06/04/2014
Bài tập cá nhân 1 Tố tụng dân sự đề số 10
Anh A kết hôn với chị B năm 1990 có đăng kí kết hôn. Anh chị có một con chung là cháu C và một căn nhà diện tích 100 m2 tại huyện N tỉnh Q. Sau một thời gian chung sống anh chị phát sinh mâu thuẫn. chị B và cháu C về nhà bố mẹ đẻ chị B sinh sống từ năm 2002 và đăng kí tạm trú tại quận C thành phố H. Anh A vẫn ở nhà cũ tại huyện N tỉnh Q. Nay anh A và chị B có đơn yêu cầu tòa án thuận tình li hôn, nuôi con và thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng nhưng không biết gửi đơn đến Tòa án nào.

a) Anh (chị) hãy xác định Tòa án có thẩm quyền mà các đương sự có thể nộp đơn yêu cầu.
b) Đối với vụ việc này, sau khi thụ lý Tòa án có phải tiến hành hòa giải để các bên đoàn tụ không? Giải thích rõ tại sao?

BÀI LÀM

a) Khoản 2. Điều 28 BLTTDS 2004 có quy định yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản sau khi ly hôn là một trong những yêu cầu về Hôn nhân- gia đình thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án . 

* Theo quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 33 BLTTDS  Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với tất cả các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, Hôn nhân- gia đình thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án ( trừ những tranh chấp, yêu cầu mà đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án ở nước ngoài ) .

* Điểm h, khoản 2 Điều 35 BLTTDS quy định: Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn . 

Từ những căn cứ trên, áp dụng  trong trường hợp của anh A và chị B, sau một thời gian chung sống phát sinh mâu thuẫn, chị B chuyển đến sinh sống và đăng kí tạm trú tại quận C thành phố H, anh A ở tại nhà cũ ở huyện N tỉnh Q, nay có đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì đơn đó có thể thỏa thuận nộp tại Tòa án nhân dân huyện N hoặc Tòa án nhân dân quận C vì hai TAND này đều có thẩm quyền giải quyết việc dân sự này. Trong trường hợp này, mặc dù tài sản chung được chia là một căn nhà (bất động sản) nhưng pháp luật không yêu cầu Tòa án giải quyết loại việc dân sự này buộc phải là Tòa án nơi có bất động sản. Bởi lẽ bản chất của thuận tình ly hôn là hai bên đã thỏa thuận thống nhất và không có tranh chấp về việc chia tài sản cũng như nuôi con. Do đó, thiết nghĩ việc thu thập các tài liệu, giấy tờ liên quan đến bất động sản... để phục vụ quá trình tố tụng cũng như việc thi hành án là không cần thiết.

b) Có ý kiến cho rằng yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn được toà án giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự, trong khi đó, bản chất của việc dân sự là sự xác nhận một sự kiện pháp lý nên về nguyên tắc, không có thủ tục hòa giải và không có thủ tục phản tố. Có ý kiến lại cho rằng việc tiến hành hòa giải là bắt buộc vì quan hệ hôn nhân gia đình có tính chất đặc biệt so với các quan hệ dân sự khác. Sở dĩ có những cách hiểu khác nhau như vậy là do quy định của pháp luật. Nếu như trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự các quy định về thủ tục từ nhận đơn, hướng dẫn bổ sung nội dung đơn kiện, trả lại đơn hay thụ lý đơn, việc ra các quyết định và các thủ tục khác… được quy định rất chi tiết thì đối với thủ tục giải quyết việc dân sự, phần nhiều các quy định của Luật còn mang tính khái quát, thiếu cụ thể và chi tiết.

Theo cách hiểu của em, về nguyên tắc chung việc giải quyết việc dân sự, những quy định tại chương XX “Quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự” được ưu tiên áp dụng, những vấn đề chưa được quy định cụ thể tại chương XX thì được áp dụng các quy định khác của BLTTDS (Điều 311 BLTTDS). Tại Điều 10 BLTTDS cũng quy định: “toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Điều 88 và 90 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì tòa án phải tiến hành hòa giải. Trong trường hợp tòa án hòa giải không thành thì tòa án lập biên bản về sự tự nguyện ly hôn và hòa giải đoàn tụ không thành. Điểm a Điều 9 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP  hướng dẫn một số vấn đề luật hôn nhân và gia đình cũng quy định: trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải. Như vậy, việc nói tòa án buộc phải tiến hành hòa giải đối loại việc thuận tình ly hôn là có cơ sở pháp lý. Hơn nữa, việc hòa giải cũng có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, có không ít những trường hợp hòa giải thành. Tuy vậy, nên chăng pháp luật tố tụng dân sự  nên quy định cụ thể hơn các trường hợp buộc phải tiến hành hòa giải tùy theo thời gian hai người sống ly thân ( khái niệm này chưa có trong pháp luật, xong thực tiễn lại diễn ra rất nhiều). Giống như trường hợp mà đề bài ra, chị B đã chuyển tới nhà mẹ đẻ sinh sống từ năm 2002, đến năm 2010 mới có đơn yêu cầu ly hôn, 8 năm là khoảng thời gian không ngắn để họ bình tĩnh suy nghĩ về việc có nên chấm dứt hôn nhân hay không . Khi họ đã đưa ra quyết định, lúc này mục đích của việc hòa giải liệu có đạt được hay không ?

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội - Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam . NXB CAND. Hà Nội 2009.
2. Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam  2000.
3. Luật tố tụng dân sự Việt Nam 2004.
4. Tạp chí nghiên cứu pháp luật, Nguyễn Minh Hằng. Học viện Tư pháp- Nguyễn Minh Hiếu . Tòa dân sự TAND TP Hồ Chí Minh , Những vấn đề trao đổi từ thực tiễn giải quyết vụ việc Hôn nhân- gia đình.
5. Sổ tay thẩm phán 2009.

No comments:

Post a Comment