20/06/2014
Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất - Bài tập cá nhân Luật Tố tụng dân sự đề số 3
Đề bài số 3:

Năm 1998 ông bà A, B có cho ông M thuê mảnh đất 100 m2 tại phường T quận X thành phố H làm nhà xưởng sản xuất. Năm 2004 ông A, bà B chết không để lại di chúc. Sau khi ông A, bà B chết các con của ông bà là C, D, E yêu cầu ông M phải trả lại diện tích đất nói trên. Ông M không trả đất vì cho rằng ông bà A, B đã chuyển nhượng cho ông mảnh đất này. Nay C, D, E cùng khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông M phải trả lại cho họ mảnh đất trên. 

Hỏi:
a) Nếu ông M cư trú tại quận B thành phố H và C, D, E cư trú tại thành phố M tỉnh T thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên? Tại sao?
b) Giả sử ông M cư trú tại quận B thành phố H; C, D cư trú tại thành phố M tỉnh T và E đang định cư ở Canađa. Anh (chị) hãy xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên và giải thích tại sao?

Bài làm

a) Nếu ông M cư trú tại quận B thành phố H và C, D, E cư trú tại thành phố M tỉnh T thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên? Tại sao?

Năm 1998 ông bà A, B có cho ông M thuê mảnh đất 100 m2 tại phường T quận X thành phố H làm nhà xưởng sản xuất. Năm 2004 ông A, bà B chết không để lại di chúc. Sau khi ông A, bà B chết các con của ông bà là C, D, E yêu cầu ông M phải trả lại diện tích đất nói trên. Ông M không trả đất vì cho rằng ông bà A, B đã chuyển nhượng cho ông mảnh đất này. Như vậy có thể thấy, tranh chấp giữa ông M và C, D, E liên quan đến quyền sử dụng đối với mảnh đất 100m2 tại phường T, quận X, thành phố H mà ông bà A, B để lại. 

- Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 7, Điều 25 bộ luật Tố tụng dân sự 2004: “"Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: ... Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai ..."  có thể thấy tranh chấp dân sự trên thuộc thẩm quyền giải quyêt của Tòa án nhân dân.

- Thứ hai, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự: "Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ... có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây: a) Tranh chấp về dân sự ... quy định tại Điều 25 ... của Bộ luật này; ..."  và điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự: "thẩm quyền của giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: ... c) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản; ..." . Như vậy có thể kết luận, tranh chấp trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận X thành phố H, nơi có bất động sản tranh chấp.

b) Giả sử ông M cư trú tại quận B thành phố H; C, D cư trú tại thành phố M tỉnh T và E đang định cư ở Canađa. Anh (chị) hãy xác định Tòa án có thẩm quyền giải  quyết vụ việc trên và giải thích tại sao?

Như phân tích ở trên, tranh chấp trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo quy định tại Khoản 7 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự: "... Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự ... ở nước ngoài ... không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện"  

Đương sự ở nước ngoài theo quy định tại Nghị quyết 01/2005 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2004: “Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Toà án thụ lý vụ việc dân sụ đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án.”  Do E đang định cư ở Canada nên tranh chấp trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: "... Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ... có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây: ... c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 33 Bộ luật này ..." . Cùng với điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự ”Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản” , ta có thể xác định được rằng Tòa án nhân dân thành phố H là nơi có thẩm quyền giải quyết vụ việc

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nôi, Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, NXB CAND, HN 2011
2. Bộ luât Tố tụng Dân sự nước CHXHCN Việt Nam, sửa đổi bổ sung 2011
3. Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment