MỞ ĐẦU
Quyền sở hữu được xem là một trong những nội dung quan trọng của luật dân sự, là tiền đề của các quan hệ pháp luật dân sự về tài sản. Chính vì vậy, Bộ luật dân sự của các quốc gia trên thế giới đều coi đây là chế định cơ bản cần tập trung quy định, làm cơ sở cho việc quy định các chế định khác như hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế… Bộ luật dân sự của Việt Nam năm 2005 (sau đây gọi tắt là BLDS) cũng đã dành sự quan tâm khá lớn tới phần chế định này.
Trong thực tế sự xâm phạm quyền sở hữu rất đa dạng và phong phú. Vì vậy Điều 255 BLDS đã ghi nhận các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu. Vậy bảo vệ quyền sở hữu cụ thể ở nước ta ra sao? Và bằng phương thức bảo vệ nào? Thực trạng của vấn đề bảo vệ quyền sở hữu ở nước ta trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay và những giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách kinh tế của nhà nước ta. Nhận thấy sự hấp dẫn của những vấn đề này, em xin mạnh dạn lựa chọn đề tài: Các phương thức bảo vệ quyền sở hữu để tìm hiểu và nghiên cứu.
NỘI DUNG
I. Một số vấn đề về quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu.
1. Các khái niệm chung.
Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản”.
Theo cách hiểu thông thường nhất thì chiếm hữu là sự nắm giữ, chi phối vật về mặt thực tế. Điều 182 BLDS quy định: “Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản”. “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”. Tức là quyền khai thác những lợi ích mang lại từ tài sản. Điều 195 BLDS quy định: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó”. Quyền định đoạt có thể thực hiện bằng hai cách: quyết định số phận về mặt thực tế hoặc quyết định số phận về mặt pháp lý của tài sản.
Theo lý luận truyền thống của luật dân sự thì bảo vệ quyền sở hữu được hiểu là những biện pháp trong khuôn khổ pháp luật tác động đến hành vi xử sự của con người, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi xâm hại đến quyền sở hữu, khắc phục những thiệt hại vật chất cho chủ sở hữu (Bảo vệ quyền sở hữu là biện pháp tác động bằng pháp luật đối với hành vi xử sự của con người, ngăn ngừa những hành vi xâm hại đến chủ sở hữu khi người này hành xử quyền của mình).
Phương thức bảo vệ quyền sở hữu là cách thức mà Nhà nước và chủ sở hữu sử dụng để bảo vệ chủ sở hữu khỏi những hành vi xâm hại đến quyền sở hữu, khắc phục những thiệt hại vật chất cho chủ sở hữu.
2. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
a. Biện pháp hành chính.
Ở Việt Nam, ngành luật hành chính bảo vệ quyền sở hữu thông qua việc quy định những thể lệ nhằm quản lý và bảo vệ tài sản của Nhà nước, quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho từng cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính. Trong một số trường hợp Nhà nước sử dụng biện pháp cưỡng chế bằng bạo lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một cá nhân hay tổ chức nhất định về mặt vật chất hay tinh thần nhằm buộc các cá nhân hay tổ chức phải thực hiện hay không thực hiện những hành vi nhất định để bảo vệ những quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác; hoặc người đó phải phục tùng những hạn chế nhất định đối với tài sản của mình hoặc tự do thân thể nhằm bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể khác. Chủ thể thực hiện quyền bảo vệ này chính là các cơ quan hành chính Nhà nước và trong một số trường hợp nhất định thì Toà án cũng là chủ thể sử dụng các biện pháp này áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức đã có hành vi vi phạm hành chính xâm phạm đến tài sản, quyền sở hữu tài sản hoặc cản trở trái pháp luật chủ sở hữu.
b. Biện pháp hình sự.
Ngành luật hình sự bảo vệ quyền sở hữu thông qua việc quy định những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm quyền sở hữu bị coi là tội phạm và quy định các mức hình phạt tương đương với những loại hành vi phạm tội đó. Việc bảo vệ bằng biện pháp hình sự mang tính chất trừng trị và răn đe. Người nào có hành vi xâm phạm đến sở hữu XHCN hoặc xâm phạm sở hữu của công dân thì phải chịu trách nhiệm pháp lý tùy theo mức độ phạm tội.
c. Biện pháp dân sự.
Ngành luật Dân sự Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu bằng việc quy định những phương thức kiện trước Tòa án để chủ sở hữu có thể thông qua đó mà đòi lại tài sản của mình đang bị người khác chiếm giữ bất hợp pháp; yêu cầu người khác chấm dứt hành vi cản trở hoặc có quyền yêu cầu ngăn chặn khi chủ sở hữu thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản; hoặc chủ sở hữu có thể đòi người khác phải bồi thường những thiệt hại về tài sản nếu người đó có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình.
Có thể thấy, mỗi ngành luật đều có những vai trò quan trọng của nó trong việc bảo vệ quyền sở hữu. Mỗi ngành luật đó không bảo vệ quyền sở hữu một cách tách biệt mà luôn có sự phối hợp bổ sung lẫn nhau tạo nên hành lang pháp lý an toàn và vững chắc.
II. Các phương thức bảo vệ quyền sở hữu trong Bộ luật dân sự.
Trong thực tế sự xâm phạm quyền sở hữu rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, BLDS năm 2005 đã dành hẳn Chương XV (Phần thứ hai), bao gồm 7 điều từ Điều 255 đến Điều 261 để quy định về bảo vệ quyền sở hữu. Ngoài ra, quy định về bảo vệ quyền sở hữu còn nằm rải rác ở một số điều khác.
Một trong những phương thức bảo vệ quyền sở hữu đó là việc pháp luật quy định và công nhận: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật” (Điều 255 BLDS). Quyền tự bảo vệ của chủ sở hữu còn gắn liền với việc ngăn cẳn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình. Chủ sở hữu còn được quyền truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không thể “tự mình bảo vệ quyền sở hữu nếu có sự xâm hại, thì họ “… có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại” (Điều 255 BLDS)
BLDS ghi nhận và phân biệt nhiều phương thức kiện dân sự khác nhau để bảo vệ quyền sở hữu. Sự đa dạng của cuộc sống cho chúng ta thấy rằng sự xâm phạm đến quyền sở hữu khác nhau, cùng với những tình tiết khác nhau. Vì vậy, vấn đề là phải lựa chọn phương thức nào cho phù hợp với mức độ và những tình tiết cụ thể của vụ việc. Theo đó, chủ sở hữu có quyền bảo vệ quyền sở hữu thông qua các phương thức sau: Kiện đòi lại tài sản; Kiện yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp; kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
1. Kiện đòi lại tài sản (kiện vật quyền).
Kiện đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu Tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho mình. Đòi lại tài sản là một trong những phương thức bảo vệ quyền của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Quyền đòi lại tài sản được quy định tại Điều 256 BLDS: “chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản,người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó…”. Tuy nhiên, đối với những tài sản được chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai và đã được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu thì không áp dụng việc đòi lại tài sản (theo quy định tại khoản 1 Điều 247 BLDS hoặc các trường hợp theo quy định tại Điều 257, 258 thì không đòi lại tài sản.
Theo đó, pháp luật quy định những yêu cầu chung trong việc đòi lại tài sản như sau:
- Đối với nguyên đơn: Người kiện đòi lại tài sản phải là chủ sở hữu của vật và phải chứng minh quyền sở hữu của mình đối với vật đang bị bị đơn chiếm giữ bất hợp pháp. Nếu nguyên đơn là người chiếm hữu hợp pháp thông qua hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng phù hợp với ý chí của chủ sở hữu, thì người đó phải chứng minh: Mình là người có quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đang bị bị đơn chiếm giữ bất hợp pháp. Về nguyên tắc chung: vật đang bị bị đơn chiếm giữ bất hợp pháp đã rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm giữ hợp pháp ngoài ý chí của người này (đánh rơi, bỏ quên, bị trộm cắp…) thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền đòi lại tài sản từ người đang chiếm giữu bất hợp pháp.
Trong phương thức kiện này, về nguyên tắc, người chimes hữu không có căn cứ pháp luật và không ngay tình phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp. Khi lấy lại tài sản, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp không phải bồi thường một khoản tiền nào, trừ trường hợp người chiếm giữ bất hợp pháp ngay tình phải bỏ ra chi chi phí hợp lí để sửa chữa tài sản, làm tăng giá trị của tài sản.
- Đối với bị đơn: Người kiện phải trả lại tài sản là người đang thực tế chiếm hữu vật không có căn cứ pháp luật không ngay tình như: tài sản do trộm cắp, cướp, lừa đảo mà có; biết tài sản đó là của gian nhưng vẫn mua hoặc nhặt được tài sản do chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đánh rơi, bỏ quên,…nhưng đã không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm, thì người chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Trong trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật không ngay tình nhưng đã giao tài sản cho người thứ ba thì người thứ ba cũng có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có yêu cầu hoàn trả. Tòm lại, khi tài sản rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí của họ, thì những người đang thực tế chiếm hữu vật đều phải trả lại tài sản. Ngoài việc trả lại tài sản cho những người này còn “…phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được hoa lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” (quy định tại khoản 1 điều 601 BLDS).
- Nếu bị đơn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình mà tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu như: thông qua một giao dịch có đền bù (mua bán) và theo ý chí của người chiếm hữu có căn cứ pháp luật như người mượn, thuê,…của chủ sở hữu. Trong trường hợp này chủ sở hữu không được kiện đòi lại tài sản ở người đang thực tế chiếm hữu. Chủ sở hữu sẽ kiện người mình đã chuyển giao tài sản theo hợp đồng bồi thường thiệt hại, vì đây là trách nhiệm theo hợp đồng. Thực tế hiện nay việc lưu thông hàng hóa tự do và thị trường hàng hóa phong phú đa dạng rộng lớn, người mua không thể biết nguồn gốc tài sản cho nên pháp luật cần phải bảo vệ họ. Mặt khác buộc những người có tài sản khi cho thuê, cho mượn, gửi giữ…phải có biện pháp bảo đảm.
- Bị đơn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình đối với bất động sản và tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu đòi lại tài sản. Bởi vì đối với những tài sản này người mua chỉ chỉ có quyền sở hữu khi sang tên đăng ký chuyển quyền sở hữu từ người chủ sở hữu. Người thực tế đang có vật phải trả cho chủ sở hữu và có quyền yêu cầu người chuyển giao vật cho hoàn trả tiền hoặc các lợi ích vật chất mà mình bị thiệt hại.
Trường hợp người chiếm hữu ngay tình thông qua giao dịch với người người chủ sở hữu theo quyết định của Tòa án, hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc mua thông qua bán đấu giá thi hành án, nhưng sau đó những căn cứ trên không còn (bị hủy) thì người chiếm hữu ngay tình có quyền sở hữu với tài sản đã mua. Những trường hợp này người mua và người bán hoàn toàn không có lỗi. Ngược lại, lỗi thuộc về cơ quan nhà nước, do vậy cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm theo Điều 619 BLDS.
Trong quan hệ pháp luật này, lợi ích vật chất của chủ sở hữu và người đang thực tế chiếm giữ vật là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình đều được pháp luật nước ta bảo vệ thỏa đáng. Có ý kiến cho rằng đây cũng là một biện pháp cần thiết để đảm bảo lưu thông dân sự và giáo dục tính thận trọng cho chủ sở hữu khi chuyển giao tài sản cho người khác. Tuy nhiên chủ sở hữu có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản ở người mình đã chuyển cho thông qua hợp đồng dân sự. Người được chuyển giao tài sản đã lạm dụng tín nhiệm, bán tài sản của người đã chuyển giao cho mình cho người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Người mua hoàn toàn không thể biết (nhiều trường hợp luật cũng không buộc họ phải biết) người bán là người không có quyền bán tài sản đó. Do vậy, xét về hành vi, ý thức của người thực tế chiếm hữu vật bất hợp pháp là họ không có lỗi trong việc mua bán. Luật cho phép người thứ ban ngay tình tiếp tục sử dụng tài sản đó là hợp lý tránh được sự thông đồng giữa chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp để gây thiệt hại cho người thứ ba. Những người đã thuê, mượn, nhận, giữ tài sản của chủ sở hữu mà bán tài sản đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân theo Điều 158 BLDS. Tài sản trong trường hợp này là vật chứng để chứng minh là của chủ sở hữu. Người chiếm hữu hợp pháp của chủ sở hữu đã được chuyển giao tài sản cho người thứ ba phải chịu trách nhiệm dân sự với chủ sở hữu bằng trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng.
Theo giáo trình Luật dân sự Việt Nam – Trường đại học luật Hà Nội –thì việc kiện đòi lại tài sản theo quy định tại Điều 256, 257, 258 BLDS, chủ sở hữu được lấy lại tài sản khi có đủ các yếu tố sau đây:
- Vật rời khỏi chủ sở hữu hay rời khỏi người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí của họ. Hoặc theo ý chí nhưng người thứ ba có vật thông qua giao dịch không đền bù (cho tặng, thừa kế theo di chúc).
- Người được thực tế đang chiếm giữ vật là người chiếm giữ bất hợp pháp.
- Vật là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp khác do pháp luật quy định.
Với phương thức này, khi xây dựng cơ chế kiện đòi lại tài sản, các nhà làm luật Việt Nam đã rất cân nhắc trong việc làm sao phải bảo đảm sự hài hoà giữa yêu cầu bảo vệ chủ sở hữu với bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chiếm hữu ngay tình cũng như bảo đảm tính ổn định trong lưu thông dân sự. Vì vậy, có thể thấy rằng, BLDS đã thiết kế các quy tắc kiện đòi lại tài sản dựa vào tiêu chí phân biệt giữa người chiếm hữu ngay tình và người chiếm hữu không ngay tình và mặt khác, dựa vào việc phân định giữa tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Đồng thời áp dụng theo các nguyên tắc chung đã nêu ở trên, nhằm bảo vệ lớn nhất cho lợi ích chính đáng của các bên tham gia vào quan hệ dân sự.
2. Kiện yêu cầu ngặn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.
Chủ sở hữu có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của mình, có quyền khai thác lợi ích vật chất của tài sản để thỏa mãn các nhu cậu trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Hay nói cách khác thì “chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản, nhưng không được làm thiệt hại và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 156 BLDS). Bằng các quy phạm pháp luật cụ thể, BLDS đã tạo điều kiện để các chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp thực hiện quyền của mình, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp đó và cấm những hành vi cản trở trái pháp luật.
Người không phải là chủ sở hữu cũng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thỏa thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật (Điều 194 BLDS).
Để thực hiện các quyền năng hợp pháp này BLDS cho phép chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ, yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó. Ngoài việc công nhận quyền trên, Luật nước ta còn quy định (Điều 259 BLDS): Nếu người có hành vi cản trở trái pháp luật không tự nguyện chấm dứt thì chủ sở hữu, người chiếm hữu còn có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác áp dụng các biện pháp ngăn chặn và buộc người có hành vi cản trở phải chấm dứt hành vi cản trở đó. Có thể thấy rằng, phương thức kiện này nhằm bảo đảm để cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp được sử dụng và khai thác công dụng của tài sản một cách bình thường nhất trong khuôn khổ pháp luật bảo vệ.
3. Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (kiện trái quyền).
Trong trường hợp một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại tới tài sản của người khác thì chủ sở hữu của tài sản của có quyền kiện tới toà án yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều 260 BLDS đã quy định “ chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại”. Đây được gọi là phương thức kiện trái quyền bởi vì nó chỉ được áp dụng trong trường hợp khi người chiếm hữu hợp pháp hoặc bất hợp pháp đã bán tài sản cho người khác mà không tìm thấy người mua nữa hoặc tài sản bị tiêu huỷ…Lúc này chủ sở hữu không lấy lại đc tài sản của mình và luật cho phép chủ sở hữu lựa chọn phương thức kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Tuỳ từng trường hợp, chủ sở hữu có quyền lựa chọn ba hình thức khởi kiện khác nhau. Tức là, chủ sở hữu có quyền kiện đòi người chiếm hữu hợp pháp hoặc bất hợp pháp tài sản của mình phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra cho chủ sở hữu. Nói cách khác, họ phải thanh toán cho chủ sở hữu giá trị của tài sản bằng một số tiền nhất định. Ngoài ra, người gây thiệt hại phải bồi thường hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản (nếu có). Nếu hành vi gây thiệt hại cho tài sản nằm trong khuôn khổ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng một nghĩa vụ trong hợp đồng, chủ sở hữu có quyền kiện vi phạm hợp đồng. Nếu hành vi gây thiệt hại không phải là hành vi vi phạm hợp đồng, chủ sở hữu có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong trường hợp hành vi gây thiệt hại cho tài sản người khác cấu thành tội phạm hình sự, chủ sở hữu cũng có thể yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự (bồi thường thiệt hại) trong phiên toà hình sự hoặc tách ra thành vụ kiện dân sự để giải quyết trong phiên toà dân sự. Về cơ bản, các quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại đối với tài sản được đánh giá là tương đối hoàn thiện và đã phát huy tác dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nên chia các phương thức bảo vệ quyền sở hữu ra thành các phương thức như sau:
- Chủ sở hữu tự mình thực hiện hành vi bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.
- Chủ sở hữu yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp phải chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại.
- Chủ sở hữu yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Chủ sở hữu yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải. chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật.
- Chủ sở hữu yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản.
- Chủ sở hữu yêu cầu Toà án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải bồi thường thiệt hại.
Nói chung, có thể chia các phương thức bảo vệ quyền sở hữu ra thành ba phương thức như đã phân tích ở trên, bởi có thể thấy trong ba phương thức kiện dân sự nêu trên đã bao gồm đầy đủ các các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong ý kiến này.
III. Đánh giá việc bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự.
Qua các phân tích trên, có thể nhận thấy rằng, so với các phương thức bảo vệ quyền sở hữu khác thì phương thức kiện dân sự có những điểm khác biệt và nó làm nên tính ưu việt cũng như cũng có những hạn chế nhất định so với các phương thức khác. Có thể nhận thấy những ưu điểm chủ yếu của phương thức kiện dân sự gồm có:
Thứ nhất, đa số những nhà phân tích luật cho rằng đây là phương thức mang tính thực tế rất lớn. Đúng như vậy, tính thực tế này xuất phát từ chỗ những hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu thông thường nảy sinh trong đời sống xã hội, xâm phạm tới các quyền tài sản của các chủ thể và do vậy chủ yếu thuộc sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Do đó các biện pháp kiện dân sự cũng được áp dụng phổ biến hơn. Cùng với đó, mục đích lớn nhất của chủ thể khi sử dụng phương thức kiện dân sự nhằm bảo vệ quyền sở hữu của mình là việc khôi phục lại được tình trạng trước khi bị vi phạm về mặt vật chất của tài sản hoặc được bù đắp về mặt vật chất cho những xâm phạm đến quyền sở hữu của chủ sở hữu hoặc cho người chiếm hữu hợp pháp.
Thứ hai, phương thức kiện dân sự được áp dụng một cách rộng rãi hơn các biện pháp khác. Biện pháp kiện dân sự được áp dụng rộng rãi vì việc xâm phạm tài sản mang tính chất dân sự diễn ra phổ biến nhất. Hầu hết các mặt của đời sống đều liên quan đến quan hệ dân sự. Các chủ thể có thể áp dụng các phương thức kiện dân sự một cách dễ dàng bằng việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu chủ thể vi phạm bồi thường thiệt hại. Còn trong ngành luật hình sự, biện pháp bảo vệ quyền sở hữu chỉ áp dụng khi hành vi xâm phạm đó được cấu thành tội phạm theo quy định trong Bộ luật hình sự, trong khi BLHS nước ta hiện nay chỉ quy định 2 nhóm sở hữu chính là sở hữu xã hội chủ nghĩa và sở hữu của công dân. Còn biện pháp thuộc ngành luật hành chính thông thường cũng chỉ áp dụng khi tài sản bị xâm phạm tới là tài sản của Nhà nước. Điều khác biệt ở đây là chủ thể áp dụng của 2 biện pháp trên chỉ có thể là các cơ quan nhà nước nên trong rất nhiều trường hợp việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trên thực tế không phát huy được hiệu quả.
Thứ ba, phương thức bảo vệ quyền sở hữu trong luật dân sự tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho mọi chủ thể có quyền sở hữu bị xâm phạm tự mình chủ động thực hiện phương thức này. Đây được coi là một điểm khác biệt rất lớn so với các phương thức khác. Bởi các phương thức khác buộc phải tuân thủ các thủ tục trong ngành rất phức tạp và tốn khá nhiều thời gian. Riêng phương thức kiện dân sự chỉ phải tuân theo những thủ tục tương đối nhanh gọn, khắc phục nhanh chóng tình trạng như ban đầu, đồng thời có các quy định dự phòng khá bao quát cho các dự liệu có thể xảy ra trong thực tế.
Mặc dù, phương thức kiện dân sự có nhiều ưu điểm so với các phương thức bảo vệ quyền sở hữu khác nhưng cũng mang những hạn chế nhất định. Trong nhiều trường hợp hiệu quả của các phương thức dân sự trong việc bảo vệ quyền sở hữu trên thực tế rất thấp. Chẳng hạn như trong các phương thức dân sự, biện pháp chủ sở hữu tự mình thực hiện hành vi bảo vệ quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp là biện pháp được các chủ thể áp dụng phổ biến nhất nhưng do thiếu tính cưỡng chế và tính quyền lực nhà nước nên trên thực tế khi có hành vi xâm phạm các chủ thể vẫn phải áp dụng đồng thời các biện pháp khác để bảo vệ quyền sở hữu của mình. Ngoài ra hiệu quả của việc bảo vệ quyền sở hữu bằng biện pháp dân sự gắn liền với việc thi hành án dân sự nên trên thực tế bị ảnh hưởng rất nhiều bởi công tác thi hành án dân sự. Đây cũng là một trong những điểm hạn chế trong việc bảo vệ quyền lợi trên thực tế của các chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp như trong luật định.
IV. Một số kiến nghị về bảo vệ quyền sở hữu trong Bộ luật dân sự.
Có rất nhiều ý kiến được nêu ra và xem xét nhằm hoàn thiện chế định này trong BLDS nước ta. Trong đó có các ý kiến tiêu biểu như:
- Nên cụ thể hoá hơn quy định về bảo vệ quyền chiếm hữu và quyền sở hữu.
- Cần có biện pháp bảo vệ người thứ ba ngay tình mạnh mẽ hơn.
- Hoàn thiện pháp luật và thiết chế đăng ký tài sản.
- Nâng cao hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong thực tiễn.
1. Cụ thể hoá những quy định về bảo vệ quyền chiếm hữu của công dân.
Việc coi quyền chiếm hữu là một trong ba nội dung của quyền sở hữu thường kéo theo sự đồng nhất giữa bảo vệ quyền sở hữu và bảo vệ quyền chiếm hữu. Chế định pháp luật này đã đặt lên vai của nguyên đơn nghĩa vụ rất nặng nề là họ phải chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với tài sản tranh chấp. Trong khi thực tế, việc chứng minh này không hề dễ dàng, nhất là đối với bất động sản là nhà, đất không có giấy tờ chứng nhận. Trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp, lỗi không phải do người dân mà do chính cơ quan hành chính Nhà nước, nhiều bản án thiếu khách quan vì không phản ánh đúng bản chất của vụ việc, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị xâm phạm không được đảm bảo.
Vậy có nên tách riêng chế định chiếm hữu khỏi chế định sở hữu? Đây là một câu hỏi được đặt ra trong quá trình xem xét và nghiên cứu các chế định này. Cùng với vấn đề đó là phải có những quy định riêng về bảo vệ quyền chiếm hữu. Theo các quy định Bộ luật dân sự hiện hành của Việt Nam thì người chiếm hữu không có căn cứ pháp không được bảo vệ. Cách phân loại chiếm hữu có hay không có căn cứ pháp luật là cách phân loại rất riêng của Việt Nam mà các nước khác không có. Có ý kiến cho rằng bất luận trong trường hợp nào, người chiếm hữu vẫn có quyền kiện bảo vệ sự chiếm hữu tài sản của mình. Như vậy, kể cả trong trường hợp chiếm hữu không có căn cứ pháp luật thì pháp luật vẫn cần phải bảo vệ quyền lợi của họ.
Tóm lại, trước tiên pháp luật cần công nhận tình trạng chiếm hữu của công dân, còn việc xác định ai là chủ sở hữu thì giải quyết trong các vụ kiện nếu các bên có yêu cầu. Quy định này rất có tác dụng trong việc bảo vệ sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch dân sự trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
2. Hoàn thiện các biện pháp bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Có câu hỏi được đặt ra rằng: phải chăng người thứ ba ngay tình không được pháp luật bảo vệ? Theo quy định của pháp luật nước ta thì họ vẫn được pháp luật bảo vệ, nhưng theo một phương thức khác, đó là kiện đòi bồi thường thiệt hại. Có thể thấy rằng việc pháp luật quy định người thứ ba ngay tình phải hoàn trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp sẽ là một bất lợi lớn đối với họ trong rất nhiều trường hợp. Vấn đề đặt ra là cần có biện pháp bảo vệ người thứ ba ngay tình mạnh mẽ hơn trong khi pháp luật vẫn phải bảo vệ chủ sở hữu. Chỉ có như vậy thì mới đảm bảo sự ổn định của các quan hệ dân sự và thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển trong điều kiện của nền kinh tế thị trường hiện nay.
3. Hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về vấn đề đăng ký tài sản.
Việc đăng ký tài sản rất quan trọng, đó là cơ sở để chủ sở hữu bảo vệ quyền lợi của mình và đối kháng với người thứ ba khi có tranh chấp phát sinh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án trong việc xác định chứng cứ để xét xử các tranh chấp. Pháp luật dân sự cần đưa ra những nguyên tắc chung về đăng kỳ tài sản, giá trị pháp lý của việc đăng ký, ban hành Luật về đăng ký tài sản nhằm pháp điển hoá các quy định về đăng ký tài sản còn đang nằm rải rác ở các văn bản pháp luật chuyên ngành. Cần tổ chức hệ thống cơ quan đăng ký tài sản để hoạt động có hiệu quả, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tạo ra hành lang pháp lý an toàn thuận lợi nhất cho người dân.
4. Nâng cao hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong thực tiễn.
Vấn đề xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong khuôn khổ của pháp luật, mỗi công dân, pháp nhân cần phải tự mình có những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu sao cho có hiệu quả nhất. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, thì các bên cần tận dụng tối đa cơ chế hoà giải, thỏa thuận với nhau.
Cần tăng cường công tác phổ biến giáo dục các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu đến người dân, đồng thời hoàn thiện và tăng cường năng lực hoạt động của các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm bảo đảm cho các quy định này đi vào thực tiễn cuộc sống.
KẾT LUẬN
Phát triển nền kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là mục đích cuối cùng của chế độ xã hội ta. Qua những phân tích trên, ta có thể thấy được những phương thức bảo vệ quyền sở hữu của pháp luật nước ta, tạo cơ sở pháp lí cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Cùng với những biện pháp được quy định trong các văn bản pháp luật khác, chế định bảo vệ quyền sở hữu được quy định trong BLDS đã xây dựng được hành lang pháp lý một cách rõ ràng, thống nhất và hoàn thiện hơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học luật Hà nội, Giáo trình luật dân sự Việt nam, tập I, Nxb CAND, Hà Nội- 2009.
2. Khoa luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật dân sự, Phần chung, Nxb. ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, 2002.
3. Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội- 2005.
4. Hoàng Ngọc Thỉnh, “Phương thức bảo vệ quyền sở hữu cá nhân”, tạp chí luật học, số 3/2000.
5. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2008/01/03/12416
6. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2009/08/08/3499,Ts Nguyễn Hữu Huyên, Bảo vệ quyền sở hữu dưới góc độ luật so sánh.
No comments:
Post a Comment