03/05/2014
Bài tập học kỳ Luật Hành chính - Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia quản lí hành chính nhà nước - Bài 1
Cũng giống như bất kỳ hoạt động có mục đích nào, quản lý hành chính nhà nước được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Đây là tư tưởng chủ đạo rất quan trọng trong tổ chức và hoạt động giúp cho các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện có hiệu quả các công việc của mình trên các lĩnh vực đã được phân công. Các nguyên tắc trong quản lý hành chính nhà nước được ghi nhận trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, từ Hiến pháp, luật đến các văn bản dưới luật. Việc tiến hành hoạt động quản lý hành chính nhà nước cần phải dựa trên rất nhiều nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác nhau, trong đó có những nguyên tắc được xác định là những nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước, một trong những nguyên tắc cơ bản đó là nguyên tắc “nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước”.

1) Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước.

a) Một số vấn đề chung

Các nguyên tắc trong quản lý hành chính nhà nước thường được phân chia thành hai nhóm: Các nguyên tắc chính trị - xã hội và các nguyên tắc tổ chức kỹ thuật. Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước nằm trong nhóm các nguyên tắc chính trị - xã hội.

Với bản chất dân chủ sâu sắc, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được nhà nước xã hội hcur nghĩa ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Nhà nước xã hội chủ nghĩa do chính nhân dân lao động tự tổ chức để thực hiện quyền lực của mình. Nó là một tổ chức được lập ra nhằm phát huy tài năng, sức lực của người lao động trong việc gánh vác các công việc của Nhà nước và xã hội nhằm phục vụ lợi ích của chính họ. Ghi nhận nội dung này, Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) nêu rõ : “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.

Để nhân dân lao động thực sự giữ vai trò là người làm chủ đất nước, việc tạo điều kiện để nhân dân lao động tham gia vào quản lý hành chính nhà nước phải được ghi nhận và bảo đảm thực hiện như là một nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước. Điều 3 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “ Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân”. Quyền được tham gia vào quản lý công việc của nhà nước và xã hội là quyền cơ bản cua công dân được Hiến pháp ghi nhận và trên thực tế nó đã được bảo đảm thực hiện thông qua hàng loạt những hoạt động cụ thể.

Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước khẳng định vai rò quan trọng của nhân dân lao động trong quản lý hành chính nhà nước. Mặt khác, nó cũng xác định những nhiệm vụ mà nhà nước phải thực hiện trong việc bảo đảm những điều kiện cơ bản để nhân dân lao động tham gia vào quản lý hành chính nhà nước.

Trong quản lý hành chính nhà nước, nguyên tắc này thể hiện ở những hình thức tham gia vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước của nhân dân lao động. Đây là những hình thức được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiên bằng các phương tiện của Nhà nước. Nhân dân lao động tham gia quản lý hành chính nhà nước dưới các hình thức:

- Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước;
- Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội;
- Tham gia vào hoạt động tự quản cơ sở;
- Trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước.

b) Các văn bản thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với vấn đề khuyến khích nhân dân lao động tham gia quản lý hành chính nhà nước

- Chỉ thị số 30/CT-TW  ngày 18/2/1998 của Bộ chính trị Trung ương Đảng về xây dựng và thực hiện dân chủ cơ sở;
- Nghị quyết 45/NQ-UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 20/2/1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện Dân chủ ở xã phường, thị trấn;
- Nghị định số 29/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/5/1998 ban hành Quy chế thực hiện Dân chủ ở xã;
- Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng chính phủ về việc xây dựng hương ước, quy ước của làng bản, thôn ấp, cụm dân cư.
- Thông tư 03/1998/TT-TCCP của Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn áp dụng quy chế thực hiện dân chủ ở xã đối với phường, thị trấn;
- Nghị định 74/1998/CP-NĐ của Chính phủ ngày 08/09/1998 về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;
- Chỉ thị 38/1998.CT-TTg ngày 11/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quy chế hoạt động dân chủ trong hoạt động của cơ quan;
- Nghị định 07/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/02/1999 ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở doing nghiệp Nhà nước;
- Nghị định 79/2003/NĐ-CP ngày 07/07/2003 của Chính phủ ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã thay thế Nghị định 29 nói trên.

b) Các hình thức nhân dân lao động tham gia vào quản lý hành chính nhà nước:

- Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Các cơ quan trong bộ máy nhà nước là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước. Vì vậy tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hình thức tham gia tích cực, trực  tiếp và có hiệu quả của người lao động vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định đều có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước để trực tiếp hay gián tiếp thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trước hết người lao động có thể tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước với tư cách là thành viên của những cơ quan này – những đại biểu được lựa chọn qua con đường bầu cử. Ở cương vị này, người lao động trực tiếp xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương, trong đó có vấn đè quản lý hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, nhân dân lao động có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước khác (cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử) với tư cách là những cán bộ, công chức. Là cán bộ, công chức của nhà nước, nhân dân lao động sẽ sử dụng một cách trực tiếp quyền lực nhà nước để tiến hành những công việc khác nhau của quản lý hành chính nhà nước, thể hiện vai trò người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình. Họ sẽ có đầy đủ các điều kiện để biến ý chí, nguyện vọng của mình thành hiện thực nhằm “xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.” (Điều 3 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)).

Ngoài ra, những người lao động có thể gián tiếp tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước thong qua quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước trung ương hay địa phương . Đây là cách thức rộng rãi nhất để nhân dân lao động có thể tham gia vào quản lý các công việc của Nhà nước.

- Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội

Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân lao động có thể tham gia một cách tích cực vào hoạt động của các tổ chức xã hội. Nhà nước ban hành nhiều quy định lien quan tới vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội trong quản lý hành chính Nhà nước nói riêng và quản lý nhà nước nói chung. Điều 9 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng giúp đỡ về vật chất và tinh thần để cho các tổ chức xã hội thực sự trở thành công cụ đắc lực của nhân dân lao động trong việc thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước của mình. Thông qua các hình thức hoạt động của các tổ chức xã hội, vai trò chủ động sáng tạo của nhân dân lao động được phát huy trong quản lý hành chính nhà nước. Trên thực tế các tổ chức xã hội đã thu hút một lượng đông đảo quần chúng nhân dân lao động tham gia vào quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy, đây là một hình thức hoạt động rất có ý nghĩa đối với việc thúc đấy và mở rộng nền dân chủ xã hộ chủ nghĩa ở nước ta.

- Tham gia vào hoạt động tự quản cơ sở

Ở nơi cư trú, sinh hoạt, làm việc, nhân dân lao động thường xuyên thực hiện các hoạt động mang tính chất tự quản. Đây là những hoạt động do chính nhân dân lao động tự thực hiện và chúng có mối liên quan chặt chẽ với các công việc khác nhau của quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Các hoạt động tự quản ở cơ sở như bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tổ chức đời sống công cộng … đều rất gần gũi và thiết thực với đời sống của mỗi người dân. Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản mà người dân lao động là những chủ thể tham gia tích cực, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của người dân mà pháp luật đã quy định thực sự được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Nhà nước đã tạo những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để phát huy vai trò chủ động và tích cực của nhân dân lao động trong việc tham gia những hoạt động có tính chất tự quản như trên.

- Trực tiếp thực hiên các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành chính nhà nước.
Điều 53 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định công dân có quyền: “ tham gia quản lý nhà nước và xã hội , tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý”. Để thực hiên quyền cơ bản này, pháp luật đã quy định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân trong các lĩnh vực khác nhau của quản lý hành chính nhà nước. Những quyền, nghĩa vụ này của công dân có thể thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội hoặc cũng có thể được cính người dân trực tiếp thực hiện. Việc trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ này cũng chính là một hình thức tham gia vào quản lý hành chính nhà nước của nhân dân lao động. Cùng với sự phát triển của xã hội, các quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm thực hiện một cách đầy đủ hơn. Do vậy đây cũng là một hình thức có ý nghĩa quan trọng để nhân dân lao động phát huy vai trò làm chủ của mình.

2) Đánh giá việc vận dụng nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước trong quản lý hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay

Với bản chất dân chủ sâu sắc, Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước.

- Tham gia vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước

Để nhân dân lao động có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước với tư cách là thành viên của các cơ quan này, nhà nước ta đã quy định cho người dân nếu có đủ điều kiện pháp luật quy định có quyền tự do ứng cử vào các cơ quan nhà nước để nhân  dân trực tiếp bầu cử vào cơ quan hành chính nhà nước.

Nhà nước cũng tạo điều kiện để nhân dân lao động, những người có kiến thức, đã được đào tạo có thể thi tuyển công chức để làm công chức trong các cơ quan nhà nước.

Người lao động còn có quyền tự do bầu cử để chọn cho mình những đại biểu xuất sắc nhất tham gia vào các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý nhà nước.

- Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân lao động tham gia vào các tổ chức xã hội.

Để nhân dân lao động tham gia tích cực vào quản lý hành chính nhà nước, Nhà nước ban hành nhiều quy định về quyền lợi của nhân dân trong việc quản lý hành chính nhà nước. Để tham gia quản lý hành chính nhà nước, nhà nước ta tạo điều kiện để nhân dân lao động tham gia vào các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên .. . Trong thời kỳ hiện nay, các tổ chức xã hội trên phát triển rất mạnh mẽ, nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào các tổ chức đó, thong qua hoạt động của các tổ chức này mà nhân dân lao động có thể phát huy năng lực của mình trong quản lý hành chính nhà nước.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào các hoạt động tự quản ở cơ sở

Các tổ chức tự quản đã được thành lập và phát triển mạnh mẽ ở các đơn vị nơi người lao động sinh sống, làm việc và học tập. Nhà nước khuyến khích nhân dân thành lập các tổ tự quản để quản lý các mặt của đời sống trong khu dân cư như giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, tổ chức đời sống trong cộng đồng dân cư.

Thông qua hình thức này nhà nước đã tạo điều kiện cho nhân dân thực sự làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ xã hội. Qua đó, nhân dân cũng sẽ tự giác chấp hành các quy định của nhà nước hơn.

- Nhà nước tạo điều kiện để nhân dân thực hiện các quyền cơ bản của mình. Các cơ quan nhà nước luôn lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, nhân dân được quyền biếu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Điều này thể hiện qua việc nhân dân có thể tham gia xây dựng Hiến pháp, pháp luật, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng luật hay khi nhà nước trưng cầu dân ý trước khi thong qua dự thảo luật.

Lời kết

“Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước” nằm trong nhóm nguyên tắc chính trị - xã hội. Các nguyên tắc trong nhóm này được quán triệt trong toàn bộ tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong đó có hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Các nguyên tắc này thể hiện sâu sắc bản chất giai cấp của nhà nước, đó là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội
2) Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
3) Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999

Link download miễn phí: Bài tập học kỳ Luật Hành chính - Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia quản lí hành chính nhà nước - Bài 1

Nếu muốn download không mất phí, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment