27/01/2015
Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng qua chế định ly hôn - Bài tập học kỳ Luật Hôn nhân và gia đình
Hôn nhân hạnh phúc là điều mà ai trong tình yêu cũng đều muốn vươn tới. Nhưng trong thời đại hiện nay ,do phong cách , lối sống ồn ào ,gấp gáp chạy đua với xu thế phát triển của xã đã tác động đến không ít gia đình đặc biệt là những gia đình trẻ. Hôn nhân không còn là thước đo giá trị của tình yêu nên nhiều gia đình xảy ra xung đột và nhanh chóng tan vỡ .Ly hôn không còn phải là chuyện mới và không có gì đáng phê phán trong xã hội hiên nay. Tuy nhiên, sau khi hôn nhân tan vỡ, thông thường thì phía bên người phụ nữ luôn phải gánh chịu những thiệt thòi phần hơn. Pháp luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc vợ chồng bình đẳng và nguyên tắc bảo vệ bà mẹ ,trẻ em nên đã giải quyết công bằng và thỏa đáng cho quyền lợi của cả vợ hoặc chồng. Chính tính nhân đạo, công bằng này của pháp luật hôn nhân đã hấp dẫn em lựa chọn đề bài 07: “ Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng qua chế định ly hôn” làm đề tài nghiên cứu cho bài tập lớn học kì này.

NỘI DUNG

I. KHÁI NIỆM LY HÔN VÀ BẢN CHẤT PHÁP LÝ CỦA LY HÔN

1. Khái niệm ly hôn

Tại Điều 8 khoản 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 ( Luật HN&GĐ 2000) có quy định: “Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng”.

Như vậy ly hôn là sự chấm dứt hôn nhân khi cả hai vợ chồng còn sống do ý chí đơn phương của một bên hoặc do sự thỏa thuận của hai bên trước pháp luật. Ly hôn là một mặt của hôn nhân. Nếu kết hôn là một hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng thì ly hôn là quan hê bất bình thường, là mặt trái của hôn nhân nhưng không thể thiếu được khi quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ. Trong trường hợp đó thì ly hôn là giải pháp cần thiết cho cả hai vợ chồng.

2. Bản chất pháp lý của ly hôn

Cùng với tiến trình lịch sử, gia đình luôn được coi là nền tảng của xã hội Việt Nam, do đó gia đình đã sớm được tổ chức chặt chẽ và những quy định pháp luật về nó qua từng thời kì phát triển của đất nước mang những nét chung nhất của lịch sử và thời đại. Là nội dung quan trọng của luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, chết định ly hôn ngoài việc mang những nét chung đó còn mang những đặc điểm thể hiện sắc thái thuần túy của dân tộc Việt Nam.

Dưới chế độ phong kiến, pháp luật và tục lệ phong kiến Việt Nam có nhiều quy định mang tính luân lý, nho giáo, đặc biệt là quy phạm về hôn nhân gia đình mà theo đó, người phụ nữ phải sống theo thuyết tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Cuộc đời người phụ nữ gắn với công việc gia đình, với chồng với con trên cơ sở địa vị thấp hèn và nhẫn nhục, bị chi phối bởi nguyên tắc “phu xướng, phụ tùy”. Người chồng là chúa tể trong gia đình, người vợ chỉ là công cụ biết nói thuộc sở hữu của người chồng. Trong luật cổ phong kiến Việt Nam, quyền ly hôn thường do người chồng quyết định, dựa vào “tội” của vợ (thất xuất). Do lễ giáo phong kiến không có sự bình đẳng nam nữ, nên nhiều phụ nữ mặc dù không có tình cảm với chồng và cuộc sống chung chỉ mang lại đau khổ cho họ mà họ vẫn không được phép ly hôn.

Đến thời kỳ tư bản chủ nghĩa, do tác động của tư tưởng các mạng tư sản là tự do và bình đẳng, nên pháp luật nói chung và các quy định pháp luật trong lĩnh vực ly hôn nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các nhà luật gia tư sản cho rằng (đã nhà rồi còn gia…) tự do ly hôn phải được thừa nhận như một quyền pháp định. Tuy vậy, trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa, quan điểm về ly hôn cũng thay đổi theo từng giao đoạn lịch sử và phần nào phụ thuộc vào tôn giáo. Hiện nay, hầu như pháp luật tư sản đều thừa nhận quyền ly hôn, tuy nhiên quan điểm và quy định về ly hôn ở các nước cũng có nhiều quan điểm khác nhau.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, bản chất xã hội chủ nghĩa của pháp luật đã thể hiện được tính ưu việt của nó trong mọi lĩnh vực, trong đó có vấn đề ly hôn. Bản chất của ly hôn là sự tan vỡ của cuộc hôn nhân, do vậy, pháp luật hôn nhân gia đình không phải là yếu tố có thể hàn gắn sự rạn nứt về tình cảm của các bên trong cuộc sống vợ chồng mà trái lại, việc toàn án công nhận thuận tình ly hôn hay xử cho ly hôn chỉ là một việc ghi nhận một cách khác quan, một thực tế đối với cuộc hôn nhân tan vỡ mà thôi.

Ở nước ta, mục đích của cuộc hôn nhân trong chế độ ta là xây dựng những gia đình dân chủ hòa thuận, bền vững hạnh phúc. Nhưng vì lẽ này hay lẽ khác khiến cho vợ chồng hết tình hết nghĩa, cuộc sống chung không thế tiếp tục thì ly hôn là biện pháp cần thiết để giải phóng cho họ.

Hiến pháp 1980 đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử lập pháp nước nhà, nó quy định đầy đủ và chặt chẽ quyền bình đẳng giữa nam và nữ (Điều 36) về sở hữu riêng của công dân được pháp luật bảo hộ (Điều 27). Tinh thần ấy lại được tiếp tục kế thừa trong hiến pháp 1992. Những quy định đó được các nhà làm luật lấy làm cơ sở xây dựng luật hôn nhân và gia đình.

II. NGUYÊN TẮC VỢ CHỒNG BÌNH ĐẲNG QUA CHẾ ĐỊNH LY HÔN

Nguyên tắc vợ chồng bình đẳng là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình trên cơ sở nguyên tắc nam nữ bình đẳng mà Hiến pháp đã quy định. Nguyên tắc ấy được thể hiện qua chế định ly hôn như thế nào? 

Hiện nay, pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam luôn cố gắng để giải quyết công bằng và hợp lý hợp tình lợi ích cho các bên vợ chồng trong án ly hôn . Việc đó được thể hiện qua các quyền của mỗi bên về yêu cầu ly hôn, về tài sản, về nuôi con... sau ly hôn. 

1. Quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn

Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật HN&GĐ năm 2000) quy định: 

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. 

2. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn. 

Với đặc điểm của quan hệ pháp luật HN&GĐ, quyền kết hôn, ly hôn là quyền nhân thân không thể chuyển giao, chỉ có chủ thể của quan hệ pháp luật mới có quyền yêu cầu giải quyết. Nên cha, mẹ bên vợ hoặc chồng hay bất cứ người nào khác không thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn mà chỉ có vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn khi có lý do chính đáng. quyền yêu cầu ly hôn nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật là quyền nhân thân gắn liền vợ chồng, chỉ có vợ hoặc chồng hay cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn và cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn là Tòa án nhân dân. Trong quá trình hôn nhân, khi tình cảm vợ chồng không còn dẫn đến tình trạng vợ chồng không thể chung sống thì cả vợ và chồng đều có quyền yêu cầu tòa án cho họ ly hôn, chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Việc tòa án giải quyết việc ly hôn cho vợ chồng sẽ dẫn đến các nghĩa vụ và quyền nhân thân của vợ chồng chấm dứt, ví dụ như quyền đại diện cho nhau trước pháp luật giữa vợ chồng sẽ chấm dứt, ngoài ra còn quyền lựa chọn nơi cư trú, quyền yêu cầu ly hôn… Sở dĩ các quyền này bị chấm dứt vì nó chỉ phát sinh khi có sự kiện kết hôn, hai bên nam nữ chính thức được pháp luật công nhận là vợ chồng và các quyền này chỉ tồn tại song song trong quan hệ vợ chồng, khi quan hệ vợ chồng chấm dứt thì đương nhiên các quyền này cũng chấm dứt theo.

Vấn đề thời hiệu không áp dụng đối với quan hệ pháp luật HN&GĐ. Vì vậy, trong mọi khoảng thời gian của thời kỳ hôn nhân (tính từ khi kết hôn cho đến khi hôn nhân chấm dứt trước pháp luật), vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 85). Luật HN&GĐ của Nhà nước ta không đặt ra điều kiện ngăn cấm quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ bà mẹ, trẻ em, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người vợ và con chưa thành niên, phụ nữ có thai, thai nhi, cũng là bảo vệ lợi ích của xã hội, khoản 2 Điều 85 Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Theo quy định này, người chồng không được yêu cầu ly hôn (với tư cách là nguyên đơn) trong trường hợp: Người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, dù người vợ có thai với ai hoặc đứa con sinh ra là con của người nào. Trường hợp người vợ có thai mà đã bị sảy thai hoặc sau khi sinh con, đứa con bị chết thì người chồng sẽ không bị hạn chế quyền ly hôn. 

Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật HN&GĐ năm 2000 thì trường hợp hạn chế yêu cầu ly hôn chỉ áp dụng với người chồng mà không áp dụng với người vợ. Trong mọi khoảng thời gian, dù người vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu xét thấy tình cảm yêu thương giữa vợ chồng đã hết, mâu thuẫn gia đình đến mức sâu sắc, mục đích của hôn nhân không đạt được; nếu duy trì sẽ bất lợi cho quyền lợi của người vợ, ảnh hưởng tới sức khỏe của người vợ hoặc thai nhi hay trẻ sơ sinh mà người vợ có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện theo thủ tục chung. Đây là một trong những quy định thể hiện sâu sắc tính nhân bản và tiến bộ trong tư tưởng cũng như trong bản chất nội dung pháp luật nước ta nói chung và pháp luật về hôn nhân gia đình nói riêng. So với nội dung Điều 41, Luật HN&GĐ năm 1986, thì khoản 2 Điều 85 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định rõ ràng hơn. Điều 41 Luật HN&GĐ năm 1986 quy định: 

“Trong trường hợp vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh con được một năm”. Quy định này đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau khi vận dụng. Ví dụ: Trường hợp người vợ sau khi sinh con thì đứa con bị chết, vẫn có thể hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Như thế, về mặt nào đấy cũng không bình đẳng đối với người chồng. 

Điều 89 Luật HN&GĐ về căn cứ cho ly hôn quy định: 

1. Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn. 

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. 

Căn cứ ly hôn là những tình tiết được quy định trong pháp luật, chỉ khi có những tình tiết (điều kiện) đó thì Tòa án mới được xử cho ly hôn. Căn cứ ly hôn là cơ sở pháp lý để Tòa án dựa vào đó giải quyết ly hôn.

Trong xã hội có giai cấp, ly hôn thể hiện tính giai cấp. Việc quy định về ly hôn và căn cứ cho ly hôn thể hiện ý chí, quan điểm của giai cấp thống trị xã hội. Quan điểm của những nhà làm luật tư sản cho rằng hôn nhân thực chất là một khế ước, một hợp đồng do hai bên nam nữ tự do, tự nguyện xác lập, vậy thì chỉ được xóa bỏ hôn nhân – khế ước đó trên cơ sở lỗi của các bên. Hệ thống pháp luật ở nước ta dưới chế độ phong kiến thực dân cũng đã quy định căn cứ ly hôn dựa vào “tội” của vợ như “thất xuất” hoặc lỗi của chồng, với những căn cứ, điều kiện phản ánh hình thức của quan hệ hôn nhân. 

Hiện nay, pháp luật hôn nhân gia đình giải quyết ly hôn dựa trên bản chất của cuộc hôn nhân. Như vậy, nếu trong luật cổ Việt Nam, người phụ nữ không có quyền được ly hôn, nhiều người phải cam chịu, nhẫn nhục chịu đựng sự bạo hành của ông chồng, thì ngày nay, nếu hôn nhân không hạnh phúc, một bên có thể đơn phương yêu cầu ly hôn. Tòa án sẽ căn cứ vào thực chất đời sống chung của vợ chồng mà giải thoát cho người đó khỏi những đau khổ phải gánh chịu từ hôn nhân. Đây là một căn cứ rất hợp lý, nó thực sự bảo vệ cho quyền lợi và tình cảm của cả hai bên nam nữ nếu cuộc sống gia đình chỉ mang lại cho họ đau khổ. Căn cư ly hôn “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” được hướng dẫn cụ thể tại Mục 8 – Nghị quyết số 02/2000/NQ – HĐTP ngày 23/12/2000 của Tòa án nhân dân tối cao. Chính sự thay đổi đầy sáng suốt và hợp lý này trong Luật HN&GĐ đã bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cả hai bên, góp phần vào thực hiện quyền bình đẳng giới trong việc ly hôn. 

2. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn 

Điều 92 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: 

1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. 

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. 

Điều 93 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: 

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. 

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con cà phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên. 

Điều 94 quy định quyền thăm nom con sau khi ly hôn: 

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. 

Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. 

Sau khi cha mẹ ly hôn, người thiệt thòi nhất, không phải là bản thân ông bố bà mẹ, mà là đứa con, nhất là con chưa thành niên. Các Điều trên đều quy định trên cơ sở bảo vệ quyền lợi chính đáng và tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng cha mẹ cho sự phát triển bình thường của đứa con. Quy định “con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi” là vì sự phát triển lớn lên của đứa bé, dựa trên nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, cùng là đấng sinh thành, cùng là con do mình sinh ra, cả ông bố bà mẹ đều mong muốn được trực tiếp nuôi dạy đứa con của mình. Thấu hiểu điều đó, và cũng nhằm thực hiện quyền bình đẳng giới giữa hai bên vợ chồng, khi ly hôn, nếu vợ chồng thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết các vấn đề sau ly hôn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người phụ nữ và con, thì Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó. Nếu vợ chồng không thỏa thuận được với nhau hoặc có thỏa thuận nhưng quyền lợi của người vợ và các con không được bảo đảm thì Tòa án sẽ phán xử và quyết định ai là người sẽ được trực tiếp nuôi con. Người còn lại, không được trực tiếp nuôi con nhưng vẫn có quyền được thăm nom con. Thậm chí, Tòa án còn khuyến khích cha mẹ cùng gần gũi con, tạo cho con tâm lý thoải mái nhẹ nhàng, không để con phải cô đơn, thiệt thòi vì việc ly hôn của cha mẹ. Đối với đứa con của mình, sau ly hôn, cả cha và mẹ đều có quyền được chăm sóc đứa bé. Người không trực tiếp nuôi dạy vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mình, cùng chia sẻ nghĩa vụ nuôi con với người được trực tiếp nuôi con. 

Về vấn đề nuôi con sau ly hôn, các quy định của Luật HN&GĐ quy định rất công bằng, bình đẳng cho cả cha và mẹ, trên cơ sở lợi ích của con. 

3. Chia tài sản sau ly khi ly hôn 
Điều 95 quy định nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn: 

1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó. 

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây: 

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; 

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; 

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; 

d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch. 

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. 

Trong việc giải quyết các hậu quả pháp lý của ly hôn, vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng là điều cần thiết bảo đảm điều kiện sống cho mỗi bên sau khi ly hôn. Song đây cũng là hậu quả pháp lý nặng nề nhất, chứng kiến sự tan rã toàn bộ các cơ sở tinh thần, vật chất của một gia đình với tư các là tế bào của xã hội...Điều 142 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 đã quy định các nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, tuy nhiên, do tính chất phức tạp của loại việc và các quan hệ xã hội vốn có nhiều biến động, nên việc áp dụng quy định có tính nguyên tắc chung này bộc lộ nhiều khó khăn và vướng mắc. Để khắc phục những hạn chế này cũng như nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của các bên khi ly hôn, Luật HN&GĐ năm 2000 đã dự liệu cụ thể hơn về các nguyên tắc chung khi xác định và chia tài sản riêng, tài sản chung của vợ chồng; đặc biệt đối với các tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất của vợ chồng (Điều 95, 96, 97, 98, 99- Luật HN&GĐ năm 2000). 

Theo quy định của Điều 95, việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (khoản 1). Quy định này thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc tự nguyện và quyền “ tự định đoạt” của vợ chồng. So với Điều 42 Luật HN&GĐ năm 1986 “ việc chia tài sản do hai bên thỏa thuận và phải được Tòa án nhân dân công nhận”, Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000 đề cao hơn nữa ý chí của các bên khi bỏ cụm từ “phải được sự công nhận của Tòa án nhân dân”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi chính đáng của cả vợ chồng. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt của phụ nữ và con cũng như tránh sự lợi dụng những quy định này nhằm đạt mục đích tư lợi, không lành mạnh của vợ chồng, việc tự thỏa thuận này không được trái với nguyên tắc mà pháp luật đã đề ra. 

Trước hết, để đảm bảo chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn được công bằng, hợp lý, cần xác định đâu là tài sản riêng và đâu là tài sản chung của vợ chồng; xác định nguồn gốc, giá trị, số lượng, tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình và công sức đóng góp của mỗi bên vợ, chồng, v.v..., sau đó áp dụng các nguyên tắc quy định tại Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000 để chia; kết hợp với từng trường hợp cụ thể được quy định tại các Điều 96, 97, 98 và 99 của Luật HN&GĐ năm 2000, bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản của vợ, chồng và các thành viên khác trong gia đình; tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu riêng của bên đó, tài sản chung về nguyên tắc chia đôi nhưng có xem xét hoàn cảnh, công sức đóng góp của mỗi bên v.v... Quy định “lao động trong gia đình của vợ, chồng được coi như lao động có thu nhập” chính là một điểm cần lưu ý trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới, bênh vực cho quyền lợi hợp pháp của người phụ nữ. Thông thường, trong nhiều gia đình, người chồng thường là chủ lực trong việc tạo ra thu nhập bằng tiền cho gia đình, người phụ nữ vì lí do này lí do kia thường lui về làm nội trợ, chăm sóc con cái, trông nom nhà cửa. Việc làm này của nhiều bà vợ không trực tiếp tạo ra thu nhập bằng tiền cho gia đình nên nhiều khi bị chồng coi thường và vô hình chung nếu không có quy định này, họ đóng góp ít hơn vào khối tài sản chung của gia đình, và sẽ phải chịu thiệt thòi khi phân chia tài sản. 

Điểm b khoản 2 Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn phải: “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Nguyên tắc này nhằm xóa bỏ triệt để quan niệm của chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến trước đây, coi rẻ quyền lợi của người vợ và con. Cần hiểu rằng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi minh phải trên cơ sở pháp luật, tránh tùy tiện. Tòa án có thể kết hợp trong việc chia những tài sản cụ thể, ví dụ: khi chia tài sản chung của vợ chồng đều có nhu cầu cấp bách về chỗ ở, người vợ lại được giao nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, v.v... thì có thể chia ngôi nhà cho người vợ sở hữu, người chồng sẽ được chia những tài sản khác theo công sức đóng góp của họ. 

4. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn 

Điều 60 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình” . Tiếp tục ghi nhận truyền thống đạo đức của người Việt Nam về quan hệ vợ chồng là “một ngày nên nghĩa”, dù hiện tại họ không là vợ chồng nữa, Luật HN&GĐ năm 2000 đã kế thừa có phát triển Luật HN&GĐ năm 1959 và năm 1986, thể hiện ở chỗ: khoản cấp dưỡng và thời gian cấp dưỡng hoàn toàn do bên cấp dưỡng quyết định tùy theo khả năng kinh tế của mình, chứ không phải có sự thỏa thuận của người được cấp dưỡng như trước đây.Quy định việc cấp dưỡng cho một bên túng thiếu sau khi ly hôn nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa hai người dù đã ly hôn vẫn phải quan tâm đến nhau, giúp đỡ nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt. Điều đó thông thường nhằm bảo vệ người phụ nữ khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn sau ly hôn. 

III/ NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LI HÔN, KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

1. Nhận xét, đánh giá việc thực hiên quyền bình đẳng giới trong li hôn

Cùng với quá trình đưa nguyên tắc bình đẳng giới, hoàn thiện và phát triển nó trong chế định li hôn tại Luật HNGĐ nước ta từ sau năm 1945 cho đến nay, việc xét xử của toà án trong thời gian qua đã thực hiện được một cách tương đối quyền bình đẳng giới giữa người vợ và người chồng.

Xét về phía người dân, họ đã hiểu và biết bảo vệ quyền bình đẳng giới của mình, biết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi Toà án giải quyết những hậu quả pháp lý liên quan đến việc li hôn của họ.

Xét về phía Cơ quan xét xử thì xuất hiện những thành tựu và hạn chế sau:

* Thành tựu:

- Đa số các vụ án xử đúng, bảo vệ và đem lại quyền và lợi ích chính đáng của mỗi bên vợ/ chồng khi giải quyết quan hệ cấp dưỡng, tài sản, trong trách nhiệm với con chung.

- Quyết định xét xử có đề cập và thực hiện việc bảo vệ, hỗ trợ cho người phụ nữ, trợ cấp về vật chất, khắc phục khó khăn về tinh thần cho họ sau khi ly hôn, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam.

- Tuy có bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ song không làm phương hại thiệt thòi cho người chồng.

* Hạn chế:

- Những vướng mắc về xác định nguồn gốc tài sản, công sức đóng góp,… đã dẫn đến sự phân chia về tài sản nhiều khi thiếu công bằng, bình đẳng, trong đó, người phụ nữ thường phải chịu thiệt thòi.

- Hạn chế thứ hai là án thiên vị cho phụ nữ khi quá đề cao và coi trong nguyên tắc bảo vệ quyền- lợi ích cho người phụ nữ, ảnh hưởng đến lợi ích của người chồng.

- Sự thiếu rõ ràng, phức tạp của một số thuật ngữ hay việc điều tra, xác minh đúng với tinh thần của các thuật ngữ trong các điều luật trên thực tế gạp khó khăn và rất phức tạp dẫn đến thực hiên chưa đúng quyền bình đẳng trong li hôn giữa vợ và chồng, nhất là trong phân chia tài sản.

2. Kiến nghị một số giải pháp để thực hiện quyền bình đẳng giới một cách tốt hơn khi giải quyết li hôn

- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới.

- Nâng cao hiểu biết cho người dân, đặc biệt là người phụ nữ để họ hiểu về quyền và lợi ích của mình, từ đó biết chủ động bảo về quyền, lợi của mình;

- Nâng cao năng lực, phẩm chất của người thẩm phán, có sự điều tra xác minh khách quan, công tâm trong những vụ án li hôn, làm tròn nghĩa vụ của người thay mặt công lý đem lại quyền và lợi ích bình đẳng nam giới- nữ giới cũng như bảo vệ cho quyền bình đẳng đó được thực hiện.

- Hoàn thiện luật HNGĐ hiện hành theo hướng có các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn các điều luật liên quan đến nguyên tắc bình đẳng giới trong li hôn, tạo điều kiên thuận lợi cho Toà án áp dụng luật được chính xác. Bởi xét về bản chất thì thực hiện quyền bình đẳng giới trong bất kỳ lĩnh vực nào suy cho cùng là làm đúng luật.

LỜI KẾT

Những tiến bộ của một xã hội dân chủ như nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã đưa người phụ nữ lên một địa vị cao hơn và được đặt ngang hàng với nam giới. Bình đẳng giới đã trở thành một quyền cơ bản của công dân. Nó được thực hiện và đảm bảo thực hiện trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực nhạy cảm như ly hôn. Bằng cách thể chế hoá nguyên tắc bình đẳng trong các điều luật của chế đinh li hôn cũng như nhiều chế định khác, pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành cùng cơ quan Tư pháp đang cùng nhau góp phần vào công cuộc đưa bình đẳng giới đi sâu, rộng và ngày càng hiện hữu mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực của cuộc sống, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng thật sự.

Trong khuôn khổ là một bài tiểu luận cá nhân, dù đã có sự đầu tư về thời gian và kiến thức đã học nhưng chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự cảm thong cùng những lời góp ý từ phía quý thầy cô để bài làm được hoàn thiện hơn. 

Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Hôn nhân và Gia đình 2000
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đìnhViệt Nam, nxb Công an nhân dân, Hà Nội-2009.
3. Luật sư- thạc sĩ Nguyễn Văn Cừ- Thạc sĩ Ngô Thị Hường, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật hôn nhân và gia đinh năm 2000, nxb chính trị quốc gia, Hà Nội – 2002

No comments:

Post a Comment