên tắc khác. Chẳng hạn như đối với công dân thì vấn đề quan tâm đầu tiên là vấn đề về năng lực pháp luật dân sự của họ, từ đó
mới quan tâm đến địa vị pháp lí của họ. Theo đó, tại K2 Đ761 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định “Người nước ngoài có năng lực pháp luật dan sự tại Việt Nam như công dân Việt Nam, trù trường hợp pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác”. Như vậy, chỉ khi chúng ta quy định cho người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được hưởng chế độ không phân biệt đối xử (NT và MFN) thì khi đó chúng ta mới có nền tảng, cơ sở để quy định các nguyên tắc khác trong pháp luật cũng như trong lĩnh vực TPQT. Không những thế, chỉ khi chúng ta tôn trọng và thực hiện đầy đủ nội dung của nguyên tắc NT, MFN thì chúng ta mới dễ dàng thực hiện được các nguyên tắc khác trên thực tế. 

Tóm lại, nguyên tắc NT, MFN cũng là một trong những nguyên tắc của TPQT nhưng nguyên tắc NT, MFN làm nền tảng, làm cơ sở và tiền đề để xây dựng và thực hiện các nguyên tắc khác. Nhận thức được vấn đề đó, bên cạnh các ĐƯQT, ngay trong Hiến Pháp, chúng ta cũng đã có quy định: “Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam” (Đ81 Hiến pháp 1992). Như vậy bên cạnh việc pháp luật Việt Nam quy định cho họ phải thực hiện các nghĩa vụ thì chúng ta cũng quy định các quyền mà họ được hưởng tương tư như công dân Việt Nam. Quy định này được cụ thể hóa ở rất nhiều văn bản pháp luật như K2 Đ762BLDS 2005 “Người nước ngoài có năng lực pháp luật dan sự tại Việt Nam như công dân Việt Nam, trù trường hợp pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác”, hay như trong Luật Đầu tư 2005 tại K2 Đ19 có quy định: “tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công theo nguyên tắc không phân biệt đối xử”…

2. Nguyên tắc NT và MFN là nguyên tắc phổ biến trong TPQT Việt Nam.

Theo từ điển tiếng Việt thì “phổ biến” - là có tính chất chung, có thể áp dụng cho cả một tập hợp hiện tượng, sự vật, thường có, thường gặp ở nhiều nơi, nhiều người.

Trong lĩnh vực TPQT, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một đạo luật quy định riêng về tư pháp quốc tế. Do đó, các quy phạm của TPQT cũng như các nguyên tắc  của TPQT thường được thể hiện trong các văn bản pháp luật chuyên ngành của Việt Nam.

Nhìn chung, nguyên tắc NT được áp dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực thuộc đối tượng điều chỉnh của TPQT như dân sự, lao động, kinh tế - thương mại, hôn nhân gia đình và TTDS có yếu tố nước ngoài. Còn nguyên tắc MFN thường được áp dụng trong lĩnh vực thương mại, hàng hải. Quy định như vậy là phù hợp thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

Như đã nói, hai nguyên tắc này vừa được thể hiện trong pháp luật quốc gia (được ghi nhận trong các văn bản pháp luật chuyên ngành) lại vừa được ghi nhận trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã kí kết hoặc gia nhập (chủ yếu trong các Hiệp định tương trợ tư pháp). Trong pháp luật quốc gia, nguyên tắc NT được ghi nhận rất nhiều trong các văn bản pháp luật. Ví dụ như trong Bộ luật Dân sự 2005 (phần 7), Luật Hôn nhân gia đình 2000 (chương XI), Nghị định 68/2002, Nghị định 69/2006 hướng dẫn thi hành Luật HNGĐ về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Bộ luật TTDS 2004 (phần thứ 9)…

Với nguyên tắc NT, trong lĩnh vực dân sự. Về vấn đề xác định năng lực pháp luật dân sự của cà nhân là người nước ngoài, tại Đ761 K2 có quy định: “Người nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự tại Việt Nam như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác” hay tại Đ406 BL TTDS2004 có quy định: “khi tham gia tố tụng dân sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài có quyền, nghĩa vụ tố tụng như công dân, cơ quan, tổ chức của Việt Nam”. Cũng với nội dung tương tự tại K2 Đ133 Bộ luật lao động sửa đổi 2007 có quy định: “Người nước ngoài lao động tại Việt Nam được hưởng các quyền lợi và phải thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tê mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc tham gia có quy định khác”…

Như vậy, có thể nói, người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tham gia các quan hệ dân sự, lao động…thì về cơ bản là họ được hưởng các quyền và gánh vác các nghĩa vụ tương tự như công dân, pháp nhân của Việt Nam. Tuy nhiên nói nư vậy không có nghĩa là chế độ pháp lí của người nước ngoài, pháp
nhân nước ngoài hoàn toàn ngang bằng với chế độ pháp lí mà Việt Nam dành cho công dân, pháp nhân Việt Nam tại Việt Nam. Dù ở hoàn cảnh nào thì họ cũng không được hưởng đầy đủ tất cả các quyền mà nước Việt Nam dành cho công dân, pháp nhân của mình, đặc biệt là các quyền chính trị, ví dụ như quyền bầu cử, ứng cử, quyền được học tập và làm việc trong lực lượng vũ trang… 

Nội dung của nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các Điều ước quốc tê khác nhau. Chẳng hạn trong Hiệp định TTTP mà Việt Nam kí kết với các nước đều khẳng định rằng công dân của nước kí kết này được hưởng trên lãnh thổ nước kí kết kia sự bảo hộ pháp lí về các quyền nhân thân và tài sản mà nước kí kết kia đã dành cho công dân nước mình. Ví dụ trong Hiệp định TTTP Việt Nam – Liên Bang Nga, tại Điều 1 quy định: “Công dân của bên kí kết này được hưởng trên lãnh thổ của bên kí kết kia sự bảo vệ pháp lí đối với nhân thân và tài sản như công dân của bên kí kết kia”; nội dung này cũng được thể hiện ở Điều 1 các Hiệp định TTTP giữa Việt Nam - Mông cổ, Việt Nam – Lào…

Đối với nguyên tắc MFN, do chủ yếu được thể hiện trong lĩnh vực thương mại và hàng hải nên quy chế này thường được ghi nhận trong các Điều ước quốc tế ở các lĩnh vực này. Ví dụ, Điều 2 chương II Hiệp định thương mại Việt Nam –Hoa kì quy định: “Mỗi bên dành ngay lập tức và vô điều kiện cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự cảu bất kì nước nào khác” hoặc trong Điều II của Hiệp định GATS (Hiệp định chung về thương mại dịch vụ) có quy định: “Đối với bất kì biện pháp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này, mỗi thành viên phải ngay lập tức và không điều kiện dành cho địch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của bất kì Thành viên nào khác, sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Thành viên đó dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ tương tự của bất kì nước nào”.

Cùng với nguyên tắc NT, việc quy định nguyên tắc MFN trong TPQT cũng như trong thương mại quốc tế sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, không những thế, Việt Nam sẽ tạo ra được một môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài, giao dịch thương mại và mở rộng hợp tác kênh quốc tế. Do đó, để đạt được chế độ tối huệ quốc của một quốc gia khác, thông thường các quốc gia cũng như Việt Nam sử dụng 2 phương pháp: thông qua đàm phán song phương để kí kết các Hiệp định thương mại (như Hiệp định thương mại Viêt Mỹ) hoặc gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO. Ở thời điểm đầu 2005, Việt Nam đã kí kết các Hiệp định song phương với hơn 90 nước, trong đó có hơn 80 nước thỏa thuận về chế độ MFN. Khi chúng ta là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (1/1/2007) thì mặc nhiên Việt Nam được hưởng quy chế MFN của 149 thành viên khác của WTO cũng như Việt Nam sẽ phải dành quy chế MFN cho 149 nước đó mà không hề có bất kì sự phân biệt đối xử nào khi các nhà đầu tư của họ thực hiện thương mại, dịch vụ và đầu tư trên thị trường Việt Nam.

Như vậy, nếu quy chế (nguyên tắc) đãi ngộ quốc gia (NT) đặt ra yêu cầu không phân biệt đối xử trong quan hệ giữa người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài với công dân, thể nhân nước sở tại, thì quy chế (nguyên tắc) đãi ngộ tối huệ quốc (MFN) lại đặt ra yêu cầu không phân biệt đối xử trong quan hệ giữa người nước
ngoài, pháp nhân nước ngoài với nhau tại nước sở tại. Cả hai nguyên tắc này hiện nay đã có nhiều đổi mới về nội dung và phạm vi áp dụng, đặc biệt là trong quan hệ thương mại đa biên giữa các quốc gia theo các quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Việc Việt Nam quy định và áp dụng rộng rãi 2 nguyên tắc này trong hầu hết các lĩnh vực của TPQT một mặt đã khẳng định pháp luật Việt Nam đã coi nguyên tắc không phân biệt đối xử (NT và MFN) là hai nguyên tắc cơ bản, phổ biến có phạm vi áp dụng rộng rãi. Từ nhận thức đến việc quy định như vậy trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là rất cần thiết đối với nước ta – nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ như hiện nay.

3. Thực tiễn áp dụng hai nguyên tắc này ở Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của 2 nguyên tắc NT và MFN nên đối với Việt Nam, chúng ta đã ghi nhận rất rộng rãi và phổ biến 2 nguyên tắc này, trong cả Điều ước quốc tế mà chúng ta là thành viên cũng như văn bản pháp luật trong nước, không những thế chúng ta còn mạnh dạn áp dụng hai nguyên tắc này theo nguyên
tắc có đi có lại nếu trong lĩnh vực nào đó chúng ta không ghi nhận 2 nguyên tắc này. Chúng ta đã không ngừng đàm phán, kí kết và nghiên cứu ra nhập các Diều ước quốc tế. Bên cạnh các Hiệp định TTTP mà chúng ta đã kí kết với một số nước thì một loạt các Hiệp định thương mại song phương (tính đến đầu năm 2005, chúng ta đã kí kết với các nước gần 90 Hiệp định, trong đó có trên 80 hiệp định có quy định nguyên tắc NT); Hiệp định hợp tác đầu tư (hơn 40 Hiệp định – tính đến năm 2007).

Để giải quyết tốt các quan hệ dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình… có yếu tố nước ngoài, bảo đảm được quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cũng như thể hiện đường lối chính sách mở của của Việt Nam, bên cạnh các Hiệp định TTTP, chúng ta còn thể hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử trong các luật chuyên ngành. Xin lấy một ví dụ thực tế của Việt Nam trong những năm gần đây để hiểu thêm về hai nguyên tắc này.

Ví dụ 1. Theo bản án ngày 4/3/2004 của TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thì bà M (quốc tịch Việt Nam) và ông H (quốc tịch Đài Loan) kết hôn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 10/2001. Sau hơn 1 năm chung sống, hai vợ chồng có nhiều mâu thuẫn và đến tháng 10/2003 thì bà M về Việt Nam. Giữa bà M và ông H có tờ thỏa thuận li hôn vào tháng 11/2003 và đã được hợp pháp hóa lãnh sự.

Theo nhận định của HĐXX TAND tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàuthì bà M và ông H kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, đây là hôn nhân hợp pháp. Cuộc sống chung vợ chồng lúc đầu hạnh phúc. Bà M sang sống cùng gia đình chồng tại Đài Loan trong thời gian 2 năm. Sau đó cuộc sống chung vợ chồng bắt đầu rạn nứt do nhiều bất đồng trong cuộc sống. Cả ông H và bà M đều thừa nhận vấn đề này và cả 2 cùng lập tờ thỏa thuận li hôn. Xét tình cảm thực tế giữa bà M và ông H không còn, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Do đó, HĐXX đã căn cứ Đ89, 102, 104 Luật HNGĐ 2000 cho li hôn giữa ông H và bà M.

Trong toàn bộ nội dung vụ án trên tuy không thấy xuất hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử nhưng xuyên suốt quá trình xét xử cụ án, tòa án của Việt Nam cũng như pháp luật VN đã luôn ghi nhận quyền và nghĩa vụ của ông H (người nước ngoài) với bà M là hoàn toàn tương đương nhau. Tuy không ghi nhận cụ thể trong bản án nhưng phải thấy rằng thực chất TA VN đã áp dụng nguyên tắc NT trên cơ sở Đ100-K2 Luật HNGĐ2000 “Trong quan hệ hôn nhân và gia đình với công dân Việt Nam, người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng các quyền và có nghĩa vụ như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác”.

Cũng tương tự, việc áp dụng cũng như tranh chấp liên quan đến nguyên tắc MFN xảy ra rất nhiều trên thế giới, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại. Ví dụ như vụ Cà phê chưa rang của Brazil năm 1980, vụ cá heo- cá hồi năm 1991…Tuy Việt Nam chưa có một vụ việc điển hình nào nhưng trong tương lai, với quá trình hội nhập như vũ bão hiện nay thì vấn đề chỉ là thời gian. Do đó, chúng ta cần lấy những vụ án đã xảy ra trên thế giới làm bài học kinh nghiệm cho mình.

Bên cạnh việc quy định rải rác nguyên tắc NT, MFN trong các văn bản pháp luật liên quan thì ngày 7/6/2002 UBTVQH ban hành pháp lệnh “Đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế”. Việc quy định này lại một lần nữa khẳng định sự nhận thức đúng đắn của nhà nước ta về tầm quan trọng của hai nguyên tắc này. Mặc dù phạm vi áp dụng của chúng chỉ trong lĩnh vực thương mại quốc tế nhưng phần nào cũng cho thấy rằng chúng ta không phân biệt đối xử giữa các chủ thể khác nhau khi họ tham gia quan hệ thương mại.

Như vậy quan nghiên cứu sơ bộ trên có thể thấy rằng trong quá trình thúc đẩy quan hệ giao lưu dân sự quốc tế thì việc quy định hai nguyên tắc trên (NT và MFN) là cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng. Nó tạo cơ sở pháp lí quy định và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài khi họ tham gia các quan hệ dân sư, lao động, hôn nhân gia đình… có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, hơn thế nữa 2 nguyên tắc này còn tạo ra sân chơi bình đẳng, đồng thời xóa bỏ mọi sự kì thị, phân biệt đối xử với các lí do khác nhau. Đối với Việt Nam- một nước có nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi thì quy định 2 nguyên tắc này là hoàn toàn cần thiết, quy định và thực hiện tốt 2 nguyên tắc này sẽ tăng khả năng hấp dẫn của thị trường Việt Nam, thu hút được nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài, góp phần thúc đẩy quan hệ dân sự, thương mại quốc tế ở Việt Nam thực sự phát triển, đẩy nhanh tiến trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment