14/06/2014
2 vụ việc về tranh chấp quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc - Bài tập nhóm Luật Sở hữu trí tuệ
Quyền tác giả luôn là một trong những đặc quyền quan trọng của cá nhân, tổ chức đối với các tác phẩm của mình. Với việc cho ra đời hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và pháp luật về quyền tác giả nói riêng, Nhà nước ta đã thực sự đạt được một bước tiến lớn trong việc công nhận và bảo hộ đầy đủ quyền tác giả của tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo của mình. Có thể khẳng định rằng, hệ thống pháp luật về quyền tác giả đã tạo điều kiện cho mọi công dân được phát huy tài năng trong việc sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học có giá trị, giải phóng mọi năng lực sáng tạo trí tuệ của mỗi cá nhân, qua đó đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển chung của nền kinh tế - văn hóa – xã hội của đất nước.


Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật trong những năm vừa qua đã cho thấy, các vụ việc tranh chấp về quyền tác giả ở nước ta luôn chiếm một tỉ trọng lớn trong tổng số các tranh chấp dân sự nói chung. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực âm nhạc. Thông qua bài tập với đề bài: “Sưu tầm 2 vụ việc về tranh chấp quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc. Cho biết ý kiến của nhóm về từng vụ việc” nhóm 4 xin trình bày một phần tìm hiểu của mình về đề tài này.


NỘI DUNG

1. Một số khái niệm chung

- “Quyền tác giả”, theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), là “quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”. Có thể khẳng định đây là khái niệm chính thức và căn bản nhất về “quyền tác giả” được ghi nhận trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

- “Tranh chấp quyền tác giả”, xuất phát từ khái niệm “quyền tác giả” nêu trên, có thể hiểu là các tranh chấp liên quan đến các quyền của tổ chức và cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

2. Các vụ việc cụ thể

2.1. Án thứ nhất: Vụ kiện của nhạc sỹ Trần Tiến

2.1.1. Tóm tắt vụ việc

Tháng 5.1996, sau khi Sài Gòn Video sản xuất băng cassette có tựa đề “Tình khúc Trần tiến – Tạm biệt chim én” và tung ra thị trường, nhạc sỹ Trần Tiến đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc Sài Gòn Video đã sử dụng 10 ca khúc của ông để sản xuất kinh doanh mà không hề xin phép, không trả tiền nhuận bút; tự ý cắt bỏ lời 3 của bài hát “Tạm biệt chim én”, bỏ một câu kết của bài “Cô bé vô tư”, sử dụng ba câu trong hai bài “Ngọn lửa cao nguyên” và “Chiếc vòng cầu hôn”, để ca sỹ Trung Đức hát sai một nốt nhạc trong bài “Tùy hứng lí qua cầu” và thay đổi tiết tấu trong bài “Vết chân tròn trên cát”; ngoài ra còn in ở bìa trang 2 hình ảnh cô gái ăn mặc hở hang, làm xuyên tạc nội dung ca khúc của ông. 

Trong đơn khởi kiện của mình, nhạc sỹ đã yêu cầu Sài Gòn Video phải công khai xin lỗi ông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm trên, đồng thời phải bồi thường cho ông 50 triệu đồng (gồm tiền nhuận bút, tiền bồi thường tổn hại về vật chất và tinh thần, trong đó có khiến cho hợp đồng giữa nhạc sỹ Trần Tiến và Công ty vật phẩm văn hóa Thành phố Hồ chí Minh (kí ngày 16.4.1996) về việc sử dụng một số ca khúc của ông đã không thực hiện được).

Sau phiên tranh luận tại tòa án, Hội đồng xét xử TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã căn cứ vào Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả về quyền tác giả năm 1994 (gọi tắt là Pháp lệnh) và các văn bản pháp luật có liên quan và tuyên bố:

- Chấp nhận một phần yêu cầu của nhạc sỹ Trần Tiến buộc Sài Gòn Video phải xin lỗi công khai nhạc sỹ trên các phương tiện thông tin đại chúng vì các hành vi vi phạm trên.

- Buộc Sài Gòn Video phải trả thù lao sử dụng 10 bài hát của nhạc sỹ và bồi thường thiệt hại hợp đồng đã ký giữa nhạc sỹ và Công ty vật phẩm văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

2.1.2. Ý kiến của nhóm về vụ việc

Vụ kiện của nhạc sỹ Trần Tiến với Sài Gòn Video là một trong những vụ kiện khá đình đám về quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc ở Việt Nam. Với những dữ kiện thu thập được, theo quan điểm của nhóm, các phán quyết nêu trên của TAND là phù hợp với quy định của pháp luật về quyền tác giả vào thời điểm bấy giờ. Cụ thể là, Sài Gòn Video đã sử dụng 10 bài hát của nhạc sỹ trần Tiến mà không xin phép, không trả nhuận bút, thù lao, điều này rõ ràng đã xâm phạm đến các quyền pháp lý mà tác giả được hưởng theo quy định tại điểm khoản 5 và 6 Điều 10 của Pháp lệnh: “Tác giả có quyền sau đây:…

5. Hướng nhuận bút hoặc thù lao khi tác phẩm được sử dụng;

6. Cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình và được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho sử dụng tác phẩm”. 

Đồng thời, việc làm này của Sài Gòn Video cũng đã làm ngưng trệ hợp đồng đã ký của nhạc sỹ Trần Tiến với Công ty vật phẩm văn hóa Thành phố Hồ chí Minh, gây tổn hại đến lợi ích của nhạc sỹ Trần Tiến cũng như của Công ty, do đó yêu cầu của nhạc sỹ Trần Tiến khi đòi Sài Gòn Video bồi thường thiệt hại là hoàn toàn có cơ sở pháp lý. 

Bên cạnh đó, Sài Gòn Video còn xâm phạm quyền “được bảo hộ sự toàn vẹn tác phẩm, cho hoặc không cho người khác sửa đổi tác phẩm của mình” (khoản 3, Điều 10 Pháp lệnh) khi tự ý cắt sửa lời, sửa tiết tấu của một số ca khúc mà chưa được sự đồng ý của tác giả. Như vậy, với những hành vi nêu trên, có thể khẳng định rằng Sài Gòn Video đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả của nhạc sỹ Trần Tiến. Chính vì vậy, phán quyết của TAND Thành phố Hồ Chí Minh về các chế tài đối với đơn vị kinh doanh này là hoàn toàn thích đáng và có cơ sở pháp lý.

Mặc dù, tại khoản 2 Điều 33 Pháp lệnh có quy định như sau: “Tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình khi sử dụng tác phẩm của người khác để sản xuất chương trình phải thực hiện các quy định sau đây:…

2. Đối với tác phẩm đã công bố, không phải xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, nhưng phải ghi tên tác giả, người biểu diễn, bảo đảm sự toàn vẹn của tác phẩm và trả thù lao”

Tuy nhiên, trong trường hợp vụ việc này, Sài Gòn Video đã sử dụng các tác phẩm của nhạc sỹ Trần Tiền để sản xuất băng cassette và tung ra thị trường nhằm mục đích kinh doanh của tổ chức, không thể được coi là “để sản xuất chương trình”. Do đó, không thể áp dụng quy định này đối với Sài Gòn Video.

Từ vụ án này, có một vấn đề nảy sinh. Đó là, bản thân ngay trong Pháp lệnh cũng như các văn bản pháp luật khi đó đều không có quy định cụ thể thế nào là “sản xuất băng âm thanh … để sản xuất chương trình”. Quy định như vậy là mập mờ, thiếu chặt chẽ. Hoạt động chính của các tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình là sản xuất băng, đĩa nhằm mục đích thương mại. Do tính chất đặc thù của công việc, họ thường xuyên phải sử dụng các tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm âm nhạc nói riêng để phục vụ mục đích kinh doanh. Việc sử dụng các tác phẩm nghệ thuật để phục vụ mục đích sản xuất chương trình nếu có thì là rất ít. Quy định tại khoản 2 Điều 33 Pháp lệnh  có thể tạo ra kẽ hở pháp lý để các tổ chức sản xuất băng, đĩa có thể lợi dụng để thu lợi cá nhân mà xâm phạm đến quyền lợi của các tác giả. Đó là trong trường hợp họ cố tình ngụy tạo việc sử dụng các tác phẩm nghệ thuật dưới mục đích sản xuất chương trình, thay vì công khai mục đích kinh doanh của họ. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử, các nhà làm luật cũng đã nhận ra và sửa chữa kẽ hở pháp lý này. Trên thực tế, tại các văn bản pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ, quy định này cũng đã không còn nữa.

Như vậy, với những hành vi nêu trên, có thể khẳng định rằng Sài Gòn Video đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả của nhạc sỹ Trần Tiến. Phán quyết của TAND Thành phố Hồ Chí Minh về các chế tài đối với đơn vị kinh doanh này là hoàn toàn thích đáng và có cơ sở pháp lý.

2.2. Vụ việc 2: Tranh chấp quyền tác giả “Hạnh phúc mong manh” 

2.2.1. Tóm tắt vụ việc

Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt kí hợp đồng bán ca khúc làm nhạc phim “Anh em nhà bác sĩ” với công ty Vietcom ngày 30/12/2009, trong đó có ca khúc “Hạnh phúc mong manh”. Sau đó, Vietcom đã đồng ý cho Galaxy Mobile kinh doanh mà không hỏi ý kiến nhạc sĩ Vũ Quốc Việt. Công ty TNHH MTV (đại diện cho Vũ Quốc Việt) lên tiếng cho rằng “Hạnh phúc mong manh” không phải là ca khúc độc quyền trong phim “Anh em nhà bác sĩ” mà thuộc quyền sở hữu của Vũ Quốc Việt.

Vấn đề nằm ở chỗ là trong hợp đồng giữa Vũ Quốc Việt và Công ty Vietcom không ghi tên của 2 ca khúc độc quyền, nên Vũ Quốc Việt thì nói phim Anh em nhà bác sĩ không độc quyền ca khúc Hạnh phúc mong manh, còn Vietcom thì ngược lại.

Trong hợp đồng giữa Vũ Quốc Việt và Công ty Vietcom không ghi tên 2 ca khúc độc quyền vì lúc ký hợp đồng thì nhạc sĩ Vũ Quốc Việt chưa sáng tác, nên chưa có tựa đề bài hát để ghi vào. Tuy nhiên trong một buổi liên hoan, có hàng chục nhân viên Vietcom tham gia, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt đã tuyên bố là ngoài 2 ca khúc độc quyền, sẽ “khuyến mãi” thêm cho Vietcom 1 ca khúc nữa.

Thật sự là giữa Công ty Vietcom và  nhạc sĩ Vũ Quốc Việt không có một giấy giao nhận nào về 2 ca khúc độc quyền như trong hợp đồng. Tuy nhiên, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt có giao cho Vietcom một đĩa nhạc, trên đó có ghi “Hạnh phúc mong manh nhạc film AENBS 2010 Vũ Quốc Việt”. Đĩa nhạc này là kết quả của quá trình làm việc giữa 2 phía. Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt thì nói rằng 2 ca khúc “Mơ ngày bình yên” và “Ngày em 20” là 2 ca khúc độc quyền, còn “Hạnh phúc mong manh” là ca khúc “khuyến mãi”. Bà Bảo Trâm, Giám đốc Công ty Vietcom lại nói 2 ca khúc “Mơ ngày bình yên” và “Hạnh phúc mong manh” là 2 ca khúc độc quyền còn “Ngày em 20” là ca khúc “khuyến mãi”. 

Dưới đây là ý kiến của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt sau khi TT&VH đăng bài phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Công ty Vietcom:

“Ca khúc Hạnh phúc mong manh là không độc quyền trong phim Anh em nhà bác sĩ hay Công ty Vietcom (trong hợp đồng ký ngày 30/12/2009). Nếu độc quyền thì tôi không bao giờ đưa cho rất nhiều ca sĩ, nhóm nhạc khác hát, mà họ cũng chẳng khờ dại gì đi hát bài hát độc quyền của người khác để sẽ gặp rắc rối. Điều đáng nói là nếu độc quyền thì tôi và công ty MTV Vianna không bao giờ bỏ ra kinh phí gần 300 triệu đồng (gấp khoảng 20 lần so với hợp đồng viết 1 ca khúc cho Vietcom) để thực hiện CD-DVD với chính chủ đề Hạnh phúc mong manh. … “Bút tích” của tôi trên đĩa gởi cho Vietcom trước đây có ghi: “Hạnh phúc mong manh nhạc film AENBS 2010 Vũ Quốc Việt”, nhưng rõ ràng không có chữ nào thể hiện là “độc quyền cho phim”.”

2.2.2. Ý kiến của nhóm

Những rắc rối xung quanh ca khúc “Hạnh phúc mong manh” cho thấy nhạc sĩ Vũ Quốc Việt và công ty Vietcom đã không cẩn trọng trong việc tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giao kết hợp đồng. Trong hợp đồng viết nhạc phim giữa nhạc sĩ Vũ Quốc Việt và Vietcom, chỉ nêu chung chung là Vũ Quốc Việt sẽ viết cho phim “Anh em nhà bác sĩ” 2 ca khúc mà chưa có tên ca khúc cụ thể và Vietcom sẽ độc quyền 2 ca khúc này. Điều đáng nói là trong quá trình làm việc, giao nhận “sản phẩm” theo hợp đồng, không có một biên bản hoặc giấy tờ gì lưu lại nhằm có thể chứng minh 2 ca khúc độc quyền đó có tựa đề là gì, ca khúc “khuyến mãi” có tựa đề gì? Ngay cả sau khi hoàn thành hợp đồng, giữa 2 đối tác cũng không có biên bản thanh lý hợp đồng. Vì vậy mà xảy ra vụ việc tranh chấp này.

Chính sự chủ quan, thiếu hiểu biết cơ bản về pháp luật của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt và công ty Vietcom đã làm nên sự thiếu rõ ràng trong bản hợp đồng bán ca khúc giữa hai bên, từ đó đã gây khó khăn trong việc xác định đối tượng nào được bảo hộ quyền tác giả, chủ thể được bảo hộ quyền tác giả, khó xác định được ai là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với ca khúc “Hạnh phúc mong manh” để từ đó xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp. Nếu như ngay từ ban đầu, sau khi đã có tên của các ca khúc, hai bên kí kết một bản hợp đồng phụ trong đó ghi rõ đâu là 2 ca khúc nhạc sĩ Vũ Quốc Việt bán độc quyền cho công ty Vietcom, đâu là ca khúc nhạc sĩ tặng thêm cho công ty thì đã không dẫn đến tranh chấp khó giải quyết hiện giờ.

Căn cứ pháp lý có thể dùng để giải quyết tranh chấp này là Luật sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ Luật dân sự 2005 và một số luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

3. Hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

Hiện nay, cơ sở pháp lí về quyền tác giả trong lĩnh vực của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc hơn, điển hình như sự ra đời Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, sự ra đời của website http://www.musicmusic.vn do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Công ty Cổ phần Truyền thông Biển xanh (BlueSea) phối hợp thực hiệnlà một trong những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhằm góp phần định hướng âm nhạc lành mạnh, “sạch”, có bản quyền và hạn chế việc sử dụng miễn phí một cách vô tội vạ, sử dụng lậu các tác phẩm âm nhạc hiện nay tại Việt Nam, người yêu âm nhạc còn có thể tìm hiểu thông tin về tác giả, tác phẩm và tác giả có thể chia sẻ trực tiếp đến công chúng thông qua hệ thống đăng ký qua Internet…

Tham khảo ý kiến bình luận của các chuyên gia pháp lý, sau quá trình tìm hiểu nghiên cứu của nhóm, nhóm chúng em nhận thấy pháp luật quy định hiện hành quy định về quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc còn tồn tại nhiều điểm chống chéo, mâu thuẫn, tạo lỗ hổng pháp lý gây khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp, nhiều trường hợp hạn chế hoặc làm tổn hại đến quyền và lợi ích của các bên chủ thể. Tại Việt Nam, vấn đề quyền tác giả nói chung và quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng đặt ra trong các văn bản pháp luật Việt nam chậm hơn so với sự phát triển của các quan hệ dân sự khác và rất chậm so với sự hình thành và phát triển của nhà nước pháp quyền, có chăng vì quyền tác giả vẫn là lĩnh vực mới mẻ và phức tạp? Để đáp ứng những vấn để cần cả một đội ngũ cán bộ cả trong cơ quan lập pháp, hành pháp đến tư pháp về quyền tác giả  có chất lượng tốt, không ngừng nâng cao chuyên môn pháp lí. Cần phổ cập đầy đủ, tuyên truyền rộng rãi trong đời sống nhân dân nhất là giới nghệ sĩ hiểu rõ tầm quan trọng của quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ.

LỜI KẾT

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ của nhà nước, giới văn nghệ sĩ và công chúng hiện nay đã phần nào nhận rõ tầm quan trọng của quyền tác giả nói riêng và vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung, qua đó có thể đấu tranh và ủng hộ vì quyền lợi của chính mình. Đây thực sự là một động thái tốt để góp phần tạo ra một thị trường âm nhạc công bằng lành mạnh, góp phần nuôi dưỡng tài tăng phát triển nền văn hóa nước nhà bài trừ các hành vi xâm phạm quyền tác giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ, Nxb CAND, Hà Nội, 2010;
2. Bộ luật dân sự năm 1995, 2005;
3. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009;
4. Pháp lệnh về Bảo hộ quyền tác giả 1994;
5. Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
6. Kiều Thị Thanh, Luận án thạc sỹ “Một số vấn đề về quyền tác giả trong luật dân sự Việt Nam”, trang 82 – 88, Hà Nội, 1999.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment