15/06/2014
Đại diện cho thương nhân - Bài tập cá nhân Luật Thương mại 2
Ở Việt Nam, theo quy định trong Luật Thương mại 2005, hoạt động trung gian thương mại được xác định là hoạt động của thương nhân để thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định và bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa và đại lý thương mại. Bài làm dưới đây xin trình bày về cụ thể về một trong các loại hình trung gian thương mại – Đại diện cho thương nhân

Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Đai diện là việc một người (gọi là người đại diện) nhân danh và vì lơi ích của người khác (gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”. Quan hệ đại diện có thể được thiết lập trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và bao gồm hai loại: Đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền

Điều 141 Luật Thương mại 2005 quy định: “Đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận ủy quyền (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện cac hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện”.


Từ quy định của Bộ luật Dân sự và Luật thương mại hiện hành có thể khẳng định đại diện cho thương nhân là một dạng của đại diện theo ủy quyền được thực hiện trong hoạt động thương mại.


Đại diện cho thương nhân có những đặc điểm sau:

1. Quan hệ đại diện cho thương nhân phát sinh giữa bên đại diện và bên giao đại diện

Trong quan hệ đại diện cho thương nhân thì cả bên đại diện và bên giao đại diện đều phải là thương nhân. Bên giao đại diện là một thương nhân có quyền thực hiện những hoạt động thương mại nhất định (như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại) nhưng lại muốn trao quyền đó cho thương nhân khác, thay mình thực hiện hoạt động thương mại. Bên đại diện cho thương nhân cũng phải là thương nhân thực hiện hoạt động đại diện một cách chuyên nghiệp. Do đó, có thể thấy hoạt động đại diện cho thương nhân liên quan tới 3 chủ thể: bên giao đại diện, bên đại diện và bên thứ ba (có thể là một hoăc một số người). Trong quan hệ với bên giao đại diện, bên đại diện sẽ nhân danh chính mình nhưng trong quan hệ với bên thứ ba thì họ sẽ nhân danh bên giao đại diện, chứ không nhân danh chính mình. Do đó, trong phạm vi ủy quyền, bên đại diện được giao dịch với bên thứ ba và mọi hành vi do bên đại diện thực hiện trực tiếp mang lại hậu quả pháp lý cho bên giao đại diện. Khi bên đại diện giao dịch với bên thứ ba thì về mặt pháp lý, các hành vi do người này thực hiện được xem như là chính người ủy quyền (người giao đại diện) thực hiện. Bên giao đại diện phải chịu trách nhiệm về các cam kết do bên đại diện thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Đây là điểm khác biệt cơ bản của hoạt động đại diện cho thương nhân so với các hoạt động trung gian thương mại khác. Trong quan hệ đại diện cho thương nhân, giữa bên đại diện và bên giao đại diện có sự rang buộc khá chặt chẽ.

2. Nội dung của hoat động đại diện cho thương nhân do các bên tham gia quan hệ thỏa thuận. 

Các bên có thể thỏa thuận về việc bên đại diện được thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện. Hoạt động đại diện cho thương nhân thường bao gồm việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho thương nhân giao đại diện và được tiến hành trong suốt thời gian đại diện. Hoạt động đại diện cho thương nhân thường bao gồm việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh cho thương nhân giao đại diện và được tiến hành trong suốt thời gian đại diện, không giới hạn vào một việc cụ thể. Bên đại diện cho thương nhân có thể được ủy quyền tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, lựa chọn đối tác, đàm phán, giao kết hợp đồng với bên thứ ba trên danh nghĩa của bên giao đại diện. Cùng một lúc, bên đại diện có thể tiến hành hoạt động này cho nhiều thương nhân trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

3. Quan hệ đại diên cho thương nhân phát sinh trên cơ sở hợp đồng đại diện. 

Quan hệ đại diện cho thương nhân là một dạng riêng của quan hệ đại diện theo ủy quyền được quy định trong Bộ luật dân sự, bởi vậy hợp đồng đại diện cho thương nhân là một dạng đặc biệt của hợp đồng ủy quyền. Khác với hợp đồng ủy quyền trong dân sự chỉ mang tính chất đền bù khi được các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định, hợp đồng đại diện cho thương nhân luôn mang tính chất đền bù.

Hợp đồng đại diện cho thương nhân được giao kết giữa các thương nhân với nhau (giữa thương nhân giao đại diện và thương nhân đại diện), thương nhân giao đại diện phải ó quyền thực hiện hoạt động thương mại mà mình ủy quyền, thương nhân đại diện phải có đăng kí kinh doanh dịch vụ đại diện.

Hợp đồng đại diện cho thương nhân phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Điều 142 Luật Thương mại 2005)

Tóm lại, Đại diện cho thương nhân là một trong các loại hình dịch vụ trung gian thương mại, vì vậy nó mang đầy đủ các đặc điểm chung của các loại hình trung gian thương mại. Trong hoạt động kinh doanh, thương nhân sẽ kinh doanh có hiệu quả hơn nếu biết sử dụng dịch vụ trung gian thương mại nói chung và dịch vụ đại diện cho thương nhân nói riêng một các hợp lý. Các dịch vụ trung gian thương mại thực tế đã mang lại hiệu quả rất lớn cho nền kinh tế cũng như cho các chủ thể kinh doanh.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Thương mại (Tập 2), NXB CAND, Hà Nội 2009
2. Luật Thương mại 2005
3. Bộ luật Dân sự 2005

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment