09/05/2014
Thất nghiệp - Bài tập học kỳ Kinh tế vĩ mô - 9 điểm
Trong công cuộc xây dưng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, trước hết là hướng đến mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020 thì vấn đề thất nghiệp và các chính sách giải quyết việc làm đang là câu chuyện hết sức nóng bỏng và không kém phần bức bách đang được toàn xã hội quan tâm. 

Đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển sang nền kinh tế phát triển, đang đổi mới từng bước nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Kinh tế học vĩ mô đã vạch rõ ra trong vấn đề phát sinh trong đó thể hiện ở những vấn đề: thất nghiệp, việc làm, lạm phát…. Ở bài viết này em xin được chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục về tình hình thất nghiệp của nước ta trong giai đoạn 2009- 2013.

NỘI DUNG

I. Những vấn đề cơ bản về thất nghiệp

I.1.Thất nghiệp là gì?

- Theo khái niệm của tổ chức lao động quốc tế ILO: thất nghiệp là tình trạng tồn tại khi một số người trong độ tuổi lao động muốn có việc làm nhưng không thể tìm được việc làm ở mức tiền công nhất định.

- Người thất nghiệp là người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, không có việc làm và có nhu cầu tìm kiếm việc làm.


I.2.Các loại thất nghiệp:

* Phân theo loại hình thất nghiệp.
- Thất nghiệp chia theo giới tính ( nam,  nữ )
- Thất nghiệp chia theo  lứa  tuổi  ( tuổi,  nghề )
- Thất nghiệp chia theo vùng lãnh thổ ( thành thị,  nông thôn )
- Thất nghiệp chia theo ngành nghề  (ngành kinh tế,  nông nghiệp. . )
- Thất nghiệp chia theo dân tộc,  chủng tộc. 

* Phân loại theo lý do thất nghiệp.
- Do bỏ việc : Tự ý xin thôi việc vì những lý do khác nhau như cho rằng lương thấp, không hợp nghề, hợp vùng 
- Do mất việc : Các hãng cho thôi việc do những khó khăn trong kinh doanh 
- Do mới vào : Lần đầu bổ sung vào lực lượng lao động nhưng chưa tìm được việc làm  ( thanh niên đến tuổi lao động  đang tìm kiếm việc, sinh viên tốt nghiệp đang chờ công tác. . . . . ) 
- Quay lại : Những người đã rời khỏi lực lượng lao động nay muốn quay lại làm việc nhưng chưa tìm được việc làm 

* Phân loại theo nguồn gôc thất nghiệp.
- Thất nghiệp tạm thời: Thất nghiệp tạm thời xảy ra khi có một số người lao động trong thời gian tìm kiếm công việc hoặc nơi làm việc tốt  hơn, phù hợp với ý muốn riêng ( lương cao hơn, gần nhà hơn. . . )
- Thất nghiệp cơ cấu: Thất nghiệp cơ cấu xảy ra khi có sự mất cân đối cung cầu giữa các thị trường lao động ( giữa các ngành nghề, khu vực. . . ) 
- Thất nghiệp do thiếu cầu: Do sự suy giảm tổng cầu. Loại này còn được gọi là thất nghiệp chu kỳ bởi ở các nền kinh tế thị trường nó gắn liền với thơì kỳ suy thoái của chu kỳ kinh doanh, xảy ra ở khắp mọi nơi mọi ngành mọi nghề. 
- Thất nghiệp do yếu tố ngoài thị trường: Nó xảy ra khi tiền lương được ấn định không bởi các lực lượng thị trường và cao hơn mức cân bằng thực tế của thị trường lao động.

I.3.Tỉ lệ thất nghiệp.

- Tỉ lệ thất nghiệp là phần trăm (%) số người thất nghiệp so với tổng số người trong lực lượng lao động.
- Tỷ lệ thất nghiệp là chỉ tiêu phản ảnh  khái quát tình trạng thất nghiệp của một quốc gia. Cũng vì thế mà có những quan điểm khác nhau về nội dung và phương pháp tính toán để có khả năng biểu thị đúng và đầy đủ đặc điểm nhiều vẻ của tình trạng thất nghiệp thực tế, đặc biệt là ở những nước đang phát triển.Việc đưa ra các giải pháp nhằm hạ tỷ lệ thất nghiệp là mối quan tâm của mọi quốc gia, mọi xã hội.

II. Tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay.

Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua.

- Kinh tế tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong nước(GDP) tăng bình quân hàng năm 7 %.
- Mỗi năm tạo hơn 1,2 triệu việc làm mới. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 30 % giảm xuống còn 10%. 
- Văn hoá xã hội có những tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Giáo dục và đào tạo phát triển về quy mô và cơ sở vật chất. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên.
- Mỗi năm có hơn 1,2 triệu lao động có việc làm mới. Công tác xoá đói giảm nghèo đạt kết quả nổi bật, công tác dân số kế hoạch hoá gia đình có nhiều thành tích  được Liên hợp quốc tặng giải thưởng. 
- Tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường.
- Quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng,  hội nhập kinh tế quốc tế được tiến hành chủ động và đạt nhiều kết quả tốt. 

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong những năm qua thì tình hình việc làm vẫn là vấn đề nan giải lớn đối với nước ta.

III. Tình trạng thất nghiệp của Việt Nam giai đoạn 2009- 2013 và những ảnh hưởng của nó tới đời sống kinh tế - xã hội.

Bỏ qua bất bình đẳng xã hội, tội phạm hay bạo lực thì giờ đây, nỗi sợ hãi kinh hoàng nhất đang hoành hành trên toàn thế giới lại chính là vấn đề không thể kiếm được việc làm và hiện tượng thất nghiệp ngày càng tăng. Thất nghiệp trở thành mối quan tâm nóng bỏng toàn cầu, vượt xa mọi vấn đề lo lắng thông thường khác, kể cả cái đói nghèo, nhất là khi khủng hoảng kinh tế, tài chính gõ cửa đến từng hộ gia đình. Nền kinh tế muốn phát triển được toàn diện và đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải giải quyết tốt các vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế trong đó có vấn đề thất nghiệp. Đây là vấn đề nóng bỏng cấp bách và cần thiết phải giải quyết không chỉ đối với nền kinh tế nước ta mà hầu như các nước trên thế giới phải đau đầu vì vấn đề này. Dân số nước ta hiện nay hơn 86 triệu người trong đó có khoảng 45 triệu lao động mỗi năm lại tăng thêm một triệu lao động trong khi nền kinh tế chưa có những chuyển biến đột phá so với những năm trước đây. Vấn đề việc làm đòi hỏi phải giải quyết để đảm bảo an sinh xã hội. Nếu không được giải quyết tốt thì sẽ kéo theo những vấn đề như: tệ nạn xã hội, lạm phát,.....

Để thấy rõ thực trạng thất nghiệp ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế cũng như những vấn đề xã hội ta phải tìm hiểu và phân tích cụ thể qua từng chặng đường phát triển như sau: 

III.1 Thực trạng thất nghiệp năm 2009

Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đến cuối năm 2009, cả nước có 133.262 bị mất việc làm, chiếm 18% lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) có báo cáo, chưa kể 40.348 lao động ở các làng nghề bị mất việc làm và khoảng 100.000 người phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên.

Ngày 19/1/2010, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị của Việt Nam năm 2009 là 4,66% ( đây là tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 15-60 đối với nam và 15-55 tuổi đối với nữ) và tỷ lệ thiếu việc làm của Việt Nam ở mức 5,1%. Đáng chú ý tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn lên tới 6,1% còn khu vực thành thị là 2,3%. Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội năm 2009, cả nước đã tạo việc làm cho 1,51 triệu lao động, đạt 88,8% kế hoạch năm, trong đó tạo việc làm trong nước là 1,437 triệu người và xuất khẩu lao động trên 73.000 người.

Năm 2010, Bộ đặt mục tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động. Trong đó, việc làm trong nước là 1,515 triệu người, xuất khẩu lao động là 85.000 người. Bên cạnh đó, Bộ cũng phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị xuống dưới 4,7%.

III.2 Thực trạng thất nghiệp năm 2010

Tại cuộc họp báo ngày 31/12/2010, tổng cục thống kê cho biết,lực lượng lao động trong độ tuổi của nước ta năm 2010 khoảng 46,21 triệu người, tăng 2,12% so với năm 2009. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,88%.

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,29% và tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn là 2,29%. So sánh với năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm 0,02%, thất nghiệp thành thị giảm 0,17% trong khi thất nghiệp nông thôn lại tăng thêm 0,02%.

Bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi, tỷ lệ thiếu việc làm năm 2010 của lao động trong độ tuổi là 4,5%; trong đó khu vực thành thị là 2,04%, khu vực nông thôn là 5,47%. Theo Tổng cục thống kê, năm 2010, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 trở lên là hơn 50,5 triệu người, tăng 2,68% so với năm 2009, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là hơn 46,2 triệu người, tăng 2,12%. Tỷ lệ dân số cả nước 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động tăng từ 76,5% năm 2009 lên 77,3% năm 2010.

III.3 Thực trạng thất nghiệp năm 2011

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị luôn cao hơn khu vực nông thôn và ngược lại tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn khu vực thành thị. Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị là 3,6% và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của khu vực nông thôn là 3,56%. Đây là một trong những nét đặc thù của thị trường lao động nước ta trong nhiều năm gần đây.

Năm 2011, cứ 1000 người đang làm việc ở khu vực nông thôn thì có 36 người thiếu việc làm; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nông thôn cao gấp hơn 2,2 lần khu vực thành thị, trong khi có sự chênh lệch không đáng kể về mức độ thiếu việc giữa nam và nữ ở khu vực nông thôn của các vùng kinh tế- xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính đạt 50,4 triệu người, tăng 33,2 nghìn người so với lực lượng lao động trung bình năm 2010, trong đó nam 26 triệu người, tăng 72,4 nghìn người; nữ 24,4 triệu người, giảm 39,2 nghìn người.

Tỷ lệ thất ngiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm ước tính 2,58% ( năm 2010 là 4,1%), trong đó khu vực thành thị 3,96%; khu vực nông thôn 2,02%. Tỷ lệ  thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính 3,9%, trong đó khu vực thành thị 2,15% và khu vực nông thôn 4,6%.

III.4 Thực trạng thất nghiệp năm 2012

Theo báo cáo kết quả điều tra Lao động việc làm năm 2012 của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố chiều 18/12 cho thấy tỉ lệ thất nghiệp 9 tháng năm 2012 là 2,17%, tỷ lệ thiếu việc làm là 2,98%. Trong khi cùng kỳ năm 2011, 2 con số này lần lượt là 2,18% và 3,15%.

Về con số cụ thể, thống kê cho thấy cả nước hiện có 984.000 người thất nghiệp và 1,36 triệu người thiếu việc làm. Trong đó, người thiếu việc làm ở nông thôn là 1,1 triệu người, cao hơn rất nhiều so với thành thị (246.000 người). Số người thất nghiệp ở khu vực thành thị là 494.000, khu vực nông thôn là 459.000 người. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,53% cao hơn ở khu vực nông thôn với 1,55%.

Trong 9 tháng qua cũng ghi nhận số lao động trẻ, tuổi từ 15-24 bị thất nghiệp khá cao, chiếm tới 46,8% trong tổng số thất nghiệp, tỷ trọng này ở khu vực thành thị là 38,1% và ở khu vực nông thôn là 56,2%. Xét theo địa bàn, đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 là TP HCM với 3,92%. Tiếp theo là vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung với 2,21%. Tỷ lệ này tại Hà Nội là 2,15%. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thuộc về vùng trung du và miền núi phía Bắc với 0,77%. Về tỷ lệ thiếu việc làm, đứng đầu cả nước là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 4,6%, con số này tại Hà Nội là 0,98%. Tỷ lệ thiếu việc làm thấp nhất thuộc về TP HCM với 0,54%. Lao động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực Nhà nước có xu hướng giảm dần qua các quý của năm 2012 (giảm 3% từ quý I đến quý III). Ngược lại, khu vực ngoài Nhà nước bao gồm những người tự tạo việc làm, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã lại tăng lên. Báo cáo cũng cho thấy, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong vấn đề lao động việc làm. 2,5% phụ nữ không có việc làm, so với 1,7% nam giới. Tìm việc đồng thời là một vấn đề lớn đối với thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24 bởi nhóm này chiếm tới 47% tổng số người thất nghiệp.

III.5. Thực trạng thất nghiệp năm 2013

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính đến 01/10/2013 là 53,9 triệu người, tăng 446,1 nghìn người so với lực lượng lao động tại thời điểm 01/7/2013, trong đó lao động nam chiếm 51,5%; lao động nữ chiếm 48,5%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm 01/10/2013 là 47,7 triệu người, tăng 366 nghìn người so với thời điểm 01/7/2013, trong đó nam chiếm 53,7%; nữ chiếm 46,3%. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế chín tháng năm 2013 ước tính 52,4 triệu người, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2012. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc chín tháng năm nay của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 47,4% tổng số, không biến động nhiều so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,7%, giảm 0,5 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 31,9%, tăng 0,5 điểm phần trăm.

Tỷ lệ lao động phi chính thức trong tổng số lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc chín tháng năm 2013 ước tính 33,7%, trong đó khu vực thành thị là 47,1%; khu vực nông thôn là 28%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi chín tháng năm 2013 ước tính là 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 3,67%, khu vực nông thôn là 1,56% (Số liệu của chín tháng năm 2012 tương ứng là: 2,06%; 3,31%; 1,48%). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi chín tháng năm 2013 ước tính là 2,66%, trong đó khu vực thành thị là 1,50%, khu vực nông thôn là 3,18% (Số liệu của chín tháng năm 2012 tương ứng là: 2,75%; 1,46%; 3,33%).  Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 chín tháng năm 2013 ước tính là 5,97%, trong đó khu vực thành thị là 10,79%, tăng 1,27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 4,49%, tăng 0,05 điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động từ 25 tuổi trở lên chín tháng năm 2013 ước tính là 1,29%, trong đó khu vực thành thị là 2,45%, khu vực nông thôn là 0,77%. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng lên do sản xuất vẫn gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

III.6. Ảnh hưởng của thất nghiệp tới đời sống kinh tế - xã hội.

Trước hết, thất nghiệp là đòn rất mạnh giáng vào tâm lý và đời sống của mọi người và từ đó ảnh hưởng mãnh liệt đến đời sống xã hội. Thanh niên mới lớn không có việc làm  dễ sinh bi quan, chán nản, dần dần nhiễm các thói hư, tật xấu, làm trầm trọng thêm các tệ nạn xã hội như cướp của, mại dâm... gây suy thoái đời sống xã hội.
Thứ hai là trong cơ chế thị trường nhiều thành phần, nếu nhà nước không có các thể chế chặt chẽ, số người không có việc làm sẽ phát triển sống bằng đủ cách, từ việc khai thác bừa bãi tài nguyên (vàng, đá quý, gỗ, than, quặng kim loại...) đến các băng đảng buôn lậu, làm hàng giả, trộm cắp đồ cổ ... làm hại nền kinh tế, văn hoá và môi trường tự nhiên của đất nước.
Thứ ba là do thừa lao động và giải quyết việc làm, nước ta không thể tiến nhanh lên trình độ hiện đại hoá vì càng trang bị hiện đại, càng cần ít lao động.
Thứ tư là việc gia tăng đội quân thất nghiệp lên quá nhanh khiến nhà nước phải bỏ ra những khoản chi phí lớn để trợ cấp cho những người thất nghiệp, mở các lớp dạy nghề...làm cho ngân sách bị thu hẹp, không thể mở rộng đầu tư, xây dựng các dự án kinh tế khác.

IV. Nguyên nhân của tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam

 Thất nghiệp gia tăng do suy giảm kinh tế toàn cầu

Nguyên nhân khiến người lao động bị mất việc làm chủ yếu do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu làm cho tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, làm cho nhiều quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, có doanh nghiệp phải đóng cửa hoàn toàn do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu. Chính vì vậy, họ phải “ dãn thở” dẫn đến lao động mất việc làm, đây là nguyên nhân chủ yếu. Trong năm 2009, mức lạm phát ở Việt Nam đã lên tới gần 23%, tuy thấp hơn một ít so với mức giá mà người ta chờ đợi nhưng rõ ràng năm 2009 là năm mà vật giá leo thang rất nhiều.

Bên cạnh lý do lạm phát, Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm tăng trưởng toàn cầu, nhất là vì kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư ngoại quốc và xuất khẩu ( đặc biệt là sang Hoa Kỳ và Châu Âu). Danh sách các doanh nghiệp phải giải thể, ngưng hoạt động, thu hẹp sản xuất ngày càng nhiều. Hậu quả là nạn thất nghiệp sẽ tăng cao ở Việt Nam trong năm nay.

 Nếp nghĩ có từ lâu trong thanh niên

Là thói quen đề cao việc học để “ làm thầy” mặc dù nếu bản thân học “ làm thợ” sẽ tốt hơn hay “ thích làm Nhà nước, không thích làm cho tư nhân”; như vậy là thiếu thực tế bởi không dựa trên khả năng của bản thân và nhu cầu xã hội. Một bộ phận lao động trẻ có biểu hiện ngộ nhận khả năng của bản thân, một bộ phận khác lại tự ti, mắc những sai lầm. Rất nhiều lao động trẻ “ nhảy việc” để tìm kiếm thu nhập cao nên dẫn đến tình trạng dễ bị mất việc.

 Lao động Việt Nam có trình độ tay nghề thấp

Vì tay nghề thấp nên lao động Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu mới, tính chuyên nghiệp chưa cao. Việc kỹ năng không đáp ứng yêu cầu và sự thiếu phối hợp giữa hệ thống đào tạo và giáo dục, các nhu cầu thị trường lao động và quan niệm lạc hậu về vai trò và trách nhiệm giới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề rất thấp, chỉ khoảng 26%. Lao động của chúng ta đúng là dồi dào thật nhưng vẫn không ổn định mà phần lớn do trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó lao động vẫn trong tình trạng bán chuyên nghiệp, công việc chắp vá, không ổn định.

Theo thống kê, cả nước hiện có 1.915 cơ sở dạy nghề (CSDN) trong đó có 1.218 CSDN công lập ( chiếm 64%) bao gồm: 262 trường dạy nghề, 251 trường ĐH, CĐ, thuộc các doanh nghiệp. Trong những năm qua, bình quân mỗi năm các trường nghề thuộc doanh nghiệp đào tạo khoảng 90.000 đến 100.000 học sinh nghề dài hạn và hàng trăm ngàn học sinh hệ ngắn hạn. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bằng chứng là, hầu hết là các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề. Hay như các doanh nghiệp xuất khẩu lao động luôn phải “ loay hoay” với các đơn hàng tuyển dụng lao động có tay nghề.

V. Phương hướng cải thiện và giải pháp khăc phục tình trạng thất nghiệp ở nước ta hiện nay.

V.1. Phương hướng cải thiện.

Hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp theo lý thuyết:

- Đối với loại thất nghiệp tự nguyện:
  + Cấu tạo ra nhiều công ăn việc làm và có mức tiền lương tốt hơn để tại mỗi mức lương thu hút được nhiều lao động hơn.
  + Tăng cường hoàn thiện các chương trình dạy nghề, đào tạo lại, tổ chức tốt thị trường lao động.

- Đối với loại thất nghiệp chu kỳ: Cần áp dụng chính sách tài khoá, tiền tệ để làm gia tăng tổng cầu nhằm kích thích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, theo đó thu hút được nhiều lao động.

Việc đầu tư hay nói đúng hơn là kích cầu nhắm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ là trọng tâm đã được xác định. Bên cạnh đó, kích cầu bằng việc đầu tư vào phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đang được đánh giá là giải pháp tối ưu hơn cả. 

Tạo mọi điều kiện cho lao động mất việc

Các giải pháp chủ yếu để hỗ trợ lao động mất việc làm.

Thứ nhất, Tổng liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố giúp đỡ người lao động sớm tìm được việc làm mới. 

Thứ hai, các trường dạy nghề của tổ chức công đoàn có nhiệm vụ nâng cao tay nghề cho người lao động hoặc thu hút người lao động vào học nghề, tranh thủ lúc không có việc. 

Thứ ba, cho vay vốn từ quỹ quốc gia của Tổng liên đoàn. Những người lao động mất việc do suy thoái kinh tế sẽ được vay vốn để họ có thu nhập giải quyết khó khăn trước mắt.  Ngoài ra, ở một số tình, thành phố con có thêm quỹ trợ vốn cho lao động nghèo. 

Hoàn thiện hệ thống bảo hiểm thất nghiệp: Bảo hiểm thất nghiệp ra đời sẽ góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ cho người lao động được học nghề và tìm việc làm, sớm đưa họ trở lại làm việc. 

Những biện pháp khác:

- Trợ cấp một tỷ lệ nhất định trong quỹ lương ở các doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí nhân lực liên quan mà không cần phải sa thải nhân công.
- Cắt giảm thuế tiêu thụ cũng giúp giảm gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng với hy vọng rằng tổng cầu sẽ được duy trì ở mức khả dĩ, tác động tích cực ngược lại đến doanh nghiệp và do đó giảm thiểu được nạn sa thải nhân lực do sản xuất kinh doanh đình đốn.
- Thông qua các tổ chức công đoàn thuyết phục người lao động và chủ doanh nghiệp chấp nhận một mức cắt giảm trong tiền lương để duy trì số công ăn việc làm trong doanh nghiệp.
- Đào tạo nghề cho bà con ở nông thôn đặc biệt là con cái của họ, khi diện tích đất sản xuất của họ  bị thu hồi thì có thể sử dụng dễ dàng chuyển sanh làm những ngành nghề khác.
- Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động là nơi mà không những giải quyết được tình trạng thất nghiệp ở trong nước mà còn thu được nguồn ngoại tệ không nhỏ cho quốc gia.
- Chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
- Hạn chế tăng dân số.

V.2. Giải pháp khắc phục

* Huy động mọi nguồn lực để tạo ra môi trường kinh tế phát triển nhanh.
- Phát triển toàn diện nông - lâm - ngư nghiệp, gắn với công nghệ chế biến nông lâm thuỷ sản và đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá. 
- Đầu tư phát triển các ngành nghề công nghiệp, chú trọng trước hỗ trợ công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
- Đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ thiết thực.
- Phát triển các ngành dịch vụ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực vận tải thông tin liên lạc, thương mại, du lịch, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ, pháp lý...

* Tạo ra một môi trường pháp lý đồng bộ khuyến khích tạo mở và duy trì chỗ làm việc khuyến khích tự tạo việc làm.

* Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong việc tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm. 

* Phát triển nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm.

V.3. Những thành công ban đầu trong việc giải quyết việc làm ở nước ta:

Trong năm qua đã giải quyết việc làm cho gần 40 vạn lao động, hơn 70 trung tâm xúc tiến việc làm dạy nghề cho 12 vạn học viên, trong đó có 70% học viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm.

Trong khu vực kinh tế quốc doanh, chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định nhằm sắp xếp, tổ chức lại sản xuất và lao động, đã tạo việc làm đầy đủ, ổn định và có thu nhập cao hơn cho phần lớn công nhân viên chức, chuyển một bộ phận lao động không có nhu cầu ra làm việc ở khu vực ngoài quốc doanh.

Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có khả năng tạo chỗ làm việc nhiều nhất cho người lao động đang phát triển mạnh mẽ, có khoảng 6728 doanh nghiệp tư nhân, 2570 công ty trách nhiệm hữu hạn và 91 công ty cổ phần đã thu hút gần 1 triệu lao động thông qua các hợp đồng lao động. Ở các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 638 dự án đang triển khai hoạt động với khoảng 45.000 lao động Việt Nam đang trực tiếp làm việc tại xí nghiệp và 10 vạn lao động làm công việc xây dựng cơ bản, sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng....Chưa kể đến hàng năm thu hút khoảng 400 nghìn người có việc làm nhờ phát triển kinh tế gia đình.

KẾT LUẬN

Trong tình hình bất ổn của thế giới cũng như tình hình kinh tế- chính trị Việt Nam hiện nay thì chúng ta có nhiều vấn đề cần được quan tâm. Song có lẽ vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay không chỉ có Việt Nam chúng ta quan tâm, mà nó được cả thế giới quan tâm đó là vấn đề thất nghiệp. Như vậy, từ những lí do phân tích ở trên cũng như thực trạng thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc quản lí và các biện pháp của Nhà nước đối với vấn đề này.

Thất nghiệp là một hiện tượng kinh tế xã hội tồn tại một cách khách quan và gây ra những hậu quả xấu ngăn cản sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, vấn đề giải quyết thất nghiệp là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, giảm bớt thất nghiệp không những tạo điều kiện để phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy ổn định xã hội. Một xã hội có nền kinh tế phát triển, tỷ lệ thất nghiệp thấp thì tệ nạn xã hội sẽ bị đẩy lùi, đời sống nhân dân được nâng cao.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình kinh tế học vĩ mô, Nxb giáo dục
2. http://luanvan.net.vn/luan-van/do-an-tinh-hinh-that-nghiep-cua-viet-nam-tu-nam-2008-den-nam-2011-49118/
3. http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/noidungtinhhinhthuchien?categoryId=100002927&articleId=10052683
4. http://www.vinacorp.vn/news/ty-le-that-nghiep-2012-chi-o-muc-1-99-do-lao-dong-thoi-vu-tang/ct-538506
5. http://dantri.com.vn/kinh-doanh/1-trieu-nguoi-viet-nam-dang-that-nghiep-675426.htm
6. http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/nam-2011-ty-le-that-nghiep-la-227-20111229020559975ca33.chn
7. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nam-2010-ty-le-that-nghiep-cua-viet-nam-la-tren-28-2184527.html
8. http://www.baomoi.com/Ty-le-that-nghiep-tai-khu-vuc-thanh-thi-nam-2009-la-466/47/3789936.epi
9. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/gan-mot-trieu-lao-dong-viet-nam-that-nghiep-2724834.html

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Pipi Quyên đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment