I.KHÁI QUÁT VỀ CÁC BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ:
1. Khái niệm các biện pháp khuyến khích đầu tư:
Dưới góc độ pháp lí, khuyến khích đầu tư được coi là một trong những biện pháp thu hút vốn đầu tư có hiệu quả. Đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều có điểm chung là cần vốn đầy tư như cần một yếu tố thiết yếu giúp nền kinh tế có thể tồn tại và phát triển nên khuyến khích đầu tư càng trở nên không thể thiếu. Nhận thức được tầm quan trọng đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề khuyến khích đầu tư như là thứ công cụ hữu ích và phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc tạo lập môi trường đầu tư có sức cạnh tranh lớn trong lĩnh vực thu
hút đầu tư.
Các biện pháp khuyến khích đầu tư được hiểu là tất cả những quy định do nhà nước ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi hoặc tao ra những lợi ích nhất định cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài khi tiến hành đầu tư vào nền kinh tế, trên cơ sở kết hơp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, của nền kinh tế- xã hội và của các nhà đầu tư.
2. Hệ thống văn bản pháp luật về các biện pháp khuyến khích đầu tư:
Pháp luật quốc gia về khuyến khích đầu tư chiếm vị trí quan trọng trong việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động đầu tư. Ở Việt Nam, các quy định về khuyến khích đầu tư được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau đó là: Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đất đai năm 2003, Luật thuế xuất nhập khẩu, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất…Nhìn chung, các văn bản pháp luật này đều quy định những vẫn đề cơ bản như: Xác định đối tượng được khuyến khích đầu tư, xác định chế độ khuyến khích đầu tư, trình tự thủ tục khuyến khích đầu tư…Những vấ đề trên tuy được trình bày và diễn giải khác nhau trong từng văn bản song việc thực hiện chúng đều
nhằm mục đích hướng tới nguyên tắc chung là thỏa mãn các yêu cầu cơ bản của các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh cạnh tranh cao giữa nền kinh tế của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với các quy phạm pháp luật quốc gia, những quy phạm pháp luật quốc tế cũng được xem là một bộ phận cấu thành cơ sở pháp lí cho hoạt động khuyến khích đầu tư.
II. PHÂN TÍCH MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT ĐẦU TƯ 2005:
1. Các ưu đãi về tài chính:
* Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: Theo quy định tại Điều 17 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu các chủ đầu tư tiến hành đầu tư vào các địa bàn, lĩnh vực khuyến khích đầu tư ( Điều 27, 28 Luật Đầu tư năm 2005) thì sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế. Nghị định số 164/2003/NĐ- CP quy định chi tiết Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định số 152/2004/NĐ- CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 164, quy định một số ưu đãi cụ thể về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
_ Đối với các khu kinh tế, các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 4 năm miễn thuế, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
_ Cở sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư; cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài mới thành lập được áp dụng thuế suất ưu đãi là 10% trong 15 năm, kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh được miến thuế trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Trường hợp cần đặc biệt khuyến khích cao hơn, Bộ tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án.
_ Miễn giảm thuế đối với các cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn được miễn, giảm thuế cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư này mang lại.
_ Miễn giảm thuế đối với các dự án kinh doanh hàng xuất khẩu.
_ Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất được miễn giảm thuế như sau:
+ Được miễn thuế 2 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 6 năm tiếp theo đối với cơ sở dịch vụ mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp;
+ Được miễn thuế 3 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 7 năm tiếp theo đối với cơ sở dịch vụ mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong khu chế xuất, cơ sở sản xuất mới thành lập từ dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp;
+ Được miễn thuế 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 7 năm tiếp theo đối với cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển hạ tầng mới thành lập từ dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất trong lĩnh vực sản xuất không phân biệt trong hay ngoài khu chế xuất.
* Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2005, nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa bao gồm các thiết bị, máy móc, vật tư, phương tiện vận tải và hàng hóa khác để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.
* Ưu đãi về thuế giá trị gia tăng: Nhà nước Việt Nam chủ trương miễn thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, hoạt động phục vụ đầu tư nhất định, như máy móc, thiết bị chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được; hoạt động chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, đối với một số hàng hóa liên quan trực tiếp đến đầu tư như hàng hóa xuất khẩu cũng được xem xét miễn thuế hoặc chỉ áp dụng mức thuế suất bằng 0%.
* Một số ưu đãi tài chính khác: Ngoài các ưu đãi kể trên, nhà đầu tư còn được hưởng các ưu đãi về thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, các ưu đãi liên quan đến vấn đề về chuyển lỗ kinh doanh, khấu hao tài sản.
2. Ưu đãi về chính sách sử dụng đất, mặt nước, mặt biển:
Nhà đầu tư đầu tư vào các dự án thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hoặc đầu tư vào địa bàn được khuyến khích đầu tư sẽ được hưởng một số ưu đãi liên quan đến việc sử dụng đất như: giá thuê đất, thời hạn thuê đất.. Cụ thể:
_ Theo quy định tại Quyết định số 53/1999/QĐ – TTg ngày 26/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 81/1999/TT- BTC của Bộ Tài chính, những ưu đãi về giá tiền thuê đất được xác định như sau: Dự án có sử dụng đất đô thị thuộc địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, giá thuê đất giảm 50% so với mức quy định; dự án sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, giá thuê đất được tính bằng 80% giá áp dụng với đất đô thị, đất không phải là đất đô thị; chính phủ quy định việc miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư theo phương thức BOT, BTO, BT; dự án trồng rừng, trong thời gian kinh doanh được giảm 90% số tiền thuê đất phải nộp; các dự án được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản; miễn tiền thuê đất 7 năm từ
ngày hoàn thành xây dựng cơ bản, đưa dự án vào hoạt động đối với những dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư và đặc biệt khuyến khích đầu tư; miễn tiền thuê đất 11 năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn; dự án gặp khó khăn phải ngừng xây dựng cơ bản được miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng đó;
_ Trong thời gian tạm ngừng xây dựng cơ bản hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng một phần diện tích được thuê vào sản xuất kinh doanh thì được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp đối với diện tích đất sử dụng.
_ Nộp tiền thuê đất một lần cho nhiều năm sẽ được giảm tiền thuê đất theo tỉ lệ lũy tiễn;
Đối với việc sử dụng mặt nước, mặt biển, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành những khung giá tương đối ổn định và có những ưu đãi cụ thể, đặc biệt là với những dự án thuộc đối tượng đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư.
3. Các biện pháp hỗ trợ về thủ tục hành chính:
Chính phủ Việt Nam đã và đang thay đổi những quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh mà theo đó sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, đặc biệt là giảm bớt các rào cản về hành chính tạo điều kiện thuận lơi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể:
_ Thứ nhất, tạo ra đầu mối duy nhất để các nhà đầu tư nước ngoài có thể liên hệ để xin cấp phép đầu tư. Đầu mối này ở một số tỉnh có thể là sở kế hoạch đầu tư, có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho ủy ban nhân dân tất cả các vấn đề liên quan đến đầu tư nước ngoài và thay mặt ủy ban nhân dân nhận cũng như trả lời về việc cấp phép đầu tư.
_ Thứ hai, từng bước thực hiện việc rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các tỉnh thành phố đều đưa ra những ưu đãi riêng, theo đó thời gian cấp phép đầu tư ngày càng rút ngắn. Ví dụ như Quảng Nam cấp phép đầu tư trong vòng 24h, Hải phòng cấp phép đầu tư trong vòng 3h..
_ Thứ ba, cải thiện cách thức đăng kí cấp phép đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tháng4/ 2004 Việt Nam đã cho phép và thử nghiệm thành công việc cấp phép đầu tư nước ngoài qua mạng internet.Thời gian đầu, việc dăng kí kinh doanh qua mạng mới chỉ dừng lại ở việc cấp phép đầu tư cho những dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài.
_ Thứ tư, Chính phủ đã thành lập Cục đầu tư trực tiếp nước ngoài với cơ cấu gồm 3 trung tâm xúc tiến đầu tư tại 3 tỉnh Bắc, Trung, Nam. Cục đóng vai trò như một trung tâm dịch vụ hỗ trợ, nơi tất cả các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được cung cấp đầy đủ các thông tin về môi trường đầu tư, các thủ tục cấp phép cần thiết cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.
4. Các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích đầu tư khác:
Bên cạnh những ưu đãi, hỗ trợ về thuế, sử dụng đất và cải cách hành chính, pháp luật nước ta còn có những biện pháp ưu đãi, hỗ trợ khác cho các nhà đầu tư như: ưu đãi về ngoại hối, hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân công, hỗ trợ về đền bù giải phóng mặt bằng…
III. GIẢI THÍCH: “ Vì sao Nhà nước lại lựa chọn các tiêu chí: lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư để làm cơ sở tiến hành khuyến khích đầu tư ”:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2005 quy định: “ Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư”. Như vậy, theo quy định này, có thể thấy rằng khuyến khích đầu tư không phải là đưa ra những ưu đãi đồng đều cho việc đầu tư vào tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế mà bao giờ cũng có những cấp bậc, mức độ khuyến khích khác nhau giữa các ngành, các lĩnh vực. Sở dĩ Nhà nước có quy định như vậy vì thông qua việc ban hành và áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư theo lĩnh vực đầu tư, địa bàn đầu tư, Nhà nước có thể chủ động cơ cấu lại nền kinh tế.
Với cơ sở là hai tiêu chí lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư, Nhà nước Việt Nam có thể cải thiện được theo ý muốn chủ quan những mặt hạn chế trong việc phát triển kinh tế theo ngành, theo vùng cụ thể. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trước đây, những dự án đầu tư vào miền núi, vùng sâu, vùng xa thì được coi là những dự án được đặc biệt khuyến khích đầu tư. Lý do là bởi vì Việt Nam mong muốn cải thiện kinh tế tại những vùng miền này. Hiện nay, theo Luật Đầu tư năm 2005, các dự án đầu tư được khuyến khích theo các lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư trong đó các lĩnh vực được khuyến khích chủ yếu tập trung vào phát triển nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng; giáo dục; y tế hoặc các ngành sử dụng nhiều lao động; lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu; lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Các địa bàn khuyến khích đầu tư bao gồm địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đây chính là các ngành, các lĩnh vực, địa bàn mà Việt Nam cần tập trung phát triển trong thời gian tới.
Thông qua cách thức quy định các lĩnh vực, địa bàn nào cần khuyến khích đầu tư, Nhà nước có thể chủ động cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chủ quan của mình vì những lĩnh vực, địa bán có khuyến khích thì lượng vốn đầu tư vào sẽ nhiều hơn là những lĩnh vực không được khuyến khích đầu tư. Khi đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích, các nhà đầu tư sẽ nhận được sự hỗ trợ đáng kể của Nhà nước và như vậy, một mặt, khuyến khích đầu tư sẽ tạo ra những lợi ích nhất định cho nhà đầu tư, mặt khác sẽ giúp Nhà nước chuyển dịch được cơ cấu kinh tế một cách hợp lí và phát triển được các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn luôn trong tình trạng thiếu vốn kinh doanh nhằm phát triển đồng đều đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung, tạo ra đà tăng trưởng bền vững, ổn
định, có khả năng đối chọi được với các biện động khách quan của nền kinh tế- xã hội.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:1. Luật Đầu tư năm 20052. Nghị định số 164/2003/NĐ- CP quy định chi tiết Luật thuế thu nhập doanh nghiệp3. Nghị định số 152/2004/NĐ- CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 164/2003/NĐ- CP4. Giáo trình Luật Đầu tư. Trường Đại học Luật Hà Nội. Năm 20065. “ Tìm hiểu pháp luật về các biện pháp khuyến khích đầu tư Việt Nam” – Nguyễn Phương Ngân, khóa luận năm 2006
No comments:
Post a Comment