Một phản ứng hóa học không thể xảy ra nếu không có sự tương tác giữa phân tử của các chất tham gia; bóng đèn sẽ không phát sáng nếu như không có sự tác động qua lại giữa dòng điện và dây dẫn; sẽ không có các mùa nếu trái đất không quay…. Rõ ràng, không có nguyên nhân nào không dẫn tới kết quả nhất định và ngược lại, không có kết quả nào lại không có nguyên nhân. Mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả là mối liên hệ được lặp đi lặp lại nhiều nhất, phổ biến nhất trong sự vận động của hiện tượng. Do đó có thể nói, mối liên hệ nhân quả là mối liên hệ tự nhiên đầu tiên được phản ánh vào đầu óc của con người. Do vậy mối quan hệ nguyên nhân kết quả là mối quan hệ đặc biệt quan trọng.
Nội Dung:
Phần I:Khái niệm cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả và mối quan hệ biện chứng giữa chúng:
1.Khái niệm nguyên nhân và kết quả:
Nguyên nhân là sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra sự biến đổi nhất định.
Kết quả là những biến đổi xuất hiện do nguyên nhân tao ra.
2.Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả:
- Theo quan điểm biện chứng duy vật mối liên hệ nhân – quả là mối liên hệ khách quan của bản thân các sự vật. Nó tồn tại ngoài ý muốn của con người không phụ thuộc vào việc ta có nhận thức được nó hay không.
- Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả còn thể hiện ở chỗ: 1 hiện tượng nào đó trong đó mối quan hệ này là nguyên nhân thì trong mối quan hệ khác lại là kết quả và ngược lại.
- Thực tiễn cho thấy cùng một nguyên nhân có thể gây nên nhiều kết quả khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Ngược lại một kết quả có thể gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau tác động riêng lẻ hay tác động cùng lúc.
3.Phân loại nguyên nhân:
- Nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu
+ Nguyên nhân chủ yếu : là các nguyên nhân mà khi thiếu mặt thì kết quả sẽ không xảy ra .
+ Nguyên nhân thứ yếu : là các nguyên nhân mà khi có mặt của chúng chỉ quyết định những đặc điểm nhất thời, không ổn định, cá biệt của hiện tượng .
- Nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài :
+ Nguyên nhân bên trong : là sự tác động lẫn nhau giữa những mặt hay những yếu tố của cùng 1 kết cấu vật chất nào đó và gây ra những biến đổi nhất định .
+Nguyên nhân bên ngoài : là sự tác động lẫn nhau giữa những kết cấu vật chất khác và gây ra những biến đổi thích hợp trong kết cấu vật chất ấy .
- Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan :
+ Nguyên nhân khách quan : là nguyên nhân xuất hiện và tác động độc lập đối với ý thức con người, của các giai cấp, các chính đảng…
+ Nguyên nhân chủ quan : là nguyên nhân xuất hiện và tác động phụ thuộc vào ý thức con người trong lĩnh vực hoạt động của các cá nhân, các giai cấp, các chính đảng… nhằm thúc đẩy hay kìm hãm sự xuất hiện, phát triển… các quá trình xã hôi.
- Nguyên nhân tác động cùng chiều và nguyên nhân tác động ngược chiều :
+ Nguyên nhân tác động cùng chiều : là các nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo cùng một hướng thì sẽ gây nên ảnh hưởng cùng chiều với sự hình thành kết quả .
+ Nguyên nhân tác động ngược chiều : là các nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo các hướng khác nhau thì chúng sẽ làm suy yếu, thậm thì hoàn toàn triệt tiêu tác dụng của nhau .
4.Ý nghĩa phương pháp luận :
- Vì mối liên hệ nhân – quả tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý thức của con người nên chỉ có thể tìm nguyên nhân của hiện tượng ở trong chính thế giới của hiện thực.
- Vì nguyên nhân luôn luôn xuất hiện trước kết quả nên khi nguyên nhân của 1 hiện tượng nào đó cần tìm trong những mặt, những sự kiện những mối liên hệ đã xảy ra trước khi xuất hiện.
- Vì dấu hiệu đặc trưng của nguyên nhân trong mối liên hệ với kết quả là nguyên nhân sinh ra kết quả, nên khi xác định nguyên nhân của hiện tượng cần đặc biệt chú ý đến dấu hiệu đặc trưng ấy.
- Vì mối liên hệ nhân – quả rất phức tạp, đa dạng nên phải phân biệt chính xác các loại nguyên nhân để có phương pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp với mỗi trường hợp cụ thể trong nhận thức và thực tiễn.
- Vì một nguyên nhân có thể dẫn đến nhiều kết quả và ngược lại, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân nên trong nhận thức và thực tiễn cần phải có cách nhìn mang tính toàn diện và lịch sử - cụ thể trong phân tích, giải quyết và vận dụng quan hệ nhân – quả.
- Vì mối liên hệ nhân – quả mang tính chất tất yếu nên ta có thể dựa vào mối quan hệ nhân – quả để hành động trong quá trình hành động ấy cần lưu ý :
+ Muốn loại bỏ một hiện tượng nào đó cần loại bỏ nguyên nhân làm nảy sinh ra nó.
+ Muốn cho hiện tượng xuất hiện cần tao ra nguyên nhân cùng những điều kiện cần thiết cho nguyên nhân sinh ra nó phát sinh tác dụng.Vì hiện tượng này có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân tác động riêng lẻ hoặc đồng thời trong hoạt động thực tiễn cần tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn phương pháp hành động chứ không hành động rập khuôn theo một phương pháp nhất định.
+ Vì các nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân bên trong giữa vai trò quyết định trong sự xuất hiện, vận động và tiêu vong của hiện tượng nên trong hoạt động thực tiễn cần dựa trước hết vào các nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân bên trong.
+ Để đẩy nhanh hay kìm hãm ( hoặc loại trừ ) sự phát triển của 1 hiện tượng xã hội nào đó cần làm cho các nguyên nhân chủ quan tác động cùng chiều ( hay lệch hoặc ngược chiều ) với chiều vận động của mối liên hệ nhân quả khách quan.
Phần II : Vận dụng cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả để phân tích vấn đề suy thoái rừng ở Việt Nam hiện nay
1. Nguyên nhân dẫn đến suy thoái rừng
+ nguyên nhân thứ nhất và chủ yếu nhất là do ý thức của con người,khai thác không đúng quy hoạch, con người khai thác một cách ồ ạt nguồn tài nguyên rừng bên cạnh đó một đại bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ rừng gây tình rạng cháy rừng nghiêm trọng. Mỗi năm, các tỉnh khu vực miền trung và Tây Nguyên đều phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng mà chủ yếu là do ý thức người dân quá kém gây thiệt hại lớn cho nhà nước
+ Hoạt động quản lý nhà nước về rừng yếu kém. Nhà nước thực hiện khoán cho người dân quản lý, bảo vệ rừng và thu các nguồn lợi từ rừng tuy nhiên, do chi phí khoán quá thấp trong khi công việc rất khó khăn và vất vả, dẫn đến người dân tâm lý căng thẳng muốn xin trả lại rừng không nhận khoán nữa. Mức thù lao vừa thấp, vừa bấp bênh (trước là 50 ngàn đồng/ha, hiện nay tăng lên 200 ngàn đồng/ha) làm cho họ không thiết tha với công việc nhận khoán bảo vệ rừng. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng của vấn đề được giao khoán nhưng rừng vẫn bị tàn phá. Khung pháp lý đối với các đối tượng phá rừng chưa thật cụ thể và đúng mức, phần lớn xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ mạnh để răn đe trong khi đó tình trạng kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc phá rừng diễn ra phức tạp, lâm tặc chặt phá rừng ngay cạnh trạm kiểm lâm vài trăm mét mà cán bộ trạm kiểm lâm không hề hay biết thử hỏi có phải kiểm lâm che dấu tiếp tay cho lâm tặc hay không?.
+ Do tập tục du canh du cư, đốt nương làm rẫy của một số cộng đồng thiểu số bà con dân tộc vùng cao. Họ di dân ồ ạt đến nơi có rừng, đốt rừng làm nương rẫy sau một vài mùa vụ họ lại lên đường kiếm những vùng đất mới màu mỡ hơn để canh tác cứ như thế họ để lại sau lưng những cánh rừng chết những vùng đất khô cằn sỏi đá.
+ Do quá trình chuyển hóa đất từ sản xuất lâm nghiệp sang sản xuất nông nghiệp trang trại một cách ồ ạt không theo quy hoạch của nhà nước chúng ta phá bỏ những cánh rừng nguyên sinh để đổi lấy những trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Điển hình như tỉnh Đắk Lắk từ năm 2009 đến nay đã có đến trên 26.500ha rừng bị lấn chiếm, chặt phá trái phép, trong khi đó các cơ quan chức năng mới thu hồi được gần 2.000ha để trồng lại. Điều này cho thấy một thực trạng đáng báo động cho chúng ta về vấn đề mất rừng.
+ Do xây dựng cơ bản như xây dựng đường giao thông, công trình thủy điện,…Trong công cuộc phát triển đất nước thì điều này ta không thể tránh khỏi nhưng chúng ta đang quy hoạch các dự án thủy điện một cách không hợp lý và có nhiều vấn đề bất cập chúng ta cấp phép xây dựng thủy điện quá dễ dàng, dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng dự án chặt phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn một cách kiệt quệ.
Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng suy thoái nguồn tài nguyên rừng,trên đây chỉ là một số nguyên nhân chính mà em tìm hiểu được mong các thầy cô cho ý kiến góp ý.
2. Hậu quả
Theo thống kê của Bộ NN & PTNT, hiện nước ta có tổng diện tích rừng là 13.118.773 ha, trong đó rừng tự nhiên là 10.348.591 ha và rừng trồng là 2.770.182 ha. Trong số đó, hơn một nửa diện tích rừng tự nhiên của nước ta thuộc loại rừng nghèo hoặc tái sinh, trong khi rừng già và rừng tán kín chỉ chiếm trên 9%.
Thống kê mới nhất của Cục Kiểm lâm thì đầu năm đến tháng 9/2010 có 1.553,68 ha rừng bị chặt phá và 5.364,85 ha rừng bị cháy. Diện tích rừng tự nhiên của nước ta đang suy giảm với tốc độ chóng mặt và độ che phủ của rừng ở khu vực miền Trung đã bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay độ che phủ của rừng chỉ còn chưa đầy 40%, trong đó diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn 10%. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi do biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, VN nói chung và miền Trung nói riêng sẽ tiếp tục phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai do các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina gây ra với tần suất ngày càng nhiều và khốc liệt.
+ Tình trạng thiên tai, lũ quét, sạt lở đất…, gây nguy hiểm cho cuộc sống của con người. Hàng năm nước ta phải gánh chịu bao nhiêu là thiên tai nguy hiểm Đặc biệt là hiện tượng trượt lở đất, đá, lũ, lũ quét thường xuyên xảy ra ở các tỉnh miền núi gây tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái. Từ năm 2010 đến 2014 cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở đất làm chết và mất tích 646 người, bị thương trên 350 người, trên 9700 căn nhà bị đổ trôi; hơn 100 nghìn căn nhà bị hư hại nặng; hơn 75.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hàng trăm ha đất canh tác bị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh kinh tế bị hư hỏng, tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ đầu năm đến nay đã xảy ra 12 đợt gió lốc, mưa lớn cục bộ, sét đánh và 2 đợt lũ lớn trên sông Thao, làm 2 người chết, 5 người bị thương, sập đổ 27 ngôi nhà; tốc mái 1.617 nhà ở, thiệt hại hơn 1000 ha lúa, rau màu, cây công nghiệp cùng nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác… Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 13 tỷ đồng. Vào trung tuần tháng 10 năm 2013, trên địa bàn nhiều tỉnh miền Trung đã diễn ra mưa lụt nhiều ngày liên tiếp gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đợt mưa lũ lần này được các ngành chức năng đánh giá là trăm năm mới có một và đưa ra kết luận, là do nạn chặt phá rừng đầu nguồn. Khi rừng đầu nguồn bị chặt phá, cường độ của lũ lụt đi nhanh, làm cho nước dâng cao rất nhanh. Cây rừng ngăn lũ lụt, thiên tai thất thường. Khi nước lũ dâng cao, cây rừng cản sức nước và rễ cây sẽ hút phần nào nước lũ. Có cây rừng, sức nước đỡ mạnh hơn, cây rừng chắn gió và làm suy yếu sức mạnh tại những vùng bão đi qua. Theo các nhà khoa học, việc nhiều diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ở các tỉnh miền Trung bị san bằng nhường chỗ cho thủy điện đang làm mất khả năng điều tiết nước thượng nguồn khi mưa lớn, đây là một nguyên nhân chính khiến lũ lụt ngày thêm trầm trọng.
+ tình trạng hạn hán,xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Vùng ven biển đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm 4 tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có diện tích tự nhiên 6131 km2(tương đương với 7% diện tích lưu vực sông Hồng thuộc lãnh thổ Việt Nam). Dân số 6.374,7 nghìn người, là nơi tập trung đông dân với mật độ trung bình 1.029 người/km2; trong đó có tới 66% lao động sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với diện tích 306.100 ha chủ yếu là canh tác lúa nước nhưng Từ năm 2001 đến nay dòng chảy mùa kiệt nhỏ đã gây trở ngại cho các nhu cầu kinh tế, dân sinh và môi trường ở hạ lưu. Mực nước các cống lấy nước tự chảy vào hệ thống và các trạm bơm tưới hai bên bờ hệ thống sông Hồng luôn thấp, gây khó khăn và hạn chế công suất hoạt động của các trạm bơm tưới như phải giảm số máy bơm, kéo dài thời gian bơm.
Trên đây là một số hậu quả nghiêm trọng và nguy hiểm do suy thoái nguồn tài nguyên rừng gây ra, ngoài ra còn có vô số hậu quả nữa như gây biến đổi khí hậu toàn cầu, xâm nhập mặn..vv.
3. một số biện pháp khắc phục, hướng giải quyết
a. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ rừng.
+ xây dựng các chương trình về thông tin- giáo dục - truyền thông , phổ biến kiến thức pháp luật cho các chủ rừng nhằm nâng cao nhận thức cho họ.
+ học hỏi các nước quản lí tài nguyên rừng tốt điển hình như Nhật Bản. Nhận thức của người Nhật rất cao trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, từ năm 1980, xuất hiện phong trào tìm hiểu về rừng bắt nguồn từ những ngư dân trồng cây ven biển vùng châu thổ sông, vùng núi và lan rộng chưa từng có. Đến nay phong trào này đã có tác động tích cực đến môi trường và luôn được chính phủ khuyến khích.
+ Phải có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương để triển khai các hoạt động về bảo vệ và phát triển rừng. Gắn trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn của các cấp chính quyền và đề cao trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ rừng. Tăng cường sự phối hợp có hệ thống, có kế hoạch với các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động về xâm hại tài nguyên rừng. Dựa vào nhân dân để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Với công tác phòng cháy chữa cháy rừng, phải quán triệt phương châm phòng là chính, chữa cháy kịp thời và hiệu quả
+ Xây dựng và duy trì hoạt động của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tại các địa phương. Có chính sách khen thưởng và động viên kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ rừng. Song cơ bản nhất vẫn là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế xã hội, sử dụng rừng và hưởng lợi từ rừng một cách bền vững và có hiệu quả lâu dài, có như vậy mới mong hạn chế và ngăn chặn được tình trạng phá rừng trái phép, xâm hại tài nguyên rừng hiện nay.
KẾT LUẬN: Thông qua cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả chúng ta đã thấy rõ được tình trạng suy thoái tài nguyên rừng ở Việt Nam hiện nay .Đây là một vấn đề hết sức nóng bỏng, cấp thiết và có ý nghĩa sống còn đến cuộc sống của con người, hiện nay nó đang là vấn đề được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các quốc gia trên thế giới và chúng ta hơn ai hết phải cố gắng cùng nhau bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên thiên nhiên…, vì tương lai của con cháu chúng ta.
No comments:
Post a Comment